Đổi mới để đáp ứng nền giáo dục 4.0

Năm 2017 đã khép lại, GS có thể cho biết những kêt quả đổi mới của Trường trong năm học vừa qua?

Năm 2017, Trường ĐH Giáo dục đã có nhiều khởi sắc và diện mạo mới. Trong năm học này, Trường đã tái cấu trúc cơ cấu tổ chức để đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời Nhà trường rà soát, sắp xếp lại bộ máy quản lý, nhân sự tinh gọn phù hợp với cơ cấu tổ chức, chỉ tiêu nhân lực, mang lại hiệu quả và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của trường. Trường đã mở thành công 2 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ là Thạc sĩ Tham vấn học đường, Thạc sĩ Quản trị trường học và 1 chương trình đào tạo bậc cử nhân: Cử nhân Quản trị trường học. Hiện nay, Trường tiếp tục xây dựng một số đề án mở ngành mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cuộc cách mạng khoa học 4.0, đó cũng là sứ mệnh tiên phong, đổi mới giáo dục của Nhà trường, của ĐHQGHN đối với đất nước.

Có thể nói, năm học vừa qua là năm đánh dấu nhiều bước chuyển biến của Nhà trường. Các hoạt động khoa học công nghệ của Trường cũng có nhiều kết quả được ghi nhận. Lần đầu tiên Trường ĐH Giáo dục đấu thầu thành công hai đề tài khoa học cấp nhà nước thuộc chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về KHGD và nhiều đề tài, dự án quốc tế có thể kể đến như 01 đề tài chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; 02 đề tài cấp nhà nước thuộc chương trình KHGD cấp Quốc gia 2016-2020 của Bộ GD&ĐT: “Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến 2030” do Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi chủ trì và đề tài “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ Tám, Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế”, do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn Chủ trì. Cùng với đó, Trường có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ công bố quốc tế và các ấn phẩm đáp ứngchương trình giáo dục phổ thông tổng thể; tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế; sinh viên, học sinh của Trường đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi về nghiên cứu khoa học,...

Cũng trong năm học này lần đầu tiên Chương trình Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Bộ môn Toán tại Trường ĐH Giáo dục được kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đoàn đánh giá ngoài do Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh kiểm định ghi nhận chất lượng của chương trình. Kết quả kiểm định là minh chứng khẳng định chất lượng chương trình đào tạo của nhà trường theo chuẩn chất lượng của Việt Nam.

Được biết, trong bối cảnh hiện nay sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó tìm kiếm việc làm chính vì vậy trong những năm vừa qua, các trường sư phạm tuyển sinh rất khó khăn. Vậy GS có thể chia sẻ những trăn trở về vấn đề này? Nhà trường đã có giải pháp như thế nào?

Mùa tuyển sinh đại học năm 2017 trong khi nhiều trường nhiều cơ sở đào tạo giáo viên có điểm chuẩn không cao. Hiện tượng này khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng giáo viên - những người sẽ dạy dỗ các chủ nhân tương lai của đất nước. Tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có hàng trăm cơ sở đào tạo giáo viên, gồm các trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Hệ thống đào tạo giáo viên đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa có sự phân tầng, việc phát triển mạng lưới chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên. Các trường phổ thông đã tăng số lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới, song cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên tốt nghiệp. Để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: Cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan quản lý và các trường phổ thông để nắm rõ nơi nào thiếu giáo viên môn gì, số lượng cần bổ sung để từ đó cân đối chỉ tiêu.

Vấn đề quan trọng nhất trong việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là phải dự báo về tình hình nhân lực, từ đó xác định đâu là nơi đào tạo trọng điểm, nơi nào cần phân hiệu, từ đó xác định lộ trình đầu tư trọng tâm, phù hợp với nhu cầu phát triển của hệ thống và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Trước những lo ngại về sự phát triển của hệ thống trường đào tạo sư phạm trong tương lai, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã khẳng định “việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học nói chung, hệ thống các trường đào tạo sư phạm nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm học 2017-2018”.

Trong bối cảnh này, Trường ĐH Giáo dục lấy chất lượng cao để làm chỗ dựa cho việc cạnh tranh, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của các chương trình đào tạo sư phạm, quản lý giáo dục, đo lường đánh giá trong giáo dục, quản trị trường học. Bên cạnh đó, nhà trường tích cực đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình mới thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục như cử nhân khoa học giáo dục, cử nhân công nghệ tham vấn học đường, các chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục, quản trị trường học, tham vấn học đường định hướng ứng dụng. Năm 2017 nhà trường đã mở mới thành công 02 chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ là Thạc sĩ Tham vấn học đường, Thạc sĩ Quản trị trường học và 01 chương trình đào tạo bậc cử nhân là Cử nhân Quản trị trường học. Việc mở thí điểm những ngành mới mà thực tế nền giáo dục đang có nhu cầu sẽ góp phần đổi mới giáo dục nước nhà và thể hiện vị thế tiên phong của Trường ĐH Giáo dục, của ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, Trường tích cực nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phù hợp với định hướng đại học nghiên cứu. “Hệ thống thực nghiệm giáo dục thông minh”, Phòng thí nghiệm Lý-HóaSinh tại Trường Đại học Giáo dục, dự án “Thư viện thông minh” tại Trường THPT Khoa học Giáo dục được nghiệm thu và đi vào hoạt động một cách hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện chủ trương đổi mới và sáng tạo cho người học phục vụ cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Sinh viên, học sinh tham gia học tập tại Trường ĐH Giáo dục được hưởng những ưu thế gì?

Sinh viên Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN được đào tạo theo mô hình hiện đại, mô hình a+b. Mô hình a+b được thiết kế để sinh viên tích lũy đủ kiến thức chuyên môn sẽ được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục. Đây là mô hình độc đáo mang tính liên thông giữa các trường đại học trong ĐHQGHN. Mô hình đào tạo của Trường phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học ở các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Cùng với đó sinh viên ĐHGD có cơ hội học tập với các giáo sư đầu ngành. Với cam kết chất lượng đầu ra giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ dạy học, phương thức kiểm tra – đánh giá tiên tiến trong quá trình đào tạo giáo viên, Trường Đại học Giáo dục triển khai mô hình đào tạo cử nhân sư phạm chất lượng cao trên cơ sở kết hợp sức mạnh tổng hợp các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN. Chính nhờ “mô hình mở và linh hoạt” này, ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường huy động nguồn nhân lực là các nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành tại các đơn vị trong ĐHQGHN, trong nước và quốc tế.

Nhưng theo tôi vấn đề quan trọng nhất đối với mỗi sinh viên tốt nghiệp đó là cơ hội việc làm. Trường ĐH Giáo dục luôn chú trọng công tác này, nâng cao chất lượng, khẳng định sản phẩm đầu ra. Theo thống kê số liệu khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp năm 2017 của Trường ĐH Giáo dục thì tỉ lệ sinh viên có việc làm chiếm 91.6%. Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó tìm kiếm được việc làm thì đây chính là sự khẳng định về chất lượng sinh viên cũng như chất lượng đào tạo của Trường ĐH Giáo dục nói chung. Và điều quan trọng nữa sinh viên học tập tại Trường ĐH Giáo dục có cơ hội học bằng kép, tốt nghiệp được sở hữu hai bằng đại học chính quy sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn so với các sinh viên có một bằng đại học. Sinh viên học tập tại Trường ĐH Giáo dục được khuyến khích học tập, nghiên cứu khoa học, được nhận nhiều loại học bổng khuyến học có giá trị cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội nhận học bổng chuyển tiếp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học nước ngoài thông qua hệ thống các trường đại học ký kết hợp tác với Trường ĐH Giáo dục.

Trong năm học tới theo GS đâu là những thách thức của Nhà trường?

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn trong buổi lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục đã chỉ đạo “để thực hiện sứ mệnh phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, Trường ĐH Giáo dục phải tập trung theo hướn phát huy tinh thần khoa học trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo giáo viên, giảng viên và các cán bộ quản lý giáo dục, định hướng tập trung vào hoạt động kiến thiết các ngành khoa học thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục, phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao, tăng cường công bố trong và ngoài nước là một trong những hướng đi chiến lược quan trọng để Trường khẳng định vị thế, uy tín học thuật trong lĩnh vực khoa học giáo dục trên cả nước.”

Để thực hiện được những trọng trách mà ĐHQGHN giao phó, chúng tôi cần đẩy mạnh việc xây dựng Trường theo sát định hướng nghiên cứu của ĐHQGHN, kiến thiết các ngành khoa học thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục. Đây là cơ hội nhưng theo tôi cũng là thách thức trong định hướng phát triển của nhà trường:

Thứ nhất, cần quy hoạch và phát triển năng lực đội ngũ giảng viên theo định hướng nghiên cứu, từng bước nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Thứ hai, tiếp tục phát huy những nền tảng đã được xây dựng, đặc biệt trong đào tạo sau đại học và phát triển những chương trình đào tạo mới mang tính chất liên ngành, có ứng dụng công nghệ như công nghệ giáo dục, công nghệ tham vấn học đường…

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu trong các lĩnh vực mà nhà trường có thế mạnh nhất là các ngành công nghệ trong quản lý giáo dục, quản trị trường học, tham vấn học đường, đo lường và đánh giá giáo dục.

Thứ tư, tăng cường đầu tư cho các đề tài nghiên cứu theo hướng hướng đến sản phẩm cuối cùng, không chỉ của giảng viên mà của cả người học; khuyến khích phát triển các chuỗi đề tài hướng đến các sản phẩm có thể ứng dụng và chuyển giao trong khoa học ứng dụng.

Thứ năm, phát triển trường Trung học Phổ thông Khoa học giáo dục bền vững, nhanh chóng trở thành một trường mẫu mực trong giáo dục phổ thông, là nơi triển khai các mô hình, các triết lý và phương pháp giáo dục mới cho bậc phổ thông.

GS có thể bày tỏ những mong muốn của mình về một năm mới sắp đến gần?

Khép lại năm 2017, tất cả các cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh nhà trường hết sức vui mừng và tự hào về những thành tích đã đạt được. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới toàn thể cán bộ, viên chức, sinh viên, học sinh nhà trường trong suốt năm qua đã không ngừng cố gắng, nhiệt tình đóng góp trí tuệ và sức lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tôi xin trân trọng bày tỏ lời cảm ơn tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ giáo dục và Đào tạo, ĐHQGHN, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức ở Trung ương và Hà Nội, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và quản lí ở cả trong và ngoài trường đã hết sức quan tâm giúp đỡ, góp phần to lớn tạo nên những thành tích rất đáng tự hào của nhà trường trong năm 2017. Bước sang năm 2018, Trường ĐH Giáo dục tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy nhanh mức độ hội nhập quốc tế, xây dựng nhà trường theo hướng đại học nghiên cứu, nhà trường sẽ tích cực đổi mơi căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ với phương châm cốt lõi là: “Hội nhập và đổi mới, Kỷ cương và chất lượng”. Để đáp ứng các tiêu chí của nền giáo dục 4.0, cả từ phía người dạy, người học cần ghi tâm những từ khóa căn bản của nền giáo dục trong kỷ nguyên mới. Đó là: sáng tạo - liên ngành - kết nối - công nghệ giáo dục.

Tôi tin tưởng rằng, với tình cảm và trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học của Trường sẽ đồng sức, đồng lòng, chủ động và sáng tạo trong công tác và học tập, vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2018, đưa Trường ĐH Giáo dục lên một tầm cao mới.

Xin kính chúc các thầy, cô giáo, cán bộ viên chức, học viên, sinh viên và học sinh của trường một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Tuệ Anh - Bản tin ĐHQGHN

Nguồn: Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT