1. Sự cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản trị đại học hiện nay
“Công nghệ thông tin" (tiếng Anh: Information Technology hay là IT) là một nhánh ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin”[1].
Ở Việt Nam, khái niệm công nghệ thông tin được hiểu và định nghĩa trong Nghị quyết Chính phủ số 49/CP ký ngày 04/08/1993 như sau: "Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội"[2].
Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam và xu hướng hoạt động toàn cầu hóa, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản trị đại học là rất cần thiết, nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các trường đại học, học viện trong điều kiện mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện nay.
2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của CNTT và hiệu quả cao của việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống xã hội cùng với những đòi hỏi, những yêu cầu mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt các văn bản chỉ đạo mang tính định hướng quan trọng.
Đại hội VII (1991) Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phải được xem là quốc sách hàng đầu”[3].
Nghị quyết số 36/NQ-TW ban hành ngày 01/7/ 2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, đây là văn bản hết sức quan trọng, mang tầm chiến lược, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển ngành CNTT ở Việt Nam trong thời kỳ mới. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng của Nghị quyết 36 đó là: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là một yếu tố quan trọng trong bảo đảm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, cần được chú trọng, ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Những nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục cũng được xác định trong mục tiêu cụ thể đến năm 2020, bao gồm: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là các lĩnh vực liên quan tới nhân dân như giáo dục, y tế, giao thông, điện, thuỷ lợi, hạ tầng đô thị lớn và cung cấp dịch vụ công cộng trực tuyến cho nhân dân” và “đổi mới phương thức dạy và học, thúc đẩy xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Cụ thể hoá định hướng và nội dung cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, ngày 15/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 01/7/2015 của Bộ Chính trị, theo đó cũng xác định rõ mục tiêu để công nghệ thông tin thực sự trở thành “phương thức phát triển mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả lao động”.
Song song với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo trên, các trường đại học, học viện cần tiếp tục triển khai, hiện thực hoá nội dung các văn bản chỉ đạo khác đã được ban hành; đặc biệt là Luật Giáo dục số 34/2018/QH4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, ghi rõ: “Khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học”[4].
Như vậy, đây là những định hướng quan trọng trong việc ứng dụng CNTT trong quản trị đại học, học viện hiện nay.
3. Thực tiễn giáo dục và đào tạo đại học, học viện
Trong những năm đổi mới vừa qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được về giáo dục và đào tạo đại học góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa của đất nước, còn tồn tại nhiều bất ổn làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân vào công tác giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Nghị quyết số 29-NQ/TW/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã chỉ rõ những tồn tại trong giáo dục đại học: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”[5].
Từ thực tiễn nêu trên, yêu cầu các trường đại học, học viện phải chủ động và đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong quản trị nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ để đáp ứng nền kinh tế thị trường đòi hỏi.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị đại học hiện nay
Trước những yêu cầu của nền kinh tế thị trường, người lao động phải có những tiêu chuẩn cơ bản sau:
1) Người lao động phải có trình độ tin học hóa đạt chuẩn quốc tế IC3, MOS, có văn bằng, chứng chỉ tương đương hoặc cao hơn;
2) Người lao động phải có khả năng nghiên cứu, sáng chế và phát minh, cải tiến công nghệ gắn với chuyên môn, nghề nghiệp của bản thân;
3) Người lao động phải có kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế đòi hỏi trên, các trường đại học phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT vào quản trị đại học cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
4.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị đại học
Việc ứng dụng CNTT trong quản trị đại học là xu thế tất yếu của các trường đại học, học viện ở Việt Nam hiện nay, cụ thể:
Ứng dụng CNTT trong quản trị công tác tuyển sinh đại học, quản trị hồ sơ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên; quản trị chương trình đào tạo; học liệu; điểm học tập, rèn luyện của học viên, sinh viên.
Ứng dụng CNTT trong quản trị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nhà trường bao gồm: Nguồn lực cơ sở vật chất, nguồn lực con người (cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên) và các nguồn lực khác.
Ứng dụng CNTT trong quản trị, đánh giá chất lượng công việc của cán bộ, giảng viên, người lao động trong nhà trường.
4.2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hoạt động giảng dạy
Ứng dụng CNTT trong quản trị hoạt động giảng dạy trước, trong và sau giờ trên lớp của giảng viên.
Ứng dụng CNTT trong quản trị nội dung soạn giảng, bài giảng giáo án điện tử của giảng viên.
Ứng dụng CNTT trong việc quản trị, khai thác các thông tin phục vụ hoạt động giảng dạy của giảng viên.
Ứng dụng CNTT trong việc đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên thông qua học viên, sinh viên.
4.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hoạt động học tập của học viên, sinh viên
Trên cơ sở các thiết bị công nghệ hiện có của học viên, sinh viên như: máy tính, ipad, notebook, smartphone..., người học sử dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động tự học, học trực tuyến trên online, hoặc khai thác sử dụng các thông tin trên internet, các trang mạng xã hội như facebook, zalo... Đối với giảng viên, quản trị học viên, sinh viên thông qua thiết bị công nghệ bằng cách giao các bài tập về nhà làm và nộp sản phẩm tự học qua email, gmail, zalo... để cán bộ, giảng viên nghiêm thu, đánh giá.
4.4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ
Việc ứng dụng CNTT trong quản trị hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong các trường đại học bao gồm các nội dụng cơ bản sau:
Ứng dụng CNTT trong quản trị việc đăng ký và cấp mã số các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ.
Ứng dụng CNTT trong quản trị hoạt động nghiên cứu khoa học của chủ thể nghiên cứu khoa học.
Ứng dụng CNTT trong quản trị đầu ra của sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Ứng dụng CNTT trong quản trị và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, các trường đại học, học viện làm tốt việc ứng dụng CNTT trong quản trị hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho người làm công tác nghiên cứu khoa học.
4.5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và cung ứng nguồn nhân lực, hợp tác lao động trên thị trường
Xu hướng giáo dục và đào tạo hiện nay, đào tạo gắn với sử dụng, dạy nghề gắn với hướng nghiệp ngày càng trở nên phổ biến đối với các trường đại học ở trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Vì vậy, ứng dụng CNTT trong quản trị và cung ứng nguồn nhân lực, hợp tác lao động cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
Ứng dụng CNTT trong quản trị, trợ giúp học viên, sinh viên trong tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động.
Ứng dụng CNTT trong quản trị và đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo. Giúp nhà quản lý điều chỉnh hoạt động quản trị trong nhà trường.
Ứng dụng CNTT trong quản trị, hợp tác lao động trên thị trường, sẽ tạo sự liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - học viên và sinh viên, mang lại lợi ích cho các bên:
Đối với Người học, được cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
Đối với Nhà trường, sẽ nâng cao thương hiệu, uy tín và vị thế trên thị trường giáo dục, đồng thời ngày càng thu hút được người học.
Đối với Doanh nghiệp, mô hình này sẽ giúp họ chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.
Như vậy, ứng dụng CNTT trong quản trị và cung ứng nguồn nhân lực, hợp tác lao động trên thị trường, nhà trường sẽ thu hút thêm sinh viên, tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Qua đó, giúp việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường hiện nay.
5. Một số biện pháp tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản trị trường đại học, học viện hiện nay
Một là, đổi mới và nâng cao nhận thức của lãnh đạo các trường đại học, học viện về tầm quan trọng ứng dụng CNTT trong quản trị hoạt động giáo dục và đào tại tại các trường đại học, học viện, quyết định thắng lợi mục tiêu của nhà trường.
Hai là, các trường đại học cần chủ động triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 (được phê duyệt theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Ba là, các trường đại học, học viện cần chủ động huy động hiệu quả nguồn ngân sách trong và ngoài nhà trường, để tập trung xây dựng hệ thống thông tin kết nối liên thông giữa trường đại học với các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nước và với doanh nghiệp.
Bốn là, có chế độ ưu đãi đối với nhân lực CNTT, thực tế cho thấy có rất nhiều viên chức có trình độ vững vàng về CNTT đã rời bỏ lĩnh vực giáo dục và đào tạo sang làm cho các cơ quan, đơn vị khác có thu nhập tốt hơn. Vì vậy, để thu hút được nhân lực CNTT có chất lượng làm việc cho các trường đại học, học viện, cũng như khuyến khích họ gắn bó, làm việc lâu dài với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhà nước và từng cơ sở đào tạo đại học, học viện cần có chính sách, chế độ ưu đãi về thu nhập, các ưu đãi khác như: học tập, hội nghị - hội thảo trong và ngoài nước, tham gia các đề tài, dự án…
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước trong việc củng cố hạ tầng CNTT, nguồn lực thông tin cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT chất lượng cao.
Như vậy, tăng cường khả năng ứng dụng CNTT trong quản trị đại học, học viện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín của các trường đại học trên thị trường giáo dục. Đồng thời, giúp sinh viên có cơ hội trong việc tìm kiếm việc làm, doanh nghiệp cũng có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sớm hiện thức hóa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] “Princeton WordNet Search 3.1”. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2012.
[2] Chính phủ Việt Nam, Nghị quyết số 49/CP (1993) về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, Hà Nội, tr. 13.
[4] Luật giáo dục số: 34/2018/QH4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Diáo dục đại học
[5]Nghị quyết số: 29-NQ/TW/2013, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị Việt Nam, Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 1/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
- Chính phủ Việt Nam, Nghị định số 64/2007/ NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 10/4/2007 về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Chính phủ Việt Nam, Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/04/2015 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36/ NQ-TW.
- Nguyễn Đắc Hưng (2018), “Cuộc CMCN lần thứ tư và vấn đề đặt ra với Việt Nam”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
- Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 của Quốc hội, ban hành ngày 29/06/2006.
IMPLEMENTING INFORMATION TECHNOLOGY IN UNIVERSITY MANAGEMENT AND SCIENTIFIC RESEARCH TO MEET NEW REQUIREMENTS OF THE MARKET ECONOMY
Master. DO THE DUONG
Academy of Policy and Development
ABSTRACT:
In the context of the globalization trend and the fourth industrial revolution, it is necessary for the education and training sector to comprehensively innovate its teaching and learning methods. This paper focuses on analyzing the application of information technology in university management and scientific research to meet new requirements of the market economy.
Keywords: Technology, technology application, university management, market economy.
|
ThS. ĐỖ THẾ DƯƠNG (Học viện Chính sách và Phát triển)
Nguồn: Tạp chí Công thương