Giáo dục - Đào tạo
Thứ Tư, 30/9/2015 22:12'(GMT+7)

Khoa Kỹ thuật hình sự, Học viện CSND 35 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành

Ngay từ khi trường mới thành lập, môn Kỹ thuật hình sự (KTHS) được đưa vào giảng dạy phần lý luận nghiệp vụ trong chương trình đào tạo lực lượng Cảnh sát đối với tất cả các hệ học như: Hệ đào tạo học 12 tháng (9 tháng học tập tại trường, 3 tháng đi thực tế) lấy ký hiệu lớp K; hệ bồi dưỡng, bổ túc từ 6 tháng đến 9 tháng (không có thời gian đi thực tế) lấy ký hiệu là lớp T và các lớp đào tạo theo tinh thần hợp tác quốc tế với Lào, Campuchia gọi là lớp C.

Khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1980, đánh dấu một quá trình hình thành và lớn mạnh đáng kể của khoa KTHS. Từ một bộ môn thuộc Khoa Nghiệp vụ II của trường Sĩ quan CSND, với nhiệm vụ giảng dạy chung cho các hệ học, đến tháng 9/1978, bộ môn KTHS lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ chính đào tạo sĩ quan CSND chuyên ngành KTHS bậc đại học. Đến ngày 1/10/1980, Khoa KTHS thuộc trường Đại học CSND chính thức được thành lập theo Quyết định số 66/NC/QĐ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), trưởng khoa là đồng chí Vũ Ngọc Huỳnh.


Ngày 02/10/2001 Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định 969/QĐ/BCA(X13) về tổ chức bộ máy của trường Đại học CSND thành Học viện CSND gồm 26 đơn vị trong đó có Khoa KTHS.

Hiện nay, theo quyết định số 3999/QĐ-BCA-X11 của Bộ trưởng Bộ Công an, Học viện CSND là cơ sở giáo dục trọng điểm của Bộ Công an, bao gồm 40 đơn thuộc các Khoa, Bộ môn, Phòng, Viện và Trung tâm. Khoa KTHS là một đơn vị giảng dạy nghiệp vụ KTHS với số giảng viên hiện nay là 25 đồng chí (03 đồng chí luân chuyển công tác 3 năm sang Viện Khoa học hình sự (KHHS), 01 NCS tại Nga), trong đó có 05 Tiến sĩ, 07 Thạc sĩ (trong đó 06 đồng chí đang nghiên cứu sinh), 13 cử nhân (trong đó 04 đồng chí đang học Cao học, 04 đồng chí dự thi Cao học). Về chức danh: có 04 Giảng viên chính, 10 giảng viên, 05 trợ giảng, 05 chưa duyệt giảng và 01 chuyên viên cấp cao. Về cơ cấu tổ chức: Khoa có 01 Trưởng khoa, 03 Phó trưởng khoa, 02 tổ Bộ môn, mỗi tổ đều có Tổ trưởng và Phó tổ trưởng.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện CSND, cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị đã tập trung biên soạn chương trình khung, các giáo trình môn học, tài liệu chuyên khảo, tài liệu tham khảo, hệ thống câu hỏi, bài tập cho từng môn học, hệ học đảm bảo hệ thống tài liệu đầy đủ, phong phú cho từng hệ học; không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, thực hành, nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hành cho học viên; nhiều đồng chí đạt danh hiệu dạy giỏi cấp Bộ, cấp Học viện. Khoa KTHS luôn luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho các giảng viên. Từng bước củng cố, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, toàn diện, xứng đáng là trung tâm giảng dạy, nghiên cứu khoa học đầu ngành của lực lượng CSND về KTHS .

Từ khi được thành lập đến nay, Khoa KTHS đã và đang đào tạo hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cho lực lượng KTHS trong cả nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong từng thời kỳ của cuộc cách mạng. Trong đó, có nhiều đồng chí đã thành đạt trên cương vị công tác, được bổ nhiệm trở thành những nhà lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở Công an các địa phương.

Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, Khoa KTHS đã có những bước thăng trầm trong công tác đào tạo cán bộ KTHS. Trong quá trình đào tạo, Khoa luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo đối với tất cả các hệ học. Qua đó, Khoa KTHS được đánh giá là một trong những đơn vị giảng dạy của Học viện, đi đầu trong đổi mới giáo dục đại học theo hai hướng: kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn và đổi mới toàn diện. Theo đó, Khoa đã tiến hành hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Công an các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ thuộc Công an thành phố Hà Nội, các phòng KTHS, Công an các đơn vị địa phương. Đặc biệt, Khoa đã tiến hành hợp tác với Viện KHHS và các cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an trong công tác luân chuyển cán bộ và gắn công tác đào tạo học viên chuyên ngành với thực tiễn chiến đấu. Bên cạnh đó, Khoa đã liên tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng “học đi đôi với hành” giúp học viên vững tay nghề sau khi ra trường; phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng từng bước được đổi mới và được xem là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cho học viên.

Về quy mô đào tạo, đến nay, theo mô hình của cơ sở giáo dục trọng điểm, Khoa KTHS hiện nay là một trung tâm đào tạo ngành KTHS trên các lĩnh vực:

- Đào tạo bậc đại học: Đào tạo trình độ cử nhân với 02 chuyên ngành là: chuyên ngành KTHS (là chuyên ngành được đào tạo KTHS chung) và chuyên ngành Giám định KTHS.

- Đào tạo bậc cao học: Đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành KTHS.

Việc tiến hành đào tạo đội ngũ cán bộ KTHS có trình độ đại học cho lực lượng KTHS trong thời gian qua cho thấy, vẫn còn một số khiếm khuyết, yếu kếm trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. So với yêu cầu thực tiễn, lực lượng làm công tác KTHS từ trung ương đến địa phương trong cả nước nhìn chung còn yếu và thiếu, công tác tổ chức, sử dụng cán bộ KTHS còn những khiếm khuyết. Việc trang bị phương tiện kỹ thuật cho lực lượng KTHS không đồng bộ, thậm chí nhiều phương tiện kỹ thuật được trang bị mới nhưng không phát huy được hiệu quả. Ở các trường Công an nhân dân, nội dung, chương trình đào tạo còn chậm, nhất là việc phân định kiến thức trong đào tạo học viên KTHS các bậc học; hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học chưa sửa đổi kịp thời, hệ thống tài liệu tham khảo còn nghèo nàn... chưa đáp ứng đầy đủ cho quá trình giảng dạy và học tập. Đặc biệt, trong giai đoạn đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay; đội ngũ giảng viên giảng dạy nghiệp vụ KTHS của các trường Công an nhân dân còn thiếu, đa phần trẻ, còn hạn chế kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn...

Trước những yêu cầu cấp bách đó, lực lượng KTHS cần phải tổ chức, xây dựng lực lượng hợp lý, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ KTHS, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ KTHS bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Để thực hiện được những vấn đề trên, cần chú trọng một số việc sau:

Thứ nhất, cần sớm xây dựng và quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ KTHS từ Viện Khoa học hình sự (C54) tới phòng KTHS (PC54) cấp tỉnh và Công an cấp huyện nhằm đảm bảo cân đối về số lượng, chuyên sâu về nghiệp vụ trong đào tạo học viên chuyên ngành KTHS trong từng năm và lâu dài. Để đào tạo được đội ngũ cán bộ KTHS chuyên sâu, cần từng bước đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ KTHS cho học viên chuyên ngành KTHS trong các trường CAND theo định hướng phân định kiến thức cho từng cấp học; Đồng thời, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao cho cán bộ KTHS đang hoạt động trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Thứ hai, Học viện CSND đề nghị Bộ Công an sớm quy định chức năng, nhiệm vụ của Khoa KTHS; nhanh chóng triển khai xây dựng chương trình, nội dung đào tạo chuyên ngành giám định KTHS. Thời gian tới cần đề nghị Bộ cho mở tiếp việc đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật phòng, chống tội phạm nhằm ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm bằng phương tiện kỹ thuật.

Thứ ba, tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên của Khoa KTHS cho phù hợp với xu hướng phát triển đào tạo các chuyên ngành KTHS. Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên của Khoa KTHS có đủ về số lượng (ít nhất đến năm 2020 có khoảng 40 giảng viên), đạt chuẩn về chất lượng, có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững vàng, có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học để đảm nhận được nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu 03 chuyên ngành của KTHS là: Giám định KTHS, Kỹ thuật phòng, chống tội phạm và khám nghiệm hiện trường và pháp y.

Để đáp ứng được yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên của Khoa KTHS, Học viện CSND cần đề nghị Bộ tăng cường chỉ tiêu biên chế cho Khoa theo hướng: tuyển học viên chuyên ngành KTHS các khóa ở lại Học viện; tuyển học viên của các trường đại học về các lĩnh vực liên quan đến giảng dạy nghiệp vụ KTHS như: Lý học, hóa học, sinh học, kỹ thuật điện - điện tử... Đồng thời, tạo điều kiện hơn nữa trong nghiên cứu, học tập, tham quan ở các nước có nền KHHS phát triển cho cán bộ, giảng viên của Khoa. Có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu đào tạo, đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ KTHS đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Thứ tư, để đảm bảo nâng cao được chất lượng của đội ngũ cán bộ KTHS thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ phát triển của khoa học - công nghệ, cần chú trọng tăng cường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật vừa hiện đại, vừa thiết yếu quan trọng cho lực lượng KTHS nói chung và cho Khoa KTHS của các trường Công an nhân dân nói riêng, nhất là Khoa KTHS của Học viện CSND.

Việc trang bị các phương tiện kỹ thuật cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của công tác chiến đấu của lực lượng KTHS, cũng như công tác giảng dạy trong các trường Công an nhân dân. Yêu cầu này, đòi hỏi phải có sự trao đổi, thống nhất giữa các đơn vị nhằm sử dụng có hiệu quả thiết thực phục vụ cho công tác chiến đấu và giảng dạy nghiệp vụ KTHS. Tránh gây lãng phí và không phát huy được hiệu quả của phương tiện được trang bị.

Trải qua chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay Khoa KTHS, Học viện CSND là trung tâm đào tạo bậc đại học, sau đại học, nghiên cứ sinh đầu ngành trong lĩnh vực KTHS. Lịch sử đã chứng minh, sự phát triển mạnh mẽ của KTHS cả về chất và lượng. Tuy nhiên, trong thời gian tới Khoa cần được quan tâm hơn nữa về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo trong Công an nhân dân nói chung và lực lượng  KTHS nói riêng, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, xứng tầm với cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an./.

 Đại tá, TS. Hà Lương Tín - Trưởng Khoa KTHS, Học viện CSND 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

(ANTV) - Trong thời đại số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến vì theo tác đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng gần đây là cài đặt các dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền.

Thư viện Ảnh

Mới nhất