Tọa đàm khoa học: “Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về các đơn vị, điều tra viên chuyên trách cho người chưa thành niên”

Tham dự Chương trình có bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em - UNICEF Việt Nam; Ông Đào Quý Lộc - Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên trách - Bộ Tư pháp; Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em - Bộ Lao động thương binh và xã hội; Bà Nguyễn Thanh Trúc - Chuyên gia bảo vệ trẻ em; Ông Ben Quinn - Sĩ quan Cảnh sát cấp cao, Tùy viên di cư bất thường - Cơ quan Xuất nhập cảnh New Zealand. Bà Shelley Casey - Chuyên gia của UNICEF; Thiếu tướng Yolanda Tanigue, nguyên Cảnh sát trưởng - Cảnh sát quốc gia Philippines tham dự thông qua hình thức trực tuyến.

Các đại biểu dự Tọa đàm khoa học
Các đại biểu dự Tọa đàm khoa học

Dự Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các phòng, ban thuộc các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, TAND thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, các học viện, nhà trường CAND. 

Toàn cảnh chương trình Tọa đàm
Toàn cảnh chương trình Tọa đàm

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990. Kể từ khi tham gia Công ước, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để tăng cường bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên, quan tâm đến việc bảo vệ chăm sóc và thực thi quyền của người chưa thành niên. Đặc biệt, Việt Nam luôn “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội” đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, đối xử với người chưa thành niên một cách bình đẳng, công bằng, tôn trọng, phù hợp với độ tuổi.

Ở Việt Nam, việc điều tra vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên chủ yếu dựa vào những quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có những quy định liên quan đến công tác điều tra theo hướng thân thiện. Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án liên quan đến người chưa thành niên, cán bộ điều tra có nghĩa vụ tiến hành điều tra thân thiện theo những nguyên tắc chuẩn mực quốc tế, cân nhắc nhu cầu và quan điểm của người chưa thành niên, cân bằng quyền được bảo vệ của người chưa thành niên với luật pháp quốc gia và nhu cầu cộng đồng.

Trong hoạt động điều tra các vụ án liên quan đến người chưa thành niên (nạn nhân là người chưa thành niên hay người chưa thành niên vi phạm pháp luật) đòi hỏi Điều tra viên phải có trình độ chuyên môn cao, có biện pháp ứng phó linh hoạt, thân thiện với người chưa thành niên nhằm giải quyết các vụ án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo an toàn cho người chưa thành niên, đồng thời góp phần ngăn ngừa, hạn chế tình trạng người chưa thành niên phạm tội.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Học viện CSND đã phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, Bộ Tư pháp, tổ chức UNICEF tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học: “Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về các đơn vị, điều tra viên chuyên trách cho người chưa thành niên” trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, và hỗ trợ tài chính từ UNICEF và UNDP.

Các đại biểu tham luận tại Chương trình
Các đại biểu tham luận tại Chương trình

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đi sâu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với hoạt động điều tra thân thiện và hỗ trợ nạn nhân là người chưa thành niên tại Việt Nam, bao gồm các nội dung:

- Chuẩn mực quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam về điều tra thân thiện với người chưa thành niên và sự cần thiết chuyên môn hóa đội ngũ điều tra viên liên quan đến điều tra vụ án liên quan đến người chưa thành niên ở Việt Nam;

- Tình hình tội phạm xâm phạm người chưa thành niên ở Việt Nam;

- Đặc điểm của người chưa thành niên; Một số khó khăn vướng mắc của cơ quan chức năng khi làm việc với người chưa thành niên;

- Kinh nghiệm của quốc tế về điều tra liên quan đến người chưa thành niên và một số mô hình điều tra chuyên biệt đối với người chưa thành niên;

- Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Công an với lực lượng khác để điều tra vụ án liên quan đến người chưa thành niên đạt hiệu quả tốt;

- Một số khuyến nghị từ các mô hình quốc tế đối với Việt Nam.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về điều tra thân thiện và hỗ trợ nạn nhân là người chưa thành niên, từ đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới. Các tham luận đều đảm bảo đúng mục tiêu và có nội dung, chất lượng tốt, phản ánh khá toàn diện, sâu sắc về chủ đề Tọa đàm.

Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện phát biểu kết luận
Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận Tọa đàm khoa học, Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện trân trọng gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã quan tâm tạo điều kiện để Học viện thực hiện thành công dự án lần này, gửi lời cảm ơn đến Liên minh Châu Âu, tổ chức UNICEF Việt Nam và UNDP đã tài trợ thực hiện dự án.

Từ kết quả đạt được tại Chương trình, đồng chí Phó Giám đốc Học viện đề nghị Viện Khoa học Cảnh sát, Ban Thư ký Tọa đàm tổng hợp các ý kiến của các đại biểu quốc tế, các ban ngành đoàn thể, cán bộ thực tiễn, nhà khoa học tham luận tại Tọa đàm và các ý kiến trong các bài viết khoa học để báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an. Đồng thời, đề nghị Ban Tổ chức nghiên cứu, đề xuất đưa các nội dung, kết quả của Tọa đàm vào nghiên cứu, giảng dạy, học tập, nâng cao công tác giáo dục, đào tạo tại các học viện, nhà trường CAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo lực lượng CSND trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu dự lễ khánh thành, ra mắt mô hình “Phòng điều tra thân thiện”
Các đại biểu dự lễ khánh thành, ra mắt mô hình “Phòng điều tra thân thiện”
Một số hình ảnh về mô hình“Phòng điều tra thân thiện” tại Học viện CSND
Một số hình ảnh về mô hình“Phòng điều tra thân thiện” tại Học viện CSND

Tại Chương trình, các đại biểu đã chứng kiến lễ ra mắt mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Học viện CSND. Đây là công trình được xây dựng dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu, đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP, nhằm phục vụ nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện CSND. Mỗi phòng điều tra thân thiện đều được thiết kế với không gian ấm cúng, thân thiện sẽ giúp đương sự ổn định tâm lý, cởi mở, chia sẻ và mô tả vụ việc được chính xác hơn, thoải mái hơn.

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện thể chế và thiết chế để tăng cường hỗ trợ, bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật. Theo thống kê, cả nước có 33 mô hình “phòng điều tra thân thiện” và đang triển khai xây dựng thêm 6 phòng  nhằm phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại là người chưa thành niên bị xâm hại hoặc các vụ việc có người chưa thành niên tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP. Chương trình do hai cơ quan này của Liên Hợp Quốc thực hiện, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam.

 

PV

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT