Ngày 15 tháng 05 năm 1968, Trường Cảnh sát nhân dân (Học viện Cảnh sát nhân dân ngày nay) với tiền thân là Trường Công an Trung ương được thành lập theo Quyết định số 514/CA/QĐ “Tách phân hiệu Cảnh sát nhân dân ra khỏi trường Công an Trung ương, thành lập trường riêng, có nhiệm vụ đào tạo bậc trung học cho lực lượng Cảnh sát nhân dân” của Bộ Công an. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay Học viện Cảnh sát nhân dân đã phát triển mọi mặt với đội ngũ cán bộ, giảng viên lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại. Ngày 12/8/2015 Học viện Cảnh sát nhân dân được công nhận là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an. Các khoa, bộ môn, các phòng ban chức năng được hoàn thiện và đổi mới về tổ chức và nhân sự, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ giảng viên Khoa Ngoại ngữ trong công tác đào tạo học viên có trình độ ngoại ngữ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
1. Sự hình thành và phát triển của Khoa Ngoại ngữ
Tiền thân của Khoa Ngoại ngữ - Học viện Cảnh sát nhân dân ngày nay là Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ. Tháng 3/1975 Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ được thành lập để giảng dạy lớp sĩ quan Cảnh sát đầu tiên của Trường Sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Ngày 11/11/1983, Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập Khoa Toán - Ngoại ngữ thuộc trường Đại học Cảnh sát nhân dân (Học viện CSND ngày nay) với chức năng, nhiệm vụ giảng dạy các môn toán, tiếng Nga, Tiếng Anh và tiếng Pháp cho các hệ đào tạo, chuyên tu và tại chức. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy toán - ngoại ngữ đơn vị còn được giao nhiệm vụ giảng dạy các môn văn hóa cho các lớp dự bị dài hạn, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ cho cán bộ chuẩn bị đi học tập dài hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, Khoa còn có tổ kỹ thuật phục vụ công tác khai thác và bảo dưỡng 2 phòng luyện âm dạy - học ngoại ngữ.
Trong xu thế hội nhập của đất nước, hệ thống giáo dục và đào tạo của Bộ Nội vụ cần được đổi mới để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Ngày 7/3/1986, Bộ Nội vụ quyết định tách Khoa Toán - ngoại ngữ của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân thành hai đơn vị là Khoa Ngoại ngữ và Khoa Văn Toán. Theo đó, Khoa Ngoại ngữ gồm 14 đồng chí. Ngày 2/10/2001. Trường Đại học Cảnh sát nhân dân được đổi tên thành Học viện Cảnh sát nhân dân và Khoa Ngoại ngữ được đổi tên thành Bộ môn Ngoại ngữ. Bộ môn có nhiệm vụ giảng dạy các ngoại ngữ Nga, Trung, Anh, Pháp cho các hệ học của Học viện.
Đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng đòi hỏi lực lượng Công an không chỉ tinh thông về nghiệp vụ mà còn giỏi ngoại ngữ. Tháng 3/2008, Bộ môn Ngoại ngữ được đổi tên thành Khoa Ngoại ngữ. Bộ Công an cho phép Học viện Cảnh sát nhân dân đào tạo chuyên ngành tiếng Anh Cảnh sát. Năm 2015, Khoa Ngoại ngữ được Bộ Công an giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành tiếng Trung cảnh sát. Hiện nay Khoa Ngoại ngữ có 52 giảng viên. Khoa Ngoại ngữ có nhiệm vụ tổ chức biên soạn tài liệu dạy học và giảng dạy các môn Ngoại ngữ và tiếng Việt theo chương trình đào tạo đại học, sau đại học của Bộ Công an, tổ chức nghiên cứu khoa học trong giảng viên và học viên, quản lý cán bộ giảng dạy; tham gia quản lý, giáo dục học viên theo qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công an và quy định của Học viện Cảnh sát nhân dân.
2. Những thành tích đã đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển
Trong 50 năm qua, Khoa Ngoại ngữ đã có tiến bộ về mọi mặt; đạt được nhiều thành tích đáng khích lê. Điều này thể hiện ở các mặt sau:
- Cơ sở vật chất dành cho việc giảng dạy ngoại ngữ được tăng cường. Các phòng học ngoại ngữ đã được lắp đặt bảng tương tác thông minh, bục thông minh, máy chiếu. Khoa được trang bị 2 phòng lab. Hệ thống wifi nội bộ được kết nối tới tất cả các phòng học.
- Về chương trình đào tạo và tài liệu dạy học
Đội ngũ giảng viên của Khoa luôn năng động sáng tạo trong biên soạn các tài liệu phục vụ giảng dạy. Đến nay, tất các các chương trình môn học, đề cương môn học các học phần của các môn được giao nhiệm vụ giảng dạy đã được Giám đốc Học viện ban hành và được tải lên trang web nội bộ của Học viện. Tất cả các chương trình này đã được chỉnh sửa và cập nhật phù hợp với yêu cầu giảng dạy ngoại ngữ trong tình hình mới. Hệ thống giáo trình trước đây là do người bản ngữ biên soạn. Đến nay, một số giáo trình đã được giảng viên của Khoa biên soạn, được nghiệm thu và được đưa vào giảng dạy như giáo trình tiếng Anh dành cho cảnh sát ( quyển A2 và B1) dùng cho học viên hệ đào tạo và hệ sau đại học. Giáo trình tiếng Anh chuyên ngành 1, 2 dành cho học viên chuyên ngành tiếng Anh cảnh sát. Giáo trình tiếng Việt cảnh sát dành cho học viên quốc tế. Giáo trình tiếng Pháp chuyên ngành dành cho học viên tiếng Pháp. Giáo trình tiếng Trung chuyên ngành dành cho học viên tiếng Trung. Ngoài ra, rất nhiều tài liệu tham khảo dành cho học viên tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Việt (dùng cho học viên quốc tế) đã được biên soạn, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, cuốn từ điển Công an Anh Việt do PGS. TS Đặng Xuân Khang làm chủ biên đã được giảng viên của Khoa phối hợp với một số đơn vị bạn biên soạn và nghiệm thu. Chương trình, giáo trình, tài liệu học tập được cập nhật thường xuyên hướng tới chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho học viên.
- Về đội ngũ giảng viên
Từ chỗ chỉ có 14 giảng viên, đến nay Khoa Ngoại ngữ có 52 giảng viên. Đội ngũ giảng viên của Khoa không chỉ tăng về mặt số lượng mà còn về mặt chất lượng. Hiện nay Khoa có 5 Tiến sĩ, 30 Thạc sĩ. Hầu hết giảng viên của Khoa đã đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ của giảng viên theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2008- 2020.
- Về công tác nghiên cứu khoa học
Giảng viên của Khoa không chỉ hoàn thành tốt công tác giảng dạy, mà còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Các đề tài tập trung vào việc đổi mới và áp dụng các phương pháp giảng dạy mới để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Học viện trong thời kỳ hội nhập và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
- Về công tác dạy giỏi và bồi dưỡng học viên giỏi
Phong trào dạy giỏi của Học viện luôn được giảng viên của Khoa hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Nhiều giảng viên của Khoa đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi cấp Học viện” và danh hiệu “giảng viên dạy giỏi cấp Bộ”. Giảng viên của Khoa luôn đạt giải cao trong các cuộc thi do Bộ Công an và Học viện tổ chức. Năm học 2005, 2 giảng viên của Khoa đoạt một giải nhất và một giải nhì trong cuộc thi giảng viên dạy giỏi do Bộ Công an tổ chức tại T48. Năm học 2016 Bộ Công an tổ chức cuộc thi dạy giỏi trong các trường Công an nhân dân tại T31. Khoa Ngoại ngữ đoạt hai giải nhất. Ngoài ra, Khoa ngoại ngữ còn tích cực tham gia bồi dưỡng học viên giỏi tham gia các cuộc thi do Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an tổ chức. Năm 2015, đội tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân đoạt giải nhất khu vực phía bắc trong cuộc thi Olimpic tiếng Anh dành cho học viên không chuyên do Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức. Năm 2017 đội tuyển của Học viện đoạt một giải nhất dành cho tập thể và một giải nhì cá nhân trong cuộc thi dành cho học viên các trường Công an nhân dân khu vực phía bắc.
3. Những định hướng trong thời gian tới
Mặc dù trong 50 năm qua Khoa Ngoại ngữ đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, để có thể vươn lên hội nhập với thế giới, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên Khoa Ngoại ngữ phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước.
Một là, Khoa tiếp tục công tác đào giảng viên. Coi công tác đào tạo và chuẩn hóa giảng viên là khâu đột phá. Hiện tại Khoa còn 10 giảng viên chưa theo học chương trình Thạc sĩ. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020, 100% giảng viên có trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ; có nhiều giảng viên hơn nữa đạt chuẩn quốc tế về năng lực ngôn ngữ. Chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên cốt cán. Coi chuẩn giảng viên là trọng tâm, quyết định chất lượng đào tạo, không có giảng viên giỏi về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm và phẩm chất đạo đức thì không thể chuẩn hóa được học viên. Chúng tôi không chỉ coi trọng công tác đào tạo chuẩn về năng lực chuyên môn nói chung, mà còn chú ý đào tạo giảng viên giỏi về ngoại ngữ chuyên ngành. Mặc dù giảng viên của Khoa đã tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát, nhưng họ không được đào tạo chuyên sâu về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cảnh sát cũng như chưa có thời gian và kinh nghiệm tích lũy được từ công tác thực tế. Do đó, Khoa sẽ cử giảng viên đi thực tế tại các đơn vị chiến đấu để có thêm kiến thức thực tế để sau này có thể vận dụng kiến thức thực tế trong công tác giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành.
Hai là, Khoa tiếp tục chú trọng công tác biên soạn giáo trình và tài liệu dạy học. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc biên soạn các giáo trình ngoại ngữ chuyên ngành. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, khi dạy ngoại ngữ chuyên ngành thì học viên sẽ hăng hái học tập hơn, sẽ làm tăng động cơ học tập của học viên. Đối với học viên Học viện cảnh sát nhân dân, khi biết ngoại ngữ chuyên ngành, họ có thể trao đổi và làm việc hiệu quả với đồng nghiệp quốc tế trong các vụ án liên quan đến tội phạm quốc tế; tham dự các hội thảo quốc tế về các vấn đề liên quan đến phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Họ có thể điều tra nhanh các vụ án liên quan đến tội phạm là người nước ngoài; có thể đọc các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Khoa đã biên soạn giáo trình tiếng Anh cảnh sát (giáo trình tiếng Anh A1 và B2) theo đường hướng tích hợp giữa ngôn ngữ và nội dung môn học (content and language integrated learning). Theo kế hoạch, Khoa sẽ biên soạn giáo trình tiếng Pháp chuyên ngành cảnh sát, tiếng Trung cảnh sát và tiếng Nga cảnh sát để đáp ứng nhu cầu của người học. Hai cuốn từ điển công an Pháp -Việt và Trung - Việt đang được giảng viên của Khoa tích cực thực hiện. Dự kiến, hai cuốn từ điển này sẽ được nghiệm thu và phát hành trong thời gian kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Cảnh sát nhân dân.
Ba là, thời gian học tập chính khóa ngắn: 10 tín chỉ dành cho học viên hệ đào tạo và hệ vừa làm vừa học, 5 tín chỉ dành cho học viên hệ liên thông. Với thời lượng ít như vậy, học viên không thể đạt chuẩn đầu ra trong thời gian học chính khóa (theo Cambridge ESOL, học viên cần từ 180 đến 200 giờ để nâng một cấp độ). Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đã ban hành chuẩn đầu ra đối với tiếng Anh là bậc 3 (B1) theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam. Chuẩn đầu ra của các ngoại ngữ khác cũng tương đương như chuẩn đầu ra tiếng Anh. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Khoa Ngoại ngữ sẽ tiếp tục chương trình giảng dạy E-learing cho học viên các hệ học, biên soạn các chương trình học tăng cường online, xây dựng các kho học liệu đa dạng phù hợp với từng hệ học, cấp học trên internet, cung cấp phần mềm học tiếng nước ngoài miễn phí cho học viên, giúp học viên có thể học thêm khi có thời gian rỗi. Họ có thể học ở mọi lúc, mọi nơi. Điều này vừa thúc đẩy tính tự chủ của học viên, đồng thời tạo điều kiện để học viên có thể đạt chuẩn đầu ra trong thời gian sớm nhất có thể.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp giảng dạy học ngoại ngữ. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sử dụng công nghệ trong dạy học để tăng tính tự chủ của người học là hết sức cần thiết. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ giúp giảng viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe nói khả năng diễn đạt bằng tiếng nước ngoài, khắc phục những hạn chế về ngữ âm, trọng âm, ngữ điệu. 100% giảng viên của Khoa sẽ sử dụng bảng tương tác thông minh trong giờ học ngoại ngữ. Sử dụng tối đa các tính năng của giảng đường thông minh trong giảng dạy, học tập. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, làm cho bài giảng của giảng viên luôn uyển chuyển, linh hoạt, thúc đẩy sự tương tác giữa người dạy và người học. Những phương pháp dạy học mới như phương pháp lấy người học làm trung tâm, phương pháp thực hành có ý thức, phương pháp dạy học tương tác, phương pháp dạy học dựa vào trang web.v.v. được giảng viên của Khoa sử dụng thường xuyên. Trong các phương pháp dạy học mới này, vai trò của giảng viên đã thay đổi. Họ là người tổ chức, thiết kế, hướng dẫn, đánh giá, giúp học viên trong quá trình học tập. Học viên trở thành người học chủ động, tích cực, luôn làm chủ việc học tập của mình, tìm tòi, sáng tạo trong học tập. Giảng viên hiểu rõ mặt tích cực cũng như những nhược điểm của từng phương pháp giảng dạy ngoại ngữ để vận dụng có hiệu quả nhất cho từng đối tượng cụ thể trong giảng dạy ngoại ngữ.
Năm là, xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ trong Học viện cảnh sát nhân dân. Tiếng Anh (nói riêng), ngoại ngữ (nói chung) cần có môi trường tốt để duy trì và phát triển. Để tối đa hóa cơ hội sử dụng ngoại ngữ cho học viên, Khoa ngoại ngữ tiếp tục tổ chức các câu lạc bộ Tiếng Anh và tiếng Trung. Câu lạc bộ là nơi gắn kết các học viên ham học hỏi và giỏi ngôn ngữ để lan tỏa ra cộng đồng. Câu lạc bộ có thể thực hiện theo hình thức các học viên chuyên ngữ hỗ trợ học viên không chuyên, học viên học khá hỗ trợ học viên học yếu. Ngoài việc duy trì các câu lạc bộ ngoại ngữ, chúng tôi còn tổ chức các chương trình như cuộc thi “Rung chuông vàng” cho học viên tiếng Anh, cuộc thi Olympic tiếng Anh, tổ chức Dạ hội chào năm mới.v.v. Các hình thức học tập không chính thức này giúp học viên có cơ hội sử dụng ngoại ngữ trong môi trường giao tiếp thực. Từ đó hình thành nên niềm say mê hứng thú trong học tập, nâng cao hiệu quả học tập.
4. Kết luận
Với những kinh nghiệm và thành tích đã đạt được trong 50 năm dạy và học ngoại ngữ tại Học viện Cảnh sát nhân dân, với những định hướng sẽ được thực hiện trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Học viện, giảng viên Khoa Ngoại ngữ chắc chắn sẽ thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mà Học viện giao cho, góp phần đào tạo ra những học viên cảnh sát giỏi ngoại ngữ và tinh thông về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Đại tá, TS Nguyễn Quang Hùng
Trưởng Khoa Ngoại ngữ - Học viện CSND