Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ đã tạo ra nhiều sự thay đổi lớn lao cho cuộc sống con người trên toàn cầu. Giáo sư Fredmund Malik, một trong những chuyên gia nổi tiếng về quản trị với nghiên cứu về hệ thống quản lý tiên tiến Malik, đã cho rằng, đây là giai đoạn của “Cuộc chuyển đổi vĩ đại Thế kỷ XXI” và nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội, vận dụng được những thế mạnh, nguồn lực trọng yếu, kết hợp giữa nền tảng tri thức của quá khứ và định hình tương lai, sẽ tạo được bước chuyển đổi sang giai đoạn mới một cách tối ưu nhất.
Lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cũng không nằm ngoài quy luật phát triển của thế giới. Hiện nay, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật với trí tuệ nhân tạo, kết nối thông minh, cơ sở dữ liệu lớn đồng bộ, thế giới không chỉ “phẳng” (flat) mà còn “nhanh” (fast). Từ đó đã đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng thực thi pháp luật của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong việc đảm bảo sự an toàn cho con người, sự ổn định cho xã hội. Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc tế là yêu cầu tất yếu để tạo sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả cho hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật nói chung và lực lượng cảnh sát nói riêng; yêu cầu tất yếu đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật nói chung, lực lượng cảnh sát nói riêng cần được đào tạo chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và có khả năng phối hợp liên quốc gia.
Trong nhiều năm qua, các tổ chức quốc tế như INTERPOL (tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế), UNODC (Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hiệp quốc), WCO (Tổ chức Hải quan thế giới)…. đã tạo nhiều mạng lưới hợp tác, xây dựng nhiều chương trình và tổ chức đào tạo cho hàng nghìn lượt cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ cảnh sát trên toàn thế giới với mục tiêu tăng cường năng lực kiểm soát tội phạm trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương về cảnh sát nói chung và đào tạo cảnh sát nói riêng được thành lập, gắn kết các lực lượng cảnh sát với nhau như Hiệp hội Cảnh sát Quốc tế (IPA), Hiệp hội giáo dục đào tạo cảnh sát quốc tế (ILEETA), Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế (INTERPA); Hiệp hội các cơ sở đào tạo cảnh sát Châu Á (APTA)... Từ đó đã tạo một mạng lưới liên kết, mở ra không gian để các nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và thực thi phòng, chống tội phạm.
Đối với Bộ Công an Việt Nam, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung và trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học cảnh sát nói riêng đã không ngừng được phát triển, mở rộng. Với sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, các mặt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong đào tạo cảnh sát đã ngày càng được tăng cường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy tại các trường CAND đã và đang được đầu tư, tăng cường công tác đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm và có điều kiện tham gia học tập, nghiên cứu ở nước ngoài với số lượng ngày càng lớn.
Học viện CSND, với vị trí là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Bộ Công an và lộ trình xây dựng trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, chuẩn quốc gia trước năm 2020, đã có nhiều bước đột phá trong hoạt động hợp tác quốc tế ở cả cấp độ khu vực và thế giới. Trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu về đào tạo cảnh sát trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển khối ASEAN, Học viện CSND đã tích cực mở rộng và tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trên một số hướng chính như sau:
Thứ nhất, công tác hợp tác quốc tế nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo về phòng chống tội phạm
Học viện đã phối hợp với các đối tác quốc tế và cơ quan Cảnh sát các nước triển khai nhiều chương trình hợp tác đào tạo chuyên đề, trong đó tập trung vào những lĩnh vực đang cần tăng cường kinh nghiệm quốc tế như: tội phạm môi trường, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia như ma túy, buôn bán người, lạm dụng tình dục trẻ em... Trong những năm gần đây, Học viện đã phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn cho các cán bộ, điều tra viên công an các đơn vị. Điển hình như: các khóa tập huấn về Kỹ thuật lấy lời khai, kỹ thuật điều tra tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép trong khuôn khổ chương trình hợp tác với đối tác Hoa Kỳ, các khóa tập huấn về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Cơ quan cảnh sát quốc gia Vương quốc Anh, các khóa tập huấn về điều tra các tội phạm về môi trường trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Tổ chức Freeland... Các khóa tập huấn đã không chỉ giúp các cán bộ điều tra, thực thi pháp luật học hỏi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm mà còn nâng cao kỹ năng và tăng cường mối quan hệ hợp tác.
Bên cạnh các chương trình tập huấn, Học viện cũng đã phối hợp với các đối tác biên soạn nhiều bộ tài liệu có giá trị, phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và đấu tranh phòng chống tội phạm, điển hình như: Bộ tài liệu chuyên khảo “Điều tra tội phạm về môi trường (phần động vật hoang dã quý hiếm)”, tài liệu “Điều tra rửa tiền và chống tài trợ khủng bố”, tài liệu “Vai trò của lực lượng thực thi pháp luật trong chăm sóc, phòng và điều trị HIV cho người sử dụng ma túy”, tài liệu “Điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”, tài liệu “Kỹ năng điều tra tội phạm mua bán người”...
Ngoài ra, đối với các lớp bồi dưỡng lãnh đạo chỉ huy, các khóa sau đại học, các lớp chất lượng cao, Học viện đã mời nhiều chuyên gia, tình nguyện viên quốc tế đến báo cáo chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn cho cán bộ, giảng viên và học viên. Đặc biệt, chương trình liên kết đào tạo thạc sỹ giữa Học viện và Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ đã được tổ chức thành công với 68 học viên thuộc các đơn vị của Bộ Công an, các cơ quan tư pháp, nội chính Trung ương tốt nghiệp xuất sắc, được đánh giá cao tại các đơn vị sử dụng cán bộ đã cho thấy hiệu quả rõ nét của các công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ cảnh sát nói riêng và lực lượng thực thi pháp luật nói chung...
Thứ hai, công tác hợp tác quốc tế trong nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên
Học viện CSND đã tích cực mở rộng và tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo cảnh sát của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay nhà trường đã có quan hệ hợp tác chính thức với hơn 20 đối tác quốc tế, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác được ký kết, Học viện đã tổ chức thực hiện các chương trình trao đổi đoàn, trao đổi học viên thường xuyên với Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, Đại học Tổng hợp Bộ Nội vụ Mát-xcơ-va, Đại học Hành pháp Mông Cổ... Các hình thức hợp tác gồm có trao đổi học viên ngắn hạn, dài hạn hệ đại học, sau đại học; trao đổi đoàn cấp cao; luân phiên tổ chức các khóa tập huấn chuyên đề ngắn hạn và Tọa đàm, Hội thảo khoa học. Với các hình thức hợp tác đa dạng và thường xuyên như vậy, Học viện CSND đã và đang là cơ sở đào tạo dẫn đầu trong hệ thống các trường CAND về công tác hợp tác đào tạo học viên với các cơ sở đào tạo cảnh sát của các nước.
Học viện đã tích cực tham gia có hiệu quả các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức quốc tế điển hình là tham dự diễn đàn hợp tác đào tạo Cảnh sát ASEANAPOL, Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế (INTERPA), Diễn đàn Khoa học Cảnh sát quốc tế (IPES). Đã tổ chức triển khai nhiều nội dung hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC); Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL); Tổ chức quốc tế về phòng chống buôn bán động vật hoang dã (FREELAND); Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS). Ngoài ra, Học viện cũng đã tổ chức mời nhiều nhà khoa học về lĩnh vực phòng, chống tội phạm của các cơ sở đào tạo của các nước phát triển, chuyên gia cảnh sát, tùy viên cảnh sát của Đại sứ quán các nước đến thuyết trình, báo cáo kinh nghiệm cho cán bộ, học viên của Học viện. Đồng thời, Học viện có chính sách tạo điều kiện để các cán bộ, học viên đi học tập, nghiên cứu, tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài từ đó nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và mở rộng kiến thức cho cán bộ, giáo viên của nhà trường.
Thứ ba, công tác hợp tác quốc tế trong xây dựng năng lực, tăng cường cơ sở vật chất thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật
Trước những áp lực về khó khăn trong nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, việc tăng cường hợp tác để tranh thủ được sự hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm và cơ sở vật chất từ các nước phát triển cho công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường là một trong những nội dung được coi trọng thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, Học viện đã tích cực trao đổi, hợp tác với các đối tác quốc tế, vừa thúc đẩy các chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, vừa kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật cho công tác của nhà trường. Từ đó, Học viện đã xây dựng và triển khai được 02 dự án hỗ trợ kỹ thuật là: Dự án về tăng cường năng lực đào tạo cảnh sát giao thông do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Dự án về xây dựng Thư viện điện tử do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Ngoài ra thông qua các chương trình hợp tác thường xuyên khác, Học viện còn tích cực khai thác được các chương trình trợ giúp kỹ thuật như: chương trình đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành do Đại sứ quán Hoa Kỳ hỗ trợ; chương trình trao đổi chuyên gia, tình nguyện viên với Nhật Bản, Hàn Quốc; tiếp nhận một số thiết bị phục vụ công tác đào tạo do Đại sứ quán Anh, Úc và UNODC hỗ trợ. Các phòng đọc văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, phòng đọc ASEAN cũng đã được xây dựng trong khuôn viên thư viện của Học viện với sự hỗ trợ của trong nước và quốc tế đã tạo môi trường nghiên cứu, giao lưu quốc tế cho cán bộ, giáo viên và học viên của nhà trường.
Đánh giá tổng thể, có thể thấy công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo của Học viện CSND đã đạt được những kết quả quan trọng. Về nhận thức, toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế và tích cực tham gia, tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong công tác giáo dục đào tạo nhằm tăng cường năng lực và xây dựng danh tiếng của nhà trường trong khu vực và trên thế giới. Về chuyên môn của cán bộ, giảng viên, học viên, ngoài những tri thức, kinh nghiệm trong nước, đội ngũ giảng viên và sinh viên được tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ, học hỏi các chuyên gia đến từ các nước và các tổ chức quốc tế, từ đó lĩnh hội tri thức tiến bộ, nâng cao năng lực cá nhân, phục vụ công tác. Về ngoại ngữ, qua quá trình đào tạo, hợp tác được thực hiện thành công trong những năm qua, đội ngũ giảng viên của Học viện đã được nâng cao đáng kể về trình độ ngoại ngữ. Từ việc giảng viên phải tự học hỏi, trang bị vốn ngoại ngữ cho mình, đến nay nhà trường đã có đội ngũ giảng viên được cử đi đào tạo và tốt nghiệp các chương trình tiến sỹ, thạc sỹ tại nước ngoài hoặc các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Đội ngũ này đã có thể giảng dạy một số môn nghiệp vụ trực tiếp bằng tiếng Anh và tham gia các sinh hoạt khoa học quốc tế một cách độc lập.Về kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế, hoạt động lễ tân, đối ngoại, từ đội ngũ hoạt động kiêm nhiệm, đến nay nhà trường đã có phòng HTQT chuyên trách về công tác đối ngoại, có trình độ, có kinh nghiệm về hoạt động lễ tân đối ngoại, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Với những kết quả đạt được và trước những yêu cầu đặt ra cho công tác này trong thời gian tới, Học viện Cảnh sát nhân dân cần chú trọng một số nội dung sau:
- Làm tốt công tác dự báo, đánh giá tình hình và xây dựng chiến lược hợp tác phù hợp: Trong bối cảnh các diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự, xu thế tội phạm của khu vực và thế giới, đồng thời, điều kiện tình hình chính trị thế giới, chính sách của các nước có nhiều thay đổi nhanh chóng và thường xuyên, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Học viện CSND có sự chủ động trong nắm tình hình, đánh giá đối tác, bám sát chủ trương đối ngoại của các nước, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an từ đó có lộ trình, xác định lĩnh vực, đối tác trọng tâm, ưu tiên và xây dựng chiến lược hợp tác phù hợp trong thời gian tới để có thể cân đối và khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
- Tiếp cận các chương trình đào tạo thực thi pháp luật tiên tiến của các nước phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam và nhu cầu của Bộ Công an: Thực tế cho thấy, mặc dù nguồn ngân sách hạn hẹp, Học viện CSND đã năng động vận dụng, tiếp cận các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới để đào tạo cho cán bộ của Bộ Công an và các cơ quan nội chính trung ương và địa phương, tạo nhiều cơ hội cho cán bộ, giảng viên và học viên được học tập ở nước ngoài, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế. Tuy nhiên, để nội dung này được lâu dài và hiệu quả, trong thời gian tới, Học viện cần tiếp tục khai thác các hướng hợp tác để mang lại chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại cho học viên như: Đẩy mạnh các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo đại học danh tiếng trên thế giới thông qua khai thác các học bổng, đề án của Đảng, Chính phủ và đối tác quốc tế; Tăng cường trao đổi học viên các hệ học cả ngắn hạn và dài hạn; Tích cực khai thác và tận dụng các nguồn lực do các cơ quan chính phủ và đối tác quốc tế tài trợ, đặc biệt về hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở vật chất; Triển khai và sử dụng có hiệu quả chương trình trao đổi chuyên gia đang thực hiện hiện nay, hướng tới cử các chuyên gia của Học viện đi trao đổi tại nước ngoài; Tiếp tục mời các chuyên gia, cán bộ thực thi pháp luật có nhiều kinh nghiệm của các nước đến báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ, giảng viên và học viên tất cả các hệ học trong Học viện, cần chú ý có kế hoạch tổng thể theo kỳ học hoặc năm học để thực hiện tốt hơn.
- Xây dựng một số chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ với giáo trình, nội dung và phương pháp đào tạo tiên tiến để áp dụng cho các chương trình đào tạo học viên cảnh sát quốc tế: Học viện CSND không chỉ có mục tiêu phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo chuẩn, trọng điểm quốc gia mà còn mong muốn phát triển thành cơ sở đào tạo cảnh sát uy tín trong khu vực. Từ bước đầu cung cấp các chương trình đào tạo dài hạn cho học viên CHDCND Lào và Cam-pu-chia, chương trình đào tạo ngắn hạn cho học viên các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Palestine, chương trình tập huấn ngắn hạn cấp khu vực trong khuôn khổ hợp tác với INTERPOL, UNODC và các đối tác quốc tế, nhà trường đã dần có thêm nhiều kinh nghiệm, hoàn thiện các chương trình đào tạo. Để trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong khu vực, Học viện cần đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng chương trình đào tạo quốc tế tiêu chuẩn, hoàn thiện cơ sở vật chất dành cho đào tạo quốc tế và phát triển hơn nữa đội ngũ giảng viên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây là các điều kiện tiên quyết để Học viện thu hút học viên các nước đến học tập và vươn lên là cơ sở đào tạo cấp khu vực.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và đào tạo trong thực hiện công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong đào tạo cảnh sát.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị chức năng của Bộ Công an (như V12, V11, A72, Tổng cục III, Tổng cục VI, Tổng cục I), Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự), Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Giáo dục đại học). Do đó, để nâng cao công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong đào tạo cảnh sát cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đơn vị nêu trên để đảm bảo cho công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được thực hiện thuận lợi theo đúng thẩm quyền của các đơn vị, cơ sở trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học cảnh sát./.
TS. Cao Hoàng Long - Chánh Văn phòng Học viện
Trích nguồn kỷ yếu Hội thảo "Đào tạo Cảnh sát trong bối cảnh mới - kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế"