Thực hiện Quyết định của Bộ
Công an, từ ngày 20-24/4/2014, đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Ngọc Hà, Phó
Giám đốc Học viện CSND đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ ba của Hiệp hội
Học viện Cảnh sát quốc tế (INTERPA) do Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Malaysia chủ
trì tổ chức tại Thành phố Putrajaya, Trung tâm hành chính trung ương của
Malaysia. Hội nghị có sự tham dự của 119 đại biểu, đại diện cho các cơ sở đào tạo
cảnh sát của 36 quốc gia cùng đại diện của 3 tổ chức quốc tế là: Tổ chức cảnh
sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội đại học cảnh sát Châu Âu (AEPC) và Ban
Thư ký ASEANAPOL. Ngài Seri Ahmad Zahid Hamidi Bin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia đã chủ
trì phiên khai mạc và có bài phát biểu chào mừng Hội nghị.
Với mục tiêu xây dựng, tăng
cường mối quan hệ, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo cảnh sát
của các nước trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên
trong công tác đào tạo, huấn luyện cảnh sát, chủ đề Hội nghị năm nay của
INTERPA là “Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo cảnh
sát”. Các nội dung chính của Hội nghị được đưa ra xoay quanh các vấn đề chiến
lược của công tác đào tạo, huấn luyện cảnh sát và những giải pháp phù hợp tình
hình an ninh trật tự trong bối cảnh hiện nay và xu hướng của tương lai. Các nội
dung thảo luận chính đã được nêu ra tại Hội nghị tập trung vào một số nội dung
bao gồm:
- Công tác đào tạo cảnh sát trong thế kỷ 21 và chiến lược xây
dựng, phát triển đội ngũ giáo viên cảnh sát;
- Biện pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên cảnh
sát;
- Áp dụng khoa học kỹ thuật và các kỹ năng giảng dạy tiên tiến
trong đào tạo cảnh sát;
- Công tác đào tạo huấn luyện cảnh sát ở khía cạnh học thuật
và thực tiễn.
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện CSND Phạm Ngọc Hà chụp ảnh lưu
niệm
cùng Chủ tịch INTERPA, Giám đốc Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỹ
Sau phiên khai mạc, Hội nghị
đã triển khai 7 phiên họp tập trung thảo luận về các nội dung xoay quanh chủ đề
chính và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những kết quả đạt được trong quá
trình xây dựng, phát triển của các cơ sở đào tạo cảnh sát. Ngoài ra, một số diễn
giả được mời tham dự cũng đã có bài tham luận chia sẻ những nghiên cứu, phân
tích và xu thế liên kết, hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát nói chung và giữa
các cơ sở đào tạo cảnh sát nói riêng.
Qua 3 ngày làm việc, trên cơ
sở các bài tham luận, các phần thảo luận, chia sẻ của các đoàn, Hội nghị đã thống
nhất một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác đào tạo cảnh sát ở bình
diện quốc tế bao gồm:
- Vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên
đối với công tác đào tạo, huấn luyện cảnh sát;
- Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, huấn luyện
viên cảnh sát có tác dụng to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cảnh sát có năng lực
chuyên môn và khả năng cống hiến cho xã hội
- Đa dạng hóa các hình thức xây dựng, củng cố, tăng cường
năng lực cho đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên trong các cơ sở đào tạo cảnh
sát như: chương trình đào tạo tiểu giáo viên (TOT); chương trình nâng cao năng
lực cho giáo viên trong công tác quản lý học viên, trong áp dụng các hình thức,
phương thức giảng dạy tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
và trong quá trình tự nâng cao năng lực bản thân…
- Các cơ chế đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo
và huấn luyện cảnh sát như cơ chế tự đánh giá, cơ chế đánh giá tự động trên cơ
sở dữ liệu trực tuyến về công tác dạy và học…
- Vai trò và hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học cảnh
sát tại các cơ sở đào tạo và kinh nghiệm trong việc tăng cường năng lực dạy và
học tại các trường cảnh sát; cơ chế tạo điều kiện và hỗ trợ của cơ sở đào tạo đối
với các giảng viên, huấn luyện viên trong quá trình tự hoàn thiện bản thân
- Một số giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên chất lượng
cao như: mời các giáo viên có kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo của các quốc
gia; chương trình hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế có
liên quan đến chuyên ngành đào tạo để tận dụng được kiến thức chuyên gia; khuyến
khích các chuyên gia cảnh sát giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia công tác đào
tạo, huấn luyện.
- Vai trò quan trọng của hệ thống thư viện và các ứng dụng
công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ giáo viên và
chất lượng học tập cho đội ngũ học viên
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện CSND Phạm Ngọc Hà chụp ảnh lưu
niệm
cùng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Malaysia.
Đoàn Việt Nam đã tham gia
trao đổi và có đóng góp một số nội dung tích cực, được Hội nghị ghi nhận và đánh
giá cao như chiến lược xây dựng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ giáo
viên cảnh sát từ khâu tuyển dụng, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng nâng cao, chuẩn
hóa cán bộ thông qua công tác nghiên cứu khoa học, các cơ chế đánh giá trực tiếp
và gián tiếp; Đặc biệt là cơ chế tăng cường sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn
trong công tác đào tạo cảnh sát, được triển khai bắt đầu từ chính đội ngũ giáo
viên thông qua nhiều hình thức đa dạng như: cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo
và các đơn vị cảnh sát địa phương, cơ chế luân chuyển cán bộ, đổi mới hình thức
học tập trên lớp kết hợp thăm quan, nghiên cứu thực tiễn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ
và Tư
Lệnh Cảnh sát Hoàng gia Malaysia
Phát biểu tại buổi bế mạc,
ngài Sri Khalid bin Abu Bakar, Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Malaysia đã khẳng định:
trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự thế giới còn nhiều phức tạp, hơn lúc
nào hết, lực lượng cảnh sát của các nước cần tăng cường sự hợp tác nhằm đương đầu
với những nguy cơ, thách thức của các loại tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố.
Nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát, đáp ứng
yêu cầu của tình hình mới thì công tác đào tạo, huấn luyện đóng vai trò quan trọng.
Diễn đàn INTERPA đã và đang nỗ lực tạo ra cơ hội hợp tác, nâng cao năng lực cho
các cơ sở đào tạo cảnh sát thành viên và các đối tác quốc tế khác.
Có thể nói, việc tích cực
tham gia và đóng góp một cách hiệu quả vào các diễn đàn hợp tác quốc tế về đào
tạo cảnh sát của Học viện CSND trong thời gian qua đã và đang góp phần xây dựng
và thực hiện các nội dung đề ra tại Đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực
và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến
năm 2020”. Phù hợp với một trong các mục tiêu của đề án là tiếp cận từng bước với
thành tựu giáo dục và đào tạo hiện đại của các nước tiên tiến trong khu vực và
thế giới, công tác hợp tác quốc tế sẽ góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng
trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành công an vào năm 2015 và trở
thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của quốc gia vào năm 2020.
Cao Hoàng Long