Thực hiện Quyết định số 700/QĐ-BCA-V12 ngày 26/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc cử cán bộ đi công tác tại Qatar, đoàn công tác của Bộ Công an có 5 thành viên gồm Phó Giám đốc Học viện CSND (Trưởng đoàn), Phó Giám đốc Học viện ANND và 03 cán bộ của hai Học viện đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ bảy của Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế (INTERPA) từ ngày 01/4 đến 06/4/2018 tại thành phố Doha, Thủ đô Qatar.
Hội nghị INTERPA lần thứ bảy do Đại học Cảnh sát Qatar - Bộ Nội vụ Qatar đăng cai tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Thư ký INTERPA - Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề chính “Những xu hướng mới trong phòng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”. Hội nghị có sự tham gia của 300 đại biểu thuộc các cơ sở đào tạo là thành viên của INTERPA từ 34 quốc gia và đại diện của 02 tổ chức quốc tế là Hiệp hội Đại học Cảnh sát Châu Âu (AEPC), Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát ASEAN (ASEANAPOL). Hội nghị do Chủ tịch INTERPA (Giám đốc Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ) và Hiệu trưởng Đại Học Cảnh sát Qatar đồng chủ trì. Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Qatar, Abdullah Bin Nasser Bin Khalifa Al Thani đến dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị.
Hội nghị kéo dài 04 ngày với 05 phiên họp tương ứng với 05 chủ đề là:
(1) Quá trình cực đoan hóa và các loại cực đoan;
(2) Bạo lực chính trị và đối phó với Chủ nghĩa khủng bố;
(3) Phòng chống khủng bố và Chủ nghĩa cực đoan liên quan đến quản lý đám đông bố tại các sự kiện thể thao toàn cầu;
(4) Đấu tranh chống các tổ chức khủng bố và ngôn ngữ dùng trong các tổ chức khủng bố;
(5) Hoạt động phòng chống khủng bố tại các quốc gia.
Trong 5 phiên họp đã có 21 bài tham luận của các đại biểu phân tích, đánh giá về khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đang diễn ra hiện nay và những phản ứng của các quốc gia trong việc tiếp cận và xử lý thông tin về khủng bố.
Đại diện đoàn Việt Nam (Học viện CSND và Học viện ANND) đã có 02 bài tham luận về hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố và những quy định của pháp luật Việt Nam về hạn chế chủ nghĩa cực đoan trong việc đảm bảo ổn định, hoà bình trong khu vực. Bài tham luận được Hội nghị đánh giá cao.
Theo chương trình nghị sự, Đoàn công tác cũng đã tham gia phiên họp Ban Điều hành và Hội đồng chung của INTERPA. Tại các buổi họp, các thành viên INTERPA đã thảo luận về chủ đề của hội nghị tiếp theo, cơ chế tăng cường hiệu quả các hoạt động của hiệp hội, tăng cường sự đóng góp của các thành viên hiệp hội vào hoạt động chung và đề xuất nghiên cứu cơ chế hỗ trợ kinh phí cho đơn vị đăng cai tổ chức các Hội nghị thường niên trong thời gian tới. Đồng thời, thống nhất một số nội dung như: kết nạp thêm 05 thành viên mới là: Học viện Bộ Nội vụ Uzbekistan, Phái đoàn An ninh quốc gia Cameroon, Cơ quan Cảnh sát Zambia, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Timor-Leste và Trường Đào tạo lãnh đạo Cảnh sát quốc gia Salambo của Tunisia; Hội nghị tiếp theo sẽ được tổ chức tại Cộng hoà Ấn Độ; một số thành viên thông báo về kế hoạch tổ chức một số khoá tập huấn và sẽ mời các thành viên đăng ký tham dự trong thời gian tới.
Bên lề Hội nghị, Học viện CSND đã gặp gỡ đoàn đại biểu Học viện Cảnh sát Campuchia và Đại học Khoa học hình sự Gujarat Ấn Độ. Lãnh đạo Học viện Cảnh sát Campuchia cho biết, hiện nay trường bạn đã báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ Campuchia về việc khen thưởng một số tập thể, cá nhân của Học viện CSND nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện và sẽ sớm có thông báo cụ thể cho Bộ Công an Việt Nam và Học viện CSND về việc này. Đại học Khoa học hình sự Gujarat là một trong những cơ sở đào tạo chuyên ngành khoa học hình sự hàng đầu của Ấn Độ. Trường bạn đề nghị hai bên cùng nghiên cứu phương hướng hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật hình sự.
Thanh Hải