Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cũng là lúc lực lượng CAND được thành lập để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi lực lượng Công an phải kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, trong đó có sử dụng trinh sát hóa trang dưới nhiều hình thức để bí mật giám sát, theo dõi các tổ chức, đối tượng phản động tay sai của thực dân, đế quốc và tàn dư phong kiến âm mưu chống phá cách mạng.
Đây chính là cơ sở để ra đời Đội Trinh sát Ngoại cần năm 1948 - tiền thân của lực lượng Ngoại tuyến ngày nay. Tháng 10/1954, trong không khí tưng bừng, phấn khởi của hàng vạn nhân dân Thủ đô, Đội Trinh sát Ngoại cần cùng với đơn vị trinh sát ngoại tuyến của Công an Hà Nội - Ban Ngoại trinh (vừa được thành lập) chủ động hóa trang, bám chốt tại các cửa ô, đầu mối giao thông chính, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn các cánh quân vào tiếp quản Thủ đô. Với ý nghĩa đó, Ngày giải phóng Thủ đô - ngày 10/10/1954 được lấy làm Ngày truyền thống của lực lượng Ngoại tuyến.
Giai đoạn đầu, lực lượng mỏng (chỉ hơn 10 cán bộ, chiến sỹ), phương tiện chiến đấu thiếu, thô sơ nhưng với lòng nhiệt huyết cách mạng, những trinh sát ngoại tuyến đã khắc phục gian khổ, dũng cảm vượt qua bom đạn, tham gia đấu tranh hàng trăm chuyên án gián điệp ẩn nấp, gián điệp biệt kích, góp phần bóc gỡ nhiều tổ chức, bắt giữ hàng trăm tên gián điệp... bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng. Đặc biệt, trinh sát ngoại tuyến đã theo dõi bí mật, sử dụng biện pháp nghiệp vụ đối với một số tên, nắm được âm mưu đảo chính của Quốc dân đảng, làm căn cứ giúp Sở Công an Bắc Bộ lập và phá thành công chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hà Nội. Đây là một trong những chiến công xuất sắc, ghi dấu ấn lịch sử về truyền thống hào hùng của lực lượng CAND nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng, trong đó có lực lượng Ngoại tuyến.
Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, lực lượng Ngoại tuyến với 4 tính chất: “thường trực chiến đấu, bí mật khẩn trương, linh hoạt, gian khổ lâu dài” và phương châm “không lộ, không mất, phát hiện quan hệ nhanh chóng, chính xác” đã cùng các lực lượng trong CAND tiến hành đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, bảo vệ công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đồng thời, với quyết tâm “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, nhiều cán bộ lực lượng Ngoại tuyến đã xung phong “Nam tiến” lên đường chi viện cho an ninh miền Nam, cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, thống nhất nước nhà.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, mở ra kỷ nguyên mới, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của CAND giai đoạn này vô cùng khó khăn, gay go và phức tạp. Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, lực lượng Ngoại tuyến tập trung xây dựng lực lượng. đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển mạng lưới Ngoại tuyến nhân dân rộng khắp, hình thành thế trận trinh sát ngoại tuyến. Đặc biệt, lực lượng Ngoại tuyến đã ra sức cải tiến nâng cao các phương pháp chiến thuật theo dõi; linh hoạt, mưu trí, đấu tranh với hàng ngàn đối tượng tình báo, gián điệp, phản động và các loại tội phạm khác, phát hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời hoạt động của chúng, nhất là với những hoạt động “chìm” và đối phó có hiệu quả với những thủ đoạn chống theo dõi của đối tượng... đập tan âm mưu, hoạt động phá hoại nhiều mặt của bọn phản động, chống chiến tranh xâm lược biên giới, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, lực lượng Ngoại tuyến tiếp tục phát triển tổ chức, tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả công tác ngoại tuyến; xây dựng và hoàn thiện các quy định về công tác ngoại tuyến đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Ngoại tuyến; chủ động phối hợp với các lực lượng khác trong Ngành tích cực tham gia đấu tranh chống gián điệp, phản động và tội phạm khác; truy bắt số cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, ngăn chặn âm mưu, kế hoạch hoạt động manh động, phá hoại của chúng trong nội địa; chủ lực trong theo dõi, nắm di biến động và phối hợp ngăn chặn, vô hiệu hoá các hành vi nguy hiểm của các đối tượng cầm đầu cơ hội chính trị trong nước.
Lãnh đạo Cục Ngoại tuyến với hoạt động an sinh xã hội năm 2024.
Đáng chú ý, lực lượng Ngoại tuyến được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng giao tham gia đấu tranh ngăn chặn, phá nhiều vụ trọng án về kinh tế, hình sự, ma túy, trong đó có các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, có tầm ảnh hưởng lớn đến trong nước và quốc tế; tham gia đảm bảo an ninh các kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các điểm nóng về khiếu kiện, tôn giáo, dân tộc và hoạt động kích động, gây rối an ninh của số cực đoan, chống đối... lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc đi vào lịch sử Ngành Công an.
Song song với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Ngoại tuyến còn tích cực tham gia các nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao vị trí, uy tín, hình ảnh của lực lượng CAND Việt Nam. Có thể kể đến, như: Hỗ trợ Lào đảm bảo an ninh các Hội nghị SEA Games 25, Hội nghị ASEM 9, Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn, xây dựng các trung tâm chỉ huy phục vụ đảm bảo an ninh các hội nghị ASEAN 24 do Lào làm Chủ tịch; hỗ trợ đảm bảo an ninh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Campuchia....
Trong các chuyên án, chiến dịch công tác lớn của Bộ Công an đều có sự đóng góp tích cực của lực lượng Ngoại tuyến. Trước bối cảnh tình hình và âm mưu, hoạt động của các loại tội phạm, yêu cầu đối với công tác ngoại tuyến ngày càng cao, ngày 28/10/2013, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 11 về “Tăng cường công tác ngoại tuyến của lực lượng CAND trong tình hình mới” chính thức xác định biện pháp ngoại tuyến là biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành đặc biệt, bí mật, có vai trò hết sức quan trọng và không thể thiếu của lực lượng CAND. Xây dựng lực lượng Ngoại tuyến chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cơ động mang tính đặc nhiệm của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Đến nay, lực lượng Ngoại tuyến đã có tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo tính liên hoàn, đồng bộ trong triển khai biện pháp ngoại tuyến trên phạm vi toàn quốc.
Trong từng giai đoạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; sự giúp đỡ nhiệt tình của quần chúng nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ, lớp lớp các thế hệ cán bộ lực lượng Ngoại tuyến đã luôn kiên định, vững vàng, dũng cảm nêu cao ý thức cảnh giác và tinh thần cách mạng tiến công, không quản ngại khó khăn gian khổ, miệt mài phấn đấu, tận tụy, trách nhiệm, chỉ biết “còn Đảng, còn mình”, vừa củng cố, phát triển lực lượng, vừa chiến đấu. Hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Ngoại tuyến ngày càng hiệu quả, toàn diện hơn, kịp thời phát hiện, làm rõ nhiều quan hệ, hoạt động nghi vấn của đối tượng, đáp ứng yêu cầu điều tra, phá án, trong đó có những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đột xuất được lãnh đạo Bộ đánh giá cao; không ngừng khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt, bí mật, không thể thiếu của biện pháp ngoại tuyến trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ngoại tuyến, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, vũ khí, công cụ hỗ trợ được tăng cường.
Đội ngũ cán bộ ngoại tuyến ngày càng trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến hết mình cùng với cán bộ, chiến sĩ toàn Ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đối ngoại của đất nước. Trên trận tuyến thầm lặng ấy, lực lượng Ngoại tuyến đã có nhiều tấm gương dũng cảm, anh dũng hy sinh, như: liệt sỹ, anh hùng Lâm Văn Thạnh; liệt sỹ Đỗ Anh Tuấn; liệt sỹ Phạm Văn Vĩnh; liệt sỹ Hoàng Ngọc Ấn; liệt sỹ Nguyễn Văn Mão và nhiều liệt sỹ khác…
Ghi nhận những cống hiến to lớn và những thành tích đặc biệt xuất sắc của lực lượng Ngoại tuyến, 2 lần Bác Hồ, Bác Tôn đã tặng lẵng hoa; Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an đã 11 lần tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 lần tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân lực lượng Ngoại tuyến. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Ngoại tuyến (10/10/1954 - 10/10/2024), Cục Ngoại tuyến vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đây chính là nguồn động viên to lớn để lực lượng Ngoại tuyến tiếp tục tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang của CAND Việt Nam “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trong nước, hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ có nhiều khó khăn; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp... đặt ra nhiệm vụ và trách nhiệm ngày càng lớn đối với lực lượng CAND nói chung, lực lượng ngoại tuyến nói riêng. Đối tượng triển khai biện pháp ngoại tuyến sẽ gia tăng; phức tạp, nghiêm trọng về tính chất vụ việc, đặc biệt là các kế hoạch trinh sát ngoại tuyến đặc nhiệm, triển khai tại địa bàn nước ngoài.
Yêu cầu xây dựng lực lượng Ngoại tuyến trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo Nghị quyết số 12/NQ-TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA ngày 25/5/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương; Kế hoạch số 360/KH-BCA-V01 ngày 10/7/2023 của Bộ Công an đòi hỏi lực lượng Ngoại tuyến phải: (1) Luôn giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng ủy Công an Trung ương; tập trung xây dựng lực lượng Ngoại tuyến, trước hết là Cục Ngoại tuyến thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (2) Triển khai có hiệu quả các dự án, đề án đầu tư phương tiện, thiết bị kỹ thuật và ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác ngoại tuyến bảo đảm chủ trương định hướng chiến lược lâu dài, là giải pháp quan trọng, yếu tố then chốt nâng cao chất lượng biện pháp ngoại tuyến. (3) Xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, hệ thống lý luận về công tác ngoại tuyến, tạo cơ sở vững chắc để triển khai biện pháp ngoại tuyến đấu tranh phòng, chống tội phạm. (4) Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả biện pháp ngoại tuyến CAND. (5) Tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác ngoại tuyến. Trước mắt, lực lượng Ngoại tuyến đã chủ động tham mưu và được Bộ Công an ban hành Đề án về “Xây dựng lực lượng Ngoại tuyến trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 11 về “Tăng cường công tác ngoại tuyến của lực lượng CAND trong tình hình mới”. Xác định mục tiêu đến năm 2025, Cục Ngoại tuyến trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; lực lượng ngoại tuyến địa phương gọn, mạnh, xây dựng được tiền đề cơ bản đến năm 2030 tiến lên chính quy, hiện đại.
Tự hào 70 năm truyền thống anh hùng vẻ vang, lực lượng Ngoại tuyến CAND sẽ luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”..., cùng toàn lực lượng CAND hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.