Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân thăm và làm việc tại Nhật Bản
Đoàn Học viện CSND chụp ảnh kỷ niệm bên Tượng thầy Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Chính pháp HOSEI, Nhật Bản
Đoàn Học viện CSND đã nghiên cứu hệ thống tổ chức Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tham quan thực tiễn phòng ngừa tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Nhật Bản.

Nhật Bản là nước có tổ chức hệ thống cơ quan Công an, Cảnh sát theo mô hình chung của thế giới. Nước bạn thành lập Cơ quan Tình báo quốc gia và Cơ quan Cảnh sát quốc gia (National Police Agency of Japan - NPA) trực thuộc Chính phủ. Cơ quan NPA đảm nhiệm toàn bộ công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong nội địa (tương tự như Bộ Công an nước ta) trực thuộc Chính phủ.

 

Giám đốc Học viện CSND gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hợp tác
 với Trường Đại học Chính pháp HOSEI, Nhật Bản

Lãnh đạo Cơ quan NPA là Ủy ban An ninh công cộng quốc gia gồm 5 thành viên. Ủy ban này tương tự như Hội đồng Quốc phòng và An ninh của Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và Cơ quan NPA quyết định các vấn đề quan trọng về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của quốc gia. Ủy ban này cũng được thành lập ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhật Bản có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc khu. Hệ thống Cảnh sát quốc gia gồm 6 cấp: Cấp trung ương, cấp khu (như Quân khu của Việt Nam), cấp tỉnh, cấp quận, Đồn Cảnh sát, Trạm Cảnh sát.

Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản NPA có 6 đơn vị cấp Tổng cục trực thuộc: Văn phòng Tổng tư lệnh, Tổng cục Bảo vệ trật tự công cộng, Tổng cục Phòng chống tội phạm, Tổng cục Bảo vệ an ninh, Tổng cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Thông tin (thu thập tin tức tình báo Cảnh sát). Ngoài ra trực thuộc NPA còn có Học viện Cảnh sát quốc gia, Viện nghiên cứu khoa học Cảnh sát quốc gia và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Cấp thấp nhất của NPA là các Trạm Cảnh sát ( tiếng Nhật là Koban ở thành phố và Chuzaiso ở nông thôn) có mặt ở các khu dân cư Nhật Bản. Với mô hình này, Nhật Bản là nước có tổ chức cảnh sát gần dân nhất thế giới.

Cảnh sát quốc gia Nhật Bản làm cả nhiệm vụ Biên phòng, Cảnh sát biển, An ninh (như lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, An ninh nhân dân của Việt Nam), phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội,v.v.

Nhật Bản thuộc các nhóm nước không đào tạo đại học Cảnh sát. Học viện Cảnh sát quốc gia chỉ đào tạo nghề và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, bồi dưỡng chức danh. NPA tuyển dụng các cán bộ tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, đại học, sau đại học bên ngoài vào cơ quan Cảnh sát quốc gia, sau đó đưa vào Học viện Cảnh sát quốc gia huấn luyện nghiệp vụ Cảnh sát. Các cán bộ Cảnh sát muốn học nâng cao trình độ và muốn có bằng cấp Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ phải vào học tại Khoa Luật hoặc Khoa Tư pháp hình sự thuộc các Trường Đại học Tổng hợp. Mô hình đào tạo Cảnh sát của Nhật Bản giống như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia,v.v.Trên thế giới có khoảng 180 quốc gia đào tạo cán bộ Công an, cảnh sát theo mô hình này.

Đoàn đã thăm và làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Chính pháp HOSEI ở Thủ đô Tokyo. Đại học Chính pháp HOSEI được thành lập năm 1838 và có nhiều chuyên khoa đào tạo cán bộ pháp luật và chính trị. Năm 2015 Trường Chính pháp HOSEI đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội và hợp tác trong đào tạo hệ Thạc sỹ quản lý an ninh phi truyền thống và cử nhân luật tài năng tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đoàn nghiên cứu, tham quan thực tiễn đảm bảo trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông ở Thủ đô Tokyo và tỉnh Shizuoka, tỉnh Yamanashi của Nhật Bản.

Ở Nhật Bản hệ thống phòng ngừa tội phạm (Hanzai Yobo) được tổ chức sâu rộng đến cơ sở. Cảnh sát khu vực Nhật Bản thường xuyên đạp xe đạp đi tuần tra và hệ thống Trạm cảnh sát Koban, Chuzaisho bố trí sâu rộng đến tận cơ sở, cùng với ý thức pháp luật của nhân dân cao đã góp phần làm cho xã hội Nhật Bản thanh bình, ít tội phạm nhất thế giới.

Nhật Bản có hệ thống tổ chức đảm bảo an toàn giao thông tốt. Từ 2009-2013 Chính phủ Nhật Bản đã giúp Học viện CSND một dự án JICA về tăng cường năng lực đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông và cho kết quả tốt.

Giữa Bộ Công an nước ta và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản NPA đã có nhiều quan hệ hợp tác.

Đối với Học viện CSND, trong 5 năm qua đã cùng Cục Đối ngoại triển khai Dự án ODA về đào tạo Cảnh sát giao thông. Chính phủ Nhật Bản đã cử nhiều giáo viên, tình nguyện viên sang giảng dạy võ thuật Karatedo tại Nhà trường. Phía bạn đã mời hàng chục cán bộ Học viện CSND tham dự các Hội thảo, tập huấn tại Nhật Bản.

Đồng chí Giám đốc Học viện CSND đã trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học Chính pháp HOSEI về một số chương trình hợp tác:

- Trong năm 2016, Học viện CSND sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an mời lãnh đạo Trường Chính pháp HOSEI sang thăm và bàn hợp tác giữa hai nhà trường, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên về đào tạo, bồi dưỡng pháp luật quốc tế, phòng ngừa tội phạm và quản lý xã hội, quản lý đô thị.

- Sẽ tiến hành trao đổi các đoàn cán bộ, giảng viên giữa hai bên Việt Nam và Nhật Bản theo Chương trình hợp tác chung. Học viện CSND sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, Cục Đối ngoại về việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản.

Đoàn đã thăm quan một số danh lam thắng cảnh, điểm văn hóa và công tác đảm bảo TTATXH, TTATGT ở Thủ đô Tokyo như Tòa thị chính Tokyo, Hoàng cung Nhật Bản, Tổ hợp nút giao thông Shinjuku, Khu du lịch Hakone, Núi Phú Sỹ và một số địa danh khác của Nhật Bản.

Nhật Nam

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT