Đoàn cán bộ Học viện CSND thăm và làm việc tại Đại học Hành pháp Mông Cổ
Giám đốc Đại học Hành pháp Mông Cổ chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn

Tại buổi tiếp xã giao phái đoàn của Học viện CSND, Đại tướng, Giáo sư, Baataarjav Sainnyambuu, Giám đốc Đại học Hành Pháp Mông cổ đã đánh giá cao quan hệ hợp tác của 2 nhà trường trong thời gian qua và chia sẻ những thành công, sự phát triển của Đại học Hành pháp Mông Cổ trong những năm gần đây.

Đặc biệt trong năm 2016, Đại học Hành pháp Mông Cổ đã khánh thành một khuôn viên mới khang trang, hiện đại, với 8 cơ sở đào tạo thành viên: Viện Quản lý, Trường Đào tạo Cảnh sát, Trường Đào tạo sau đại học, Trường Đạo tạo cảnh sát trại giam và hỗ trợ tư pháp, Trường Đào tạo lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp, Trường Đào tạo lực lượng Biên phòng, Trường Luật và Khoa học xã hội và Trường Đào tạo các hạ sỹ quan, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng thực thi pháp luật của Bộ Nội vụ Mông Cổ nói riêng và nhu cầu phát triển của đất nước Mông Cổ nói chung.


Giám đốc Đại học Hành pháp Mông Cổ tiếp xã giao đoàn Học viện CSND

Ngài Giám đốc Đại học Hành pháp Mông Cổ đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ truyền thống của hai nước Việt Nam - Mông Cổ, mong muốn giữa hai nhà trường sẽ có các hoạt động hợp tác ngày càng sâu rộng, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cũng như tăng cường hiểu biết giữa lực lượng Cảnh sát hai nước.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện CSND, Trưởng đoàn công tác đã cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, thịnh tình, hữu nghị của trường bạn và bày tỏ mong muốn, hai nhà trường trong thời gian tới sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ hợp tác đã được ký kết năm 2016.


Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật làm việc với lãnh đạo trường bạn

Sau buổi gặp gỡ xã giao với Giám đốc Đại học Hành pháp Mông Cổ, đồng chí Phó Giám đốc Học viện CSND đã có buổi làm việc với Phó Giám đốc phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Hành pháp Mông Cổ và Ban Giám hiệu Trường Đào tạo Cảnh sát và Trường Đào tạo Sau đại học. Tại buổi làm việc, lãnh đạo trường bạn đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai nhà trường và đề xuất những nội dung hợp tác hiệu quả trong thời gian tới.


Đoàn thăm quan bảo tàng Đại học Hành pháp Mông Cổ

Đặc biệt, tại buổi làm việc, đại diện Đại học Hành pháp Mông Cổ chia sẻ, thời gian gần đây số lượng công dân Việt Nam sống, làm việc tại nước bạn tăng nhanh, tập trung chủ yếu ở Thủ đô Ullanbator, nhưng sự hiểu biết về pháp luật cũng như văn hoá của người dân lại hạn chế. Vì vậy, phía bạn mong muốn hai bên cùng tiến hành nghiên cứu một đề tài khoa học về tư vấn pháp lý nhằm góp phần tăng cường hiểu biết hơn cho công dân và lực lượng thực thi pháp luật của hai nhà nước.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã thống nhất một số vấn đề chính liên quan đến việc trao đổi đoàn: trao đổi đoàn cấp cao thường niên; trao đổi đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên sang tập huấn, công tác, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học; cử sinh viên sang học các hệ Thạc sỹ, Tiến sỹ tại hai nhà trường; thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học chung giữa hai nhà trường; tham dự các hội thảo khoa học do hai bên tổ chức; trao đổi bài báo khoa học để đăng trên tạp chí khoa học của hai nhà trường, cùng nhau nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.


Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên Đại học Hành pháp Mông Cổ

Trường Đại học Hành pháp Mông Cổ được thành lập vào năm 1934. Ban đầu, trường là một Trung tâm huấn luyện trực thuộc Bộ Bảo vệ nội địa, tiếp đó mang tên “Học viện Cảnh sát” và sau đổi tên là “Trường Đại học Nội vụ”. Tháng 10 năm 2012, theo Nghị quyết của Quốc hội Mông Cổ, trường được đổi tên như hiện nay là “Đại học Hành pháp Mông Cổ”. Đại học Hành pháp Mông Cổ trước đây trực thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia, sau đó mở rộng phạm vi hoạt động là một cơ quan độc lập thuộc Bộ Tư pháp Mông Cổ, với chức năng đào tạo các nhân viên thực thi pháp luật như Cảnh sát, Biên phòng, An ninh, Hỗ trợ tư pháp, Kỹ thuật hình sự và ứng phó tình huống khẩn cấp.

Đại học Hành pháp Mông Cổ có đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm. 99.8% cán bộ, giảng viên có bằng Thạc sỹ, 23% có bằng Tiến sỹ. Trường Đại học Hành pháp Mông Cổ có 8 trường đào tạo thành viên: Viện Quản lý,  Trường Đào tạo Cảnh sát, Trường Đào tạo sau đại học, Trường Đào tạo cảnh sát trại giam và hỗ trợ tư pháp, Trường Đào tạo lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp, Trường Đào tạo lực lượng Biên phòng, Trường Luật và Khoa học xã hội, Trường Đào tạo các hạ sỹ quan với các hệ đào tạo cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sỹ. 

Việt Hương (Phòng HTQT)

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT