Tham dự Hội thảo có Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện CSND; Trung tướng, GS. TS Nguyễn Ngọc Anh - Thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng, các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu các học viện, trường CAND, đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Về phía Học viện CSND có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện qua các thời kỳ, các đồng chí chuyên viên cao cấp, các nhà khoa học và đại diện cán bộ, giảng viên, học viên các khóa học, hệ học.
Dưới dự chủ trì của Trung tướng, GS. TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra những đánh giá khái quát về lịch sử truyền thống, quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Học viện CSND trong 55 năm qua; những đóng góp của Nhà trường đối với công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND và sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của đất nước. Từ đó, đề xuất những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng Học viện ngày càng phát triển, sớm trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện CSND đã điểm lại những dấu ấn nổi bật trong 55 năm xây dựng và phát triển. Theo GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Học viện CSND là nhà trường tiên phong trong nhiều lĩnh vực của công tác giáo dục đào tạo của lực lượng CAND. Cụ thể, Học viện là trường CAND đầu tiên đào tạo bậc đại học Cảnh sát vào năm 1975, là nhà trường Công an đầu tiên đào tạo Thạc sĩ vào năm 1992 và cũng là trường CAND đầu tiên đào tạo Tiến sĩ vào năm 1995. Học viện luôn đi đầu trong đổi mới giáo dục CAND với 2 giải pháp chính là gắn giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND và mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo với nhiều quốc gia trên thế giới.
Để Học viện phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm đề nghị nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng Học viện CSND trở thành Học viện CSND thông minh, là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số trong hệ thống các trường CAND; bổ sung thêm một số nội dung đào tạo phù hợp với thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng CAND; coi trọng công tác bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giáo viên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CAND và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất để Học viện thực sự trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu trong lực lượng CAND.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ: Với niềm vinh dự, tự hào từng là học viên của nhà trường, đồng thời cũng là giáo viên thỉnh giảng gắn bó với Học viện, được chứng kiến sự phát triển, trưởng thành vượt bậc của Nhà trường trong nhiều năm qua, đồng chí mong muốn Học viện CSND tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về khoa học an ninh; chú trọng công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác giảng dạy, xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực nghiệp vụ chuyên ngành; đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy để đào tạo được những sĩ quan Cảnh sát giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, thành thục các kỹ năng về ngoại ngữ và tin học để sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ quốc tế.
Với tư cách là cựu học viên Khoá D1, nguyên Phó Giám đốc Học viện CSND và có hơn 30 năm công tác tại Học viện, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Huy Thuật khẳng định: đào tạo lý luận gắn với thực tiễn là con đường tối ưu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Học viện CSND. Đây cũng là quan điểm nhất quán, được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện qua các thời kỳ luôn coi trọng và vận dụng sáng tạo trong 55 năm qua. Trong thời gian tới, Học viện cần tiếp tục gắn đào tạo lý luận với thực tiễn bố trí và sử dụng cán bộ của ngành Công an, cập nhật, bổ sung giáo trình, tài liệu dạy học trên cơ sở hệ thống hóa các quy trình công tác của lực lượng Công an; áp dụng các phương pháp đào tạo tích cực, trong đó tăng cường tổ chức báo cáo thực tế, thực hành môn học, thực tập nghiệp vụ cho học viên; chú trọng bồi dưỡng năng lực tự học tập, tự nghiên cứu cho học viên để thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thực tiễn công tác.
Đánh giá về kết quả phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của Học viện, Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an nhấn mạnh: Học viện CSND là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu về đổi mới và đạt nhiều thành tích nổi bật trong phong trào thi đua dạy giỏi của các học viện, trường CAND. Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, tham gia Hội thi Giảng viên dạy giỏi cấp Bộ, Học viện CSND đã 03 lần xuất sắc đạt giải Nhất toàn đoàn và đạt nhiều giải cá nhân với số lượng giảng viên tham gia dự thi đông đảo ở tất cả các lĩnh vực tổ chức thi. Đồng chí đề nghị Ban Giám đốc Học viện tiếp tục quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu, không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học nhằm bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho học viên.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, đại diện Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng khẳng định trong thời gian qua, Học viện CSND đã tăng cường đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, hướng mục đích đào tạo sát với yêu cầu thực tế công tác của ngành Công an thông qua việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị và rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học viên. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã qua đào tạo, rèn luyện tại Học viện CSND đều có năng lực tốt, chuyên môn sâu, tư duy tốt, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập tốt, sớm bắt nhịp được với thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng Công an.
Mối quan hệ phối hợp giữa Học viện CSND với Công an các đơn vị, địa phương trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học được tăng cường và mở rộng. Học viện thường xuyên mời các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ có kinh nghiệm tham gia các Hội nghị, Hội thảo, báo cáo chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Học viện cũng hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp các luận cứ khoa học để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm trong các lĩnh vực.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trung tướng, GS. TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện khẳng định: Hội thảo “Học viện Cảnh sát nhân dân - 55 năm xây dựng và phát triển” đã nhận được sự quan tâm tham dự, chỉ đạo sát sao, những ý kiến tâm huyết, quý báu của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học trong ngành Công an, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện, chuyên viên cao cấp và đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, học viên Học viện với trên 70 bài viết tham luận được gửi về Ban Tổ chức. Những nội dung phong phú và thiết thực của các tham luận sẽ là căn cứ để Học viện CSND tiếp tục phát huy truyền thống, phấn đấu phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.
PV