Ngày 23/01/2024, Học viện CSND phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự, quản lý tạm giữ, tạm giam thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đại tá, TS Nguyễn Đăng Sáu - Phó Giám đốc Học viện CSND và Đại tá Vũ Trọng Chiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Đại tá Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng; đại diện Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an; đại diện Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, trại giam, trại tạm giam các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện CSND.
Thi hành án hình sự (THAHS), quản lý tạm giữ, tạm giam là nhiệm vụ khó khăn, không những liên quan đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định trong Hiến pháp, pháp luật về THAHS, thi hành tạm giữ, tạm giam, mà còn liên quan đến tính mạng, sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án hình sự, pháp nhân thương mại, người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Công tác THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam cũng là vấn đề có tính chất nhạy cảm mà các thế lực thù địch thường chú ý, lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Do đó, từ khi lập nước, Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện rõ quan điềm nhân văn, nhân đạo trong chính sách hình sự và chính sách với người chấp hành án, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, là nghiêm trị đi đôi với giáo dục thuyết phục, cảm hoá người chấp hành án trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.
Những năm qua, lực lượng Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam đã và đang làm tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao phó, tạo ra những chuyển biến rõ nét trong công tác trong công tác THAHS, thi hành tạm giữ, tạm giam, bảo vệ an toàn các cơ sở giam giữ, thực hiện đúng các chế độ, chính sách nhân đạo của nhà nước đối với người chấp hành án, người bị bắt giữ, người bị tạm giam, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, công tác THAHS, thi hành tạm giữ, tạm giam còn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc: Số lượng người chấp hành án hình sự, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có chiều hướng gia tăng, nhiều đối tượng luôn tỏ rõ thái độ ngoan cố chống đối, thậm chí trốn khỏi nơi giam giữ; trình độ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, chiến sĩ còn chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ được giao.
Từ cơ sở thực tiễn nêu trên, Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự, quản lý tạm giữ, tạm giam thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” có ý nghĩa quan trọng, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hội thảo đã nhận được 50 bài viết của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ thực tiễn và 12 ý kiến tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các bài viết và tham luận đều có giá trị lý luận và khoa học cao, nội dung phong phú, phản ánh khá toàn diện, sâu sắc về chủ đề Hội thảo. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề cơ bản như:
- Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam nói riêng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới;
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho lực lượng Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam những năm qua;
- Thực trạng sử dụng cán bộ được đào tạo ngành THAHS và hỗ trợ tư pháp tại Công an các đơn vị, địa phương;
- Những định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo tại Học viện CSND đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam thật sự trong sạch, vừng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Đại tá, TS Nguyễn Đăng Sáu - Phó Giám đốc Học viện CSND đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ thực tiễn, nhà khoa học tham luận tại Hội thảo và các bài viết khoa học được tập hợp trong Kỷ yếu Hội thảo để báo cáo, tham mưu cho Ban Giám đốc Học viện CSND về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo Ngành THAHS và hỗ trợ tư pháp Đồng thời, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dường, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, áp dung các nội dung, kết quả của Hội thảo vào công tác thực tiễn của lực lượng Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng Cảnh sát THAHS, quản lý tạm giữ, tạm giam chính quy, tinh nhuệ, vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả công tác trong tình hình mới.
PV