Hội thảo khoa học là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng thời, nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ; Đồng chí GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị địa phương, các trường CAND, các đơn vị thuộc Học viện CSND và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu quốc tế đến từ Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Học viện Cảnh sát Hoàng gia Campuchia; Học viện Cảnh sát nhân dân Lào; Học viện Luật và cơ quan thi hành án Liên bang Nga; Đại học Tổng hợp Mát-xco-va mang tên V.Y.Kikot; Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc và Đại học Cảnh sát Luân đôn, Vương quốc Anh.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ: Yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang đặt ra cho lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng những cơ hội mới và thách thức mới. Trong đó, yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế của sĩ quan Cảnh sát Việt Nam với những phẩm chất, tiêu chí, kỹ năng cụ thể là một nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng lực lượng CAND chính quy, góp phần đảm đương những trọng trách lớn cả về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự quốc gia và duy trì trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đây là nội dung tương đối mới, cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, đa chiều, toàn diện và tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng những luận cứ khoa học và định hướng giải pháp đối với công tác đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế ở giai đoạn hiện nay.
Hội thảo đã nhận được gần 70 bài tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các Bộ, Ngành trung ương, Công an các đơn vị, địa phương. Các bài viết trong kỷ yếu Hội thảo có sự đầu tư nghiên cứu, nội dung đa dạng, phong phú, có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an trong công tác lãnh đạo, chỉ huy toàn diện các mặt công tác công an, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng CAND theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.
Tại Hội thảo, dưới sự điều hành của các đồng chí: Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND; Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND và Thiếu tướng, TS Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, nội hàm, khái niệm về “môi trường quốc tế”, “sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế”. Làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý về đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế. Khẳng định giá trị và ý nghĩa thực tiễn của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 có từ 20% đến 30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế”.
Thứ hai, đánh giá thực trạng đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế, chỉ rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và từ đó đúc kết ra các kinh nghiệm, bài học để triển khai trong thời gian tới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế luôn được Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm.
Thứ ba, phân tích, dự báo những tác động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; nhận định những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị trong thời gian tới. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế.
Kết luận Hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND trân trọng cảm ơn những ý kiến tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Đây đều là những ý kiến phát biểu rất tâm huyết, sâu sắc về những vấn đề lý luận và thực tiễn; là tài liệu quý giúp Ban Tổ chức nghiên cứu, tham mưu với Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trong việc xây dựng các định hướng giải pháp đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế.
Ban Tổ chức Hội thảo sẽ khẩn trương báo cáo kết quả Hội thảo với Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy toàn diện các mặt công tác công an, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng CAND theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Đồng thời, chủ động trao đổi, phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác công an để hoàn thiện hệ thống lý luận, cơ sở khoa học về đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế.
PV