Sự phát triển của Khoa học điều tra hình sự luôn gắn liền với sự phát triển của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Lịch sử phát triển của khoa học điều tra tội phạm đã chỉ rõ ngay từ những thế kỷ Trước Công nguyên con người đã biết phẫu thuật tử thi để tìm nguyên nhân của những cái chết không tự nhiên, nhưng phải đến thế kỷ XIX và XX Khoa hình sự nói chung và Kỹ thuật hình sự nói riêng mới thực sự phát triển cao.
Năm 1883, tại Pháp nhà khoa học Alphoncer Bectillon (1853-1914) đã vận dụng những kiến thức về thống kê và nhân khẩu học của nhà bác học người Bỉ A. Đôn Phơ Ke-tơle (1796- 1874) để đo đạc các bộ phận cơ thể, trên cơ sở đó tiến hành phân loại người, giúp cho việc nhận dạng được nhanh chóng. Trước đó, vào năm 1860 nhà khoa học người Bỉ Sti-ven đã đề xuất phương pháp trên nhưng không được chấp nhận. Cũng vào cùng thời kỳ này, Ưyliam Hớc-sen, một viên chức chính quyền Anh ở Ấn Độ, đã đề xướng một phương pháp nhận dạng mới, đó là phương pháp dựa trên dấu vân tay. Vấn đề này đồng thời cũng được một người Anh tên là Henri Phôn nghiên cứu độc lập tại Nhật Bản. Đây chính là nền tảng cho phương pháp phân loại điểm chỉ vân tay 10 ngón của Galton - Henri sau này. Vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX phương pháp nhận dạng dựa trên dấu vân tay đã thay thế phương pháp đo người của Alphoncer Bectillon ở hầu hết các nước châu Âu. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật trong các ngành hoá học, vật lý, quang học, y học... thì nhiều lĩnh vực của Kỹ thuật hình sự đã ra đời và được ứng dụng có hiệu quả trong điều tra hình sự như: Ảnh hình sự, nghiên cứu dấu vết súng đạn, độc chất...
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người và nền văn minh nhân loại đòi hỏi công tác điều tra và xét xử tội phạm phải đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, khách quan và khoa học. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở áp dụng các quy luật của tự nhiên - xã hội, đồng thời vận dụng linh hoạt những thành tựu khoa học công nghệ của từng thời kỳ vào hoạt động điều tra, xét xử tội phạm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành tất yếu của một bộ phận mang tính chất khoa học tự nhiên và kỹ thuật trong điều tra hình sự, đó là kỹ thuật hình sự.
Ở Việt Nam, sự hình thành của kỹ thuật hình sự gắn liền với sự kiện cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 19/8/1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lực lượng Công an Cách mạng Việt Nam đã chính thức được thành lập, trong đó có thành lập Phòng Căn cước Nha Công an trung ương. Đây chính là tiền thân của Viện Khoa học hình sự - Cơ quan chuyên môn cao nhất trong tổ chức bộ máy của lực lượng Kỹ thuật hình sự sau này. Năm 1946, thực hiện Sắc lệnh số 23/SL ngày 21/2/1946 và Nghị định số 121/NĐ ngày 18/4/1946 hệ thống tàng thư căn cước đã được thành lập từ trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn này, những tài liệu đầu tiên về KTHS đã được biên soạn và phát hành như cuốn: Khoa dấu vết (tập I); Tả dạng người (tập 2) (xuất bản năm 1948), Khoa điểm chỉ (xuất bản năm 1949), Khoa tả dạng phổ thông (xuất bản năm 1950). Đây là những tài liệu rất có giá trị phục vụ cho công tác huấn luyện đào tạo cán bộ trong thời gian này.
Năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL thành lập Bộ Công an, Phòng căn cước có bí số là Phòng 5 nằm trong Vụ trị an hành chính có nhiệm vụ khai thác tàng thư căn cước, phát hiện nội gián, phục vụ chính quyền cách mạng; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi các vụ án và chỉ đạo công tác căn cước của công an cấp dưới. Ở các liên khu và Ty Công an thuộc tỉnh có các tổ, nhóm căn cước. Tháng 8/1957, Hội nghị Kỹ thuật hình sự lần thứ nhất được tổ chức. Trong hội nghị này vai trò, nhiệm vụ của kỹ thuật hình sự đã được xác định một cách cụ thể, đồng thời quyết định ngày 23 tháng 8 trở thành ngày truyền thống của lực lượng KTHS.
Tháng 2/1960, Phòng Căn cước được đổi tên thành Phòng Kỹ thuật khoa học hình sự (bí số P3-C39). Tháng 4/1963 Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 01 tăng cường công tác kỹ thuật hình sự, trong đó xác định rõ vị trí, phương châm, chế độ công tác Kỹ thuật hình sự và một số công tác lớn phải làm. Tháng 01/1977 Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Cục Trinh sát kỹ thuật III, trong đó có phòng Kỹ thuật khoa học hình sự (P5/KG3).
Thực tiễn của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự đòi hỏi lực lượng KTHS phải được phát triển nâng cao một bước về tổ chức cho tương xứng với vai trò, nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, ngày 19 tháng 5 năm 1978 Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã ký Quyết định số 77/QĐ-BNV tách Phòng Kỹ thuật khoa học hình sự (P5/KG3) ra khỏi Cục Kỹ thuật nghiệp vụ và Quyết định số 78/QĐ-BNV thành lập Viện Khoa học hình sự. Kể từ đây, tổ chức bộ máy của lực lượng KTHS dần dần được củng cố và hoàn thiện như ngày nay.
Cùng với việc ổn định và cải tiến cơ cấu tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã rất chú trọng công tác xây dựng lực lượng và đào tạo cán bộ. Nhiều khóa cán bộ đã được cử đi đào tạo về chuyên ngành KTHS tại các nước có nền KTHS phát triển như Liên Xô, Đức… Ngay từ năm 1959, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cử một số đoàn sang Liên Xô học tập tại nhiều cơ sở đào tạo, gồm: Trường đại học, Trung cấp của ngành An ninh và Cảnh sát của Liên Xô. Trong đó có 05 đồng chí được phân công đào tạo chuyên sâu về KTHS tại trường Trung cấp Cảnh sát Matxcơva, niên khóa 1959 - 1962. Sau khi tốt nghiệp về nước, 02 đồng chí đã được phân công làm công tác giảng dạy chuyên ngành KTHS tại trường Công an Trung ương, đó là đồng chí Lê Sỹ Kính và đồng chí Nguyễn Thiện Kiên. Đây là hai giảng viên đầu tiên giảng dạy về chuyên ngành Kỹ thuật hình sự của Việt Nam.
Năm 1962, Bộ tiếp tục cử 15 cán bộ sang Liên Xô học tập về KTHS khóa VN2. Đến năm 1965, sau khi tốt nghiệp trở về nước, trong số 15 cán bộ trên có đồng chí Vũ Ngọc Huỳnh được bổ sung về cùng tổ giảng dạy Trường Công an trung ương với hai đồng chí Lê Sỹ Kính và Nguyễn Thiện Kiên.
Ngày 15/5/1968 cùng với sự ra đời của Trường Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND) thì chương trình đào tạo kỹ thuật hình sự cho bậc trung học (kí hiệu là KT) đã được chính thức đưa vào giảng dạy. Khi đó nhiệm vụ đào tạo kỹ thuật hình sự do Tổ Kỹ thuật hình sự thuộc Khoa nghiệp vụ II đảm nhiệm. Đến năm 1979, Tổ Kỹ thuật hình sự của Khoa Nghiệp vụ 2 Trường Sĩ quan cảnh sát chính thức giảng dạy chương trình đại học đầu tiên cho khóa D1 sỹ quan Cảnh sát về nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự với các môn học: Tri thức chung về Kỹ thuật hình sự, Nhiếp ảnh hình sự, Khám nghiệm hiện trường, Nghiên cứu tài liệu, Nghiên cứu dấu vết, Nghiên cứu dạng người, Tàng thư vân tay.
Ngày 01 tháng 10 năm 1980, theo Quyết định số 66 NV/QĐ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Tổ Kỹ thuật hình sự thuộc Khoa nghiệp vụ II được tách riêng và thành lập Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát 5 (nay là Khoa Kỹ thuật hình sự). Từ đó ngày 01 tháng 10 chính thức trở thành ngày trường thống của Khoa KTHS - Học viện CSND. Cơ cấu tổ chức của Khoa lúc này gồm: 01 Trưởng Khoa, 01 Phó trưởng khoa và cán bộ, giảng viên. Đồng chí Vũ Ngọc Huỳnh lúc đó giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ II được phân công phụ trách Khoa và sau đó là Trưởng Khoa đầu tiên của Khoa Kỹ thuật hình sự. Năm 1986, Đồng chí Vũ Ngọc Huỳnh chuyển về Bộ Công an công tác, đồng chí Đỗ Quang Phẩm (được đào tạo về chuyên ngành KTHS tại Công hòa dân chủ Đức niên khóa 1969 - 1972) được nhận bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Khoa.
Năm 1990, Trường Đại học Cảnh sát chuyển từ Suối Hai - Ba Vì về xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, Khoa được bố trí làm việc tại tầng 5 Nhà A (nay là nhà H1 - Học viện CSND). Từ năm 1982 đến 1993 (tức là từ Khóa D8 đến D19) Bộ công an không đào tạo học viên chuyên ngành KTHS, chỉ giảng dạy nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự cho tất cả học viên như một môn học. Vì vậy, Khoa Kỹ thuật hình sự lúc này trở thành Bộ môn Kỹ thuật hình sự.
Và đến năm 1993, hệ đào tạo bậc đại học chuyên ngành KTHS được mở lại tại trường Đại học CSND, Khoa KTHS tái thành lập và được giao nhiệm vụ đào tạo học viên chuyên ngành KTHS cho Khóa D20. Khoa giảng dạy các môn học về nghiệp vụ KTHS cho học viên chuyên ngành KTHS và các chuyên ngành khác của Nhà trường. Khoa thực hiện chương trình đào tạo học viên chuyên ngành KTHS theo phương châm sau khi tốt nghiệp ra trường phải công tác tốt trên 3 lĩnh vực cơ bản: Khám nghiệm hiện trường, Giám định kỹ thuật hình sự truyền thống, Kỹ thuật phòng chống tội phạm. Đặc biệt, năm 1993, Khoa KTHS đã đào tạo học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự khóa D1 đầu tiên cho nước bạn Lào.
Từ năm 2007 đến 2011, Đồng chí Đại tá PGS.TS Ngô Sỹ Hiền giữ chức vụ Trưởng Khoa (Hiện nay đồng chí là Thiếu tướng, GS.TS - Viện Trưởng Viện Khoa học hình sự - BCA). Cũng từ năm 2007, Khoa Kỹ thuật hình sự được cơ cấu tổ chức gồm:
- 01 Trưởng Khoa, 02 Phó trưởng khoa,
- 02 Tổ chuyên môn là Tổ Khám nghiệm hiện trường & pháp y và Tổ Giám định kỹ thuật hình sự. Mỗi tổ bộ môn có 01 Tổ trưởng, 01 Phó tổ trưởng và các giảng viên.
Năm 2011, đồng chí Ngô Sỹ Hiền được luân chuyển công tác sang giữ chức vụ Trưởng khoa Luật Học viện CSND, đồng chí Đại tá Hà Lương Tín - Phó Trưởng khoa KTHS được giao nhiệm vụ phụ trách khoa, đến năm 2013 thì nhận quyết định chính thức bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng khoa KTHS.
Năm 2017, đồng chí Đại tá, TS Hà Lương Tín nhận quyết định nghỉ chờ hưu, đồng thời Tổng cục Chính trị - BCA ra quyết định giao đồng chí Thiếu tá, TS Hoàng Trọng Lực phụ trách Khoa.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức Khoa KTHS bao gồm:
- 01 Phó trưởng khoa Phụ trách, 02 Phó trưởng khoa (Trong đó 01 đồng chí Phó Trưởng khoa luân chuyển công tác 3 năm tại Viện KHHS).
- 02 Tổ chuyên môn là Tổ Khám nghiệm hiện trường, pháp y & KTPCTP và Tổ Giám định kỹ thuật hình sự. Mỗi tổ chuyên môn có 01 Tổ trưởng, 01 Phó tổ trưởng và các giảng viên.
Cho đến nay, tổng số cán bộ, giảng viên của Khoa gồm 26 đồng chí (trong đó có 04 đồng chí đang luân chuyển công tác tại C54, 01 đồng chí Nghiên cứu sinh tại Liên Bang Nga). Đội ngũ giảng viên của Khoa hiện nay số lượng trẻ chiếm đa số và có trình độ chất lượng cao, có nhiều giảng viên được đào tạo chính quy hoặc sau đại học ở nước ngoài, thông thạo nhiều ngoại ngữ đảm bảo tốt cho nhiệm vụ đào tạo học viên về chuyên ngành Kỹ thuật hình sự của Học viện CSND cho tất cả các hệ học, khóa học ở bậc đại học và sau đại học.
Từ 1993 đến nay Khoa KTHS đã đào tạo liên tục cho 22 khóa học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự (D20 đến D42) và giảng dạy nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự cho tất cả học viên các chuyên ngành khác nhau của Học viện CSND. Trong quá trình đó, Khoa đã được trang bị hệ thống các phòng học chuyên dụng chất lượng cao phục vụ tốt cho công tác giảng dạy thực hành các tình huống nghiệp vụ thực tế, chất lượng giảng dạy được nâng lên rõ rệt, hệ thống phòng ốc bao gồm:
- Phòng thực hành Khám nghiệm hiện trường (402A - H2)
- Phòng thực hành Giám định kỹ thuật hình sự truyền thống (402B - H2)
- Phòng thực hành Kỹ thuật phòng chống tội phạm (401 - H2)
- Phòng thực hành Giám định kỹ thuật hình sự truyền thống (Khu Huấn luyện thực hành)
- Phòng thực hành Giám định hóa - sinh (Khu Huấn luyện thực hành)
Về chức năng nhiệm vụ, Kỹ thuật hình sự là một ngành đào tạo độc lập trong hệ thống các ngành đào tạo của lực lượng Cảnh sát nhân dân; đào tạo đa lĩnh vực, có trách nhiệm giúp Giám đốc Học viện tổ chức đào tạo cán bộ Cảnh sát nhân dân có trình độ đại học và sau đại học; giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự cho các hệ, khóa học theo chương trình đào tạo của Bộ Công an; tổ chức nghiên cứu khoa học trong giảng viên và học viên; quản lý đội ngũ cán bộ giảng dạy; tham gia công tác quản lý, giáo dục học viên theo quy định; thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác về đào tạo của Bộ Công an và của Học viện Cảnh sát nhân dân.
Về công tác đào tạo, song song với việc đào tạo học viên chuyên ngành KTHS, từ năm 2014, Học viện CSND bắt đầu được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự chất lượng cao cho khóa D40 (gọi là lớp B16). Đến năm 2015, Học viện CSND tiếp tục được Bộ giáo dục - đào tạo và Bộ Công an giao nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh và đào tạo hệ sau đại học về Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật hình sự Khóa 1. Và đến năm học 2015 - 2016 Bộ Công an quyết định mở lớp hệ Liên thông và hệ vừa làm vừa học chuyên ngành Kỹ thuật hình sự đầu tiên tại Học Viện CSND. Đặc biệt, Khoa Kỹ thuật hình sự đã tham gia đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Công an và cấp Học viện. Hướng dẫn nhiều học viên cao học thực hiện luận văn, nghiên cứu sinh thực hiện luận án, được đánh giá cao về mọi mặt tại Học viện. Hiện nay nhiều đồng chí sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật hình sự đang công tác ở các vị trí quan trọng trong lực lượng CAND. Như vậy, trong vòng chưa đầy 03 năm, từ năm 2014 đến 2016, chuyên ngành Kỹ thuật hình sự - Học Viện CSND đã có những bước phát triển tột bậc trong sự nghiệp đào tạo. Điều đó đã đặt ra những nhiệm vụ mới cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực Kỹ thuật hình sự chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời đánh dấu sự ghi nhận rất lớn của Lãnh đạo BCA và của Học viện CSND về vai trò của công tác Kỹ thuật hình sự trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như chất lượng giảng dạy của Khoa Kỹ thuật hình sự tại Học viện CSND.
Ngoài ra, trong những năm gần đây Khoa Kỹ thuật hình sự đã mở rộng phạm vi và hình thức đào tạo bằng cách mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các lực lượng khác nhau trên phạm vi toàn quốc như: Lực lượng cảnh sát điều tra; cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; cảnh sát vũ trang; cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; lực lượng cảnh sát quản lý hành chính; lực lượng quản lý trại giam,... Và các lực lượng ngoài công an nhân dân khác như: Lực lượng Bộ đội biên phòng; lực lượng Kiểm sát nhân dân; lực lượng Hải quan và An ninh hàng không. Đặc biệt, với uy tín và thương hiệu đã xây dựng được, cán bộ, giảng viên của Khoa Kỹ thuật hình sự còn được mời tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nước bạn như: Lào, Campuchia, Israen, Palextin, Hàn quốc.
Để phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo cho nhiều hệ học, lớp học trong và ngoài Học viện, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện CSND, cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị Khoa Kỹ thuật hình sự đã tập trung xây dựng và hoàn thiện chương trình khung, giáo trình môn học, tài liệu chuyên khảo, tài liệu tham khảo, hệ thống câu hỏi, bài tập cho từng môn học, hệ học đảm bảo hệ thống tài liệu đầy đủ, phong phú, cập nhật được với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như thực tiễn công tác. Hiện nay chương trình, nội dung và phương pháp học tập cho cho từng khóa học, hệ học về Kỹ thuật hình sự đã được hoàn thiện và đảm bảo chất lượng tốt cho công tác đào tạo học viên trong tình hình mới tại Học viện CSND. Đồng thời không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, sử dụng phương tiện thực hành, nâng cao chất lượng giảng dạy học tập. Hiện nay, nhiều giảng viên của Khoa đã tham gia nhiều hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp và đạt nhiều danh hiệu cao quý từ cấp Bộ, cấp Học viện đến cấp Khoa.
Đặc biệt, Khoa Kỹ thuật hình sự luôn nêu cao truyền thống chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho các giảng viên. Trong Khoa đã thành lập và hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ, nhóm chuyên môn như: Câu lạc bộ tiếng Anh, Tổ thực hành, Tổ nghiệp vụ, Trung tâm Ảnh, Trung tâm thiết bị an ninh, Thư viện, Chi hội phụ nữ Khoa KTHS... Thông qua việc tham gia hoạt động vào các câu lạc bộ, nhóm, hội trên, cán bộ, giảng viên của Khoa dần được nâng cao khả năng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng phương tiện kỹ thuật, phát triển các kỹ năng mềm. Qua đó từng bước củng cố, xây dựng đơn vị ngày càng đoàn kết, vững mạnh, xứng đáng là đơn vị giảng dạy, nghiên cứu khoa học đầu ngành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự.
Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác đào tạo học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự những năm qua cũng còn bộc lộ một số bất cập như: Nội dung, chương trình đào tạo kỹ thuật hình sự chậm được cập nhật, đặc biệt đối với các lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự mới như: Giám định gen ADN, giám định âm thanh, giám định kỹ thuật số và điện tử... Dẫn đến nhiều học viên sau khi tốt nghiệp chính quy tại Học viện Cảnh sát nhân dân không có những kiến thức cơ bản về các lĩnh vực giám định này, ảnh hưởng đến sự phát triển, mở rộng cũng như khả năng ứng dụng trong điều tra, khám phá tội phạm.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên, mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo hiện nay. Phần lớn giảng viên của Khoa tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, trong khi đó, rất nhiều nội dung của kỹ thuật hình sự, đặc biệt là các lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự mới, không có nhiều giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành (mỗi lĩnh vực hóa học, sinh học, vật lý, bưu chính viễn thông mới chỉ có 01 giảng viên). Hơn nữa, đội ngũ giảng viên đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND hiện nay tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nên còn hạn chế về kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức thực tiễn và phương pháp sư phạm. Số giảng viên trẻ đảm nhận giảng dạy được ít môn học, bài giảng của chuyên ngành nên gây áp lực trong bố trí lịch trình và kế hoạch dạy học.
Cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã được Bộ Công an, Học viện quan tâm trang bị cho hệ thống phòng thực hành mới với một số phương tiện kỹ thuật khá hiện đại, song số lượng phương tiện, chủng loại phương tiện, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác giảng dạy thực hành, đặc biệt là thực hành các lĩnh vực giám định sinh học, giám định hóa học, KTPCTP còn hạn chế, chưa đáp ứng được với một số lượng lớn học viên cần phải thực hành theo chương trình đào tạo. Do đó, trong quá trình đào tạo học viên chuyên ngành vẫn còn sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật được trang bị từ lâu, lạc hậu mà hiện nay các đơn vị thực tiễn không còn sử dụng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thích ứng với công tác thực tiễn sau khi học viên tốt nghiệp ra trường.
Việc lựa chọn học viên để đào tạo chuyên ngành KTHS chưa được coi trọng đúng mức. Với nhiều yếu tố tác động, nhiều học viên chưa có nhận thức đúng, đầy đủ về nghề nghiệp nên ngay từ khi phân công về chuyên ngành KTHS đã có nhận thức sai lệch, không gắn bó, đam mê nghề nghiệp.
Những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo học viên chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Đó là chưa có chiến lược phát triển tổng thể lĩnh vực KTHS nói chung và đào tạo cán bộ chuyên ngành KTHS nói riêng; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu chậm đổi mới, chưa cập nhật với thực tiễn triển khai công tác; sự đầu tư trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực KTHS còn chậm đổi mới; hợp tác quốc tế trong đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học về kỹ thuật hình sự còn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có…
Để nâng cao chất lượng đào tạo học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển của kỹ thuật hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian tới, tác giả đề xuất một số nội dung sau đây:
Một là, đề nghị Bộ Công an cùng các đơn vị chức năng như Cục Tổ chức cán bộ, Tổng cục Chính trị CAND, Viện Khoa học hình sự nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tổng thể cán bộ KTHS trong toàn quốc, từng tỉnh thành phố cũng như các đơn vị cơ sở. Khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ KTHS trong toàn quốc, đồng thời khảo sát nhu cầu cán bộ KTHS trong những năm tới. Trên cơ sở đó, cân đối, xây dựng chỉ tiêu đào tạo học viên chuyên ngành KTHS trong từng năm, theo nhu cầu của từng địa phương cũng như chiến lược trong nhiều năm tiếp theo. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các học viện, các trường CAND tổ chức tuyển sinh theo ngành đào tạo ngay từ lúc đăng ký hồ sơ sơ tuyển. Đặc biệt là sau khi tốt nghiệp cần chỉ đạo phân công cán bộ công tác theo đúng chuyên môn được đào tạo, trong đó có việc phân công học viên chuyên ngành KTHS về công tác đúng lĩnh vực KTHS, nhất là bổ sung cán bộ có trình độ Đại học về KTHS cho các Đội (Tổ) KTHS thuộc Công an cấp huyện.
Hai là, xây dựng chương trình đào tạo đại học về kỹ thuật hình sự với nhiều chuyên ngành cụ thể. Trước mắt, Học viện cần xây dựng chương trình đào tạo đại học chuyên ngành giám định KTHS theo đúng danh mục ngành, chuyên ngành được Bộ Công an phê duyệt. Về lâu dài, cần xây dựng chương trình đào tạo đại học với chuyên ngành theo các lĩnh vực chuyên sâu của KTHS, xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao KTHS. Đồng thời, có định hướng xây dựng chương trình đào tạo liên kết với một số nước có nền khoa học KTHS phát triển.
Nội dung, chương trình đào tạo cần được cập nhật thường xuyên nhằm đảm bảo cung cấp cho học viên những kiến thức mới nhất về Kỹ thuật hình sự, đặc biệt là các lĩnh vực giám định mà hiện nay chưa có trong chương trình giảng dạy như: Giám định gen ADN, giám định âm thanh, giám định kỹ thuật số và điện tử.... Mặc dù, học viên tốt nghiệp chuyên ngành KTHS của các trường Công an nhân dân không có đủ điều kiện chuyên môn cần thiết theo quy định của Luật Giám định tư pháp về việc bổ nhiệm giám định viên âm thanh, nhưng cũng cần thiết phải sắp xếp, bố trí thời lượng giảng dạy nhất định các nội dung này cho học viên. Có như vậy, học viên tốt nghiệp ra trường mới có được những kiến thức cơ bản về các lĩnh vực giám định này để phục vụ công tác chiến đấu, cũng như có thể đưa ra được những chỉ đạo cần thiết liên quan đến công tác giám định khi họ được cất nhắc, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy.
Ba là, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên cả về kiến thức chuyên ngành cũng như các kỹ năng mềm như: Ngoại ngữ, tin học. Được đánh giá có đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ ngoại ngữ, tin học thuộc nhóm đầu trong Học viện CSND nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập và quốc tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Học viện CSND và Khoa Nghiệp vụ KTHS cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, kinh nghiệm giảng dạy và tay nghề cho đội ngũ giảng viên trẻ, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ, tin học.
Bốn là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài liệu giáo trình phục vụ giảng dạy. Trước hết, rà soát lại hệ thống giáo trình để có kế hoạch chỉnh lý bổ sung. Đối với những môn học mới cần nhanh chóng xây dựng giáo trình tài liệu mới trước khi bắt đầu đào tạo. Với đội ngũ giảng viên của Khoa nghiệp vụ KTHS hiện nay cần tập trung dịch thuật những tài liệu của các nước có nền KTHS phát triển. Về trang thiết bị, phương tiện thực hành: Bộ Công an cho phép Viện Khoa học hình sự xác định Học viện CSND là một trong những đầu mối trang bị phương tiện của Viện. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng dự án trang bị phương tiện hiện đại để có thể theo kịp sự phát triển KTHS khu vực và trên thế giới.
Năm là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài Học viện. Đối với các đơn vị trong Học viện, nhất là các phòng, ban chức năng, Khoa Kỹ thuật hình sự đề xuất nên có sự phối hợp sâu rộng hơn, đa dạng hơn để hoạt động quản lý, giám sát và giảng dạy được tiến hành một cách đồng bộ và toàn diện hơn. Đối với các đơn vị ngoài Học viện, đặc biệt là những đơn vị KTHS ở các địa phương, thì cần có cơ chế phối hợp rõ ràng trong việc tiếp nhận và hướng dẫn học viên đi thực tập. Ngoài ra có thể phối hợp cùng với Khoa KTHS để cử cán bộ vào Học viện báo cáo thực tế, giảng dạy cho học viên chuyên ngành.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng KTHS. Giảng viên phải thường xuyên được tham quan kiến tập ở nước ngoài, cập nhật những công nghệ mới được sử dụng trong KTHS. Đồng thời nghiên cứu chuyển giao những tri thức mới, công nghệ mới phục vụ đào tạo học viên chuyên ngành KTHS. Đối với học viên chuyên ngành KTHS, cần tuyển lựa những học viên có thành tích học tập tốt, có khả năng để cử đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài. Ngoài các nước có sự hợp tác truyền thống trong đào tạo chuyên ngành KTHS thì nên mở rộng với các nước khác nhất là các nước có trình độ KTHS phát triển như: Anh, Đức, Pháp, Mỹ...
Với xu hướng đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hình sự nêu trên, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự giúp đỡ ủng hộ của các đơn vị có liên quan và sự nỗ lực, không ngừng đổi mới của Học viện CSND trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung và đào tạo chuyên ngành KTHS nói riêng sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo học viên chuyên ngành KTHS, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng KTHS Công an các địa phương và yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Thiếu tá, TS Hoàng Trọng Lực
Phó trưởng khoa phụ trách Khoa KTHS - Học viện CSND