Được sự chỉ đạo và giao nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 29/11/2024, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội (TPHN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phòng, chống tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam”.
Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc, Trưởng khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Học viện CSND và Đại tá Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TPHN đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng tham dự có tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; tập thể lãnh đạo, cán bộ thực tiễn đang công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TPHN và học viên chuyên ngành đang học tập, rèn luyện tại Học viện CSND.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo cho biết: Trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy ở Việt Nam và quốc tế có diễn biến phức tạp, chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ma túy truyền thống như thuốc phiện, cần sa… có xu hướng giảm được thay thế bằng các loại ma túy mới là ma túy tổng hợp. Tội phạm về ma túy có chiều hướng hình thành các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia có vũ khí nóng từ khu vực “tam giác vàng”, từ Châu Âu về Việt Nam sau đó vận chuyển một phần sang Trung Quốc hoặc một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hồng Kông, Philippin... tiêu thụ.
Đặc biệt, thời gian gần đây tuyến hàng không, bưu điện trở thành “tuyến trọng điểm” trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy. Các đối tượng phạm tội đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu qua tuyến đường hàng không chủ yếu từ các nước như: Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Canada... để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy (chủ yếu là ma túy tổng hợp) với thủ đoạn rất tinh vi, trà trộn trong hàng hóa tiêu dùng hàng ngày như: Bột mỳ, sữa bột, kem đánh răng, sách vở, hoa quả, hạt nhựa PP, giày dép… làm cho tình hình tội phạm về ma túy trên tuyến này diễn biến ngày càng phức tạp.
Lãnh đạo Bộ Công an đã lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm “phòng ngừa và ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm, từ nơi xuất phát”; chủ động nắm chắc tình hình, thu thập tài liệu và đấu tranh, điều tra xử lý tội phạm về ma túy với phương châm “không chỉ bắt khúc giữa, phải bắt cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu; điều tra triệt để, không làm oan sai, không để lọt tội phạm, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế”. Trong đó, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt, đã chủ động đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, ban hành các kế hoạch và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác đã đề ra.
Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc, Trưởng khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát biểu tại Hội thảo
Với tinh thần đó, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm xây dựng, hoàn thiện và nâng cao nhận thức lý luận, đề ra các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống ma túy nói chung và phòng chống tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hội thảo khoa học đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an với hơn 50 bài viết, tham luận.
Dưới sự định hướng của Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc và Đại tá Trần Quyết Thắng, các tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra trong quá trình điều tra các vụ án vận chuyển, mua bán trái phép ma túy từ nước ngoài về Việt Nam; đánh giá thực trạng đội ngũ làm công tác điều tra của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đánh giá về cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phục vụ công tác điều tra các vụ án về ma túy; làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy với các lực lượng khác trong và ngoài ngành Công an trong hoạt động khám phá, điều tra vụ án; phân tích, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong điều tra các vụ án. Từ đó đưa ra những dự báo, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra vụ án, điều tra mở rộng vụ án vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy lợi dụng tuyến hàng không trong thời gian tới.
Các đại biểu, cán bộ làm công tác thực tiễn tham luận tại hội thảo
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc, Trưởng khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đánh giá cao những nội dung được thảo luận, đề xuất trong Hội thảo. Đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn quý báu để Học viện CSND tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào công tác giáo dục, đào tạo và là cơ sở để Học viện CSND, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhằm đưa ra các biện pháp quản lý tiền chất hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TPHN chụp ảnh lưu niệm ghi nhận sự thành công của Hội thảo khoa học
Thay mặt lãnh đạo khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc gửi lời cảm ơn tới các lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TPHN cùng các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đã tham dự Hội thảo và đóng góp những ý kiến tâm huyết, quý báu cho công tác phòng, chống tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam hiện nay.
Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy