Doanh nghiệp loay hoay trong "cơn bão"

Chưa chuẩn bị sẵn sàng

Ðến thăm Công ty cổ phần Vilaco Hải Phòng, một DN chuyên về các chất tẩy rửa dạng lỏng và bột giặt các loại, chúng tôi được Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương giới thiệu về dây chuyền sản xuất bột giặt hiện đại mà công ty vừa đầu tư. Tất cả đều được lập trình và vận hành hoàn toàn tự động, từ khâu cân đong nguyên liệu bằng chíp điện tử rồi đưa vào thùng phản ứng, trộn thành keo, phun áp lực, sấy nhiệt đến đóng gói,... Con người chỉ còn phụ trách khâu cuối cùng là xếp thùng lên pa-lét và chuyển về kho. "Gia công cho P&G - tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất bột giặt nên Vilaco có được cơ hội cập nhật hầu hết các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này. Hệ thống dây chuyền máy móc chúng tôi đang sử dụng hiện đại không thua kém gì so với thế giới, thậm chí còn hiện đại hơn nhiều các nhà máy cũng gia công cho P&G của Trung Quốc. Toàn bộ hệ thống kế toán, lưu kho, bán hàng của công ty cũng được quản lý liên kết bằng phần mềm tin học hóa" - bà Hương cho biết.

Sự chủ động trong tiếp cận công nghệ vào sản xuất của Vilaco tạo ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi. Thế nhưng, khi được hỏi về cuộc CMCN 4.0 bà Hương lại chia sẻ: "Mặc dù có nghe qua thông tin về CMCN 4.0 qua ti-vi, đài báo, biết được một số khái niệm như trí thông minh nhân tạo hay rô-bốt thông minh,… nhưng tôi thật sự chưa hiểu rõ đó là gì. Tôi chỉ có cảm giác e ngại nếu các nước như Nhật Bản, Mỹ,... đã phát triển đến tầm hiện đại như trên ti-vi nói thì DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh được. Còn về việc Vilaco có triển khai ứng dụng các công nghệ 4.0 hay không thì tương lai chưa biết thế nào, nhưng hiện tại là hoàn toàn không có khả năng".

Có thể thấy, với dây chuyền máy móc nêu trên, Vilaco đã thuộc về nhóm những DN đi đầu về ứng dụng và đổi mới công nghệ ở Việt Nam. Trình độ kỹ thuật sản xuất của công ty thực tế đã đạt chuẩn của công nghiệp 3.0 (tự động hóa) và hoàn toàn có đủ điều kiện cũng như tiềm lực để tiếp cận ngay với CMCN 4.0. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo của Vilaco đã không tự ý thức được điều đó chỉ vì thiếu những thông tin cần thiết để nắm bắt và hiểu rõ hơn về xu hướng của trào lưu công nghệ mới này. Ðây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN Việt Nam, chưa chuẩn bị sẵn sàng khi CMCN 4.0 đã tới rất gần. Nhiều DN vẫn bị động với xu thế mới, chưa nắm rõ được bản chất CMCN 4.0 là gì cũng như sự liên quan của các trào lưu công nghệ mới đến ngành, lĩnh vực của mình. Một cuộc khảo sát được Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội thực hiện với 2.000 hội viên cho thấy, về chiến lược, có đến 79% số DN trong số này trả lời rằng họ chưa có động thái gì để đón làn sóng CMCN 4.0, 55% cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% DN đang triển khai.

Thực chất, không phải ở đâu xa, CMCN 4.0 từ lâu đã hiện hữu trong từng ngóc ngách của cuộc sống người dân Việt Nam. Ðó là mạng xã hội, dịch vụ Mobile Banking hay đơn giản là thương mại điện tử,... Những thành tựu bước đầu của CMCN 4.0 cũng đang được không ít DN ứng dụng thành công tại nước ta. Nhưng buồn thay, đây hầu hết đều là những DN nước ngoài và lúc này, công nghệ hiện đại lại trở thành thứ vũ khí hữu hiệu nhất giúp họ chiếm lĩnh thị trường trong nước. Minh chứng sống động nhất gần đây có thể nói đến câu chuyện của Grab và Uber, hai DN ngoại đã tiến công thị trường Việt Nam bằng dịch vụ "ta-xi công nghệ". Chỉ sau gần bốn năm, với việc sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ ta-xi tiện ích, minh bạch và an toàn hơn cho khách hàng, Grab và Uber đã hoàn toàn chiếm thế thượng phong, giành phần lớn thị phần ta-xi tại các thành phố lớn, đẩy nhiều thương hiệu ta-xi truyền thống một thời lẫy lừng như Vinasun, Mai Linh,... vào cảnh điêu đứng. TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) nhận định: Trước làn sóng công nghệ đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, nếu các DN còn tiếp tục thờ ơ, đứng ngoài cuộc chắc chắn sẽ tụt hậu. Trong thương trường, tụt hậu có nghĩa là doanh thu sụt giảm, hàng hóa, dịch vụ không bán được, mất thị trường và bị đào thải.

Chủ động thích ứng

Trong thời gian ngắn trở lại đây, chúng ta bắt đầu nghe nhiều đến CMCN 4.0 và giải pháp đưa ra cho các DN bất kể quy mô lớn hay nhỏ đều phải đầu tư vào khoa học - công nghệ. Ðây dường như là cách thức định hướng chủ đạo để bước vào CMCN 4.0. Nhưng thực tế, đầu tư thế nào lại không hề đơn giản khi phần lớn DN Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng công nghệ cũ kỹ. Qua khảo sát, 52% số DN đang sử dụng thiết bị vô cùng lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình và chỉ 10% sở hữu thiết bị hiện đại. Cả nước chỉ có khoảng hơn 2.000 DN khoa học - công nghệ, trong đó có khoảng 400 DN công nghệ cao (bằng 0,06% tổng số DN cả nước). Những con số này cho thấy các DN còn ở khoảng cách rất xa về năng lực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay công nghệ số,... trong khi cuộc CMCN 4.0 đã đến rất gần.

Thêm nữa, năng lực đổi mới công nghệ của DN cũng gặp nhiều hạn chế, chủ yếu do thiếu nguồn lực về vốn. Theo thống kê của Vinasme, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học - công nghệ của DN Việt Nam bình quân chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, trong khi ở Ấn Ðộ là 5%, Hàn Quốc 10% và Nhật Bản 50%. Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Thành (huyện Ðông Anh, TP Hà Nội) Nguyễn Thành Duy chia sẻ: Nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ đòi hỏi rất lớn, thường ngoài tầm với của DN. Trong trường hợp tìm nguồn vốn hỗ trợ thì chuyện vay vài trăm triệu đồng thay mới hệ thống máy móc hư hỏng, xuống cấp còn chật vật, nói gì đến ước mơ viển vông có tiền đầu tư rô-bốt vào sản xuất. Trước những thách thức đó, việc DN nội khi cạnh tranh DN ngoại có nền tảng công nghệ tốt hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc bị thua trên sân nhà là rất dễ hiểu. Do vậy, quá trình gia nhập cuộc chơi CMCN 4.0 của Việt Nam không chỉ đặt ra những bài toán khó đối với cộng đồng DN, mà còn cho cả các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tìm ra những giải pháp hỗ trợ DN hiệu quả. TS Vũ Ðình Ánh đề xuất: Trước hết, chúng ta cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khoa học, nhằm trang bị cho cộng đồng DN những kiến thức CMCN 4.0 thực chất là gì, xu thế ra sao, gây tác động cụ thể nào đến từng ngành, lĩnh vực kinh tế. Tiếp đó cần tính toán và chọn lựa kỹ những thành quả nào có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam, đặc biệt, đối tượng áp dụng ở đây phần lớn sẽ là DN. Ðến đây, phải tiếp tục phân tích cụ thể hơn thành quả của CMCN 4.0 là những gì, nếu áp dụng thì chi phí thực hiện ra sao và lợi ích mang lại như thế nào để DN tự cân nhắc. Cuối cùng, đối với các DN đã quyết định bước vào cuộc chơi thì không thể thiếu các công cụ hỗ trợ từ phía Nhà nước. Từ đó, việc tiếp cận CMCN 4.0 mới mang lại được hiệu quả cho từng DN rồi dần lan tỏa ra cả nền kinh tế.

Một số chuyên gia khác kiến nghị: Ðể hỗ trợ DN "vượt sóng" CMCN 4.0, Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế thúc đẩy khối DN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, khuyến khích DN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa,... Về phía các DN, cần đầu tư sâu hơn vào nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0 cũng như khả năng ứng dụng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Trong tương lai, đổi mới về công nghệ sẽ tạo ra "phép màu" cho dịch vụ cung ứng, cải thiện năng suất và hiệu suất về lâu dài. Các DN cần linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến để cải tiến quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, đồng thời vẫn phải bảo đảm khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Chỉ có như vậy, DN mới có thể thích ứng tốt hơn với CMCN 4.0, vượt qua các thách thức đang hiện hữu, tận dụng tốt thời cơ để phát triển vững mạnh.


Ba cuộc cách mạng trước đều được hình thành từ các nước tiên tiến và rất lâu sau mới lan sang các nước nghèo, các nước không phát triển hoặc đang phát triển. Nhưng với CMCN 4.0 lần này thì rất khác vì tốc độ lan tỏa sang tất cả các nước gần như ngay lập tức, kể cả những nước kém phát triển. Một đặc điểm khác của cuộc cách mạng lần này là những nước nghèo hoặc đang phát triển sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất vì nội hàm của CMCN 4.0 là công nghệ, kết nối và thông minh hơn, đặc biệt trên nền tảng in-tơ-nét.

Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software

 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn: Báo Nhân dân

 


Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT