Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tại Học viện Cảnh sát nhân dân
Lễ bế giảng và trao Bằng tốt nghiệp cho 30 học viên khóa II - Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Tư pháp hình sự giữa Học viện CSND và Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ

Trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế của Học viện Cảnh sát nhân dân đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc khẳng định uy tín, thương hiệu và vị thế của một trung tâm nghiên cứu, giáo dục và đào tạo hàng đầu của Bộ Công an. Ban Giám đốc Học viện luôn khẳng định công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế là một trong những hoạt động quan trọng tạo ra sự bứt phá trong việc phát triển các nguồn lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành trường đại học chuẩn quốc gia, là một trong những trung tâm đào tạo cảnh sát hàng đầu trong khu vực ASEAN. Từ quan điểm chỉ đạo đó, Học viện đã đề ra nhiều chủ trương tích cực, năng động trong hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Ngoài các mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, Học viện đã xây dựng và phát triển các nội dung hợp tác mới với các đối tác phù hợp; tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương, các tổ chức quốc tế. Đồng thời, thông qua công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, vận dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn hỗ trợ kỹ thuật của đối tác quốc tế với ưu tiên tăng cường năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, xây dựng các chuẩn mực đào tạo, huấn luyện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Nhìn tổng thể, kết quả công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tại Học viện Cảnh sát nhân dân được thể hiện trên các nội dung chính như sau:

Thứ nhất, xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công an, cảnh sát. Đồng thời với việc duy trì và nâng cao các mối quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo an ninh, cảnh sát của các đối tác truyền thống như Học viện Cảnh sát - Bộ An ninh Lào; Học viện Cảnh sát - Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia; Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va - Bộ Nội vụ Liên bang Nga và các đối tác truyền thống khác trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác hàng năm của Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân đã và đang chủ động, tích cực xây dựng các mối quan hệ mới thông qua nhiều hình thức, trong đó có ký kết các văn bản hợp tác với các đối tác, tham gia các chương trình, dự án đa phương, các diễn đàn hợp tác khoa học quốc tế. Đến nay, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với gần 20 đối tác quốc tế là các trường đại học và tổ chức giáo dục, khoa học công nghệ quốc tế, các diễn đàn khoa học quốc tế. Một số nội dung hợp tác tiêu biểu như:

Từ năm 2010 đến nay, Học viện đã xúc tiến triển khai chương trình hợp tác Đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lãnh đạo Tư pháp với Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ. Đây là một trong những trường đại học công lập đứng hàng đầu Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo về tư pháp hình sự. Đến nay, hai trường đã liên kết đào tạo được 02 khóa, trong đó, riêng Học viện đã có 29 cán bộ, giảng viên của Học viện tham gia và được cấp bằng Thạc sĩ. Kết thúc 02 khóa học, đội ngũ cán bộ, giảng viên này đã thể hiện tốt được các kỹ năng, kiến thức được trang bị để phục vụ công tác của Học viện, nhiều đồng chí đã tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, nhiều giảng viên đã thực hiện giảng dạy một số môn học trực tiếp bằng tiếng Anh.

Cùng với liên kết đào tạo quốc tế, Học viện đã cử nhiều lượt cán bộ đi học tập chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ theo các chương trình hợp tác đào tạo, học bổng tại các quốc gia như Liên bang Nga, Liên bang Úc, Vương quốc Anh... Đồng thời, thông qua các chương trình hợp tác song phương được thiết lập giữa Học viện và các trường công an, cảnh sát của các nước, nhà trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi đào tạo tại nước ngoài như: Cử cán bộ đi học tập chương trình đào tạo hệ sau đại học tại Học viện Cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan; Đại học Cảnh sát Vân Nam - Trung Quốc; Đại học Hành pháp Mông Cổ. Thời gian tới, Học viện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Bộ để triển khai hợp tác đào tạo hệ Thạc sĩ với Đại học RMIT, trao đổi giảng viên đào tạo hệ Thạc sĩ, Tiến sĩ với Đại học Hành pháp Mông Cổ. Thiết lập các chương trình trao đổi cán bộ, giảng viên với Đại học Công an nhân dân Trung Quốc, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc…

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hàng năm, Học viện cử hàng chục đoàn cán bộ, giảng viên đi học tập, trao đổi kiến thức khoa học, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế cũng như đón tiếp nhiều lượt các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu sinh tới học tập và làm việc tại các đơn vị của Học viện. Thông qua các chương trình hợp tác với đối tác, Học viện đã tiếp nhận nhiều lượt chuyên gia của Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đến làm việc theo cơ chế trao đổi chuyên gia, hỗ trợ cán bộ, giảng viên của nhà trường trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đây là những cơ hội tốt để cán bộ, giảng viên của nhà trường có thể tham khảo, tìm kiếm thêm những kiến thức chuyên môn, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu của mình.

Đồng thời, Học viện Cảnh sát nhân dân đã chủ động và là thành viên tích cực, chủ chốt của nhiều tổ chức giáo dục - đào tạo Cảnh sát trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, Học viện là thành viên chính thức của Hiệp hội các trường đào tạo cảnh sát khu vực châu Á (APTA), Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế INTERPA), Diễn đàn Khoa học Cảnh sát quốc tế (IPES)… Thông qua các diễn đàn hợp tác thường niên của các tổ chức này, Học viện đã cử nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, giảng viên tham dự và trình bày các bài báo cáo khoa học có chất lượng, được đăng trên kỷ yếu của Hội nghị.

Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực. Trong những năm gần đây, với chủ trương đúng đắn của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, Nhà trường đã xây dựng được các cơ chế hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực trợ giúp kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp nâng cao năng lực về giáo dục đào tạo và tăng cường cơ sở vật chất. Tiêu biểu là các dự án hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo cảnh sát giao thông do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ; dự án hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng thư viện điện tử do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ; chương trình tiếp nhận tình nguyện viên giảng dạy võ thuật Karatedo của Nhật Bản và Hàn Quốc; các chương trình hỗ trợ xây dựng tài liệu, giáo trình giảng dạy và tài liệu tham khảo cho các chuyên ngành giảng dạy tại Học viện do các tổ chức quốc tế tài trợ; tiếp nhận và sử dụng một số trang thiết bị và tư liệu nghiên cứu, tham khảo cho cán bộ, giảng viên nhà trường do các đối tác quốc tế trao tặng...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện Cảnh sát nhân dân cần tiếp tục thực hiện một số nội dung để tận dụng những lợi thế của mình và tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển nhà trường đáp ứng yêu cầu của cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đạt chuẩn Quốc gia như sau:

- Tiếp tục đổi mới công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên để tạo nguồn giảng viên có thể thực hiện bài giảng các môn nghiệp vụ hoàn toàn bằng ngoại ngữ và trực tiếp tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, trao đổi giảng viên với các trường đại học cảnh sát của các nước.

- Xây dựng một chương trình đào tạo chuyên biệt dành cho các học viên quốc tế tham gia các chương trình hợp tác, trao đổi thường niên với Học viện CSND; đồng thời tăng cường giảng dạy và hội giảng bằng tiếng Anh, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học viên các chuyên ngành của Học viện để tham gia các kỳ học trao đổi ở nước ngoài.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chương trình liên kết đào tạo các hệ học (đại học, sau đại học) với các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài. Trong đó, tăng cường sự tham gia của cán bộ, giảng viên, học viện, từ đó tiếp thu, chuyển giao công nghệ về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực luật, tư pháp hình sự và các lĩnh vực nghiệp vụ cảnh sát khác.

- Chú trọng việc tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác cử cán bộ, giảng viên nhà trường tham dự các hội thảo khoa học quốc tế, nhằm tạo diễn đàn khoa học thuận lợi để cán bộ, giảng viên Nhà trường được trao đổi thảo luận những kết quả nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các nhà chuyên môn của cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế. Từ đó, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên nhà trường.

Để thực hiện được các nội dung đó, Học viện cần tập trung nghiên cứu, triển khai một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, cần chủ động đổi mới nội dung, hình thức hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác giáo dục - đào tạo các trường Đại học, học viện, các viện nghiên cứu ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, chủ động yêu cầu các bên cùng xây dựng và thống nhất cơ chế hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác và chú ý tới tính phù hợp và lợi ích của các bên. Chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo, quản lý về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Học viện tham gia các hoạt động hợp tác với nước ngoài (cử giảng viên đi giảng dạy, đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, thực hành thực tế... tại nước ngoài), nhằm động viên, khuyến khích và kích thích cán bộ, giảng viên của nhà trường tham gia. Tích cực xây dựng và đề nghị với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công an về cơ chế hợp tác đào tạo các chương trình sau đại học giữa Học viện Cảnh sát nhân dân với các cơ sở giáo dục - đào tạo ở nước ngoài.

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục; đa dạng hóa các hình thức đào tạo để phù hợp và hấp dẫn đối tác, đặc biệt có thể tiến hành các hoạt động trao đổi giảng viên với các trường bạn. Bên cạnh các nội dung, kiến thức, năng lực nghề nghiệp cơ bản, cần tăng cường và chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cho cán bộ, giảng viên. Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn - nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc gia, quốc tế và các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp cũng như các kiến thức về hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế... nhằm mục đích giúp cán bộ, giảng viên có đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy trong thời kỳ hội nhập.

Tập trung tăng cường hiệu quả, chất lượng các chương trình hợp tác đào tạo với các đối tác chiến lược, truyền thống như Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Liên bang Nga và các nước đã có ký kết hợp tác với Học viện như Trung Quốc, Mông Cổ, Thái Lan, Hàn Quốc... Đồng thời, tăng cường hợp tác trong đào tạo Cảnh sát nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng với các nước trong khu vực, đặc biệt là khai thác cơ chế hợp tác ASEANAPOL. Thông qua các chương trình hợp tác, tăng cường nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Úc.

Thứ ba, cần xây dựng kế hoạch tổng thể, dài hạn trong xây dựng và thực hiện các chương trình tham quan, học tập tại các cơ sở giáo dục đào tạo ở nước ngoài và mời các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường Đại học, học viện ở nước ngoài đến thăm quan và làm việc tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Từ đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế và tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên Nhà trường được mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế. Tăng cường việc trao đổi, mời gọi các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế trong hợp tác giáo dục đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân trên tất cả các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, thực tế, thực tập, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên và trao đổi tài liệu dạy học, xuất bản ấn phẩm, bài báo quốc tế; tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế về văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Đồng thời, thúc đẩy công tác đối ngoại thông qua việc đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh Học viện Cảnh sát nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các diễn đàn, các Hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế. Làm phong phú thêm nội dung trong trang Website Tiếng Anh và tiếng Trung Quốc của Học viện Cảnh sát nhân dân để quảng bá, giới thiệu về nhà trường, về các hoạt động hợp tác giáo dục - đào tạo giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục - đào tạo trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng đường để đáp ứng nhu cầu dạy học và hợp tác quốc tế; đặc biệt là các hệ thống phòng chức năng dạy học, phòng ở và các điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho người nước ngoài (chuyên gia và giảng viên) đến làm việc tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

Có thể khẳng định, hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện Cảnh sát nhân dân. Để hoạt động này ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ban ngành, lãnh đạo nhà trường và toàn thể cán bộ, giảng viên. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển của nhà trường, đặc biệt là hướng tới mục tiêu đưa Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành cơ sở đào tạo đại học trọng điểm đạt chuẩn quốc gia sau 50 phấn đấu xây dựng và trưởng thành.

Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Xuân Khang

Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

 

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT