Để điều tra án, cảnh sát cần sự hỗ trợ của nhiều lực lượng, trong đó có những nhóm rất đặc biệt như đội "siêu nhận diện" khuôn mặt.
Đội "siêu nhận diện" khuôn mặt
Paul Hyland gần như không bao giờ quên mặt của bất kỳ ai bởi anh là một thành viên của đội "siêu nhận diện" do cảnh sát Scotland Yard quản lý. Vài năm trước, cảnh sát London mở chiến dịch truy tìm tên trộm đã thực hiện tổng cộng 9 vụ cướp. Khoảng một tháng sau khi được đưa nhận dạng hình ảnh của tên trộm, Hyland và hai đồng nghiệp đã lập công lớn.
"Tôi nhìn thấy một chàng trai bước ra từ cổng trường đại học và tôi biết chắc đó là người mà mình tìm kiếm", Hyland nhớ lại. Sau đó, Hyland và đồng nghiệp bắt giữ nghi can và người này đã phải thừa nhận hành vi phạm tội. "Nếu tôi đã gặp một người, tôi sẽ nhớ rất rõ khuôn mặt họ, ngay cả khi tôi không thể nhớ tên", Hyland nói. Đây là một khả năng đặc biệt mà không phải ai cũng có được.
Bắt đầu từ năm 2011, khoảng 200 nhân viên cảnh sát London được tuyển dụng vào một đội hình ưu tú có tên gọi là “siêu nhận dạng”. Các quan chức cho biết, lực lượng này đã tiến hành hàng trăm vụ tìm kiếm nghi can từ các bức ảnh hoặc theo dõi trên đường phố mỗi tuần. Sự tham gia của đội “siêu nhận dạng” thậm chí còn góp phần ngăn ngừa một số tội phạm như trộm cắp, buôn bán ma túy và bạo lực.
Lực lượng "siêu nhận dạng" đã phát huy tác dụng khá tốt sau khi cuộc bạo loạn ở London xảy ra vào mùa hè năm 2011. Cảnh sát Scotland Yard phải xem lại vụ việc hàng trăm giờ qua video giám sát. Cho đến nay, cảnh sát đã tiến hành gần 5.000 vụ bắt giữ với khoảng 4.000 người thông qua sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát nhận dạng hình ảnh.
Đội “siêu nhận dạng” chịu trách nhiệm gần 30% trường hợp nhận dạng, trong đó có sĩ quan xác định được gần 300 người. “Một chương trình phần mềm nhận dạng khuôn mặt được áp dụng nhưng chỉ có một trường hợp thành công trong khi tỷ lệ thành công do đội “siêu nhận dạng” cao hơn gấp nhiều lần”, ông Mick Neville, Chánh Thanh tra thám tử tại Scotland Yard cho biết.
Gần đây khi Notting Hill Carnival - lễ hội đường phố lớn nhất ở châu Âu được tổ chức, những thành viên của đội “siêu nhận dạng” đã được đưa hình ảnh các thành viên của một băng nhóm tội phạm để nhận diện.
Ông David Kaye, một giáo sư pháp lý nổi tiếng của Đại học Penn State nhận định, khả năng nhận dạng của các thành viên đội “Siêu nhận dạng” phải được các cơ quan có chuyên môn thẩm định trước khi đưa làm chứng tại tòa án vì trên thực tế, việc truy tố tội phạm cần nhiều bằng chứng “lý tính” hơn là việc chỉ xác định tội phạm thông qua nhận dạng.
Ông Brad Duchaine, một nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Dartmouth ở Hanover cho biết: “Cách tiếp cận của cảnh sát London rất có ý nghĩa. Những thành viên của đội “siêu nhận dạng” làm tốt hơn nhiều so với phần mềm nhận dạng khuôn mặt.
Ông Josh Davis của Đại học Greenwich (Anh) cho biết, theo yêu cầu của Scotland Yard, ông lên kế hoạch kiểm tra tất cả 200 thành viên siêu nhận dạng của cảnh sát London để đánh giá khả năng nhận dạng khuôn mặt đặc biệt của họ.
"Chúng tôi không thể lý giải được vì sao họ lại có thể nghi nhớ những đặc điểm trên khuôn mặt một cách nhanh chóng và chính xác như vậy. Ngoài khả năng nhận diện khuôn mặt, thành viên ội “Siêu nhận dạng” lại có vẻ rất hay quên trong cuộc sống thường nhật. Siêu nhận dạng Hyland thừa nhận, anh hay quên những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống”, ông Josh Davis nói.
Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) nói rằng, họ không biết lực lượng cảnh sát nào trên thế giới sử dụng đội “siêu nhận dạng” hay không.
Cảnh sát phân tích tâm lý tội phạm
Hiện nay, một số quốc gia sử dụng các chuyên gia phân tích tâm lý như bộ phận không thể thiếu trong chiến thuật điều tra hình sự. Nhiệm vụ của các nhà phân tích tâm lý tội phạm là phải tự đặt mình vào tâm trí của kẻ giết người để đưa ra những suy đoán logic.
Cách tiếp cận hiện trường của cảnh sát phân tích tâm lý tội phạm cũng khác biệt so với lực lượng cảnh sát điều tra thông thường và tránh để bị ảnh hưởng từ kết quả điều tra của điều tra viên. “Chúng tôi giúp các nhà điều tra tìm thấy những hành vi không phù hợp với biểu hiện hình sự”, Marie-Laure Brunel-Dupin, 37 tuổi, người sáng lập và đang phụ trách bộ phận điều tra tâm lý tội phạm của cảnh sát Pháp giải thích.
Sau khi quan sát, thu thập thông tin từ hiện trường, các nhà phân tích nhanh chóng trở lại trụ sở làm việc, nhập tất cả các thông tin lên một bảng tính đã thiết lập với bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Hệ thống phân tích tội phạm được chia làm ba giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Sau đó, bản phân tích này được gửi đến các nhà điều tra trong vòng từ 24 đến 48 giờ, giúp các nhà điều tra thu hẹp số lượng đối tượng nghi vấn.
Hiện nay, trên thế giới, một số quốc gia sử dụng cảnh sát phân tích tâm lý tội phạm để hỗ trợ quá trình điều tra, trong đó, mô hình cảnh sát phân tích tâm lý tội phạm của Pháp được đánh giá là hoạt động tương đối hiệu quả. Ra đời năm 2002 và có số lượng cán bộ không đông, phần lớn trong số đó là nữ giới được đào tạo bài bản về luật học và tâm lý học. Trung bình mỗi năm, cảnh sát phân tích tâm lý tội phạm ở Pháp xử lý khoảng 40 vụ án hình sự rất “bí ẩn” và “khó” mỗi năm.
Nghệ sĩ pháp y
Họa sĩ vẽ chân dung tội phạm còn được gọi là nghệ sĩ pháp y đang được khá nhiều lực lượng cảnh sát sử dụng để hỗ trợ quá trình điều tra tội phạm. Thông qua lời khai của nhân chứng, họa sĩ vẽ chân dung tội phạm phải phác thảo ra diện mạo của nghi phạm và người mất tích. Nghệ sĩ phác họa hình sự tập trung mô tả nét đặc trưng trên khuôn mặt nghi phạm qua lời kể của nhân chứng.
Khi hỏi các nhân chứng, họa sĩ phải đặt câu hỏi chi tiết đặc điểm nhận dạng về mũi, mắt, miệng, trán và cằm. Không giống như các nghệ sĩ chân dung thông thường, nghệ sĩ phác họa hình sự không có “khuôn mẫu” là hình ảnh hoặc người thật. Thay vào đó, họ cần phải tưởng tượng chân dung thủ phạm qua lời nói của các nhân chứng và điều này, đôi khi không tránh khỏi những sai sót.
Phác thảo chân dung tội phạm chủ yếu được thực hiện bằng tay nhưng các nghệ sĩ pháp y hiện nay có thể sử dụng các chương trình đồ họa trên máy tính. Cái khó khăn nhất mà nghệ sĩ phác họa hình sự phải đối mặt là sự hạn chế thông tin, đôi khi là mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng.
Nhiều nhân chứng chỉ thoáng nhìn thấy và không nhớ chính xác chân dung đối tượng, chính vì vậy, các nghệ sĩ phác họa hình sự phải hỏi những câu hỏi chính xác và kiên nhẫn lắng nghe. Với một “nghệ sĩ” pháp y, ngoài tài năng vẽ thiên bẩm còn cần phải có kỹ năng phỏng vấn để thu thập thông tin, tâm lý khi tiếp xúc với nhân chứng, nhất là khi nhân chứng nhầm lẫn hoặc có thái độ không hợp tác.
Theo thống kê, lực lượng họa sĩ vẽ chân dung đối tượng có mức lương trung bình hàng năm là khoảng 44.850 USD.