Tin hoạt động
Thứ Sáu, 1/9/2017 21:54'(GMT+7)

Học viện CSND và Chương trình AAPTIP hợp tác đào tạo trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người

Đại biểu tham dự khóa tập huấn về Điều tra vụ án mua bán người tại Học viện CSND

Đại biểu tham dự khóa tập huấn về Điều tra vụ án mua bán người tại Học viện CSND

Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) từ năm 2012 đến năm 2014 đã có hơn 500 dòng mua bán người khác nhau bị phát hiện trên thế giới. Các quốc gia Tây Âu và Nam Âu đã phát hiện ra nạn nhân đến từ 137 quốc gia khác nhau. Trong vòng 10 năm qua, hồ sơ nạn nhân bị buôn bán được phát hiện cũng đã thay đổi. Mặc dù hầu hết nạn nhân được phát hiện là nữ giới nhưng số lượng trẻ em và đàn ông bị bán đã chiếm số lượng lớn hơn trong tổng số nạn nhân được phát hiện so với thập kỷ trước.

Năm 2014, trẻ em chiếm 28% (20% trẻ em gái và 8% trẻ em trai), nam giới chiếm 21% trong tổng số nạn nhân được phát hiện (năm 2004 tỷ lệ nam giới là 13%). Cùng với sự gia tăng tỷ lệ nam giới, số nạn nhân bị bán vì mục đích cưỡng bức lao động cũng tăng. Có 4 trong tổng số 10 nạn nhân bị phát hiện từ năm 2012 - 2014 bị mua bán vì mục đích cưỡng bức lao động và trong số này 63% là nam giới.

Mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động vẫn là dạng phổ biến nhất trong các vụ án mua bán người bị phát hiện. Ngoài ra, nạn nhân còn bị mua bán vì nhiều mục đích khác như đi ăn xin, cưỡng bức lao động, hôn nhân giả, sản xuất phim khiêu dâm, trẻ em đi làm lính vũ trang bất hợp pháp hoặc lấy nội tạng.  

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn quốc phát hiện 2.205 vụ án mua bán người, bắt 3.342 đối tượng, giải cứu 4.495 nạn nhân. 10 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện 388 vụ mua bán người với 521 đối tượng, lừa bán 715 nạn nhân. Nạn nhân tại Việt Nam chủ yếu bị lừa bán sang Trung Quốc (70%) còn lại là sang các nước Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan…


Đại biểu tham dự khóa tập huấn về “Xác định nạn nhân và cách tiếp cận, lấy nạn nhân làm trung tâm” tổ chức tại Quảng Ninh

Trước tình hình tội phạm mua bán người đang diễn biến ngày càng phức tạp, số lượng nạn nhân bị mua bán ngày càng gia tăng, yêu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng thực thi pháp luật trong đó có lực lượng Cảnh sát hình sự - lực lượng trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này là rất quan trọng. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Học viện CSND đã cộng tác chặt chẽ với các chuyên gia của Chương trình hợp tác châu Á - Ốt-xtrây-li-a về phòng, chống buôn bán người tại Việt Nam (Chương trình AAPTIP) biên soạn bộ tài liệu chuyên khảo về “Điều tra tội phạm mua bán người cho lực lượng Cảnh sát hình sự Việt Nam” sau đó tổ chức thành công 01 khóa tập huấn về “Một số kỹ năng điều tra vụ án mua bán người cho lực lượng Cảnh sát hình sự” tại Học viện CSND (từ ngày 8 - 12/5/2017) và 01 khóa tập huấn về “Xác định nạn nhân và cách tiếp cận, lấy nạn nhân làm trung tâm” cho lực lượng Cảnh sát làm công tác phòng, chống tội phạm mua bán người tại Quảng Ninh (từ ngày 20 - 28/8/2017). 

Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã chia sẻ cho đại biểu nhiều kiến thức, kinh nghiệm tổng hợp, có hệ thống về pháp luật quốc tế và trong nước liên quan đến mua bán người, quy trình điều tra vụ án mua bán người, xác định nạn nhân và cách tiếp cận, lấy nạn nhân làm trung tâm theo kinh nghiệm của quốc tế. Ngoài ra, đại biểu cũng đã phân tích nhiều tình huống và tham gia đóng vai, thực hành giải quyết các vụ án về mua bán người do chuyên gia đưa ra.

Chương trình hợp tác đã đem lại lợi ích thiết thực cho các học viên tham dự, giúp học viên tăng cường kiến thức, năng lực trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, tạo cơ hội để lực lượng phòng, chống tội phạm mua bán người thuộc lực lượng Cảnh sát hình sự có điều kiện gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước, tạo thuận lợi trong công tác, phối hợp xác định nạn nhân, điều tra các vụ án mua bán người nói riêng, các vụ việc hình sự khác trong tương lai.

Các chương trình tập huấn nêu trên đã đánh dấu sự hợp tác thành công giữa Học viện CSND và Chương trình AAPTIP, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và chất lượng đào tạo của nhà trường đồng thời đóng góp cho sự thành công của Chương trình hợp tác châu Á - Ốt-xtrây-li-a về Phòng, chống buôn bán người tại Việt Nam.

Nguyễn Vân - HTQT

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất