Lãnh đạo Học viện CSND dự Hội nghị Hợp tác đào tạo Cảnh sát ASEANAPOL lần thứ 5 tại Philippines
Các trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phiên khai mạc Hội nghị
Hội nghị do Cục Phát triển nhân lực và giáo dục, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Philippines chủ trì tổ chức từ ngày 28 đến 29 tháng 10 năm 2014 với sự tham gia của đại diện cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý đào tạo của các nước thành viên, Ban Thư ký ASEANAPOL và đại diện các bên đối thoại, quan sát viên gồm có: Đại học Bộ Nội vụ Liên bang Nga, Đại học Công an nhân dân Trung Quốc, Sỹ quan liên lạc Cảnh sát New Zealand, Cảnh sát Liên bang Úc và đại diện Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL.

Tại Hội nghị, trưởng đoàn Thái Lan với tư cách chủ tịch Hội nghị APTCM 4 đã báo cáo kết quả hội nghị vừa qua và trao lại quyền điều hành cho Cục trưởng Cục Phát triển nhân lực và giáo dục - Cảnh sát quốc gia Philippines làm chủ tịch và điều hành Hội nghị APTCM lần thứ 5. Căn cứ kết quả của Hội nghị lần thứ 4, các đại biểu tham dự hội nghị đã trình bày các bài báo cáo tham luận và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác đào tạo, huấn luyện của từng nước, phù hợp với 6 nội dung ưu tiên đã được xác định tại Hội nghị trước bao gồm: Phòng chống tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao; phòng chống tội phạm buôn bán người; công tác hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; phối hợp các chương trình đào tạo Cảnh sát ASEANAPOL; đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa các nước ASEANAPOL; đào tạo về phòng, chống tội phạm liên quan tới sản xuất, quản lý, sử dụng thuốc tân dược.

Qua các bài báo cáo tham luận và phần thảo luận, có thể thấy các cơ sở đào tạo cảnh sát của tất cả các quốc gia thành viên ASEANAPOL đều đã và đang nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo Cảnh sát trong bối cảnh thành lập cộng đồng ASEAN và những thách thức của các loại tội phạm phi truyền thống trong giai đoạn hội nhập. Xác định được những vấn đề ưu tiên trong công tác đào tạo cảnh sát, các cơ sở đào tạo thành viên đã chủ động củng cố hệ thống chương trình đào tạo và các môn học có liên quan để kịp thời cập nhật, bổ sung các nội dung, kiến thức trên cơ sở các diễn biến mới của tình hình trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời các cơ quan quản lý đào tạo, các cơ sở đào tạo thành viên đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động khoa học như các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước và quốc tế có liên quan đến các nội dung ưu tiên mà ASEANAPOL đã xác định.

Theo báo cáo, một số thành viên tích cực như Thái Lan, Singapore đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hội thảo với sự tham gia của các nước thành viên ASEANAPOL, tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát với các lực thi hành pháp luật khác và đặc biệt là tăng cường chất lượng, hiệu quả của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên. Việt Nam và Thái Lan được đánh giá cao với mô hình đào tạo có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, đặc biệt là các chương trình trao đổi học viên được thực hiện trong thời gian vừa qua. Hiện nay, ngoài chương trình hợp tác đào tạo truyền thống giữa Việt Nam - Campuchia - Lào, trong khối ASEANAPOL mới có cơ chế hợp tác đào tạo, trao đổi học viên Cảnh sát giữa Việt Nam và Thái Lan.

Tại Hội nghị, đại diện các bên đối thoại đã tham gia các bài phát biểu, thảo luận liên quan đến hợp tác, hỗ trợ triển khai cơ chế đào tạo ASEANAPOL. Đại diện Tổ chức INTERPOL đánh giá cao cơ chế hợp tác đào tạo cảnh sát ASEANAPOL và cho biết đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực này, trước mắt, INTERPOL dự kiến tổ chức Hội nghị thường niên về đào tạo cảnh sát INTERPOL tại một trong các nước thành viên ASEANAPOL. Sỹ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Úc khẳng định tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo cảnh sát ASEANAPOL thông qua Trung tâm hợp tác đào tạo thực thi pháp luật Jakarta (JCLEC). Đại diện đoàn Trung Quốc và New Zealand dự kiến triển khai một số hoạt động hỗ trợ trong đào tạo ngôn ngữ và thi hành pháp luật cho các thành viên ASEANAPOL trong thời gian tới…
 
 Các trưởng đoàn đến chào xã giao Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Philippines
Có thể nói, cơ chế hội nghị hợp tác đào tạo Cảnh sát ASEANAPOL tuy mới được triển khai trong một thời gian ngắn nhưng đã thể hiện được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Thông qua cơ chế này, các cơ sở đào tạo cảnh sát và các cơ quan quản lý đào tạo cảnh sát của các nước thành viên ASEANAPOL có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu thông tin về nhau, tăng cường tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quá trình hội nhập ASEAN. Cơ chế cũng đã hỗ trợ một số hoạt động tăng cường chất lượng, hiệu quả của hoạt động đào tạo cảnh sát các nước thành viên như khảo sát về nhu cầu đào tạo, phân tích, đưa ra các định hướng phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, khảo sát, đánh giá và xác định các nội dung ưu tiên cần tăng cường trong công tác đào tạo, huấn luyện cho các nước thành viên ASEANAPOL.

Tuy nhiên, do cơ chế và hệ thống đào tạo của các nước thành viên ASEANAPOL còn nhiều điểm khác biệt, nên hiện nay cơ chế hợp tác này còn mang tính hình thức, chưa đề xuất, triển khai được nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực cho công tác đào tạo của các nước thành viên. Do đó, trong thời gian tới, các nước thành viên cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEANAPOL nghiên cứu, đề xuất các hoạt động hợp tác phù hợp, hiệu quả, đồng thời tăng cường kêu gọi, tranh thủ nguồn hỗ trợ của các nước đối thoại cũng như các quốc gia, tổ chức quốc tế khác trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của cơ chế này trong tương lai.

Tháng 5/2009, tại Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) do Bộ Công an Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của Tư lệnh Cảnh sát quốc gia của 10 nước ASEAN và các bên đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Liên bang Úc). Tại Hội nghị này, Học viện CSND đã đề xuất sáng kiến về hợp tác đào tạo Cảnh sát ASEANAPOL với mục tiêu góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu về đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả trong thời kỳ hội nhập cộng đồng chung ASEAN. Sáng kiến này đã được các ASEANAPOL đánh giá cao và phê chuẩn thực hiện. Sau đó, Hội nghị hợp tác đào tạo cảnh sát ASEANAPOL lần thứ nhất đã được tổ chức thành công vào tháng 12/2010 tại Hà Nội do Học viện Cảnh sát nhân dân chủ trì với chủ đề “Hợp tác đào tạo Cảnh sát trước nguy cơ gia tăng các tội phạm phi truyền thống trong khu vực ASEAN”. Kết thúc Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung về việc xây dựng cơ chế hợp tác đào tạo cảnh sát ASEAN và tổ chức Hội nghị thường niên về hợp tác đào tạo cảnh sát luân phiên tại các nước thành viên.

Các hội nghị tiếp theo: Tháng 12 năm 2011, Học viện Cảnh sát nhân dân Lào đăng cai tổ chức và Hội nghị thường niên hợp tác đào tạo cảnh sát ASEANAPOL lần thứ 2 với chủ đề “Hợp tác đào tạo cảnh sát ứng phó với các nguy cơ từ tội phạm phi truyền thống”. Tháng 12 năm 2012, Học viện Cảnh sát Campuchia đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên hợp tác đào tạo Cảnh sát ASEANAPOL lần thứ 3 với chủ đề “Phân tích nhu cầu đào tạo phù hợp với lợi ích chung của lực lượng cảnh sát ASEAN”. Tháng 3/2014, tại Băng Cốc, Thái Lan, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên về hợp tác đào tạo cảnh sát ASEANAPOL lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng chương trình đào tạo cảnh sát phù hợp với nhu cầu phát triển của ASEAN”. Tháng 10/2014, Cục Đào tạo thuộc Cảnh sát Quốc gia Philippines đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 5 tại Manila, Philippines.

Cao Hoàng Long


Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT