Giáo dục đại học đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tham dự hội thảo có có đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc và nhiều giáo sư thuộc lĩnh vực dạy nghề của Đức.

Tại Diễn đàn Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1 năm 2016, chủ đề được các nhà kinh tế thế giới quan tâm là Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu hướng đến việc áp dụng và triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này vào các chương trình phát triển kinh tế của mình.

Vậy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là như thế nào? Nó sẽ có tác động đến ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam ra sao?

Thay dần nguồn nhân lực

Tại hội thảo, TSKH. Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng… Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ. 


Các công nghệ mới từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được phát triển với tốc độ vượt bậc, với những đột phá để phục vụ con người được hiện thực hóa như xe tự lái, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ... Tuy nhiên cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.

Tiến sĩ Trung đưa ra ví dụ, năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng Robot. Thay vì từ 10 đến 20 nhân viên cho một nhà hàng thì nay chỉ còn 2-3 người để quản lý; Tháng 5 năm 2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng Robot. 

Tháng 11/2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10 – 20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này. 

Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS (Cyber Physical System) sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong tương lai tài năng tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn. Điều này sẽ luôn phát sinh ra một thị trường việc làm ngày càng tách biệt…

Thách thức lớn đối với các trường đại học 

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trung cho rằng, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường Đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh.

Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn, họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có. 

Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực Đại học & công nghiệp. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.


 

 

Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, để thay đổi kịp với cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay, trường ĐH Bách khoa đã đổi mới mô hình, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh. Người học có thể chủ động lựa chọn chương trình học để phù hợp với vị trí công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc theo công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.

Hiện Trường ĐHBK Hà Nội tiếp tục hoàn thiện mô hình đào tạo với mục tiêu tăng cường chất lượng đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu cao về chuẩn đầu ra. Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ triển khai áp dụng chương trình đào tạo tích hợp đại học–sau đại học. Sinh viên ngay từ năm thứ 3 đã được tham gia các nhóm nghiên cứu, thực hiện các đề tài nghiên cứu cùng giáo viên hướng dẫn. Hướng nghiên cứu đề tài tốt nghiệp đại học sẽ được phát triển tiếp tục ở bậc thạc sĩ. Sinh viên có thể lập kế hoạch học tập, đăng ký học các học phần trong chương trình tích hợp để quá trình học tập từ bậc đại học lên thạc sĩ không ngắt quãng. Ông Sơn cho hay, đây là bước ngoặt thí điểm gắn chặt đào tạo với nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Ông Sơn cho rằng, với cuộc cách mạng công nghệ, các trường đại học khác đang đứng trước thách thức rất lớn đó là cạnh tranh nguồn lực không chỉ trong nước mà cả toàn cầu như chảy máu chất xám. Cụ thể, rất nhiều sinh viên giỏi của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đi nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài không trở về.

Ông Sơn cho hay, để thay đổi, trường ĐH Bách khoa HN đã đưa nhiều giải pháp để thu hút giảng viên trẻ, nhà nghiên cứu, chuyên gia tới hợp tác giảng dạy tại ĐH Bách khoa ; tạo điều kiện tốt nhất cho các giảng viên trong trường tham gia hoạt động nghiên cứu, đặc biệt về cơ sở vật chất, môi trường làm việc, thực hiện tự chủ … để khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bước vào thì trường có những điều kiện, có tâm thế sẵn sàng thực hiện.

Nhật Hồng

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT