Đại học Cảnh sát quốc gia được coi là một trong những trường Đại học danh giá nhất của Hàn Quốc.
Mỗi khóa, trường chỉ tuyển sinh 120 học viên hệ chính quy chia đều cho hai chuyên ngành Luật và Quản lý nhà nước. Tỷ lệ sinh viên nữ chiếm 10% trên tổng số sinh viên của trường. Để được trở thành sinh viên của Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, ngoài các tiêu chí về sức khỏe, ngoại hình như cân nặng (trên 55 kg đối với nam và trên 47 kg với nữ), chiều cao (167 cm đối với nam và 157 cm đối với nữ)… các ứng viên phải vượt qua ba vòng loại gồm: một kỳ thi đại học tập trung, tiếp theo đó là vòng phỏng vấn trực tiếp, kiểm tra năng khiếu, kiểm tra sức khỏe (bao gồm cả xét nghiệm ma túy), và cuối cùng là vòng đánh giá quyết định của Hội đồng tuyển sinh trên cơ sở kết quả của hai vòng trước.
Sinh viên của Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc bắt buộc phải học tập, ăn ở tập trung tại ký túc xá của trường trong suốt 4 năm học chính khóa. Các sinh viên sẽ được về thăm nhà vào những kỳ nghỉ lễ và phải xin phép. Ngay từ khi bắt đầu vào trường, một trong những việc đầu tiên mà các sinh viên phải thực hiện đó là biết trân trọng bộ trang phục cảnh sát mình mặc trên người. Các sinh viên được giáo dục để luôn có ý thức về danh dự và trách nhiệm của mình khi mặc trên người bộ cảnh phục, luôn coi nó là người bạn đồng hành mang đến cho mình sự tự tin, quả cảm và thể hiện danh dự của người cảnh sát.
|
|
Đội nghi lễ danh dự (ảnh trên) và Dàn nhạc giao hưởng (ảnh dưới) của Đại học
Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc
|
Trong 4 năm học tại trường, ngoài việc hoàn thành tốt các nội dung học tập các sinh viên được nhà trường định hướng về rèn luyện thể chất, tư chất, các kỹ năng sống… làm cho mỗi người đều có cơ hội học tập, rèn luyện thường xuyên để xây dựng bản lĩnh đồng thời thể hiện và phát triển những thế mạnh riêng của mình. Trong quá trình này, các sinh viên tự quản lý, giáo dục nhau thông qua Hội đồng sinh viên, Hội sinh viên các khóa. Hội sinh viên do các sinh viên năm thứ tư làm lãnh đạo với cơ chế bầu chọn theo nhiệm kỳ 6 tháng … Với những nguyên tắc, quy định rõ ràng, các sinh viên sẽ tự quản lý, giáo dục giữa năm trên với năm dưới.
Rèn luyện thể chất, lòng dũng cảm là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống sinh viên của Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc. Các sinh viên có thể lựa chọn các khóa huấn luyện võ thuật như Taekwondo, Judo, kiếm thuật hay Hapkido (Hiệp khí đạo Đại Hàn - môn võ gần giống với Aikido) và chơi các môn thể thao như bơi lội, bóng đá, tennis, golf, bóng rổ, leo núi... Đồng thời, trong suốt quá trình học tập từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, các sinh viên đều phải trải qua môn chiến thuật quân sự. Mỗi năm một lần, nhà trường tổ chức kiểm tra sinh viên khỏe để đảm bảo việc rèn luyện và tình trạng sức khỏe đảm bảo thường xuyên, liên tục.
Hàng ngày, vào lúc 05h40, chuông báo thức tự động tại từng phòng ngủ vang lên, đồng thời, hệ thống loa phóng thanh do Hội sinh viên quản lý phát các bản nhạc truyền thống. Sau 15 phút vệ sinh cá nhân, tất cả các sinh viên tập trung tại sân trường. Các nhóm sinh viên tự quản tiến hành điểm danh quân số, sau đó tổ chức chạy thể dục 02 km. Sau phần chạy thể dục bắt buộc, các sinh viên có thể lựa chọn chơi môn thể thao hoặc tập bài thể dục theo sở thích của mình. Giờ ăn sáng kéo dài từ 6h20 đến 7h20, sau đó các sinh viên lên lớp học tập từ 08h00 đến 17h00 (nghỉ ăn trưa tại khu vực giảng đường). Học viên trở về ký túc xá sau 17h. Sau khi ăn tối, từ 18h00 trở đi sinh viên sẽ được tự do học tập hoặc sinh hoạt văn hóa tại thư viện hoặc các câu lạc bộ sinh viên (Thư viện mở cửa 24/24).
Các sinh viên từ năm thứ nhất tới năm thứ tư được phân biệt bởi quân hàm đeo trên vai khi mặc cảnh phục (số vạch trên quân hàm thể hiện số năm học. 1 vạch là năm nhất, 2 vạch là năm 2...) và bởi màu sắc của trang phục mặc ngoài giờ lên lớp hàng ngày. Sinh viên được cấp phát nhiều loại trang phục khác nhau, bao gồm cảnh phục theo mùa, lễ phục và cả bộ thường phục, phải mặc trong quá trình sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Bộ đồng phục thường được sử dụng ngoài giờ lên lớp có màu sắc khác nhau giữa các năm: sinh viên năm 1: màu tím, năm 2: đen có sọc đỏ, năm 3 màu đen sọc xanh, năm 4: màu xanh nước biển. Ngoài thời gian lên lớp, trong suốt quá trình sinh hoạt ngoài giờ, sinh viên bắt buộc phải mặc trang phục được cấp phát, chỉ khi ra ngoài mới mặc đồ thường.
|
|
Một góc phòng ở (trên) và trang phục ngoài giờ (dưới) của học viên Đại học
Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc
|
Việc ứng xử giữa sinh viên các năm khác nhau được thực hiện rất nghiêm túc. Sinh viên năm dưới luôn phải tôn trọng sinh viên năm trên mình, được thể hiện qua một số quy định như: sinh viên năm dưới luôn phải chào sinh viên năm trên bất kể ở đâu (trên giảng đường, trên đường đi, ở ký túc xá, thậm chí là phòng tắm, phòng vệ sinh; nếu sinh viên năm dưới gặp sinh viên năm trên ở ngoài khu vực ký túc xá thì phải chào theo điều lệnh, còn nếu ở trong ký túc xá thì chỉ chào bằng miệng "anyong ha-sưm-ni-ca" - câu chào trang trọng với người lớn hơn mình; nếu một nhóm học viên đang đi ngoài ký túc xá mà gặp học viên năm trên thì phải đi thành hai hàng, người đầu tiên hàng bên phải sẽ giơ tay chào, các học viên khác chào miệng.
Tại Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, việc quản lý sinh viên chủ yếu là do sinh viên năm cuối đảm nhiệm. Khóa sinh viên năm cuối sẽ bầu ra một người đứng đầu làm trưởng khối và năm sinh viên làm Phó Trưởng khối, tổ chức quản lý các hoạt động của sinh viên trong ký túc xá. Mỗi nhà ký túc xá lại chọn ra một sinh viên làm trưởng và bốn làm phó, cũng là sinh viên năm cuối để quản lý khu nhà ký túc xá đó. Ngoài việc quản lý theo các hình thức thông thường như: điểm danh, kiểm tra phòng, kiểm tra vệ sinh, trật tự nội vụ, các học viên năm trên có quyền nhắc nhở và kiểm tra việc học tập, chấp hành quy định của các học viên năm dưới...
Hiện tại, Học viện Cảnh sát nhân dân đang có 03 học viên thuộc lớp B13 khóa D36 đang học tập ngắn hạn (từ tháng 9 - tháng 12/2013) theo chương trình trao đổi học viên (Students Exchange) giữa Học viện với Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc. Tuy thời gian học tập không dài nhưng Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức cho các em học tập, sinh hoạt hết sức chu đáo, thuận lợi. Do đó, trong thời gian này, các học viên của Cảnh sát Việt Nam sẽ không chỉ học tập các kiến thức chuyên môn mà còn học tập được những kinh nghiệm khác về cuộc sống sinh viên cảnh sát, hiểu biết về đất nước con người Hàn Quốc. Mặc dù mới được thực hiện trong năm đầu tiên nhưng mô hình trao đổi sinh viên ngắn hạn này rất có thể là một trong những hoạt động có ý nghĩa trong công tác hợp tác quốc tế của Học viện Cảnh sát nhân dân trong các năm tiếp theo.
Cao Hoàng Long