Ngày 11/11/2019 tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp quốc gia dưới sự chủ trì của GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương đã họp đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học cấp quốc gia “An ninh xã hội, an ninh con người trong điều kiện mới ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” (mã số KX.04.26/16-20) do Học viện Cảnh sát nhân dân là cơ quan chủ trì và Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm làm Chủ nhiệm với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài Học viện Cảnh sát nhân dân.
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình khoa học xã hội trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, mã số KX.04/16-20 do Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu và Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì. Đề tài được tiến hành nghiên cứu từ 2017 - 2019 và là một trong 04 đề tài cấp Nhà nước được Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức nghiên cứu trong giai đoạn 2017 - 2019.
Đề tài đã phân tích, đánh giá và đưa ra những nhận thức mới về an ninh xã hội, an ninh con người trong điều kiện mới ở Việt Nam, góp phần đề xuất tư duy mới về an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Đề tài cũng đánh giá, khảo sát tình hình an ninh xã hội, an ninh con người ở nước ta từ 2010 - 2018, phân tích kinh nghiệm quốc tế của các nước bạn Trung Quốc, Nhật Bản, Canada. Từ đó đã đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người trong điều kiện mới ở nước ta.
Nhiều kiến nghị, đề xuất của Đề tài đã được Hội đồng lý luận Trung ương, Tiểu ban soạn thảo văn kiện Đại hội XIII ghi nhận và đánh giá cao như: các kiến nghị đưa nội dung an ninh xã hội, an ninh con người vào trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đưa nội dung bảo vệ môi trường sống, an toàn thực phẩm vào trong phần: Xây dựng môi trường sống với bầu trời xanh, nước trong xanh, đất đai sạch và thực phẩm an toàn; đưa nội dung an ninh xã hội, an ninh con người vào làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII: Xây dựng Việt Nam bình an với an ninh xã hội, an ninh con người được đảm bảo.
Đề tài cũng đề xuất tư duy mới về an ninh quốc gia bao gồm ba trụ cột: An ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh con người.
Đề tài đề xuất Chính phủ ban hành xây dựng Chiến lược quốc gia về An ninh xã hội, an ninh con người với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng một Việt Nam bình an với 04 tiêu chí: ít xung đột xã hội và có đồng thuận xã hội cao; ít tội phạm và tệ nạn xã hội, ít tai nạn giao thông; môi trường sống trong sạch với bầu trời xanh, nước trong xanh, đất đai sạch và thực phẩm an toàn; không có người nghèo đói, mọi người có việc làm và được đảm bảo an sinh xã hội tốt.
Đề tài cũng nêu những kiến nghị cụ thể về đổi mới tổ chức thực hiện bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người theo hướng “một việc do một bộ, một ngành đảm nhận”.
Đề tài đã tổ chức 4 Hội thảo khoa học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, tổ chức khảo sát ở 5 tỉnh, thành phố lớn trọng điểm với 1300 phiếu khảo sát xã hội học, tổ chức nghiên cứu, khảo sát ở Nhật Bản, có 17 bài báo khoa học trong đó có 02 bài báo đăng quốc tế, xuất bản 02 cuốn sách, phối hợp đào tạo 02 thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh.
Hội đồng nghiệm thu đã bỏ phiếu đánh giá đề tài đạt kết quả xuất sắc.
Hội đồng lý luận trung ương cũng đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài biên tập trên cơ sở Báo cáo tổng hợp đề tài thành 01 cuốn sách phát hành rộng tới các cơ quan ban, ngành trung ương và địa phương để góp phần nâng cao nhận thức về an ninh xã hội, an ninh con người trong tình hình mới và có 01 Báo cáo tư vấn gửi Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII về kết quả nghiên cứu về an ninh xã hội, an ninh con người.
Việt Anh