Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Công an
Việt Nam và cơ quan cảnh sát Na-uy, được sự đồng ý của Bộ Công an, theo đề nghị
của Vụ hợp tác quốc tế, ngày 21/04/2014, đồng chí Thiếu tướng, GS.TS
Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc Học viện CSND đã chủ trì buổi làm việc với đại
diện của Đại học Cảnh sát Na-uy, ông Ivar Husby, Trợ lý Cảnh
sát trưởng - Trưởng Khoa đào tạo Sau đại học. Tham dự buổi làm việc về phía
Na-uy có Đại diện Trung tâm nhân quyền - Đại học Oslo và Đại sứ quán Na-uy tại
Hà Nội; phía Việt Nam có đại diện Lãnh đạo phòng chức năng của các đơn vị C44,
C45, A92 và V12.
Tại buổi làm việc, đại diện trường Đại học Cảnh sát Na-uy
giới thiệu về quá trình cải tổ công tác điều tra tội phạm, cụ thể là trong lĩnh
vực lấy lời khai, thẩm vấn trong điều tra các vụ án. Công tác đổi mới của lực
lượng cảnh sát Na-uy được tiến hành từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990
với những bước thực hiện bài bản, hướng tới từng đối tượng, từng nội dung cụ thể.
Thực tế sau hơn 20 năm đổi mới, cơ quan cảnh sát Na-uy đã đạt được một bước tiến
đáng kể và trở thành lực lượng thi hành pháp luật hoạt động hiệu quả, đạt được
sự tin tưởng của người dân. Một trong những yếu tố thành công của cảnh sát
Na-uy trong quá trình đổi mới là sự quyết tâm và thể chế hóa bằng những chương
trình, kế hoạch cụ thể từ cấp cao nhất của lực lượng tới từng đơn vị, địa
phương ở cấp thực thi. Đồng thời, việc triển khai thực hiện các chủ trương chiến
lược đó được phân định rõ ràng ở cấp thực thi với các mục tiêu trực tiếp, ngắn
hạn và ở cấp đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực kế cận, với các mục tiêu dài hạn.
Với những kinh nghiệm của mình, phía bạn mong muốn giới
thiệu, chia sẻ với các đối tác của Việt Nam và cho rằng hai bên có thể tiếp tục
các hoạt động trong thời gian tới với mục tiêu chung là tăng cường hiệu quả
công tác điều tra tội phạm, đặc biệt là nội dung lấy lời khai, thẩm vấn, thu thập
thông tin hiệu quả, khách quan nhằm đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội. Các đại
biểu tham gia cuộc họp cũng đã tham gia ý kiến trao đổi để hai bên hiểu nhau
hơn; làm rõ thêm các vấn đề liên quan và đều cho rằng, việc hợp tác, chia xẻ
thông tin, kinh nghiệm về công tác điều tra tội phạm giữa hai bên là rất cần
thiết. Theo kinh nghiệm phía bạn đã trao đổi, để cải cách, nâng cao hiệu quả
công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cần có các hoạt động đồng bộ, kết hợp
giữa hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ thực tiễn và công tác đào tạo, xây
dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo tính kế thừa bền vững. Đại học Cảnh sát Na-uy và Học
viện CSND có một số điểm tương đồng như: cùng là cơ sở đào tạo cảnh sát hàng đầu
của lực lượng cảnh sát quốc gia; tổ chức đào tạo hệ đại học cảnh sát và sau đại
học về khoa học cảnh sát… Do đó, trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội hợp tác,
cùng phát triển.
Qua trao đổi với phía bạn, Học viện CSND khẳng định, trong
thời gian vừa qua, thông qua các khóa tập huấn và các hoạt động giao lưu, trao
đổi kinh nghiệm với các đối tác của Na-uy, cán bộ và giáo viên của Học viện
CSND đã tiếp cận được với nhiều thông tin cập nhật, học hỏi được những kinh
nghiệm tốt trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm…từ đó giúp nâng cao
năng lực giảng dạy, nghiên cứu, tăng cường năng lực cho cán bộ, giáo viên của Học
viện CSND. Trên cơ sở những kết quả bước đầu đã đạt được, hai bên có thể xem
xét nâng cấp mối quan hệ hợp tác giữa hai nhà trường để chủ động hơn trong việc
triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực và dài hạn.
Lãnh đạo Học viện CSND cũng đã bày tỏ sự cảm ơn Cơ
quan Cảnh sát Na-Uy nói chung và Trường Đại học Cảnh sát Na-Uy nói riêng về sự
hợp tác, giúp đỡ trong thời gian qua, cụ thể là khóa tập huấn về “Chiến thuật lấy
lời khai dựa trên giả thuyết vô tội” tổ chức tại Học viện vào tháng 12/2012 và
các khóa tập huấn khác mà Học viện CSND có cử đại biểu tham dự. Lãnh đạo Học viện
khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường
hợp tác giữa lực lượng cảnh sát của các quốc gia nhằm đương đầu và giải quyết
các vấn đề liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm tài
chính, tội phạm sử dụng công nghệ cao… là rất cần thiết; và sự phối hợp, giúp đỡ
của lực lượng cảnh sát Na-uy và Đại học Cảnh sát Na-uy đối với các đối tác của
Việt Nam trong thời gian qua là rất thiết thực, hiệu quả.
Có thể nói, Đại học Cảnh sát Na-uy và Học viện CSND có
một số điểm tương đồng như: cùng là cơ sở đào tạo cảnh sát hàng đầu của lực lượng
cảnh sát quốc gia; tổ chức đào tạo hệ đại học cảnh sát và sau đại học về khoa học
cảnh sát; đồng thời, lực lượng cảnh sát Na-Uy cũng là một trong những lực lượng
cảnh sát chính quy, hiện đại. Do đó, trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội hợp
tác, cùng phát triển. Do đó, trong thời gian tới, Học viện sẽ báo cáo Bộ Công
an cho phép thiết lập quan hệ chính thức với Đại học Cảnh sát Na-uy và tiến tới
ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai nhà trường.
Đại học Cảnh
sát Na-uy có trụ sở đặt tại Thành phố Oslo,
được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho cơ lực lượng cảnh sát quốc gia
Na-uy. Tiền thân của Đại học Cảnh sát Na-uy là Trường cảnh sát nhà nước, thành
lập năm 1920 cho đến năm 1992, trường được chuyển đổi thành cơ sở đào tạo đại học
trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp và Cảnh sát Na-uy. Công tác đào tạo của Đại
học Cảnh sát Na-uy gồm 3 loại hình chính: đào tạo hệ Đại học 3 năm tập trung
(180 tín chỉ); hệ Thạc sỹ khoa học cảnh sát 3 năm không tập trung (120 tín chỉ);
hệ bồi dưỡng nâng cao với 40 loại hình khóa đào tạo khác nhau. Công tác nghiên
cứu khoa học cũng được nhà trường coi trọng thực hiện. Hàng năm, nhiều công
trình nghiên cứu khoa học về các chuyên đề có liên quan như pháp luật, khoa học
cảnh sát, tội phạm học, tâm lý học và xã hội học. Đại học Cảnh sát Na-uy áp dụng
hệ thống chuyển đổi tín chỉ Châu Âu (ECTS) do đó có thể tạo điều kiện cho sự
lưu chuyển sinh viên và phát triển những chương trình đào tạo quốc tế.
Cao Hoàng Long