Được sự đồng ý của Lãnh đạo
Bộ Công an, từ ngày 14-17/4/2013, đồng chí Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Xuân
Yêm, Giám đốc Học viện CSND đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Học viện Cảnh sát nhân
dân tham dự Hội nghị thường niên lần thứ hai của Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế (INTERPA), tổ chức tại thành phố Riyadh, Thủ đô của Ả-rập Xê-út.
INTERPA
(International Association of Police Academies) được thành lập theo sáng kiến của
Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động dưới sự bảo trợ của Chính phủ
Thổ Nhĩ Kỳ. INTERPA được tổ chức với mục tiêu thiết lập một cơ chế hợp tác mở,
mang tính tự nguyện và không có các ràng buộc về nghĩa vụ tài chính hoặc cam kết
chính trị. Ra đời từ tháng 7/2011, hiện nay INTERPA đã có 49 cơ sở đào tạo cảnh
sát từ 46 quốc gia làm thành viên chính thức. Thông qua các hoạt động thường niên hoặc không thường
niên của INTERPA các thành viên sẽ cùng hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công
tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cảnh sát. Sau khi xin ý kiến chuyên môn và
được sự đồng ý của các đơn vị liên quan của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư
pháp về việc gia nhập tổ chức này, Bộ Công an đã nhất trí cho Học viện CSND
tham gia làm thành viên chính thức INTERPA tại Hội nghị thường niên lần thứ hai
năm 2013 tại Ả-rập Xê-út.
Hội
nghị thường niên INTERPA 2013 được tổ chức từ ngày 14-17/4/2013 tại Thành phố
Riyadh, Thủ đô của Ả-rập Xê-út, một trong những quốc gia rộng lớn nhất khu vực
Trung Đông và cũng là quốc gia thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển của thế giới
(G20). Theo nghị quyết của INTERPA sau Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 4/2013 tại
Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Hội nghị thường niên lần thứ hai năm 2013 do do Đại học
King Fahd, cơ sở đào tạo cảnh sát và an ninh quốc gia của Bộ Nội vụ Chính phủ
Hoàng gia Ả-rập Xê-út đăng cai tổ chức. Hội nghị năm nay có sự tham gia của gần
200 đại biểu đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng chủ trì Hội nghị là Thiếu
tướng, TS. Fahad Bin Ahmad Alshalan, Hiệu trưởng trường Đại học King Fahd và
GS.TS. Remzi Findikli, Chủ tịch Đại học Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch
INTERPA.
Các trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Hội
nghị năm 2013 của INTERPA có chủ đề “Những
vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu khoa học cảnh sát
hiện nay”.Trong 6 phiên họp toàn thể, đại diện các cơ sở đào tạo cảnh sát của
các nước đã trình bày trên 30 bài tham luận xoay quanh ba vấn đề chính liên
quan đến chủ đề Hội nghị, đó là:
+ Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên
trong các nhà trường cảnh sát. Các bài tham luận đã đi sâu phân tích, bàn bạc và chia sẻ
kinh nghiệm về các chương trình phát triển đội ngũ giảng viên trong các nhà trường
cảnh sát; các hình thức khuyến khích việc tự trau dồi, nâng cao năng lực chuyên
môn của đội ngũ giảng viên; xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá năng lực
giảng dạy của giảng viên; tăng cường kinh nghiệm thực tế của giảng viên tại các
nhà trường cảnh sát; đánh giá việc đào tạo và ứng dụng các kỹ năng bổ trợ cho
giáo viên như: kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử; các chính sách hỗ
trợ giáo viên nâng cao trình độ học thuật qua các chương trình đào tạo sau đại
học…
+ Đánh giá và trao đổi kinh nghiệm về việc ứng dụng
công nghệ, kỹ thuật trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Các đại biểu đã tập trung đánh
giá và thảo luận về tính hiệu quả của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật trong đào
tạo cảnh sát, những trở ngại trong việc sử dụng công nghệ trong công tác đào tạo,
huấn luyện cảnh sát, đào tạo giảng viên. Một số trường cũng đã giới thiệu những
kinh nghiệm thực tế trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật trong giảng dạy và
đào tạo cảnh sát (Ả-rập Xê-út: mô hình học trực tuyến, sử dụng sách điện tử; Thổ
Nhĩ Kỳ: mô hình ứng dụng công nghệ tin học trong huấn luyện tình huống thực tế)
+ Công tác xây dựng, thiết kế và phát triển chương
trình đào tạo cảnh sát. Các đại biểu đã trình bày tham luận về việc xây dựng và tổ
chức thực hiện các chương trình đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo cảnh
sát, một số kinh nghiệm về các chương trình hợp tác đào tạo; và trao đổi kinh
nghiệm trong việc vận dụng những kiến thức thực tế vào công tác xây dựng chương
trình đào tạo cụ thể như: chương trình đào tạo phòng chống tội phạm khủng bố;
đào tạo lực lượng cảnh sát gìn giữ hòa bình quốc tế; việc kết hợp giữa chương
trình đào tạo và các hoạt động thực tế của cộng đồng…
Đồng chí Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND,
Trưởng đoàn Việt Nam tham luận tại Hội nghị
Tại
Hội nghị, đồng chí Thiếu tướng, GS. TS
Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND, Trưởng đoàn Việt Nam, đã có bài
tham luận về công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên cảnh sát và một số
đề nghị về phương hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của INTERPA. Bài tham luận
đã giới thiệu về công tác đào tạo cảnh sát của Việt Nam, kinh nghiệm trong việc
nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên cảnh sát thông qua
các chính sách về đào tạo nâng cao, tập huấn chuyên đề, cơ chế đánh giá, khen
thưởng… Đồng thời, Học viện CSND đã đề nghị INTERPA cần tăng cường công tác
trao đổi kinh nghiệm về đào tạo cảnh sát và nghiên cứu khoa học giữa các quốc
gia thành viên thông qua trang tin chính thức của mình, xây dựng và xuất bản Tạp
chí đào tạo cảnh sát quốc tế, tăng cường tổ chức hoạt động hợp tác chuyên đề giữa
các thành viên. Các đề nghị này đều được Hội đồng điều
hành của INTERPA ghi nhận và phản ánh vào Tuyên bố chung của Hội nghị.
Trong
phiên họp của Đại hội đồng INTERPA ngày 16/4/2013, Đoàn chủ tịch đã báo cáo trước
Đại Hội đồng INTERPA về việc kết nạp các thành viên mới vào Hiệp hội. Sau khi
xem xét, các thành viên chính thức của INTERPA đã biểu quyết và nhất trí việc Học
viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam làm thành viên chính thức của INTERPA. Tại
phiên họp toàn thể trước khi bế mạc Hội nghị, Chủ tịch INTERPA đã chính thức
công bố các thành viên mới của Hiệp hội và trao văn kiện chính thức của INTERPA
đã được ký kết cho Trưởng đoàn Việt Nam và các thành viên mới được kết nạp năm
2013. Trưởng đoàn Việt Nam - Giám đốc Học viện CSND đã có bài phát biểu cảm ơn
INTERPA đã tạo ra một diễn đàn hợp tác hữu ích cho các cơ sở đào tạo cảnh sát
và phù hợp với bối cảnh quốc tế, khu vực; cảm ơn các thành viên đã đồng thuận
việc Học viện CSND trở thành thành viên của INTERPA.
Đoàn cán bộ Học viện CSND tham dự Hội nghị
Có
thể nói, tuy mới thành lập nhưng những định hướng mà INTERPA đề ra cộng với sự
linh động trong cơ chế hợp tác đã tạo ra sự quan tâm, tham gia tích cực của các
nước thành viên. Theo Văn kiện chính thức của INTERPA, Tổ chức này hoạt động theo
chiến lược “Đại dương xanh” (Blue Ocean
Strategy) với mục tiêu kết nối các Học viện đào tạo cảnh sát hoặc các cơ sở
đào tạo cảnh sát tương đương của các nước trên thế giới, cùng trao đổi, chia xẻ,
bàn bạc để cùng giúp nhau tiến bộ, tránh đối đầu, xung đột, với phương châm:
không tạo gánh nặng tài chính; cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động linh hoạt; tạo
ra một diễn đàn hợp tác hiệu quả, lâu dài và ổn định.
Đoàn cán bộ Học viện CSND chụp ảnh cùng các thành viên mới của INTERPA
Do đó việc Học viện CSND trở
thành thành viên của INTERPA đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác đối
ngoại và hợp tác quốc tế của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam nói chung và
các cơ sở đào tạo cảnh sát nói riêng. Hiện nay, trên thế giới chưa có tổ chức
quốc tế nào liên kết các trường đào tạo cảnh sát chính thống như INTERPA, do
đó, đây là cơ hội để Học viện CSND tham gia một diễn đàn quốc tế chính thức về
đào tạo cảnh sát, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở đào tạo
cảnh sát của các nước. Qua quá trình tham gia các hoạt động của Hiệp hội, Học
viện CSND có cơ hội mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp cận và học hỏi
nhiều hình thức, cơ chế đào tạo và nghiên cứu khoa học cảnh sát của các quốc
gia thành viên. Hoạt động này hoàn toàn phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng,
nhà nước ta và chủ trương hợp tác quốc tế của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh
đạo Bộ Công an. Hoạt động này cũng sẽ góp phần giúp cho Học viện CSND triển
khai thực Đề án quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của
các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020 với mục tiêu
xây dựng Học viện CSND trở thành trường trọng điểm của ngành Công an năm 2015
và trường trọng điểm quốc gia năm 2020.
Cao Hoàng Long