Ngày 31/5/2024, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay”.
Các đồng chí: Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền đồng chủ trì Hội thảo.
Tới dự Hội thảo có đồng chí Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và tuyên truyền cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện các cơ quan Trung ương; các Sở, Ban, Ngành của các địa phương; các đơn vị chức năng, các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; các học viện, nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài lực lượng CAND.
Đây là Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tầm nhìn “phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” ở Việt Nam.
Theo báo cáo của We are social, tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng internet và mạng xã hội cao, với mức tăng trưởng đều đặn. Facebook và YouTube là hai nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất. Việt Nam có tới 78,44 triệu người dùng Internet, tương đương tỷ lệ 79,1%, cùng với đó là tỷ lệ kết nối di động và thâm nhập Internet cũng ở mức rất cao. Thống kê truyền thông xã hội ở Việt Nam vào tháng 1/2024 cho thấy có 72,70 triệu người đang dùng mạng xã hội, tương đương 73,3% tổng dân số. Riêng về Facebook - mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam năm 2024 đang thu hút 72,70 triệu người dùng và phạm vi tiếp cận quảng cáo của Facebook tại Việt Nam tương đương với 73,3% tổng dân số.
Những con số ấn tượng về tỷ lệ tiếp cận Internet và sử dụng mạng xã hội cho thấy tiềm năng phát triển nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam là rất lớn, đem đến nhiều thuận lợi cho việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Song điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề đảm bảo các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên mạng xã hội, trong bối cảnh những nội dung này đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhận thức, hành vi, thói quen và đời sống tinh thần hàng ngày của nhiều nhóm người trong xã hội.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự xâm nhập, tiếp biến của các luồng văn hóa từ nước ngoài cũng tạo những tác động trái chiều, có thể làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động qua không gian mạng, nhất là mạng xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nham hiểm. Trong khi đó, hiện vẫn còn những lỗ hổng pháp lý và khó khăn nhiều mặt trong quản lý nội dung số trên các mạng xã hội ở Việt Nam, khiến cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi phản văn hóa, trái đạo đức, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội gặp nhiều thách thức.
Thực tiễn trên cho thấy, việc xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số đảm bảo văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, quan trọng. Xuất phát từ lý do nêu trên, Hội thảo được tổ chức với chủ đề “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay”.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 93 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà báo, trong đó có 28 bài viết của các nhà khoa học thuộc lực lượng CAND. Các tham luận đề cập đến những vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm liên quan đến văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham sự đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung chủ yếu như: Phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam; phân tích thực trạng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay; đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra; định hướng, đưa ra giải pháp và khuyến nghị xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, Hội thảo đã đặt ra những vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, lãnh đạo của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề truyền thông số trên mạng xã hội nói chung cũng như những ảnh hưởng của truyền thông số đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự của lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Từ đó đưa ra những vấn đề cần tập trung hơn nữa để thực hiện tốt các giải pháp một cách hiệu quả, khoa học góp phần bảo đảm giá trị văn hóa, đạo đức, nâng cao nhận thức pháp luật trong nội dung truyền thông số trên mạng xã hội, tiến đến xây dựng “con người có nhân cách” và “môi trường văn hóa lành mạnh”, trở thành nguồn lực vững chắc, to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghiên cứu vấn đề văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội tại Học viện CSND, Học viện Báo chí và Tuyên truyên cũng như các cơ quan, đơn vị trong cả nước; từ đó góp phần nâng cao chất lượng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới.
Học viện CSND và Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa vấn đề văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.
PV