Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công an, ngày 22/3/2018, Học viện CSND phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Tư pháp và Cục Đối ngoại, Bộ Công an tổ chức “Hội thảo về thực thi công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”.
Tham dự Hội thảo có Trung tướng, GS. TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Tư pháp; Đại tá Nguyễn Văn Chiểu - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại; bà Jehance Roccas - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam; bà Nienke Trooster - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; ông Siegfried Merten - Cảnh sát trưởng vùng Antwerpen-Zuid, Vương quốc Bỉ; ông Andiaan Zondag - Giảng viên Viện Clingendael, Hà Lan cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Học viện CSND.
Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác là một trong Các văn kiện nhân quyền quốc tế và khu vực, dưới sự duyệt xét lại của Liên Hiệp Quốc nhằm mục đích phòng chống tra tấn trên toàn thế giới. Công ước đòi các nước tham gia phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong nước mình, và nghiêm cấm các nước trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn. Ngày 7/11/2013, Việt Nam chính thức tham gia Công ước này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, GS. TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Tư pháp đã giới thiệu khái quát những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, Hội thảo là cơ hội để hai bên trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về hoạt động tra tấn và các hình thức trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người trong khuôn khổ việc thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc.
Chuyên gia Bỉ và Hà Lan trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, hai chuyên gia Siegfried Merten và Andiaan Zondag đã trình bày những kiến thức liên quan đến khung pháp lý quốc tế liên quan đến quyền con người áp dụng cho toàn bộ quy trình tố tụng (tình nghi, bắt, giam, thẩm vấn đến buộc tội, kết án và đưa vào cơ sở giam giữ); đồng thời, giới thiệu và đưa ra tình huống giả định để các đại biểu thảo luận, có thể so sánh việc áp dụng pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Đó đều là những kiến thức bổ ích, sẽ hỗ trợ đắc lực cho các giảng viên và học viên trong quá trình giảng dạy, học tập.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, hai chuyên gia và các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, góp phần tăng cường hiểu biết, thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa Việt Nam và các nước liên quan trong lĩnh vực này.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Minh Sang