INTERPA (International
Association of Police Academies) được thành lập theo sáng kiến của Học viện Cảnh
sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 7/2011 với 25 thành viên sáng lập. Đến năm
2015, tổ chức này đã có 53 cơ sở đào tạo cảnh sát hoặc tương đương từ 45 quốc
gia là thành viên chính thức. Việt Nam có hai thành viên là Học viện Cảnh sát
nhân dân (CSND) và Học viện An ninh nhân dân (ANND). Đây có thể nói là một
trong những diễn đàn quốc tế lớn nhất dành cho các cơ sở đào tạo cảnh sát, an
ninh các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được tổ chức theo cơ chế hợp
tác mở, mang tính tự nguyện và không có các ràng buộc về nghĩa vụ tài chính hoặc
cam kết chính trị.
Mục tiêu của INTERPA đặt ra
là phát huy tối đa sự liên kết và hợp tác giữa các cơ sở đào tạo cảnh sát của
các quốc gia bằng việc sử dụng các nguồn lực sẵn có, chia sẻ những kinh nghiệm
và những nghiên cứu tốt nhất trong lĩnh vực này; thực hiện các chương trình
trao đổi học thuật, trao đổi đoàn cán bộ, giáo viên, học viên, liên kết đào tạo…
giữa các thành viên; từ đó nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả đào
tạo huấn luyện cảnh sát của các thành viên và của cộng đồng quốc tế. Hiện nay,
INTERPA duy trì cơ chế Hội nghị thường niên với sự tham gia của tất cả các
thành viên. Ban Thư ký INTERPA có trách nhiệm duy trì các đầu mối liên lạc và hỗ
trợ các thành viên đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên; đồng thời, thông qua
Ban Thư ký, các thành viên trao đổi, đóng góp và gửi thông tin cập nhật về hoạt
động ở cấp quốc gia và khu vực; một số thành viên INTERPA tổ chức hoạt động hội
thảo, tập huấn chuyên đề và mời các thành viên tham dự.
Từ khi thành lập đến nay,
sau ba Hội nghị thường niên, trước khi tổ chức Hội nghị lần thứ 4 năm 2015, Ban
Thư ký INTERPA đã tổ chức lấy ý kiến các thành viên về chủ đề và các nội dung
chính sẽ đưa ra tại Hội nghị. Tại cuộc họp Hội đồng điều hành, các thành viên
đã thống nhất việc cần thúc đẩy tiến trình đổi mới công tác giáo dục, huấn luyện
và nghiên cứu khoa học cảnh sát để đáp ứng được những thách thức đặt ra trong bối
cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, cũng như những yêu cầu mới đặt
ra cho công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các quốc gia, đặc biệt là
giải quyết những vấn đề mang tính đặc thù như: tội phạm khủng bố, tội phạm mạng;
các vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo cảnh sát trong bối cảnh hội nhập quốc tế
như: đảm bảo an ninh trật tự trong các sự kiện lớn, đào tạo lãnh đạo chỉ huy; cảnh
sát trong môi trường đa văn hóa; cảnh sát cộng đồng…
Trên cơ sở đó, Ban Thư ký
INTERPA phối hợp với Đại học Cảnh sát Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống
nhất - UAE) tổ chức Hội nghị lần thứ 4 với chủ đề: “Công tác đào tạo cán bộ cảnh
sát trong các lĩnh vực chuyên ngành”. Hội nghị chia thành sáu phiên họp theo
các chủ đề lần lượt là: Phòng chống khủng bố và tội phạm có tổ chức; Quản lý
các sự kiện và nơi tụ tập đông người; Công tác cảnh sát cộng đồng; Quản lý tội
phạm / Quản lý truyền thông và tội phạm mạng; Những tiếp cận mới và kinh nghiệm
thực tiễn trong đào tạo cảnh sát; Các vấn đề quan tâm chung về đổi mới công tác
đào tạo cảnh sát.
Đồng chí Giám đốc Học viện CSND tặng quà lưu niệm
cho Giám đốc
Học viện Cảnh sát Abu Dhabi - UAE
Với nội dung đổi mới công
tác đào tạo cảnh sát trong phòng chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, ba báo
cáo viên đến từ Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Đại học Cảnh sát quốc
gia Sudan và Cơ quan Giáo dục đào tạo chuyên nghiệp - Bộ Nội vụ Bosnia Herzegovina
đã trình bày 3 bài tham luận trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới
và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo về khủng bố và tội phạm có tổ chức cho lực
lượng cảnh sát. Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Giáo dục đào tạo
chuyên nghiệp Bộ Nội vụ Bosnia Herzegovina đã nhấn mạnh vấn đề hợp tác quốc tế,
trao đổi kinh nghiệm trong đào tạo phòng chống khủng bố và tội phạm có tổ chức,
đồng thời với tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất.
Bộ Nội vụ Sudan đưa ra kinh nghiệm về áp dụng những kết quả nghiên cứu từ các vụ
việc điển hình trong công tác đấu tranh phòng chống khủng bố và tội phạm có tổ
chức trong quá trình đào tạo cảnh sát.
Đối với nội dung đào tạo, huấn
luyện cảnh sát ở các quốc gia thường xuyên tổ chức các sự kiện đông người, các
báo cáo viên đến từ Học viện Cảnh sát Bahrain, Đại học Cảnh sát Sudan, Học viện
Bộ Nội vụ Belarus và Đại học An ninh King Fahad, Bộ Nội vụ Ả-rập Xê-út đã tham
luận trình bày những yêu cầu đặt ra cho công tác đào tạo cảnh để đảm bảo an
ninh trật tự trong quá trình tổ chức các sự kiện quốc tế lớn như các giải thi đấu
thể thao quốc tế, các mùa lễ hội tôn giáo… Các báo cáo tham luận đã chia sẻ
kinh nghiệm về công tác đào tạo sỹ quan lãnh đạo chỉ huy; các mô hình quản lý của
cảnh sát tại các địa điểm đặc thù; kinh nghiệm thực tiễn thông qua công tác đảm
bảo an ninh trật tự tại các sự kiện thể thao quốc tế (Sudan, Belarus), các mùa
lễ hội tôn giáo (Ả-rập Xê-út).
Đồng chí Giám đốc Học viện CSND tham gia điều hành
một phiên
tham luận tại Hội nghị
Với nội dung “cảnh sát cộng
đồng”, đại diện của Đại học Cảnh sát Palestine, Học viện Cảnh sát Tanzania và Đại
học Cảnh sát Abu Dhabi đã khẳng định mô hình cảnh sát cộng đồng có hiệu quả và
phù hợp với bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Đại học
Cảnh sát Palestine khẳng định cảnh sát cộng đồng đã và đang là một nội dung
quan trọng trong đào tạo cảnh sát quản lý hành chính và các lớp lãnh đạo chỉ
huy. Đại diện Tanzania và UAE trình bày kinh nghiệm về quá trình đổi mới công
tác đào tạo cảnh sát cộng đồng với những kết quả đạt được như tăng cường tính
chuyên nghiệp của cảnh sát, nâng cao hiệu quả quản lý dân cư và tăng cường hình
ảnh của lực lượng cảnh sát đối với người dân thông qua kết quả đảm bảo trật tự
an toàn cộng đồng của lực lượng cảnh sát Abu Dhabi.
Nghiên cứu, nắm rõ về tội phạm
mạng, tăng cường hợp tác quốc tế, áp dụng khoa học kỹ thuật là những nội dung
chính của các tham luận liên quan đến đổi mới công tác đào tạo cảnh sát phòng
chống tội phạm mạng. Đại diện Học viện Cảnh sát Bahrain cho biết, đã đưa công
tác đào tạo về tội phạm mạng và quản lý tội phạm vào các chương trình đào tạo
lãnh đạo chỉ huy. Học viện Khoa học an ninh Kuwait đã chia sẻ thông tin, kinh
nghiệm về phòng chống tội phạm mạng cũng như công tác đào tạo cảnh sát trong
linh vực này. Các tham luận đều khẳng định việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong
nâng cao chất lượng đào tạo và công tác hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả
đấu tranh là những vấn đề quan trọng đối với lĩnh vực tội phạm mạng hiện nay.
Các hướng tiếp cận mới thông
qua thực tiễn công tác đào tạo cảnh sát là một trong những nội dung quan trọng
được chia sẻ tại Hội nghị INTERPA lần thứ 4 này. Tại phiên làm việc này, Giám đốc
Học viện CSND Việt Nam đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam
trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cảnh sát đáp ứng
các yêu cầu của khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh thành lập Cộng đồng ASEAN và
quá trình hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ, bài tham luận đã được
các đại biểu đánh giá cao. Thông qua phần hỏi đáp sau bài tham luận các đại biểu
đã trao đổi và tìm hiểu kỹ hơn về những kinh nghiệm hay của Việt Nam, đặc biệt
là vấn đề kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tế của Học viện
CSND Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện.
Cũng trong khuôn khổ đó, Học
viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá
trình đổi mới hệ thống đào tạo tại Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ với một
số ví dụ điển hình như: đào tạo cảnh sát trong môi trường đa văn hóa, tăng cường
tính chuyên nghiệp, đảm bảo nhân quyền… Đại diện Học viện Cảnh sát Hoàng gia
Thái Lan cũng tham luận chia sẻ kinh nghiệm về tăng cường tính chuyên nghiệp của
lực lượng cảnh sát Hoàng gia Thái Lan thông qua chiến lượng đổi mới công tác
đào tạo, huấn luyện của Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.
Đồng chí Giám đốc Học viện CSND tham luận tại Hội nghị
Ngoài các bài tham luận, tại
các phần thảo luận, trao đổi, hỏi đáp và các quầy trưng bày kết quả nghiên cứu,
các ấn phẩm tuyên truyền, có thể thấy các cơ sở đào tạo cảnh sát của các nước đều
có sự đầu tư thích đáng của Chính phủ, thể hiện quả việc trang bị các cơ sở vật
chất, đầu tư cho các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển nhân lực.
Trong bối cảnh hiện nay, đồng thời với việc đào tạo về lý thuyết, các trường đều
có sự tăng cường trong việc gắn kết lý thuyết với thực tiễn không chỉ bằng các
chương trình thực tế mà đồng thời xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phòng thí
nghiệm nằm trong các Học viện Cảnh sát. Điển hình là Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã
thành lập nhiều đơn vị trực thuộc Học viện Cảnh sát quốc gia như Viện Khoa học
an ninh, các trung tâm nghiên cứu, các trường đào tạo nghề cảnh sát và các cơ sở
đào tạo độc lập về các chuyên đề như: Trung tâm đào tạo về phòng chống tội phạm
ma túy, buôn bán người, phòng chống khủng bố, tội phạm công nghệ cao, Trung tâm
đào tạo quốc tế…
Tại diễn đàn lớn này, các đại
biểu đại diện các cơ sở đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới đều ghi nhận
và bày tỏ sự ủng hộ về nhu cầu cần thiết phải luôn cập nhập và đổi mới công tác
đào tạo cảnh sát, nhấn mạnh tính tất yếu của hoạt động hợp tác quốc tế trong
đào tạo cảnh sát. Mặc dù có một số điểm khác biệt trong hệ thống đào tạo và
phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo cảnh sát tại mỗi nước nhưng mục tiêu
chung vẫn là đào tạo, huấn luyện lực lượng cảnh sát đáp ứng được những yêu cầu
của mỗi quốc gia, tiến tới đáp ứng với những yêu cầu của bảo đảm an ninh, trật
tự quốc tế.
Hội nghị INTERPA lần thứ 4 do Ban Thư ký INTERPA - Học viện Cảnh
sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với Đại học Cảnh sát Abu Dhabi - Bộ Nội vụ UAE
tổ chức từ ngày 22-24/3/2015 tại thành phố Abu Dhabi, Thủ đô UAE với chủ đề:
“Công tác đào tạo cán bộ cảnh sát trong các lĩnh vực chuyên ngành”. Hội nghị có
sự tham dự của trên 100 đại biểu đến từ gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn
Việt Nam có 5 thành viên gồm đồng chí Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân - Trưởng
đoàn; đồng chí Giám đốc Học viện An ninh nhân dân và đại diện lãnh đạo các đơn
vị chức năng của hai Học viện. |
Cao Hoàng Long