Hoạt động của Học viện
Thứ Bảy, 26/11/2022 22:15'(GMT+7)

Hội thảo khoa học quốc tế: “Quản lý tiền chất ma túy - kinh nghiệm của Cảnh sát Việt Nam và quốc tế”

Cùng tham dự Hội thảo có Bà Jennifer Cullen, Trưởng Sĩ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Australia; Ông Kobayashi Kunikazu, Đại diện Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Bà Tạ Thị Bích Liên, Phụ trách Chương trình Quản lý biên giới và Chương trình kiểm soát Công-ten-nơ toàn cầu, Văn phòng UNODC Việt Nam và đại biểu đến từ lực lượng thực thi pháp luật các nước Campuchia, Lào, Thái Lan.

Về phía Bộ Công an Việt Nam, có các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học thuộc Viện Khoa học hình sự, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội và Công an các địa phương, các cán bộ, giảng viên, học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự và Trinh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Học viện CSND.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên, các cán bộ thực tế về công tác quản lý tiền chất theo chức năng của lực lượng Cảnh sát Việt Nam và các nước trên thế giới, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đối với Học viện CSND, việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế này là điều kiện để Học viện nghiên cứu, tiếp cận nhiều hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý tiền chất ma túy, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng các yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, đặc biệt là UNODC.

Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ: Trong những năm qua, thông qua công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an Việt Nam đã phát hiện, điều tra hơn 40 vụ sản xuất trái phép chất ma túy, trong đó phần lớn là các vụ sản xuất ma túy tổng hợp từ tiền chất trôi nổi trên thị trường hoặc bằng cách chiết xuất tiền chất từ thuốc tân dược. Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến năm 2021, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra, phát hiện 60 vụ vi phạm hành chính liên quan đến tiền chất.

Các đại biểu quốc tế trao đổi tại Hội thảo
Các đại biểu quốc tế trao đổi tại Hội thảo

Quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiền chất, không để tội phạm có cơ hội lợi dụng điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp đang là đòi hỏi cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: việc theo dõi, chống thất thoát tiền chất ở các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất còn nhiều bất cập; các đơn vị nhập khẩu tiền chất để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó rất khó kiểm soát đến khâu cuối cùng. Các đối tượng còn lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng và doanh nghiệp để thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đồng bộ, còn một số điểm bất cập, chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn. Thực trạng trên càng khó kiểm soát và xử lý kịp thời khi sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa được triển khai nhịp nhàng. Đặc biệt là hiện nay, một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất chưa được quy định trong danh sách cần kiểm soát (như: thuốc tiền chất; thuốc dạng hỗn hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất). Thực tế, các đối tượng đã lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại thuốc này.  

Trước thực tế đó, chủ đề Hội thảo khoa học đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế với hơn 50 bài viết gửi tới Hội thảo.

Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND và Ông Reiner Pungs, Quản lý Chương trình phòng, chống mua bán bất hợp pháp tiền chất - UNODC Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương
            Trưởng Sĩ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Australia; Ông Kobayashi Kunikazu, Đại diện Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo

Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang và Ông Reiner Pungs đồng chủ trì Hội thảo

Dưới sự định hướng của Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND và Ông Reiner Pungs, UNODC Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương - đồng chủ trì Hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ các vấn đề như: các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước về kiểm soát và quản lý tiền chất; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tiền chất; phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng trong tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.

Các đại biểu thuộc lực lượng Công an nhân dân Việt Nam thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu thuộc lực lượng Công an nhân dân Việt Nam thảo luận tại Hội thảo

Các đại biểu cũng đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm liên quan đến tiền chất và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tiền chất như: xây dựng, bổ sung và phát triển hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế về kiểm soát tiền chất ma túy; nâng cao nhận thức của cán bộ thực thi pháp luật và làm tốt công tác tuyên truyền về kiểm soát tiền chất ma túy, xây dựng mô hình kiểm soát tiền chất hiệu quả ngay từ trong nước; tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất của các cơ quan chức năng; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về kiểm soát tiền chất; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tiền chất và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về kiểm soát tiền chất ma túy…

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND đánh giá cao những nội dung được thảo luận, đề xuất trong Hội thảo. Đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn quý báu để Học viện CSND tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào công tác giáo dục, đào tạo và là cơ sở để Học viện CSND, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhằm đưa ra các biện pháp quản lý tiền chất hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm ghi nhận sự thành công của Hội thảo khoa học

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm ghi nhận sự thành công của Hội thảo khoa học

Thay mặt Ban Giám đốc Học viện CSND, Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang gửi lời cảm ơn tới Chương trình phòng, chống mua bán bất hợp pháp tiền chất - UNODC Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương; cá nhân ông Reiner Pungs - Quản lý Chương trình; cảm ơn Văn phòng UNODC Việt Nam; các đại biểu Thái Lan, Lào, Campuchia, các đại biểu đại diện cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương của Việt Nam đã tham dự Hội thảo và đóng góp những ý kiến tâm huyết, quý báu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực tiễn công tác quản lý tiền chất, đáp ứng các yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

PV

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất