Ngày 24/12/2024, Học viện CSND tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa tại Việt Nam và giải pháp phòng ngừa”. Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự có các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; Cục phòng chống rửa tiền, Vụ Pháp chế - Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Công an đơn vị, địa phương, lãnh đạo các học viện, nhà trường CAND; cán bộ, giảng viên và học viên Học viện CSND.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong kỷ nguyên của nền công nghiệp 4.0, tiền mã hóa là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ số Blockchain. Sự xuất hiện của tiền mã hóa đã đem đến sự phát triển vượt bậc về thương mại điện tử và mở ra cho thị trường tài chính một trang mới nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức đối với nền kinh tế kỹ thuật số, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa.
Theo thống kê của Công ty dữ liệu Blockchain Chainalysis: năm 2021, hành vi rửa tiền bằng tiền mã hóa tăng 30% so với năm 2020, ước tính khoảng 8,6 tỷ USD. Năm 2022 tăng lên mức 23,8 tỷ USD. Một số sàn giao dịch tiền mã hóa phổ biến có liên quan đến nghi án rửa tiền hoặc tiếp tay cho rửa tiền.
Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Việt Nam, theo thống kê sơ bộ, đến nay, cơ quan Công an đã khởi tố, điều tra 44 vụ án về tội rửa tiền liên quan đến nhiều tội phạm nguồn khác nhau, trong đó có tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tiền mã hóa, tài sản mã hóa.
Ngày 23/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó, nhấn mạnh hoạt động “xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ”. Một khung pháp lý hợp lý, toàn diện dựa trên nền tảng xác định tiền mã hóa là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật có liên quan đến tiền mã hóa, trong đó có hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Đại tá, PGS.TS Phạm Xuân Định - Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND báo cáo đề dẫn Hội thảo
Xuất phát từ cơ sở lý luận và yêu cầu thực tiễn, Hội đồng lý luận Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho Học viện CSND tổ chức Hội thảo khoa học “Hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa tại Việt Nam và giải pháp phòng ngừa” nhằm nhận diện về tiền mã hóa, phân tích những ưu điểm cũng như rủi ro trong các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa; đánh giá về nguy cơ, thủ đoạn rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa ở Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm này trong thời gian tới.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã ghi nhận 65 bài viết của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia, cán bộ đang trực tiếp làm công tác lãnh đạo, chỉ huy, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ở các đơn vị trong lực lượng CAND cũng như các đơn vị ngoài Ngành. 12 tham luận được Ban Tổ chức Hội thảo lựa chọn trình bày trực tiếp tại Hội thảo đã bám sát các nội dung, yêu cầu của kế hoạch và chương trình đặt ra.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Kết quả của Hội thảo sẽ bổ sung và hoàn thiện những tri thức trong công tác phòng ngừa tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa tại Việt Nam, từ đó góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.