Giáo dục - Đào tạo
Thứ Hai, 7/5/2018 15:47'(GMT+7)

Mối quan hệ phối hợp giữa Công an thành phố Hà Nội với Học viện Cảnh sát nhân dân trong tổ chức cho học viên thực tập tại địa phương

Học viện CSND tăng cường 660 học viên hỗ trợ Công an Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

Học viện CSND tăng cường 660 học viên hỗ trợ Công an Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

Công tác tổ chức cho học viên các học viện, nhà trường CAND đi thực tập tại Công an các đơn vị, địa phương là chủ trương đúng đắn của Bộ Công an, đã kịp thời đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao nhận thức của học viên, là đòi hỏi tất yếu, xuất phát từ nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn và đào tạo phải xuất phát, gắn với thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm”, đồng thời giúp cho Công an các đơn vị, địa phương nhận được sự hỗ trợ kịp thời về lực lượng khi có yêu cầu bảo vệ An ninh trật tự trên địa bàn. Phải khẳng định rằng, khâu thực tập tốt nghiệp có vị trí quan trọng trong quá trình đào tạo, là con đường trực tiếp để bước đầu hình thành năng lực vận dụng lý luận vào thực tế, đồng thời là căn cứ, cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Công an thành phố Hà Nội xác định học viên các trường CAND tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phát huy được kiến thức đã được đào tạo, không chỉ là trách nhiệm của nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục đào tạo mà còn là trách nhiệm rất lớn của Công an các đơn vị, địa phương trong việc cập nhật và nâng cao năng lực thực tiễn cho học viên các trường CAND, cũng là nhiệm vụ của đơn vị đối với sản phẩm sẽ sử dụng sau này, vì trong số học viên về thực tập tốt nghiệp, có nhiều đồng chí là cán bộ, học sinh do Công an Thành phố sơ tuyển, cử đi học, khi tốt nghiệp ra trường phần lớn về công tác tại Công an thành phố Hà Nội.

Công an Thành phố Hà Nội được Bộ Công an đánh giá là địa bàn thực tập trọng điểm đối với học viên các trường CAND, là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố, có nhiều thuận lợi cho học viên đến thực tập. Thủ đô là địa bàn đáp ứng tốt về yêu cầu công tác nghiệp vụ, tình huống nghiệp vụ phong phú, đa dạng, nhiều lĩnh vực, đối tượng đấu tranh. Công an thành phố Hà Nội có đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, cán bộ, chiến sĩ có trình độ đại học chiếm 45,60% tổng biên chế làm việc, trong đó tỷ lệ cán bộ chiến sĩ có trình độ đại học nghiệp vụ Công an là 32,40 %, nhiều cán bộ có kinh nghiệm công tác thực tiễn đáp ứng yêu cầu quy định của Bộ trong công tác hướng dẫn học viên thực tập.

Quá trình thực tập tốt nghiệp tại Công an thành phố Hà Nội đã giúp học viên các trường CAND nói chung và học viên Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) nói riêng gắn kết kiến thức lý luận học tập trong nhà trường với thực tiễn công tác ngoài địa phương, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, khả năng xử lý tình huống thực tiễn, sau khi học viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ tại đơn vị. Qua tổ chức thực tập, Công an Thành phố được tăng cường biên chế thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, nhất là khi diễn ra các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn trên địa bàn Thủ đô. Cán bộ hướng dẫn học viên thực tập có dịp được ôn luyện, củng cố thêm về kiến thức nghiệp vụ phục vụ công tác chuyên môn, nhà trường được bổ sung, hoàn thiện hệ thống kiến thức lý luận phục vụ công tác giảng dạy.

Từ năm 2008 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 6.250 học viên Học viện CSND về thực tập tại địa bàn Hà Nội, trong đó 667 học viên được bố trí thực tập tại các phòng nghiệp vụ, được phân công thực tập tại các đơn vị theo đúng chuyên ngành đào tạo. Công an Thành phố chủ yếu tăng cường học viên thực tập về các đơn vị cơ sở, 6.250 học viên được bố trí về Công an các quận, huyện, thị xã thực tập, học viên được trực tiếp tham gia công tác nghiệp vụ tại cơ sở. Đối với học viên các chuyên ngành đặc thù như: Cảnh sát giao thông; Kỹ thuật hình sự; Quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân về thực tập tại các phòng PC67, PC54, các trại tạm giam nhằm tạo điều kiện cho học viên thực tập theo đúng chuyên ngành. Học viên các chuyên ngành Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thực tập tại các đội nghiệp vụ của Công an các quận huyện, học viên đã cơ bản nắm được quy trình mở hồ sơ điều tra cơ bản, sưu tra, xác minh hiềm nghi, tìm hiểu nắm tình hình về tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm cần chú ý trong đấu tranh chống tội phạm ở địa phương, được học tập kinh nghiệm về tuyển chọn, lập hồ sơ, kết nạp sử dụng đặc tình, cơ sở bí mật… trong phòng ngừa đấu tranh, phát hiện và điều tra khám phá tội phạm. Học viên chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội được bố trí về các Công an phường, đồn, trạm, thị trấn thực tập, học viên được tham gia khảo sát, nghiên cứu thực tiễn về tổ chức, hoạt động của Công an cấp phường, cùng lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát trật tự thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: nắm tình hình địa bàn, vận động quần chúng, giao ban với các tổ chức quần chúng ở cơ sở, giúp sinh viện nhận thức đúng chức năng nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tại Công an cơ sở.

Trong thời gian thực tập tại Công an Thành phố, học viên các trường CAND và Học viện CSND luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của lãnh đạo đơn vị, cán bộ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, học viên được tìm hiểu cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc của Công an Thành phố. Quá trình thực tập học viên chấp hành nghiêm chỉnh điều lệnh CAND, quy định của Bộ Công an, nhà trường và đơn vị nơi thực tập, có ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, không có học viên sai phạm bị xử lý kỷ luật tại đơn vị.

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an Thành phố và Học viện CSND trong công tác hỗ trợ đào tạo cán bộ và tham gia giữ gìn TTATXH trên địa bàn Thủ đô. Từ năm 2009 đến nay, Học viện CSND đã tăng cường 3.910 học viên, bổ sung lực lượng, hỗ trợ cho Công an Thành phố trong công tác bảo vệ Tết nguyên đán, tuy thời gian tăng cường ngắn nhưng học viên nhận nhiệm vụ tăng cường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Công an Thành phố đánh giá tốt, hiệu quả.

 Từ năm học 2014-2015, Học viện CSND là trường CAND đầu tiên xây dựng, triển khai thực hiện Đề án thí điểm đổi mới tổ chức đào tạo học viên theo mô hình vừa học vừa thực hành hay còn gọi là thực tập môn học và phối hợp với Công an thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm Đề án, đến nay Công an Thành phố đã tiếp nhận 3.061 học viên về Công an Thành phố thực tập môn học. Việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức đào tạo theo mô hình vừa học vừa thực hành của Học viện CSND là mô hình mới trong công tác giáo dục đào tạo trong CAND, đưa người học đến với thực tiễn công tác, vừa học vừa rèn luyện kỹ năng thực hành, học viên ra trường sẽ mạnh dạn, tự tin hơn trong tiếp cận, thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả công tác tốt hơn.

Trong những năm qua, học viên Học viện CSND về thực tập tại Công an thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thành tốt chương trình kế hoạch thực tập. Nhiều học viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu khó học hỏi nên đạt kết quả tốt được đơn vị biểu dương, khen thưởng. Một số học viên trong quá trình thực tập có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm được Giám đốc Công an Thành phố và UBND các quận, huyện khen tặng giấy khen.

Quá trình tổ chức thực tập, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện CSND và Công an thành phố Hà Nội trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết thực tập. Hàng tháng, Trưởng đoàn thực tập có báo cáo kết quả thực tập về Công an Thành phố và Học viện; giữa đợt thực tập, Học viện phối hợp với Công an Thành phố tổ chức sơ kết để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, kịp thời điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý; kết thúc đợt thực tập Học viện và Công an Thành phố phối hợp tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm cho các đợt tiếp theo, đề xuất Học viện khen thưởng học viên có thành tích.

Bên cạnh những thuận lợi, thành tích đạt được, công tác tổ chức thực tập cho học viên tại Công an thành phố Hà Nội còn có những khó khăn, tồn tại nhất định. Công an thành phố Hà Nội là đơn vị có số lượng cán bộ, chiến sĩ trong biên chế lớn, nhất là các đơn vị thuộc Công an cấp cơ sở nên trụ sở làm việc của các đơn vị, nhất là Công an phường còn hạn chế về diện tích, học viên đến thực tập hầu hết phải tự lo nơi ăn nghỉ; phương tiện phục vụ công tác chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực tập còn thiếu thốn.

Học viên thực tập tại Công an Thành phố tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm còn hạn chế nên khi tiếp xúc với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm còn thụ động trong công việc, nên kết quả thực tập hạn chế. Bên cạnh đó, một số đơn vị lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tiếp nhận, bố trí học viên thực tập, nên chưa quan tâm chỉ đạo sát sao, khoán cho cán bộ hướng dẫn, không kiểm tra, hướng dẫn, động viên học viên thực hiện công tác trong thời gian thực tập tại đơn vị.

Tại một số đơn vị có học viên thực tập môn học, thời gian thực tập tại địa bàn ngắn (20-30 ngày), lãnh đạo các đơn vị Công an Thành phố chưa thật sự quan tâm, giao nhiệm vụ cho học viên chưa phù hợp và sát với nội dung môn học thực hành. Do đó, nhiều học viên chưa nắm bắt hết các nội dung công việc trong quá trình thực tập môn học. Đối với chuyên ngành Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội do Học viện tập trung điểm danh vào lúc 21giờ hàng ngày nên ảnh hưởng đến thời gian học viên cùng Cảnh sát khu vực tiếp xúc nhân dân, các tổ chức đoàn thể, phần nào hạn chế kết quả thực hành môn học.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức cho học viên thực tập tại các địa phương, thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các trường CAND nói chung và Học viện CSND dân thực hiện tốt các nội dung công tác sau:

Một là, Công an Thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất trong việc tiếp nhận học viên các trường CAND nói chung và Học viện CSND về thực tập tại Công an Thành phố, bố trí về các đơn vị theo đúng chuyên ngành đào tạo, phân công cán bộ có kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn tốt, kèm cặp, hướng dẫn học viên trong thời gian thực tập. Lãnh đạo Học viện CSND và lãnh đạo Công an Thành phố cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại kế hoạch thực tập theo đúng quy định của Bộ Công an.

Hai là, Học viện CSND cần quan tâm xây dựng nội dung, chỉ tiêu thực tập phù hợp với tình hình công tác thực tế tại các đơn vị, địa phương trong tình hình mới, đảm bảo học viên hoàn thành tốt chỉ tiêu thực tập theo kế hoạch đề ra; chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng, triển khai kế hoạch thực tập cho học viên.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, triển khai, thực hiện mô hình thực tập môn học cho học viên tại Công an các đơn vị, địa phương đối với toàn bộ các chuyên ngành đang đào tạo tại Học viện CSND; tăng thời gian thực tập môn học, giảm áp lực về thời gian thực tập tốt nghiệp; bố trí lịch thực tập phù hợp với từng lĩnh vực công tác chuyên môn tại địa phương giúp học viên vừa học vừa rèn luyện kỹ năng thực hành, nghiên cứu, tiếp cận, tiếp thu những kiến thức, kỹ năng thực tiễn một cách tốt nhất

Bốn là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường với Công an địa phương trong công tác tổ chức, quản lý học viên thực tập. Ngoài ra, sự đồng bộ thống nhất trong tổ chức triển khai kế hoạch thực tập giữa các đơn vị chức năng của nhà trường là yếu tố cần thiết giúp cho học viên hoàn thành nhiệm vụ thực tập đúng thời gian, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu kế hoạch đã đề ra. Ban chỉ đạo thực tập của nhà trường cần quán triệt giáo viên hướng dẫn thực tập thường xuyên trao đổi thông tin về học viên thực tập, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành của học viên, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết các đợt thực tập nghiêm túc, có hiệu quả, chỉ rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực tập cho học viên.       

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương

                                                                           Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất