Ngày 15/05/1968, Trường Cảnh sát nhân dân (CSND) được thành lập - tiền thân của Học viện CSND ngày nay. Ra đời trong thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, trong điều kiện phải sơ tán, chuyển nhiều địa điểm đóng quân khác nhau, đội ngũ cán bộ, giảng viên thiếu; cơ sở vật chất nghèo nàn và gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, để phục vụ cho sự nghiệp đào tạo của nhà trường, công tác hậu cần đảm bảo của Học viện CSND đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc khẳng định uy tín, chất lượng và vị thế của cơ sở giáo dục trọng điểm của lực lượng Công an nhân dân và tiến tới là cơ sở giáo dục trọng điểm và chuẩn Quốc gia.
Tháng 7/1985, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trường Đại học CSND chuyển đến cơ sở mới tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới. Năm 1990, Nhà trường quyết định di chuyển từ Suối Hai, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội về địa điểm mới. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn về cơ sở vật chất: Giảng đường, lớp học, nơi ở cho học viên không đủ, nhà ăn được xây dựng nhưng không đủ chỗ, nhiều cán bộ, giảng viên không có chỗ ở… Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, công tác hậu cần có sự chuyển biến tích cực: Nhà trường đã xây dựng được 3 nhà ở học viên với diện tích 15.000 m2 sàn; 01 khu giảng đường liên hợp trên 14.000m2 sàn; một bếp ăn tập thể và bước đầu có sự chuẩn bị về nơi ở cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường.
Ngày 02/10/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 969/2001/QĐ-BCA(X13) chuyển trường Đại học CSND (trực thuộc Tổng cục III - Bộ Công an) thành Học viện CSND trực thuộc Bộ trưởng. Đây là một bước phát triển vượt bậc trong xu thế phát triển của Nhà trường. Tuy nhiên, để đáp ứng với quy mô và vị thế của một Học viện, cơ sở vật chất của nhà trường cần có những đổi mới, phát triển phù hợp. Trước yêu cầu đó, Học viện đồng loạt thực hiện công tác hậu cần đời sống theo các chuyên đề cụ thể như: Công tác xây dựng cơ bản, công tác điều hành, sử dụng ngân sách, trang cấp phương tiện, kỹ thuật, nâng cấp phòng học… phục vụ nhiệm vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác trong toàn Học viện. Cơ sở vật chất hạ tầng của Học viện được từng bước củng cố, phát triển theo các hướng: các công trình phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; các công trình phục vụ sinh hoạt, rèn luyện của giảng viên, học viên; các công trình phục vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng văn hoá, truyền thống.
Hiện nay, trên cơ sở kinh phí của Bộ Công an cấp và khai thác, huy động từ các nguồn vốn khác, công tác hậu cần đảm bảo tại Học viện đã thực sự đổi mới. Trong quá trình thi công các hạng mục công trình, mua sắm trang cấp vật tư, thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của Học viện đã đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình và các trang thiết bị, phương tiện. Công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo, tích cực chủ động phòng chống các dịch bệnh lây lan, từng bước xây dựng “Môi trường văn hoá”, “Môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” trong toàn Học viện. Với những nỗ lực của Đảng uỷ, Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên, công tác hậu cần đảm bảo của Học viện trong 50 năm qua đã đạt được một số thành tựu cơ bản như sau:
Thứ nhất, về trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục - đào tạo
Qua nhiều năm đổi mới, tại cơ sở chính đóng quân trên địa bàn phường Cổ Nhuế II, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, Học viện được xây dựng trên mặt bằng diện tích 12,5 ha (trong đó tập trung xây dựng tại khu A với diện tích 7,7ha), trong đó bao gồm:
Hiện nay, Học viện có 16 nhà kiên cố từ 2 tầng trở lên, tổng diện tích mặt sàn hiệu dụng của toàn Học viện trên 89.000 m2. Trong đó có 95 hội trường các loại từ 50 đến 150 chỗ ngồi phục vụ công tác giảng, dạy với diện tích sàn trên 16.000m2. Học viện đã có 16 phòng học chuyên dùng cho các khoa nghiệp vụ đã được đầu tư cơ bản với trang thiết bị đồng bộ; có 39 phòng học lý thuyết chuyên dùng với đầy đủ máy chiếu, hệ thống âm thanh. Năm 2018, Học viện sẽ xây dựng 4 phòng học thông minh với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Thư viện nghiệp vụ với 16.000 m2 sàn; năm 2016 đã triển khai phủ sóng Wifi toàn Học viện với 11 đường truyền cáp quang phục vụ công tác khai thác, sử dụng thông tin trong hoạt động giáo dục - đào tạo và NCKH; lắp đặt và đưa vào sử dụng mạng LAN trong hoạt động của từng đơn vị, triển khai đưa vào hoạt động hệ thống phần mềm quản lý đào tạo theo tín chỉ. Năm 2014, đưa vào sử dụng 2 nhà lắp ghép 3 tầng Ký túc xá dân sự phục vụ đào tạo hệ dân sự của Học viện; Học viện hiện có Nhà tập thể thao đa năng và bể bơi với diện tích 3.415 m2; Sân tập điều lệnh kết hợp huấn luyện thể chất, Quân sự võ thuật - thể dục thể thao với diện tích 2.900 m2; trường bắn 600 m2; Sân vận động đa năng đạt chuẩn với sức chứa 3.500 chỗ ngồi; khu sinh hoạt văn hóa gần 14.500m2.
Học viện đã có 10 khu nhà ký túc xá học viên với tổng diện tích sàn hơn 43.000m2 giải quyết được gần 8000 chỗ ở nội trú cho học viên.
Nhà ăn tập thể cho học viên với diện tích sử dụng là 5761m2 đảm bảo chỗ ăn cho khoảng 5500 xuất ăn/bữa.
Học viên được phục vụ nước uống tại các hội trường, phòng học. Riêng các phòng học thực hành, phòng học chuyên dùng, phòng học hệ sau đại học và bồi dưỡng chức danh, phòng học tại thư viện được bố trí hệ thống điều hòa nhằm từng bước nâng cao điều kiện học tập của học viên.
Học viện đã phối hợp huy động hơn 55 tỉ đồng từ xã hội hóa xây dựng các công trình giáo dục văn hóa, truyền thống yêu nước điển hình là các công trình: Khu chủ quyền biển đảo Việt Nam; khu mô hình Văn Miếu; khu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Nội vụ; khu trưng bày một góc quê hương với 63 hình ảnh đại diện đặc trưng của 63 tỉnh thành cả nước; khu Nhà Sàn, Nhà Rông; phòng Hợp tác quốc tế và nghiên cứu ASEAN; phòng xử án; phòng Bảo vệ luận án; Nhà Tiến sĩ; các công trình văn hoá kính tặng bảo tàng Côn Đảo; đảo Lý Sơn; khu di tích Trung ương cục Miền Nam; các nhà tình nghĩa tại Tây Ninh, Quảng Nam, Quảng Bình; Quảng Trị, Nghệ An, Ninh Bình; Bắc Ninh; Tuyên Quang…
Được sự giúp đỡ của Công an các địa phương, các cựu học viên các hệ học, và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, khuôn viên Học viện đã được cải tạo, quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp. Nhiều bồn hoa, cây cảnh, khu sân vườn đã được xây dựng góp phần quan trọng làm cho Học viện ngày một khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Học viện đang thí điểm mô hình vườn hoa kết hợp âm nhạc thư giãn cho học viên sau giờ học tại các giảng đường. Hiện tại, Học viện đang xây dựng công viên cây xanh cạnh khu Văn Miếu - đây là một công trình lớn, là điểm nhấn trong quần thể các công trình văn hoá, thể thao của Học viện.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục IV, Cục H44, H46… thời gian qua, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ cũng như trang thiết bị cho các phòng học của học viên, phòng Bảo vệ luận văn, luận án, các hội trường lớn (200 và 500 chỗ ngồi) luôn được quan tâm đầu tư, trang bị theo hướng chuyên sâu, đồng bộ với phương châm "lấy học viên và giảng viên làm trung tâm cho đầu tư, trang bị". Đến nay, Học viện đã trang bị được 700 bộ máy tính để bàn (trong đó có 300 bộ máy tính phục vụ cho dạy tin học và ngoại ngữ); máy vi tính xách tay 260 chiếc; máy phô tô 38 chiếc; máy in các loại 126 chiếc; máy chiếu 90 chiếc; điều hoà các loại 350 chiếc; xưởng in hiện đại với hệ thống in OFFSET 4 màu, 8 trang, và nhiều thiết bị hiện đại khác phục vụ điều kiện làm việc, học tập của cán bộ, giảng viên học viên trong toàn Học viện ; thư viện nghiệp vụ Học viện hiện có 65.000 đầu tài liệu, trong đó có 12.749 đầu tài liệu nghiệp vụ, 38.969 đầu tài liệu khoa học tổng hợp và văn học, tài liệu khác 13.282,… Cùng với các đơn vị của Cục H44, V22…, Học viện đã từng bước trang bị và đưa vào sử dụng nhiều phòng học chuyên dùng hiện đại, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục, huấn luyện, kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho học viên, điển hình như: Phòng chuyên dùng chuyên ngành Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; phòng chuyên dùng Khoa Cảnh sát hình sự, Khoa Kỹ thuật hình sự, Khoa Cảnh sát điều tra, Khoa Cảnh sát ma túy, Khoa Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt...
Thứ hai, về công tác triển khai và quản lý các công trình, dự án
Học viện đã triển khai và quản lý có hiệu quả các công trình, dự án xây dựng của Học viện được lãnh đạo Bộ phê duyệt, đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, Bộ Công an về quản lý dự án, xây dựng công trình; các hoạt động đấu thầu, chào hàng đảm bảo minh bạch, công khai, đúng luật. Các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả công năng, góp phần tích cực cho Học viện trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo cán bộ Công an cho Ngành và cho đất nước. Điển hình, giai đoạn 2010 - 2015, công tác quản lý và thực hiện dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 nhà ở học viên 12 tầng; Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát; trạm biến áp 2.500 KVA,…
Việc triển khai và quản lý các công trình cũng như tài sản sau khi được đầu tư mua sắm đã được thực hiện một cách triệt để, khoa học, đúng quy định. Trên phương diện quản lý tài sản, Học viện đã xây dựng quy trình quản lý, sử dụng trang thiết bị, khai thác, quản lý triệt để tiện ích phương tiện, công trình. Do đó, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện cũng như quản lý các công trình, dự án đảm bảo nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Những dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị, phương tiện, thiết bị trong Học viện thực sự là những yếu tố tích cực, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.
Hiện tại, Học viện đang triển khai một số hạng mục: Lập, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trung tâm huấn luyện thực hành nghiệp vụ Cảnh sát; Giải phóng mặt bằng, san nền và xây tường rào diện tích 31.954 m2 đất mở rộng Học viện thuộc dự án đầu tư, xây dựng và mở rộng Học viện CSND tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; Trung tâm Huấn luyện thực hành với hơn 1.600m2 xây dựng, bảo đảm hoạt động của công tác huấn luyện, thực hành nghiệp vụ đối với 11 khoa chuyên ngành; Dự án xây dựng cơ sở 2 của Học viện tại Vĩnh Phúc với hơn 100 ha đang tiếp tục được triển khai..
Thứ ba, về công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng vật tư, trang thiết bị
50 năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng luôn được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện quan tâm chỉ đạo. Do đó, Học viện đã nghiêm chỉnh thực hiện quy định của Nhà nước, Bộ Công an trong xây dựng cơ bản, mua sắm sử dụng vật tư, thiết bị, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Đấu thầu, Nghị định số 85/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu xây dựng và mua sắm hàng hoá; thực hiện nghiêm túc Luật số 48/2005/QH11 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Do đó, mọi hoạt động đấu thầu xây dựng cơ bản cũng như mua sắm hàng hoá được tiến hành công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Những thay đổi cơ bản về cơ sở vật chất, hậu cần đảm bảo nêu trên đã tạo nên một diện mạo mới cho Học viện CSND. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Học viện CSND được đánh giá là môi trường khang trang, hiện đại nhất trong các nhà trường thuộc Bộ Công an. Tuy nhiên, với vai trò là trường trọng điểm của Bộ Công an và trong xu hướng phấn đấu phát triển Học viện trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm và chuẩn Quốc gia, Học viện CSND mới đáp ứng được các điều kiện cơ bản của nhóm tiêu chí 1 tại Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015: Về đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị đối với một sơ sở giáo dục đại học trọng điểm Quốc gia. Vì vậy trong thời gian tới, công tác hậu cần đảm bảo cần có những đổi mới phù hợp với tình hình đặt ra.
Để thực hiện được điều đó, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Đối với Bộ Công an:
- Học viện CSND tiếp tục đề nghị Bộ Công an, Tổng cục IV, Cục H44 quan tâm nhiều hơn nữa trong việc đầu tư trang bị, trang cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác giáo dục, đào tạo và dự phòng chiến đấu của Học viện trong thời gian tới. Đặc biệt là đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để Học viện CSND trở thành trường chuẩn và trường trọng điểm Quốc gia vào năm 2018, trong đó, Học viện rất mong sớm được sự chấp thuận của Lãnh đạo Bộ và Tổng cục IV về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện thực hành của Học viện CSND; đầu tư trang bị các loại vũ khí, súng đạn, công cụ hỗ trợ, phương tiện vận tải… đảm bảo đủ định mức theo quy định phục vụ cho đào tạo và huấn luyện học viên của Học viện.
- Dự báo tình hình tội phạm trong giai đoạn tới để đầu tư các hạng mục công trình cho việc đào tạo sẵn sàng ứng phó với tình hình tội phạm trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với Học viện CSND:
- Đảng uỷ, Ban Giám đốc cần quán triệt đến cán bộ, giảng viên, công nhân viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác hậu cần - kỹ thuật, đặc biệt là Chỉ thị số 06/CT-BCA ngày 24/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.
- Tập trung huy động tiềm lực, tranh thủ mọi nguồn vốn cả trong và ngoài ngành để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đầu tư trang bị, trang cấp trang thiết bị, phương tiện nói riêng phục vụ công tác giáo dục - đào tạo và các hoạt động khác của Học viện. Đặc biệt, coi trọng việc xã hội hoá và huy động nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn kinh phí phục vụ công tác bảo đảm và phát triển cơ sở vật chất của Học viện.
- Khi trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, Học viện cần có những lộ trình cụ thể báo cáo Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai các điều kiện cần thiết để phù hợp với yêu cầu của một trường đại học trọng điểm Quốc gia. Theo đó, cần rà soát lại các hạng mục còn thiếu, các công trình, phần việc chưa hoàn thành để tiếp tục có những định hướng, kế hoạch triển khai để phấn đấu mục tiêu đến năm 2020 Học viện trở thành trường đại học trọng điểm và chuẩn Quốc gia.
- Chú trọng cải thiện một bước về nhà ở, đất ở và chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ trong Học viện; xúc tiến lập dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Học viện; làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ theo Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị.
Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên
Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân