Số lượng người có kết nối vào Internet đang tăng mỗi năm với tốc độ chóng mặt. Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 7 tỉ người với khoảng 70 tỉ thiết bị và hàng hóa như điện thoại thông minh, máy tính, ô tô, hàng tiêu dùng, máy móc và thiết bị điều khiển trong nhà và nơi công cộng, thiết bị hay xe vận chuyển hàng hóa, thiết bị kiểm định, đo lường và kiểm tra, kho hàng trong nhà máy và ngay cả hàng hóa đang trong quy trình sản xuất có khả năng kết nối với nhau.
Nhận dạng vô tuyến (RFID), cảm biến (sensor) có dây và không dây, in 3D, điện toán đám mây (cloud computing), các robot có kết nối, phần mềm có khả năng tự kết nối và tương tác qua mạng, phân tích dữ liệu lớn (big data) là các công nghệ nền tảng của thời kỳ Internet vạn vật (Internet of things - IoT). Các giải pháp thế giới kết nối (connected world) thông minh và Internet vạn vật đang và sẽ ngày càng chi phối và thay đổi mạnh mẽ mọi lĩnh vực điều hành, quản trị quốc gia, trong mọi ngành của nền kinh tế và trong cuộc sống. Nói một cách khác, IoT sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, các mô hình kinh doanh và giải pháp sáng tạo mới trong tương lai (hình 1).
Đối với người tiêu dùng, nhiều thiết bị, ứng dụng và dịch vụ cải tiến thông minh sẽ làm tăng tiện nghi và an toàn trong cuộc sống như ô tô lái tự động, nhà thông minh, thành phố thông minh với hệ thống điều hành giao thông và bãi đậu xe thông minh, hệ thống thông tin thông minh hay các giải pháp cảnh báo và chống ngập lụt có kết hợp điều chỉnh tự động, các biện pháp phát hiện nguy cơ và cảnh báo về an ninh do sử dụng camera và phân tích dữ liệu kết nối thông minh cùng hàng loạt ứng dụng khác đáp ứng nhu cầu trong giao dịch, y tế, giải trí... Song song đó, một số ứng dụng, dịch vụ và mô hình kinh doanh hay ngành nghề không còn phù hợp sẽ bị loại bỏ với tốc độ nhanh hơn trước đây.
Một trong những thay đổi quan trọng bậc nhất trong thời kỳ IoT là Industry 4.0 - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (1). Industry 4.0 đang và sẽ tạo những tác động quan trọng vào nền kinh tế của tất cả các nước và trên toàn cầu. Với Industry 4.0, các thiết bị và một phần hay toàn thể dây chuyền sản xuất ở một nhà máy tại một địa điểm hay nhiều địa điểm trên toàn cầu của một hay nhiều công ty được kết nối với nhau thông qua các cảm biến được kết nối với Internet. Bên cạnh đó, mỗi món hàng trong sản xuất sẽ có một địa chỉ để được nhận dạng, kết nối với máy móc và dây chuyền sản xuất thông qua Internet. Do đó, máy móc, thiết bị sản xuất, hàng hóa đang được sản xuất và những người làm việc (công nhân, kỹ thuật viên và quản lý) sẽ được kết nối và liên tục tương tác để tự kiểm tra và tự điều chỉnh nhằm liên tục nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất (hình 2). Các thông tin nêu trên sẽ được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích.
Với ứng dụng Industry 4.0, các đơn hàng và hàng hóa có khả năng tự xếp đặt địa điểm, quy trình và thời gian sản xuất để tối ưu hóa giá thành, chất lượng và thời điểm cũng như phương thức giao hàng đến người đặt hàng. Mặt khác, các dữ liệu sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với các thiết kế và nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất mới phù hợp với các mong muốn ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh chóng của khách hàng về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng và giá tiền.
Tại Cộng hòa Liên bang Đức, từ nay đến năm 2020, sẽ có 40 tỉ euro được đầu tư vào nghiên cứu và phát triển Industry 4.0. Dự kiến sẽ có 80% các công ty và nhà máy ở Đức sẽ số hóa (digitalization) toàn bộ chuỗi giá trị. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp tăng hiệu quả khoảng 18% và giảm chi phí hay giá thành khoảng 13%. Các tác động này là rất lớn đối với nền công nghiệp Đức vốn đã và đang là nền kinh tế hàng đầu trên thế giới về tính hiện đại và hiệu quả. Thông qua Industry 4.0 sẽ có một số các sản phẩm mới, dịch vụ mới hay mô hình kinh doanh mới ra đời và các nhà nghiên cứu cho rằng Industry 4.0 sẽ đưa tổng thu nhập quốc gia tăng trưởng thêm gần 500 tỉ euro cho đến năm 2020 (2).
Dù chúng ta chưa thể dự đoán hết các khả năng biến đổi nhưng viễn cảnh của Industry 4.0 sẽ có những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng trong toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiêu cứu, phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng. Thử thách cốt lõi sẽ là vốn con người của các nền kinh tế và vấn đề an ninh mạng. Mỗi công ty nói riêng và mỗi quốc gia nói chung phải đổi mới giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cứng và mềm, có nền tảng kỹ thuật, có trình độ ngoại ngữ, có thái độ lao động... sao cho phù hợp với các thay đổi nêu trên. Người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ Industry 4.0 sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác và trong một môi trường làm việc hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay.
Và như thế, một số ngành nghề sẽ được thay đổi về chương trình đào tạo hoặc sẽ được thay thế do thay đổi của phân công sản xuất tại từng công ty, từng quốc gia, khu vực và toàn cầu. Theo một số dự báo, công nghệ tự động hóa ngày càng phát triển sẽ tác động ngày càng mạnh hơn đến các nhà máy sản xuất, ví dụ như trong các ngành dệt may và da giày. Nguy cơ mất việc của lực lượng lao động tại các nhà máy trong các ngành này tại Việt Nam là rất cao (3). Trên thực tế, đã có các ví dụ cụ thể minh chứng cho thấy Industry 4.0 đang có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trên thế giới.
Tính trước được các thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công - nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực trong thời kỳ Internet vạn vật và Industry 4.0 là thử thách vô cùng lớn. Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã có nhận thức và sẵn sàng trước các thử thách này chưa?
Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Bosch Việt Nam
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn
_____________________________
(1) Bốn cuộc cách mạng công nghiệp: (1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. (2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. (3) Kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. (4) Công nghiêp kết nối thông minh
(2) Nguồn: Industry 4.0 - Germany’s 4Th Industrial Revolution, Adam
(3) Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO