Công nghệ blockchain mở cửa cho nhiều lĩnh vực
Biểu đồ minh họa nút trong blockchain.

Suốt quá trình phát triển xã hội, loài người không ngừng tìm ra phương thức vận hành xã hội một cách thông suốt, nhằm giải quyết những sự thiếu minh bạch vẫn diễn ra thường xuyên mà chưa được xử lý triệt để. Sự ra đời của công nghệ blockchain gần đây mở ra những cơ hội mới, có thể trở thành phương thức hiệu quả nhằm giải quyết những vấn đề trên.

Định nghĩa blockchain

Blockchain là một công nghệ, trong đó toàn bộ dữ liệu được mã hóa thành các khối hộp (Block) và nối với nhau thành chuỗi (chain). Trong mỗi khối chứa các thông tin về thời gian khởi tạo, sự liên kết giữa các khối và các dữ kiện liên quan khác.

Blockchain lưu trữ thông tin trên hệ thống theo số lượng và thông tin giao dịch (tính từ giao dịch đầu tiên). Hệ thống blockchain được sinh ra, sử dụng mạng dữ liệu ngang hàng (phi tập trung) nhằm chống lại sự thay đổi dữ liệu.

Bạn có thể tưởng tượng, một hệ thống gồm 9 máy tính liên kết thông suốt với nhau và giống nhau hoàn toàn. Muốn thay đổi dữ liệu trên một máy, hệ thống yêu cầu phải thay đổi dữ liệu trong cả 8 máy còn lại. Nếu yêu cầu này không được thực hiện, hệ thống sẽ ghi nhận và cảnh báo cho người có chức năng.

Hệ thống blockchain hoạt động theo cơ chế này. Tuy nhiên thay vì 9 nút, blockchain có thể lên tới hàng triệu nút dữ liệu ngang hàng.

Sự minh bạch của blockchain

Với cơ chế hoạt động trên, blockchain đảm bảo mọi dữ liệu ghi nhận trên hệ thống luôn chính xác và minh bạch. Có thể ví blockchain giống như một "cuốn sổ cái" ghi chép và mã hóa mọi thông tin giao dịch, nhưng là một cuốn sổ mở và không có giới hạn.

Mọi người thuộc cùng một hệ thống mạng ngang hàng (phi tập trung) đều có thể truy xuất thông tin nhưng không thể thay đổi được dữ liệu một cách trái phép. Mỗi cập nhật, sữa chữa, thêm hay xóa về dữ liệu, thông tin trong hệ thống blockchain đều được ghi nhận lại. Không một giao dịch hay hoạt động nào có thể bị giấu đi trong hệ thống. Tất cả đều hiển thị để người sử dụng có thể kiểm tra và đối soát.

So sánh đơn giản, cách vận hành này tương tự với việc bạn gửi một bưu phẩm từ Hà Nội tới Huế, nhưng bưu phẩm phải có sự chứng kiến và đồng thuận của mọi người ở Hà Nội. Lúc này, ai cũng biết được bưu phẩm đó là của bạn chứ không phải từ ai khác và nó được gửi tới ai, kèm những thông tin gì.

Thế mạnh của blockchain

Khó làm giả: Thuật toán dùng để chạy hệ thống blockchain là thuật toán SHA có chứa 64 vòng lặp. Để tạo một ID giả trong hệ thống blockchain, cần thực hiện ít nhất 2^64 (mười tám tỷ tỷ) lần lặp. Thậm chí, người thiết kế hệ thống có thể sử dụng hàm băm nhiều lần, lên tới 128,256… vòng lặp. Làm giả một ID trong hệ thống như vậy gần như là không khả thi.

Khó bị phá hủy: Dữ liệu trong hệ thống blockchain khó bị phá hủy hơn so với các hệ thống thông thường. Trong hệ thống phi tập trung, tất cả các máy có vai trò ngang nhau, việc tấn công đồng thời tất cả các máy là điều khó xảy ra hơn.

Khôi phục dễ dàng: Số lượng máy tham gia hệ thống càng nhiều thì khả năng phục hồi dữ liệu thành công càng cao. Nếu bị tấn công, chỉ cần một máy còn nguyên vẹn về dữ liệu, toàn bộ dữ liệu của các máy trong hệ thống sẽ được phục hồi như cũ.

Ứng dụng của blockchain


Hệ sinh thái blockchain.

Hàng trăm đồng tiền ảo trong đó có Bitcoin đã được xây dựng dựa trên nền tảng blockchain. Đó chỉ là một trong những ứng dụng phổ biến nhất. Blockchain còn được dự báo sẽ tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như:

Ngành ngân hàng

Thay vì các đồng tiền riêng hay cổ phiếu nội bộ với những đặc điểm khác biệt, blockchain hứa hẹn mang lại một nền tài chính - ngân hàng toàn cầu xuyên suốt và thuận lợi hơn với công cụ thanh toán chung, có khả năng chuyển đổi linh hoạt và hiệu quả. Công cụ thanh toán chung Ripple - XRP đang được thử nghiệm tại một số ngân hàng châu Âu là một ví dụ.

Ngành dịch vụ bán lẻ

Áp dụng blockchain giúp ghi nhận quá trình hình thành chuỗi giá trị của các sản phẩm, từ giai đoạn thô tới giai đoạn thành phẩm và đến tay người dùng cuối. Blockchain hỗ trợ người dùng tìm hiểu thông tin chính xác nhất về sản phẩm trên toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hệ thống chăm sóc khách hàng trên công nghệ blockchain cũng có thể thay thế phương pháp truyền thống. Ví dụ là Stellar Lumen - XLM, bắt đầu được nghiên cứu áp dụng cho các giao dịch thanh toán nhỏ. Công nghệ này cho phép hệ thống chăm sóc khách hàng có một cơ chế chung với điểm thưởng, quà đồng bộ, giúp tăng tiện lợi cho dịch vụ bán lẻ liên kết.

Ngành tư pháp

Hợp đồng thông minh (smart contract) chính là tên gọi của một ứng dụngcông nghệ blockchain trong ngành này. Tương lai, mọi loại văn bản, giấy tờ đều có thể được mã hóa và ký kết xác nhận online. Một số tiểu bang ở Mỹ và một số nơi đã cho phép hợp đồng thông minh thay thế các văn bản luật pháp truyền thống.

Ngành lập pháp

Blockchain có thể hỗ trợ trong các cuộc bỏ phiếu, bầu cử. Mỗi ID trong hệ thống là duy nhất, tương tự số căn cước công dân của người tham gia. Hệ thống blockchain giúp tường minh lựa chọn của người tham gia bỏ phiếu, với kết quả sát thực hoàn toàn.

Có thể nói, cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IOT), blockchain hứa hẹn tạo ra thay đổi mạnh mẽ cho nền tảng công nghệ toàn thế giới, tác động tới rất nhiều lĩnh vực. Blockchain được nhận định là cơ hội lớn cho phát triển xã hội. Sự phát triển của blockchain đồng thời cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các lập trình viên lựa chọn lĩnh vực này.

Th.S Khoa học máy tính Trần Quốc Tuấn
Mentor Đại học trực tuyến FUNiX

 Nguồn: VnExpress

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT