Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những năm qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPSDCNC) tại Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp với quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Nổi lên là tình trạngsử dụng mạng máy tính, mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tấn công hệ thống mạng máy tính của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, gây lây nhiễm virut... Các đối tượng có nhiều hành vi phạm tội tinh vi gây thiệt hại lớn cho các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài.Việc toàn cầu hóa hoạt động của TPSDCNC ở Việt Nam đang đặt ra những thách thức cho công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
I. Tình hình tội phạm và công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam.
Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển của đất nước, việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật ở nước ta ngày càng được quan tâm đầu tư, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông đã và đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất hiện nay. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến năm 2013, Việt Nam là nước đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 12 tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chỉ số phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông. Hiện nay, Việt Nam có 131 triệu thuê bao điện thoại di động, 4,8 triệu thuê bao Internet băng thông rộng, 15,7 triệu thuê bao 3G. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cả nước hiện có 14.400 máy ATM, 116.700 điểm thanh toán tự động (POS), trên 62,4 triệu thẻ với 410 thương hiệu, 40 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet Banking, 09 tổ chức cung cấp hơn 1,3 triệu tài khoản ví điện tử. Theo Bộ Công thương, hiện có 136 doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Công nghệ thông tin phát triển đang góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; rút ngắn khoảng cách địa lý. Thông qua mạng Internet, việc quản lý, điều hành theo mô hình Chính phủ điện tử ở nước ta đã bước đầu được triên khai; các doanh nghiệp đã thực hiện được các hình thức giao dịch mới trong hoạt động sản xuất
Theo thống kê,thời gian gần đây số vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng internet tại Việt Nam năm sau cao hơn năm trước. Một số loại tội phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng internet diễn ra phổ biến nhất trong thời gian qua là:
- Tội phạm xâm phạm an ninh, an toàn mạng máy tính.
Tội phạm xâm phạm an ninh, an toàn mạng máy tính diễn ra rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam (13 vụ xảy ra, chiếm 21% trong tổng số vụ án có liên quan đến người nước ngoài phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao). Những năm qua, tình hình an ninh, an toàn mạng máy tính tại Việt Nam luôn được đặt trong tình trạng báo động với rất nhiều vụ tấn công, phá hoại, phát tán virus, phần mềm gián điệp, mã độc hại với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ví dụ: Chỉ tính riêng năm 2013 hơn 1.000 website của các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và tập đoàn kinh tế lớn liên tiếp bị tin tặc (Hackers) nước ngoài tấn công, phá hoại làm ngưng trệ hoạt động hoặc xóa toàn bộ dữ liệu website. Theo thống kê của Trung tâm an ninh mạng BKIS, hàng năm, trung bình có khoảng 160.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus hơn 300 website của các cá nhân, tổ chức có tên miền (.vn)bị các hacker nước ngoài thăm dò, tấn công.
Điển hình: vụ hacker Hardcore Charlie trộm cắp và phát tán trên mạng internet các tài liệu liên quan đến một số Bộ trong Chính phủ Việt Nam. Ngày 18/4/2012, phía bạn đã cung cấp thông tin về việc phân tích một tệp tin nén, được phát tán trên mạng Internet của hacker Hardcore Charlie. Cục C50 đã tiến hành thu thập và phân tích tệp tin này, kết quả phát hiện trong tệp tin nén chứa rất nhiều tài liệu liên quan...
Đặc biệt, các đối tượng là người nước ngoài đã tạo ra một số loại virutsiêu đa hình, khi lây nhiễm vào mạng Internet sẽ tự động biến đối, tránh sự phát hiện của các phần mềm diệt virut của máy tính hay thiết bị truy cập Internet. Đồng thời, chúng còn “xây dựng” một số phần mềm gián điệp quét, tìm và khai thác lỗ hổng bảo mật, điều khiển từ xa, có chức năng lấy thông tin lưu trong máy tính, phá hủy dữ liệu, ghi âm thanh, lấy thông tin mật khẩu, thông tin cá nhân, chụp ảnh màn hình, tự động bật webcam... rồi gửi dữ liệu thu được cho đối tượng qua thư điện tử hoạt động ngầm trên máy, rất khó phát hiện, kiểm soát.
Bên cạnh đó, tình trạng thuê Hackers tấn công, trộm cắp dữ liệu của các doanh nghiệp kinh doanh Game Online diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (khoảng 16%). Nhiều doanh nghiệp đã bị chính nhân viên của mình truy cập, thay đổi bất hợp pháp cơ sở dữ liệu để chiếm đoạt tài sản.
Điển hình: Năm 2012, C50 đã điều tra làm rõ vụ đối tượng Phạm Việt Hải - nhân viên của công ty Vinagame lợi dụng vị trí công tác đã truy cập bất hợp pháp vào các tài khoản của công ty để chiếm đoạt và bán các vật phẩm trong game. Hay vụ Vũ Hương Giang cùng với các đối tượng người Trung Quốc đã tấn công, chiếm đoạt và thay đổi cơ sở dữ liệu của Công ty cổ phần giải trí di động tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tội phạm tấn công hộp thư điện tử, chiếm quyền điều khiển, lừa đảo chuyển tiền đến tài khoản của tội phạm.
Các băng nhóm hacker là người nước ngoài (chủ yếu là người gốc Phi) sinh sống tại nước ngoài và Việt Nam, với thủ đoạn tấn công vào các hòm thư điện tử của các doanh nghiệp, cá nhân có quan hệ kinh doanh, thanh toán tiền với nước ngoài. Chúng chiếm quyền điều khiển hộp thư, giả danh doanh nghiệp, cá nhân viết thư cho đối tác, thay đổi các nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu. Đối tượng thay đổi tài khoản thanh toán tiền trong hợp đồng bằng tài khoản do chúng lập nên để khách hàng chuyển tiền vào. Đối tượng cấu kết với các đối tượng trong nước, tìm thuê những người Việt Nam lập tài khoản ngân hàng, chuyển cho chúng để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi nhận được tiền lừa đảo, chúng chỉ đạo người được thuê rút tiền tại ngân hàng và chia nhau theo tỷ lệ đã thỏa thuận (thường người được thuê hưởng 10-20%).
Với hình thức này, thời gian qua rất nhiều các doanh nghiệp cá nhân Việt Nam có hợp đồng kinh tế với nước ngoài và ngược lại bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số lượng tiền rất lớn, vụ ít nhất là 2-3 nghìn USD, vụ nhiều có thể lên đến hàng trăm nghìn USD.
-Tội phạm sử dụng mạng máy tính trộm cắp, mua bán, sử dụng trái phép, là thẻ tín dụng giả.
Tình trạng trộm cắp tài sản, trao đổi, mua bán, sử dụng trái phép, làm giả thẻ tín dụng để mua hàng ở nước ngoài chuyển về Việt Nam tiêu thụ diễn ra phức tạp. Những năm qua, đã hình thành những đường dây gồm nhiều đối tượng cả trong lẫn ngoài nước và có sự phân công thực hiện từng giai đoạn trong quá trình phạm tội. Tội phạm thường xâm nhập bất hợp pháp vào các Website bán hàng, thanh toán trực tuyến để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, sau đó sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng đó để đặt mua hàng hóa trực tuyến có giá trị cao (Iphone, Ipad, laptop, máy ảnh..) chuyển về Việt Nam tiêu thụ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các chủ thẻ.
Điển hình: Năm 2011 Công an thành phố Hà Nội đã khám phá chuyên án mang bí số 216P, đã bắt tạm giam 07 đối tượng người Malaysia và Trung Quốc, có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả để mua hàng hóa có giá trị cao ở Việt Nam mang ra nước ngoài tiêu thụ. Chiếm đoạt số tài sản trị giá gần 01 tỷ đồng; Năm 2010, C50 bắt nhóm đối tượng do Nguyễn Đình Thuần cầm đầu sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài đặt mua hàng tại Mỹ vận chuyến về Việt Nam tiêu thụ 600 vận đơn hàng hóa gồm nhiều laptop, máy tính bảng, máy ảnh, Iphone; C50 đã phối hợp cơ quan điều tra bắt quả tang, thu giữ 16 vận đơn gồm 39 máy tính xách tay, 95 máy tính bảng, 06 điện thoại di động Vertu tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng.
Ngoài ra thời gian gần đây đã hình thành những đường dây gồm nhiều đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài, có sự phân công trách nhiệm giữa các thành viên trong quá trình phạm tội. Đã xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng đồng thời nhiều thiết bị hiện đại và thực hiện đầy đủ các công đoạn làm thẻ tín dụng giả như dập nổi, in chữ, logo của các ngân hàng và in thông tin tài khoản trên thẻ. Tình trạng các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số quốc gia Châu Phi) nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ cao đê phạm tội có chiều hướng gia tăng. Điển hình như: Vụ 3 công dân Trung Quốc thông đồng, móc nối với chủ nhà hàng Minh Hằng tại Vinh- Nghệ An thanh toán khống bằng thẻ tín dụng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng; Vụ các đối tượng Trung Quốc rút khống qua cổng POS chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng tại Hà Nội
-Tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tình hình người nước ngoài lợi dụng việc bán hàng trên các sàn giao dịch trực tuyến để lừa đảo bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc chuyển trước tiền vào tài khoản để chiếm đoạt mà không giao hàng như thỏa thuận xảy ra rất thường xuyên. Đặc biệt, tình trạng sử dụng Internet lừa đảo qua hình thức kinh doanh, huy động vốn đa cấp diễn ra rất phức tạp gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng người nước ngoài là cấu kết với một số người Việt Nam xây dựng website trên mạng và tuyên truyền, tự mạo nhận đây là sàn thương mại điện tử được Nhà nước CHXHCN Việt Nam thừa nhận và bảo trợ, xây dựng phần mềm sử dụng thuật toán chia hoa hồng kích thích lòng tham,để lôi kéo khách hàng tham gia và giới thiệu người khác tham gia để hưởng phần trăm hoa hồng, số người bị hại lên đến hàng chục nghìn, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình: ngày 1/10/2014, C50 phá Chuyên án 814k bắt đối tượng Hsu Ming Jung (Saga) người Đài Loan, Tổng giám đốc Công ty Khải Thái có trụ sở tại tòa nhà Charvit, Hà Nội và đồng bọn sử dụng mạng tính để huy động tài chính, kinh doanh trái phép, chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã thu giữa trên 57 tỷ đồng, 03 xe ô tô mercedes và nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan.
- Tội phạm lừa đảo lấy cắp thông tin cá nhân bằng phần mềm gián điệp để chiếm đoạt tài sản.
Với thủ đoạn sử dụng phần mềm gửi thư rác (spam) có nội dung khuyến mại, trúng thưởng… gửi đến các các địa chỉ thư điện tử của nhiều người. Khi người sử dụng nhận được thông báo chúc mừng đã trúng thưởng một chương trình khuyến mãi chăm sóc khách hàng của một chương trình, cùng với nhiều phần tiền thưởng hấp dẫn,kèm theo đó người dùng phải đăng nhập tài khoản ngân hàng của mình và cung cấp mã xác thực OTP (One Time Password - loại mật khẩu dùng một lần được ngân hàng cung cấp cho chủ tài khoản trước mỗi lần thực hiện giao dịch) để nhận được phần thưởng.
Vì chủ quan, người dùng đã làm theo hướng dẫn. Từ đây, đối tượng sẽ chiếm toàn quyền quản trị, kiểm soát mọi hoạt động của người sử dụng máy tính. Loại virus được cài vào máy sẽ sử dụng các file gửi kèm tự động theo dõi người sử dụng qua webcam, xem toàn bộ giao diện màn hình máy tính, thu toàn bộ thao tác trên bàn phím rồi gửi lại cho đối tượng. Khi phát hiện người sử dụng máy tính thực hiện giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, đối tượng dùng phương thức này để trộm cắp tài khoản, mật khẩu ngân hàng và mã xác thực OTP, sau đó thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản người sử dụng sang các tài khoản khác. Điển hình là vụ Cao Xuân Dương, sinh năm 1991, trú tại xã Nam Dương (Nam Trực, Nam Định), một thợ cơ khí chưa tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng Dương đã tìm tòi những phần mềm virus trên mạng internet và thực hiện hành vi nói trên. Trước khi bị bắt, Dương đã thực hiện trót lọt 3 vụ lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt gần 100 triệu đồng.
- Tội phạm lừa đảo tài sản bằng hình thức làm quen, giả yêu đương trên mạng.
Với thủ đoạn làm quen, trò chuyện, kết bạn qua mạng internet. Các đối tượng, chủ yếu là người nước ngoài (người gốc Phi) cấu kết với một số đối tượng trong nước (ở TPHCM và cá tỉnh phía Nam) giả làm người của những nước phát triển như Mỹ, Đức, Úc… sử dụng tiếng Anh làm quen, đặt vấn đề yêu đương với “con mồi”. Đối tượng sử dụng ảnh giả, video giả, các tài khoản mạng xã hội giả để tạo lòng tin cho bị hại, chúng thường có kịch bản là đã ly dị và có một khối tài sản lớn muốn tặng cho người yêu mình và sẽ tổ chức lễ cưới tại Việt Nam. Sau khi “con mồi” bị khối tài sản hàng triệu đô la làm hoa mắt và phát sinh lòng tham, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển một số tiền đến tài khoản (tại ngân hàng Việt Nam) mà chúng cho trước để làm thủ tục hải quan, phí vận chuyển… Chúng bày ra rất nhiều chiêu trò để người bị hại phải chuyển tiền nhiều lần cho chúng như: phí chuyển tiền tăng, tiền đang bị Cảnh sát nước ngoài tạm giữ, tiền đã về đến Việt Nam nhưng bị hải quan giữ nên phải đưa tiền để hối lộ…Bởi vậy, mỗi bị hại thường đã phải chuyển cho đối tượng lừa đảo 2-3 lần, mỗi lần trung bình hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng. Khi nhận được tiền của “con mồi” chuyển đến tài khoản, ngay lập tức bọn chúng đưa thẻ tín dụng cho những đối tượng người Việt Nam đi rút tiền tại các cây ATM và chuyển lại cho chúng. Đối với người bị hại, lúc phát hiện ra bị lừa đảo, trình báo cơ quan Công an thì tài khoản ngân hàng của kẻ lừa đảo đã trống rỗng.
Điển hình như vụ việc C50 phối hợp cùng C45 chỉ đạo Công an thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ bắt đối tượng OKOYE OCHENNA cùng một số đối tượng quốc tịch Nigeria sinh sống tại Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh câu kết với một số đối tượng người Việt Nam với thủ đoạn trên đã lừa đảo hàng chục nạn nhân, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Bên cạnh những hình thức lừa đảo trên, tình trạng tội phạm truyền thống sử dụng mạng Internet để lừa đảo cũng diễn ra nhiều. Thời gian qua, tình trạng quảng cáo bán hàng hóa trên mạng với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực của sản phẩm (chủ yếu là hàng điện tử), sau khi người mua hàng chuyển tiền tới tài khoản, đối tượng không gửi hàng hoặc gửi hàng kém chất lượng cho người mua. Điển hình, Vụ Đoàn Mạnh Quang 25 tuổi, là tác giả của 2 cuốn sách bán chạy trên mạng được nhiều người biết đến, Quang đã lợi dụng sự nổi tiếng này để lập ra một trang mạng bán hàng trực tuyến, lừa đảo hàng chục người với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
II. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mạng máy tính và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Để ngăn ngừa, đấu tranh, trấn áp có hiệu quả tội phạm sử dụng mạng máy tính trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới, hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công là công tác hợp tác quốc tế và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Công tác hợp tác quốc tế.
Trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, tội phạm công nghệ cao cũng mang tính toàn cầu. Những loại tội phạm công nghệ cao xuất hiện trên thế giới đều xảy ra ở Việt Nam và gây nguy hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, cần phải có sự phối hợp, hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL), TPSDCNC đang trở thành mối nguy hại lớn trên thế giới với thiệt hại mỗi năm khoảng 400 tỷ USD, cao hơn số tiền mà tội phạm buôn bán ma túy thu được và cứ 14 giây lại xảy ra 01 vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao. Lợi dụng sự phát triển rộng rãi của Internet, xu hướng hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao không có biên giới giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, để lại hậu quả lớn và rất khó truy tìm dấu vết. Bất cứ nơi nào có mạng Internet đều có thế là mục tiêu tấn công, xâm hại của TPSDCNC. Với sự trợ giúp của Internet, hành vi TPSDCNC lan tỏa nhanh và rộng khắp toàn cầu, đối tượng phạm tội ở một nơi nhưng có thể gây án ở nhiều nơi khác nên số lượng người bị hại và thiệt hại về vật chất là rất lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tại Hội thảo triển lãm quốc gia an ninh bảo mật năm 2013, trong 100 Website thuộc Chính phủ (có phần mở rộng là gov.vn) có đến 78% có thế bị tấn công toàn diện. Nhất là thời gian qua, nhiều trang báo điện tử tại nước ta, trong đó có 04 trang báo lớn là Dân trí, Vietnamnet, Vnexpress, Tuổi trẻ, bị tấn công từ chối dịch vụ nhiều lần trong một thời gian dài, với những thời điểm lên đến hơn 300 nghìn máy trạm tấn công, làm tê liệt hệ thống mạng của các trang báo này khiến việc truy cập gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo thống kê tổng số đầu mối vụ việc về TPSĐCNC có liên quan đến người nước ngoài gây ra tại Việt Nam có xu hướng tăng đều qua các năm. Đáng chú ý trong chu trình tăng đó là giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2013 (tăng 39 vụ việc). Cùng với đó, số đối tượng là người nước ngoài bị khởi tố về các tội danh liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao năm sau cao hơn năm trước.
- Hợp tác quốc tế trong tương trợ tư pháp hình sự đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Hợp tác quốc tế trong tương trợ tư pháp hình sự là một nội dung quan trọng trong hợp tác quốc tế phòng, chống TPSDCNC của lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam, có ý nghĩa quan trọng về chính trị, xã hội, pháp lý góp phần thể chế hóa thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hội nhập hợp tác quốc tế đã được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta.
Thực tế cho thấy không thể thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự, tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với người nước ngoài phạm tội hoặc người Việt Nam phạm tội đang ở nước ngoài nếu không có sự tương trợ của cơ quan tư pháp quốc gia tương ứng. Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, thực hiện nhiệm vụ, chức năng phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát PCTPSDCNC đã đẩy mạnh hợp tác với các nước, đã tiếp nhận và xử lý gần 100 thông tin liên quan đến TPSDCNC.
Điển hình: Ngày 11/06/2010, C50 nhận được công văn yêu cầu hỗ trợ của văn phòng AFP, Cảnh sát Liên bang Úc điều tra vụ trộm cắp 182 máy tính Apple ở Úc về tiêu thụ ở Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Cảnh sátÚc, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã xác minh và thu thập được chứng cứ quan trọng để làm rõ hành vi của một số đối tượng móc nối với nhau tạo dựng một đường dây vận chuyển hàng hóa từ Úc về Việt Nam không khai báo, trốn thuế với số lượng lớn. Từ sự cộng tác của phía bạn mà chúng ta làm rõ đượcđường dây này có sự tham gia của nhân viên hải quan, an ninh sân bay và tiếp viên hàng không của Việt Nam Airline, đã xác định được lượng hàng nhập lậu về Việt Nam gồm 820 máy tính xách tay các loại và nhiều linh kiện điện tử; số tiền chuyển từ Úc về Việt Nam và ngược lại khoảng 2 triệu đô la Úc.
-Hợp tác quốc tế trong điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao
Từ năm 2010 đến năm 2013, lực lượng Cảnh sát phòng, chống TPSDCNC đã triển khai phối hợp với nhiều quốc gia trên thế giới để tiến hành các hoạt động điều tra có liên quan đến TPSDCNC. Qua khảo sát thực tiễn thấy rằng, một số hoạt động hợp tác quốc tế phổ biến trong quá trình điều tra TPSDCNC như sau:
- Phối hợp trong việc thu thập, xác minh thông tin tài liệu phục vụ công tác phát hiện, điều tra TPSDCNC khi có yêu cầu của một bên. Đây được xem là một trong những yêu cầu hợp tác thông thường giữa lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam với lực lượng Cảnh sát các nước. Nhóm thông tin tài liệu liên quan đếnTPSDCNC được yêu cầu xác minh rất đa dạng. Đó có thể là xác minh các địa chỉ IP mà đối tượng phạm tội sử dụng vào hoạt động phạm tội. Ví dụ: lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã phối hợp với Cảnh sát Anh xác lập và đấu tranh thành công Chuyên án 126S: Đấu tranh chống tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng đế bán cho tội phạm nước ngoài. Thực hiện yêu cầu xác minh của Cơ quan điều tra tội phạm nguy hiểm của Vương quốc Anh (SOCA) đối với đối tượng Nguyễn Ngọc Lâm và Nguyễn Ngọc Thành, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã phát hiện hành vi trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, bán cho các đối tượng tại Vương quốc Anh của hai đối tượng này trên một số diễn đàn để chiếm hưởng tài sản trái phép. Qua quá trình điều tra, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trên và thu giữ trên 4 tỷ đồng.
Ngoài ra lực lượng CSPCTPSDCNC còn hợp tác với Cảnh sát Nga và Hàn Quốc... Ví dụ: Năm 2012, theo yêu cầu của Cảnh sát Hàn Quốc, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã cung cấp thông tin và dữ liệu ổ cứng máy tính liên quan đến một số địa chỉ IP của Việt Nam có hành vi tấn công website của chính phủ Hàn Quốc. Kết quả xác minh này đã làm cơ sở quan trọng để Cảnh sát Hàn Quốc điều tra làm rõ thủ phạm của các vụ tấn công vào Website của Chính phủ Hàn Quốc.
- Phối hợp trong việc phát hiện và điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn công nghệ cao trên lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê từ năm 2010 đến năm 2013, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã phát hiện và điều tra làm rõ 75 vụ án lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản chủ yếu do đối tượng người Trung Quốc thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
- Phối hợp xác minh để truy bắt đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao lẩn trốn, đối tượng có quyết định bắt, quyết định truy nã về hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao của INTERPOL, ASEANAPOL của các bên tham gia ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ TPSDCNC. Đây là sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam với Cảnh sát các nước trong nỗ lực truy tìm, truy bắt các đối tượng truy nã quốc tế phạm tội về sử dụng công nghệ cao. Điều này được thể hiện qua số yêu cầu mà phía lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam nhận được từ các tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL hay Cảnh sát các nước.
- Hợp tác quốc tế trong sử dụng kỹ thuật và khoa học công nghệ vào hoạt động phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Qua nghiên cứu thực tiễn thấy rằng, các công cụ, phương tiện kỹ thuật dùng để đấu tranh với TPSDCNC ở Việt Nam hiện nay còn rất thiếu và yếu vì vậy mà lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế. Trong những năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã tích cực thúc đẩy hoạt động này với một số quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Cụ thể là:
+ Trong nỗ lực đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Cảnh sát hai nước, lực lượng Cảnh sát úc đã hỗ trợ trang thiết bị phòng, chống TPSDCNC cho Cục 50 - Bộ Công an Việt Nam. Quan trọng hơn nữa, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã làm việc với Trưởng sỹ quan liên lạc Cảnh sát Úc tại Hà Nội và đạt được thỏa thuận phía Úc cam kết sẽ tài trợ xây dựng Trường đào tạo phòng, chống TPSDCNC cho Việt Nam đặt tại Hà Nội trong những năm tới. Bên cạnh đó, phía Cảnh sát Úc đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến kinh nghiệm tổ chức hội thảo, hội nghị và tập huấn phòng, chống tội phạm nói chung và TPSDCNC nói riêng.
+ Sau nhiều nỗ lực trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam đã thiết lập được mối quan hệ với Cảnh sát Nhật Bản, đặt vấn đề hợp tác quốc tế chặt chẽ về lĩnh vực này. Bước đầu chúng ta đã hợp tác được một số nội dung rất quan trọng và hiện nay chúng ta còn đang yếu kém như việc cập nhật các tài liệu, hướng dẫn về thu thập chứng cứ, phục hồi, phân tích dữ liệu từ mạng công nghệ thông tin về tội phạm công nghệ cao (CTINS).
+ Hợp tác với Cảnh sát Ấn Độ: tuy không phải là đối tác truyền thống trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và TPSDCNC nói riêng, nhưng Việt Nam rất mong muốn sự trợ giúp, sự đầu tư của Cảnh sát Ấn Độ về lĩnh vực này vì đây là quốc gia có tốc độ phát triển các phần mềm máy tính vào bậc nhất thế giới. Chính vì vậy, từ năm 2010, phía Cảnh sát Ấn Độ đề nghị tài trợ cho Việt Nam thành lập trung tâm phân tích, phục hồi dữ liệu điện tử Indira Gandhi theo Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
+Phát triển đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nước.
Theo cơ cấu biên chế của lực lượng Cảnh sát PCTPSDCNC tính đến năm 2013, có thể khẳng định lực lượng Cảnh sát PCTPSDCNC chưa đủ tầm đáp ứng những yêu cầu đấu tranh với tội phạm trong điều kiện hiện tại, tại Cục C50 có 120 cán bộ, chiến sỹ trong đó 114 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về tin học, 104 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về nghiệp vụ; tương tự tại các địa phương, hiện mới chỉ có 110 cán bộ, chiến sỹ trong đó 104 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về tin học, 91 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về nghiệp vụ.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên làm công tác đấu tranh phòng, chống TPSDCNC nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tiễn. Thực tiễn cho thấy, khâu yếu nhất trong đấu tranh phòng, chống TPSDCNC của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam là khâu tuyển chọn và sử dụng cán bộ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho đến nay lực lượng Cảnh sát phòng, chống TPSDCNC còn chưa đồng đều về năng lực chuyên môn cũng như trình độ ngoại ngữ nên đã có sự ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công việc. Có những cán bộ rất giỏi về chuyên môn tin học nhưng lại chưa tốt về trình độ ngoại ngữ cũng như nghiệp vụ điều tra và ngược lại.
Để đáp ứng công tác đấu tranh phòng, chống TPSDCNC trong thời gian đến năm 2020, lực lượng Cảnh sát phòng, chống TPSDCNC cả nước cần khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn tin học và nghiệp vụ. Trong đó lực lượng biên chế của Cục C50 là khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi địa phương có khoảng 20 - 40 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi cán bộ phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, tỷ lệ về trình độ chuyên môn tin học và nghiệp vụ là 70/30, bên cạnh đó mục tiên là đào tạo, buồi dưỡng 100% cán bộ, chiến sĩ giỏi về chuyên môn tin học và nắm chắc nghiệp vụ điều tra.
Theo đó, Khoa nghiệp vụ Cảnh sát phòng, chống TPSDCNC của Học viện Cảnh sát nhân dân mỗi năm cần đào tạo và cho tốt nghiệp khoảng 100 - 120 học viên.
Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ, cần chú ý đến công tác phát triển cán bộ trực tiếp làm công tác hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống TPSDCNC vì hiện tại lực lượng này đang rất thiếu, cũng chưa có lực lượng chuyên trách về lĩnh vực này. Nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới của tiến trình hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống TPSDCNC, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chiến sỹ trong lĩnh vực này là một vấn đề cần thiết. Để làm được điều đó cần phải tiến hành một số nội dung cơ bản: Nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo mở mã ngành mới về Tương trợ tư pháp trong các trường CAND, mà cụ thể là Học viện Cảnh sát nhân dân. Trong đó, đào tạo ít nhất 02 ngoại ngữ (tiếng Anh là bắt buộc và 01 ngôn ngữ nước ngoài khác được lựa chọn); đào tạo chuyên sâu về luật hình sự quốc tế và tương trợ tư pháp quốc tế, trong đó giới thiệu về các điều ước quốc tế đa phương, song phương về hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm, giới thiệu về tư pháp quốc tế.
Công tác tuyển chọn cán bộ ngoài ngành Công an: Hàng năm lực lượng Cảnh sát phòng, chống TPSDCNC cần tuyển thêm đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi các ngành công nghệ thông tin và viễn thông thuộc các trường Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Học viện Kỹ thuật quân sự… Sau khi tuyển dụng sẽ bồi dưỡng thêm nghiệp vụ của Ngành.
Hàng năm những cán bộ chiến sỹ làm công tác chuyên môn kỹ thuật cần được đào tạo thêm kỹ năng công nghệ mới, tham gia các khóa học như CCNA, CEH, CHFI…
+ Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Để đấu tranh có hiệu quả với loại TPSDCNC đòi hỏi các quốc gia phải có nguồn nhân lực chất lượng cao với những kiến thức nghiệp vụ uyên thâm. Lực lượng CSPCTPSDCNC xác định được vấn đề trọng tâm này nên đã tích cực đẩy mạnh sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ trong công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chất lượng cao.
- Bên cạnh việc cử nhiều đoàn đi nghiên cứu và học tập kinh nghiệm ở các nước có nền khoa học công nghệ thông tin tiên tiến và hiện đại như Mỹ, Nhật, Úc, Nga, Hàn Quốc… đế trao đổi về công tác đấu tranh phòng, chống TPSDCNC trong tình hình mới, lực lượng Cảnh sát nhân dânViệt Nam được phía Cảnh sát các nước mời tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn về lĩnh vực công nghệ cao.
- Đề nghị lực lượng Cảnh sát Úc (AFP) tổ chức một số lớp tập huấn về phân tích, khôi phục dữ liệu, lớp học ngoại ngữ (tiếng Anh) cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống TPSDCNC Việt Nam; mời cán bộ Cục C50 tham gia khóa Đào tạo về Quản lý thực thi pháp luật khu vực châu Á (ARLEMP) do Ôxtraylia phối hợp với Việt Nam tổ chức. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung tâm phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam - Úc, bổ sung một số cán bộ của Cục C50 công tác cho Trung tâm này.
- Tiếp tục phối hợp với FBI thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo tại Học viện Hành pháp quốc tế (ILEA Bangkok), cũng như tham gia lớp đào tạo ngắn hạn tại Học viện FBI về lĩnh vực đấu tranh phòng, chống TPSDCNC.
- Phối hợp và đề nghị Ấn Độ tích cực giúp đỡ Việt Nam trong việc huấn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn về đấu tranh phòng, chống TPSDCNC. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã mở 03 lớp do chuyên gia Ấn Độ giảng dạy về phục hồi dữ liệu, chứng cứ điện tử cho cán bộ, chiến sĩ đấu tranh phòng, chống TPSDCNC ở Việt Nam, qua đó giúp lực lượng này tiếp cận với công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại của thế giới, phục vụ đắc lực công tác phòng, chống tội phạm của đơn vị.
Đại tá, ThS TRẦN VĂN DOANH - Phó Cục trưởng C50
Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học "Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo", Học viện CSND tháng 11/2014