Mở rộng hoạt động của đội đặc nhiệm GSG-9 để chống khủng bố
GSG-9 cũng có thể được dùng để đột kích chiếm giữ các vị trí, vô hiệu hóa các mục tiêu, theo dõi tội phạm và đôi khi tiến hành các hoạt động bắn tỉa.

Kể từ sau vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào hội chợ Giáng sinh ở Thủ đô Berlin hồi tháng 12 năm 2016, lực lượng an ninh Đức luôn được đặt trong tình trạng báo động cao. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, nỗi ám ảnh về khủng bố và bất ổn xã hội cũng khiến cho lực lượng cảnh sát và an ninh Đức phải căng mình hoạt động.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ Đức nhấn mạnh: "Là quốc gia đầu tàu châu Âu, Đức đang là mục tiêu thực sự rõ ràng của bạo lực mang động cơ thánh chiến và các hành động bạo lực đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào".

Bộ Nội vụ Đức cũng nhận định, những vụ tấn công có thể là từ cá nhân hoặc các nhóm độc lập, trong đó mối đe dọa lớn nhất chính là các chiến binh trở về từ chiến trường Syria hoặc Iraq. Hiện có 850 người Đức đã tham gia các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và 300 người trong số này đã trở lại quê hương.

Trong bối cảnh như vậy thì nhiệm vụ đơn vị GSG-9 càng trở nên phức tạp, nặng nề. Và đó cũng chính là lý do khiến GSG-9 quyết tâm thành lập một trung tâm thứ 2 ở Berlin. Chỉ huy đơn vị GSG-9 Jerome Fuchs nói: "Chúng tôi muốn gia tăng ít nhất là 1/3 sức mạnh hiện tại cho toàn đội. Để có được điều đó thì phải tìm ra "đúng người, đúng việc".

Với tôi, nhiệm vụ tuyển dụng là quan trọng nhất ở thời điểm hiện nay. Những người mới không chỉ đáp ứng các kỹ năng chống khủng bố mà còn phải có khả năng làm việc nhóm một cách xuất sắc. Mọi người đã chứng kiến vụ Anis Amri lái chiếc xe tải đâm vào khu chợ ở Berlin. Nếu nhìn vào các tình huống khủng bố tương tự trên khắp châu Âu thì có thể thấy rõ, mục tiêu và nhiệm vụ của GSG-9 là phải có khả năng phản ứng nhanh hơn những gì có thể xảy ra".

Trong khi đó, chuyên gia chống khủng bố Rolf Tophoven, người đầu tiên viết sách về đơn vị này vào năm 1977 cho biết, sự hiện diện của một đơn vị chống khủng bố tại thủ đô cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ. Trong lần trả lời phỏng vấn hãng DW hôm 15-1, Rolf Tophoven tiết lộ, GSG-9 cần ít nhất 100 nhân viên mới hoạt động ở Berlin, bên cạnh đội ngũ nhân viên cũ.

"GSG-9 chuyên về các hoạt động cho tình huống bắt cóc và bắt giữ những tên tội phạm nghiêm trọng. Vì vậy, vũ khí của đơn vị này cũng cần phải được trang bị một cách hiệu quả, hiện đại. Việc tuyển dụng và huấn luyện các sĩ quan cũng phải được thực hiện từng bước thêm phương châm "chắc chắn và chính xác", Rolf Tophoven nói.

GSG-9 là tên viết tắt của Grenzschutzgruppe 9 der Bundespolizei, có nghĩa là Nhóm Bảo vệ biên giới số 9 của Cảnh sát Liên bang Đức. Đơn vị này được thành lập năm 1972, sau vụ thảm sát tại Thế vận hội Munich với trụ sở đặt tại Sankt Augustin, một thị trấn gần thành phố Bonn. GSG 9 được triển khai trong các trường hợp bắt cóc con tin, bắt cóc, khủng bố và tống tiền.

Đơn vị này cũng có thể được dùng để đột kích chiếm giữ các vị trí, vô hiệu hóa các mục tiêu, theo dõi tội phạm và đôi khi tiến hành các hoạt động bắn tỉa. Ngoài ra, GSG-9 cũng rất tích cực phát triển và thử nghiệm các phương pháp và chiến thuật cho các nhiệm vụ này.

Cuối cùng, đơn vị có thể tư vấn cho các bang, các bộ và các đồng minh quốc tế và hỗ trợ Cảnh sát Liên bang (Bundespolizei) và cơ quan liên bang và địa phương khác khi có yêu cầu. Trong thời gian tiến hành chiến dịch Mogadishu năm 1977, Tư lệnh Cảnh sát biên phòng Israel Tzvi War từng gọi GSG-9 là "nhóm chống khủng bố xuất sắc nhất trên thế giới".

Từ năm 1972-2003, GSG-9 đã hoàn thành hơn 1.500 nhiệm vụ, mà chỉ nổ súng 5 lần. Tại cuộc thi đặc nhiệm chống khủng bố thế giới SWAT World Challenge năm 2005, GSG-9 giành thắng lợi ấn tượng 8/8 môn thi, đánh bại 17 đội khác. GSG-9 đã bảo vệ được chức vô địch của mình vào năm sau và giành vị trí thứ năm trong năm 2007.

Một trong những điệp vụ nổi tiếng nhất của GSG-9 là "Chiến dịch Feuerzauber" được tiến hành vào năm 1977 khi những kẻ khủng bố cướp một máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không Đức Lufthansa. Sau một cuộc phiêu lưu kéo dài 4 ngày, bọn không tặc hạ lệnh cho chiếc Boeing 737 bay đến Mogadishu, Somali.

Trong đêm 17, rạng sáng 18-10-1977, các đơn vị biệt kích Somali đã tiến hành đánh lạc hướng, trong khi các thành viên của GSG-9 xông vào máy bay. Trận chiến chỉ kéo dài 7 phút và đã thành công với toàn bộ các con tin được giải cứu. Ba tên không tặc bị giết, tên thứ tư bị thương nặng. Chỉ có một thành viên GSG-9 và một tiếp viên hàng không bị thương.

Chi Anh

Nguồn: Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT