Sáng 21/3, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong phát triển giao thông thông minh” do Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) và Đại học Bách Khoa Hà Nội đồng tổ chức.
Tham dự Hội thảo, có: Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội; đại diện lãnh đạo Phòng CSGT CATP Hà Nội, các đơn vị thuộc Học viện CSND, Đại học Bách Khoa Hà Nội và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu trong và ngoài nước: Ông Utsumi Rai - Bí thư thứ hai, Trưởng ban An ninh Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội; ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia; ông Khuất Việt Hùng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Nội, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội; ông Trương Việt Đông - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty xây dựng đường cao tốc Việt Nam VEC; bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương; bà Nguyễn Nguyệt Minh - phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam.

Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND phát biểu đề dẫn
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ: Trong bối cảnh đô thị hoá nhanh chóng, các vấn đề như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhu cầu đi lại gia tăng mạnh mẽ, việc phát triển hệ thống giao thông thông minh trở thành một yêu cầu cấp thiết. Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp và nhà quản lý cùng chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn trong phát triển hạ tầng giao thông và quản lý, bảo đảm TTATGT thông minh. Hội thảo cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông thông minh gắn với quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo
Đây cũng là cơ hội quan trọng để Việt Nam mở rộng hợp tác đối với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và giao thông thông minh. Qua đó, nâng cao vị thế của đất nước trên khu vực và thế giới.
Hội thảo đã nhận được 64 bài tham luận của các nhà khoa học các Ban, Ngành trung ương; các trường đại học và viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Các bài viết trong kỷ yếu Hội thảo có sự đầu tư nghiên cứu, nội dung đa dạng, phong phú, có hàm lượng khoa học cao, làm rõ các xu hướng toàn cầu trong chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giao thông thông minh. Qua đó, có sự định hướng phát triển phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam.

Ông Tsuyoshi Tabuchi, Công ty đường sắt Tây Nhật Bản tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, dưới sự điều hành của các đồng chí: Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề, cụ thể như sau:
Một là, Chuyển đổi số là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện. Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 và Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hai là, Việc ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đang trở thành yếu tố then chốt, một xu hướng không thể thiếu trong phát triển hệ thống giao thông thông minh trên thế giới, với sự góp mặt của các công nghệ cốt lõi như AI, IoT, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và 5G/6G. Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo được ứng dụng và mang lại những kết quả khả quan trong lĩnh vực bảo đảm TTATXH nói chung và TTATGT nói riêng.
Ba là, Trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp phân tích, dự báo lưu lượng giao thông mà còn tối ưu hoá điều phối giao thông theo thời gian thực, giúp nâng cao hiệu suất sử dụng hạ tầng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của giao thông đô thị. Sự kết hợp giữa AI và dữ liệu lớn (Big Data) giúp chính phủ và các nhà quản lý giao thông có thể ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn dựa trên phân tích dữ liệu thời gian thực. Việt Nam cần học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phát triển những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước để xây dựng hệ thống giao thông bền vững, thông minh và an toàn hơn cho mọi người. Đồng thời, giảm tải nhân lực và sức lực của lực lượng thực thi pháp luật.
Bốn là, cần nhận định các thách thức như là: vấn đề tương thích với hệ thống giao thông hiện có khi áp dụng AI vào giao thông thông minh; Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, dữ liệu; Khung pháp lý và tiêu chuẩn hoá trong ứng dụng AI.

Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện CSND kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện CSND trân trọng cảm ơn những ý kiến tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Đây đều là những ý kiến phát biểu rất tâm huyết, sâu sắc về những vấn đề lý luận và thực tiễn; là tài liệu có giá trị giúp Ban Tổ chức nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo Bộ Công An, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoàn thiện lý luận, xây dựng chiến lược và kế hoạch ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam trong thời gian tới.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Chương trình
Một số hình ảnh tại Hội thảo:


