Có hai yếu tố chung cho tất cả các bài viết cho tạp chí, đó là bố cục và độ dài.
Bố cục
Một bài báo hay, cũng giống như một vở kịch hoặc một cuốn tiểu thuyết, có mở đầu, phần thân và phần kết. Khi đọc một bài báo như vậy, bạn sẽ nhận thấy tác giả biết mình đang đi tới đâu và anh ta đã dự kiến được phần kết trước khi bắt đầu viết đoạn đầu tiên.
Lời khuyên 1: Khi đọc phần ghi chép của mình, bạn hãy tìm ra thông tin có thể làm phần mào đầu và thông tin có thể làm tít phụ. Nếu có thể tìm được những thông tin này thì bạn có thể viết bài nhanh hơn nhiều. Nhiều bài báo hay kết thúc bằng cách nhắc lại một điểm đã đề cập trong mào đầu. Cách viết như vậy giúp bài báo có tính nhất quán.
Lời khuyên 2: Dành nhiều thời gian cho phần mào đầu. Tất nhiên đây là đoạn quan trọng nhất của bài báo và nếu mào đầu hay thì nhiều khả năng phần còn lại của bài báo sẽ suôn sẻ.
Lời khuyên 2a: Đối với một bài ngắn 100 dòng (2 cột) hoặc ít hơn, bạn phải vào đề câu chuyện càng sớm càng tốt. Điều này có nghĩa là chậm nhất phải nói được phần cốt yếu của câu chuyện vào phần cuối của đoạn một hoặc phần đầu của đoạn hai. Bạn không có thời gian để miêu tả hay phân tích dài dòng. Dưới đây là một ví dụ về một bài báo hai cột có mào đầu hay:
Một vũ khí siêu âm dưới hình thù một chiếc ống nhòm đã gây choáng váng cho cuộc đua ngựa nổi tiếng Royal Ascot, khiến con chiến mã hất ngã người đua và thua cuộc. Hành động bẩn thỉu này hóa ra là một âm mưu rửa tiền buôn lậu ma túy. Điều tưởng như một âm mưu trên đường đua này lại là tiêu điểm của một phiên tòa hình sự mở tại Luân Đôn vào tuần trước.
Lời khuyên 2b: Đối với những bài dài hơn, khoảng 150 dòng (3 cột) hoặc hơn, bạn có thể thử viết một mào đầu miêu tả một khung cảnh có thể cho độc giả biết sắc thái của sự kiện. Ví dụ:
Khi cơn mưa giấy kim tuyến đổ từ trên trời xuống, nhà tiểu thuyết nổi tiếng nhất Peru bước lên một sân khấu ọp ẹp ở trung tâm Lima. Trước mặt ông, đám đông chừng 25.000 người đang vẫy cờ đỏ-trắng củaPeru và hát: “Tự do! Tự do! Tự do!” và sau đó họ bắt đầu hét tên ông “Mario! Mario! Mario!”
Lời khuyên 2c: Cũng có thể mở đầu bằng một câu chuyện. Ví dụ:
Khi đang còn là một học sinh trung học ở Chicago, Bob Fosse đã tiên đoán cuộc đời mình sẽ thú vị nhưng ngắn ngủi. “Tôi luôn nghĩ rằng tôi sẽ chết ở tuổi 35” ông nhớ lại - “Điều này thật lãng mạn. Mọi người sẽ tiếc thương tôi: “ôi! một tài năng trẻ!”
Lời khuyên 2d: Bạn cũng có thể bắt đầu bằng một câu trích dẫn, nhưng câu nói này phải nêu được ý. Ví dụ: Napoleon từng nói: “Một đội quân đi chinh chiến bằng cái dạ dày của mình.” Nhưng đó là trước khi dăm-bông hộp được sáng chế.
Lời khuyên 2e: Cần tránh mào đầu bắt đầu bằng một thời gian trong quá khứ. Đừng viết “Vào ngày 4/7/1960, lá cờ của Mỹ lần đầu tiên đã được kéo lên tại pháo đài McHenry…” mà hãy viết “Ba mươi năm sau ngày lá cờ của Mỹ được kéo lên tại …”
Lời khuyên 2f: Cần tránh mở đầu với từ “đó là”, ví dụ như “đó là một đêm tối trời và mưa bão.” Không có gì sai khi dùng “đó là”, nhưng từ này thường được dùng quá nhiều.
Lời khuyên 3: Phác thảo bài viết. Một số phóng viên giàu kinh nghiệm không cần phác thảo trên giấy trước khi viết, đặc biệt là đối với một bài ngắn, nhưng hầu hết phóng viên làm việc này. Chỉ cần một danh sách đơn giản các vấn đề được viết theo trật tự mà bạn dự kiến sẽ đề cập là đủ. Việc mất thời gian xây dựng trình tự cho bài viết sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian khi thực sự bắt tay vào viết, bởi vì rất nhiều bài báo, đặc biệt là những bài do bạn tự đi tìm tư liệu, cần phải sắp xếp các sự kiện không liên quan với nhau theo một trình tự. Khi đã dựng được khung cho mớ thông tin hỗn độn thì bạn sẽ dễ dàng quyết định giữ lại thông tin gì, và loại bỏ thông tin gì.
Lời khuyên 3a: Trước khi viết phác thảo, hãy quên hẳn quá trình đi thu thập thông tin và cố gắng xem xét câu chuyện với tư cách là một độc giả không biết gì (hoặc một biên tập viên). Hãy chọn ra những sự kiện, những khía cạnh và những kết luận của câu chuyện mà bạn cho rằng sẽ hữu ích nhất cho một người không hiểu biết gì về chủ đề này. Bằng cách tách mình khỏi quá trình thu thập thông tin, bạn có thể tránh được việc bị rối trước đống thông tin do chính mình thu được. Bạn cũng có thể tìm ra những thuật ngữ hoặc tình huống cần phải giải thích thêm cho độc giả.
Lời khuyên 3b: Việc phác thảo bài viết giúp bạn khống chế số lượng từ của bài báo. Một đoạn trung bình của một bài trong tạp chí TIME được giới hạn trong khoảng 20 dòng. Nếu bạn được giao viết một bài 100 dòng, bạn chỉ được viết năm đoạn. Theo định nghĩa thì mỗi đoạn chỉ được đề cập tới một vấn đề nên bạn sẽ có 5 vấn đề quan trọng. Trừ đoạn mào đầu, bạn còn bốn đoạn. Vậy nên khi xem lại phần ghi chép của mình, hãy chọn ra 4 vấn đề quan trọng bạn muốn đề cập và sắp xếp chúng theo một trật tự logic. Đây chỉ là một gợi ý. Có thể bạn có những phương pháp hay hơn của riêng mình.
Lời khuyên 3c: Trong một bài dài 100 dòng hoặc hơn, bạn nên dành một hoặc hai câu giải thích cho độc giả biết tại sao bài báo này lại quan trọng và tại sao độc giả nên đọc nó. Câu “quảng cáo” này thường nằm ở đoạn hai hoặc đoạn ba của bài viết. Bạn phải chèn câu “quảng cáo” này vào mà vẫn giữ mạch bài viết. Đối với các bài 150 dòng hoặc hơn, hoặc những bài về các vấn đề phức tạp, thì cần phải có riêng một đoạn tự “quảng cáo”.
Độ dài
Các bài của tạp chí thường rất ngắn. Vì vậy phóng viên buộc phải nén thông tin vào rất ít dòng. Điều này có nghĩa là không có chỗ cho các câu văn hoa sáo rỗng.
Lời khuyên 4: Cố gắng viết càng cô đọng càng tốt, cố hết sức để chọn lựa những thông tin phù hợp. Và cần phải rõ ràng. Tránh những câu không có ý nghĩa hoặc không có thông tin
Nếu bạn không muốn bị biên tập viên đảo lộn bài viết của mình, hãy viết bài với những thông tin cụ thể và xác thực tới mức không thể nào thay đổi bài viết mà không giảm đáng kể sức nặng của câu chuyện.
Một số lời khuyên khác
- Không đưa các thông tin quan trọng vào các mệnh đề phụ.
- Nên chọn câu chủ động hơn là bị động.
- Không kết thúc bài viết bằng một câu trích dẫn nếu có thể tránh được. Một cách hay hơn để kết thúc là nêu lên một sự trớ trêu, hoặc một kết luận thông minh hay một sự kiện thú ví gợi mở về những sự kiện xảy ra tiếp theo.
- Hãy chú ý khi dùng trạng từ. Hầu hết trạng từ chỉ có nghĩa nhấn mạnh như trong câu “Đó là một đêm rất tối trời và mưa bão.” Từ rất ở đây mang ít ý nghĩa.
- Tránh lặp lại từ. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng rất nhiều người viết giỏi vẫn mắc phải điều này do không chú ý. Tất nhiên cũng rất nực cười nếu bài viết dùng một loạt từ đồng nghĩa cho một từ quan trọng xuất hiện liên tục trong bài viết, nhưng bạn phải quyết định việc lặp lại từ ở mức độ nào là hợp lý. Đọc to bài viết của mình, tai thường phát hiện ra các từ lặp mà mắt bạn đã bỏ qua.
- Khi dẫn một câu trích trực tiếp, tránh đưa câu trích lặp lại thông tin đã viết. Ví dụ: Các quan chức Mỹ, nhắc lại lời kêu gọi của chính phủ về việc chấm dứt tình trạng lặp lại từ, tuyên bố vào tuần trước rằng “dùng một từ hai lần trong một đoạn văn là không được”. Trong trường hợp này đoạn trích trong ngoặc thuần túy nhắc lại câu giới thiệu. Cách giải quyết hoặc là bỏ câu giới thiệu, hoặc bỏ câu trích.
- Lại nói về trích dẫn, mỗi bài viết nên có vài câu trích. Nói chung, các câu trích ngắn thì hay hơn câu dài. Và càng nhiều trích dẫn càng hay, nhưng sẽ là thừa nếu hơn một người nói về cùng một quan điểm. Các câu trích làm bài viết sống động và hấp dẫn hơn. Tránh những câu trích khẳng định những điều hiển nhiên.
- Khi liệt kê sự việc, đặt chúng theo một thứ tự nhất định: thứ tự chữ cái, thứ tự thời gian,….
- Đọc tạp chí. Việc này sẽ giúp bạn tham khảo cách các nhà báo khác xử lý câu chuyện và các vấn đề trong câu chuyện tương tự như các vấn đề bạn đang phải đối mặt.
- Cuối cùng: Viết lại, viết lại và viết lại. Một bài viết sẽ hay hơn mỗi lần bạn viết lại và thà rằng bạn viết lại để bài viết hay hơn hơn là dành công việc này cho các biên tập viên./.
(Don Morrison, biên tập viên của tạp chí TIME)
Nguồn: vietnamjournalism.com 24/10/2005