Tội phạm luôn bước ra từ một ngôi nhà nào đó. Để kiểm soát, ngăn chặn nó, cần phải bắt đầu từ những khu dân cư. Đó là tư duy của giới chức Nhật Bản. Từ 100 năm trước, mô hình "hộp" Cảnh sát "mi ni" đã được áp dụng tại khắp đất nước Mặt trời mọc. Đó là hệ thống các chốt an ninh nhỏ, được đặt ở các khu dân cư, chỉ với từ 1 đến 2 viên Cảnh sát, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh ở khu vực mình phụ trách, phối hợp với người dân để thực hiện nhiệm vụ này. Và, cách làm ấy đã tỏ ra rất hiệu quả, giúp Nhật Bạn trở thành một trong những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.
Cài cắm để kiểm soát
Ước tính có trên 15.000 "hộp" Cảnh sát "mi ni" ở khắp đất nước Mặt trời mọc. Tại đô thị, chúng được gọi với tên "Kôban", còn ở vùng nông thôn là "Chuzaisho". Nhưng dù với tên gọi nào thì đây cũng là những đơn vị Cảnh sát cộng đồng cực nhỏ, nhưng lại giữ nòng cốt trong giữ gìn trật tự trị an tại các khu dân cư. Theo thống kê, các đơn vị này thực hiện tới hơn 70% các vụ bắt giữ mỗi năm tại Nhật.
Mục tiêu thành lập các đơn vị "Kôban", hay "Chuzaisho" là để duy trì an ninh công cộng ở cấp cộng đồng và tham gia vào các hoạt động có liên quan chặt chẽ đến đời sống hàng ngày. Mô hình này đã được người dân đón nhận và ủng hộ. Gọi là "box" (hộp) Cảnh sát, vì tại đây chỉ có từ 1 đến 2 nhân viên.
Điểm đặc biệt của mô hình này là "tái sử dụng" số cán bộ Cảnh sát đã nghỉ hưu. Điều này vừa không làm biên chế của ngành Cảnh sát "phình" ra, mà vẫn bảo đảm tính hiệu quả trong công việc, bởi phát huy được "kho" kinh nghiệm của họ. Ở nông thôn, một sĩ quan cảnh sát hưu trí sẽ được bố trí làm việc tại nơi đang cư ngụ cùng với gia đình của mình, hoặc nơi họ có kinh nghiệm trước đây.
Lợi thế của họ là có thể phản ứng rất nhanh trước tội phạm, tai nạn và các sự cố khác xảy ra trong khu dân cư do mình phụ trách. Điều thú vị ở đây là gia đình đóng một vai trò quan trọng. Người vợ của các nhân viên này có thể giúp chồng trong việc tiếp đón khách, trong lúc đàn ông ra ngoài giải quyết công việc.
Tại các "hộp" Cảnh sát "mi ni", nhân viên có nhiệm vụ tư vấn cho người dân địa phương những kỹ năng phòng chống tội phạm, đồng thời tiến hành tuần tra các khu phố của họ để ngăn chặn và bắt giữ tội phạm, chỉ đạo và điều tiết giao thông, xử lý tai nạn và sự cố khác. Họ là những người đầu tiên đối phó với các tình huống khẩn cấp, cũng là những "kênh" giúp các Sở Cảnh sát nắm tình hình trật tự trị an tại các khu dân cư, lắng nghe và phản ánh những vấn đề của người dân địa phương để cơ quan chức năng có những chính sách ứng phó.
Nhân viên ở đây làm việc bán thời gian, theo ca kíp, trừ khi có công việc đột xuất. Hàng ngày họ trực tiếp giải quyết những vấn đề trị an ở khu dân cư như tai nạn, vi phạm luật giao thông, trộm cắp tài sản, trẻ em mất tích, đánh cãi gây lộn, say rượu và tội phạm vị thành niên... Với các vụ phạm tội nghiêm trọng, họ triển khai vây bắt tội phạm, bảo vệ hiện trường và bảo vệ người dân, phối hợp thu thập chứng cứ để bàn giao cho các đơn vị chức năng giải quyết tiếp.
Lịch sử hình thành
Cải cách Minh Trị Duy tân diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, đã dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Là một phần của quá trình này, năm 1874, Phòng Cảnh sát Metropolitan Tokyo được thành lập để bảo vệ trật tự công cộng trong Tokyo.
Cùng năm đó, một số "Kobansho" (trạm Cảnh sát theo ca) đã được thiết lập tại các giao lộ lớn và địa điểm quan trọng khác. Đến năm 1881, Sở Cảnh sát Metropolitan Tokyo đã quyết định thành lập hệ thống "Hashutsujo" (hộp Cảnh sát), đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống "hộp" Cảnh sát ngày nay. Sau đó mô hình này lan sang các địa phương khác.
Tại thời điểm đó, có 330 "hộp" Cảnh sát được thành lập với hơn 2 nghìn nhân viên. Trong năm 1888, Bộ Nội vụ Nhật Bản đã ban hành một sắc lệnh hành chính cho tất cả các nơi, trừ Tokyo, phải thiết lập "Chuzaisho" (hộp Cảnh sát khu dân cư) trong mỗi thị trấn và làng mạc. Vì mỗi "hộp" được điều khiển bởi một sĩ quan nên các vùng có thể triển khai lực lượng cảnh sát mà không làm gia tăng đáng kể lượng nhân viên.
Ảnh hưởng lan tỏa
Sự thành công của mô hình "hộp" Cảnh sát cộng đồng tại Nhật Bản đã được một số quốc gia quan tâm. Vừa qua, ngành Cảnh sát Philipines đã cử nhiều đoàn đến Nhật tham khảo mô hình này. Giới chuyên môn đánh giá tại Nhật có những điều kiện thuận lợi khác để triển khai mô hình này, như có biển bao bọc, xã hội đồng nhất, có ý thức văn hóa nhóm, có trình độ phát triển kinh tế và công nghiệp cao, đồng thời nhà nước kiểm soát chặt chẽ vũ khí. Bên cạnh đó, cảnh sát Nhật Bản nổi tiếng về trung thực và siêng năng, đã góp phần vào sự thành công của hệ thống "hộp" Cảnh sát.
Tuy nhiên, mô hình này đến nay cũng đang gặp những vấn đề khó giải quyết. Đó là tình trạng "trống rỗng" tại trụ sở, khi mà nhân viên Cảnh sát duy nhất đang bận giải quyết công việc khác ở bên ngoài, không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của cộng đồng cư dân. Tiếp đến, trong bối cảnh tội phạm gia tăng, tần xuất đến thăm viếng người dân theo phương pháp "Door to door" ngày càng giảm, vì nhân viên phải chạy theo giải quyết các sự vụ trong khu dân cư.
Mặt khác, những thay đổi trong lối sống đô thị, ít người ở nhà vào ban ngày nên việc tiếp xúc thăm hỏi càng khó khăn. Chưa kể thiếu sự phân biệt rõ ràng giữa cuộc sống phục vụ công cộng và đời sống riêng, đã đặt một gánh nặng rất lớn cho gia đình các nhân viên này. Ngoài ra, trong tình huống an ninh bị xấu đi thì những đơn vị Cảnh sát đơn lẻ như vậy có thể trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng của bọn khủng bố.
Tất cả những bất cập nói trên đang được giới chức ngành Cảnh sát Nhật Bản tìm kiếm những giải pháp khắc phục.
Trung Hiếu