Thách thức từ nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0

Và một trong những điểm yếu khiến Việt Nam rơi vào nhóm các nước trên đó chính là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Ngay từ năm thứ 3, em Vũ Đình Phượng, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã vừa đi học, vừa đi làm. Phượng hiện đang làm thêm tại công ty chuyên phát triển những sản phẩm thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.

Bạn Vũ Đình Phượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Tham gia được ngay một khóa thực tập từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 như em sau này sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với công việc sau khi tốt nghiệp.”

Tuy nhiên, số sinh viên được tham gia thực tế công việc như Phượng chưa nhiều, bởi có rất ít công ty có chiến lược nuôi dưỡng nguồn nhân lực ngay từ năm thứ hai, thứ ba và tạo điều kiện cho sinh viên vào làm với thời gian linh hoạt.

Ông Vũ Thanh Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tập đoàn Bkav cho biết: "Giữa các đơn vị doanh nghiệp cũng như các đơn vị đào tạo đại học thiếu sự cơ chế hợp tác chặt chẽ. Doanh nghiệp phải là nơi đặt hàng của các trường đại học về nguồn cung nhân lực mà họ đang có nhu cầu ở hiện tại và trong tương lai. Thì về việc này theo quan điểm của tôi thì tôi chưa thấy ở Việt Nam là được tốt. Điều này nó dẫn đến một thực tế là nhân lực vừa thừa lại vừa thiếu."

Trong báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới về động lực sản xuất, Việt Nam có trình độ sử dụng công nghệ và đổi mới khá kém, xếp hạng 90/100 do hạ tầng công nghệ, chuyển giao tri thức, đầu tư của các doanh nghiệp vào công nghệ và chi tiêu cho nghiên cứu phát triển còn hạn chế. Nhưng điểm đáng lo nhất chính là những thứ hạng về vốn con người (xếp hạng 70/100). Trong đó, các chỉ tiêu cụ thể đều ở mức rất tệ: kiến thức của người lao động đứng thứ 81, chất lượng đào tạo nghề đứng thứ 80, chất lượng các trường đại học đứng thứ 74, đào tạo qua công việc đứng thứ 74, chất lượng kỹ sư và nhà khoa học đứng thứ 70.

Bà Trương Bích Đào, Giám đốc nhân sự công ty Nestlé Việt Nam cho biết: "Người lao động phải nâng cấp trình độ hiểu biết của mình kịp thời với sự thông minh nhân tạo, nếu không chúng ta bị đào thải, bị thua trong các cuộc cạnh tranh, đó là lý do ở công ty của chúng tôi là luôn tìm cách đào tạo cho nhân viên có được các kỹ năng tốt hơn để ứng phó với nhiều biến động về thị trường cũng như yêu cầu việc làm trong tương lai."

Ông Đặng Việt Thanh, Phó trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty Cổ phần may 10 cho biết: "Chúng tôi hiện đã đón đầu bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề của người lao động, thậm chí đào tạo ngoại ngữ để lường trức vấn đề công ty có thể xuất khẩu lao động sang các thị trường khác."

Mặc dù được đánh giá chưa cao về nguồn nhân lực đáp ứng cho cuộc cách mạng 4.0 nhưng ở các các chỉ số khác như: Chính phủ, công ty đầu tư vào công nghệ mới (xếp thứ 31/100, 50/100), số điện thoại di động trên 100 dân xếp thứ 39/100 cho thấy, Việt Nam có nhiều yếu tố khả quan để sẵn sàng của cho cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng mô hình giáo dục STEM chính là xu hướng giáo dục của Việt Nam trong tương lai.

 

Điểm sáng của Việt Nam theo đánh giá của WEF

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT cho biết: "Trong xu hướng 4.0, giáo dục STEM được đưa ra như một giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, mỗi người lao động sẽ không chỉ làm một việc được giao mà phải có kỹ năng giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức của các môn khoa học tự nhiên kết hợp với công nghệ và tư duy hệ thống. Điều này giúp người lao động không những đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp mà luôn có thể tự học và cải thiện trình độ của mình."

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Rõ ràng là có những khía cạnh là ta sẵn sàng rồi, đặc biệt là khía cạnh về tâm thế, sự quyết tâm của Chính phủ, của các cơ quan quản lý Nhà nước. Thế nhưng mà với các doanh nghiệp thì chúng tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là phải nhanh chóng nghiên cứu để nắm bắt được tất cả những thông tin, đặc điểm của cuộc cách mạng này. Để thông qua đó ta có những điều chỉnh về quản trị, về mô hình sản xuất, mô hình kinh doanh theo xu hướng của 4.0 tức là ở đây là số hóa. Ngoài ra cũng đào tạo lực lượng lao động của mình. Bởi vì nếu ta có tất cả mọi thứ nhưng lực lượng lao động của ta vẫn là lao động cũ thì rõ ràng, không đáp ứng được yêu cầu của cách mạng 4.0."

Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của hành trình chuyển đổi và thực tế là chưa có quốc gia nào đạt đến sự sẵn sàng chín muồi để có thể khai thác trọn vẹn tiềm năng cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất. Vấn đề lớn nhất cần chú trọng là đầu tư con người nhằm nâng cao hàm lượng tri thức ở người lao động, các hoạt động hướng nghiệp cho thanh niên cần đẩy mạnh và cung cấp các cơ hội nâng cao chất lượng tri thức bằng cách xây dựng các trường đại học, viện nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế./.

 

Nguồn: ANTV


Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT