Được sự chỉ đạo và giao nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 15/11/2024, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) tổ chức Hội thảo khoa học: “Nhận diện thủ đoạn pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử, thực phẩm và giải pháp phòng, chống theo chức năng của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy” dưới sự chủ trì của Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện.
Cùng tham dự Hội thảo về phía các đơn vị ngoài ngành Công an có các đồng chí thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Kibodo Hà Nội, Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội và Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Về phía Bộ Công an, có các đại biểu, chuyên gia Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, Công an các địa phương, các cán bộ, giảng viên, học viên chuyên ngành Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Học viện CSND.
Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo
Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm xây dựng, hoàn thiện và nâng cao nhận thức lý luận, đề ra các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống ma túy nói chung và phòng, chống tội phạm về ma túy với phương thức thủ đoạn pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử và thực phẩm, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Theo báo cáo đề dẫn Hội thảo, tính đến hết tháng 6 năm 2024, toàn quốc có 226.179 người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy chiếm 0,23% dân số, trong đó có khoảng 38% tổng số người nghiện có độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này lại có tới 70% - 75% là giới trẻ, học sinh, sinh viên (tuổi từ 17 - 35 tuổi).
Với mục đích kích thích trí tò mò, hiếu kỳ của giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên nhằm tăng mức tiêu thụ, lợi nhuận, các đối tượng phạm tội về ma túy đã tìm cách pha trộn ma túy trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, mango, “nước dâu”, “nước vui”… hoặc được tẩm ướp trong các loại đồ ăn, thức uống, thuốc lá điện tử. Khi sử dụng các sản phẩm trên sẽ gây ra ảo giác, xuất hiện co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.
Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc, Trưởng khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo
Những sản phẩm tra trộn ma túy, trá hình trên được rao bán, quảng bá công khai trên các nền tảng internet, các trang mạng xã hội, bán tại nhiều tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, pub... Cá biệt, các đối tượng bán tại các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học... nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên có nhận thức chưa đầy đủ và khó nhận diện nếu không được cảnh báo từ sớm, rất dễ bị bạn bè mời ăn uống những loại thực phẩm pha trộn ma túy này.
Theo báo cáo mới nhất của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc phát hiện bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến mua bán các loại ma túy được đóng gói dưới dạng đồ uống, thực phẩm chức năng và thuốc lá điện tử. Cũng trong năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã lập chuyên án “nước vui”, thu 217 kg ma túy tổng hợp, 208 kg vỏ bao bì, cùng nhiều dụng cụ phương tiện dùng để pha trộn đóng gói ma túy, ước tính với số bao bì trên các đối tượng có thể đóng gói khoảng 1 tấn ma túy dạng “nước vui”.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, dưới sự định hướng của Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện, các tham luận đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Thủ đoạn pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử, thực phẩm hiện nay; những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trong việc nhận diện thủ đoạn pha trộn ma túy; hệ thống giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, đặc biệt là phòng, chống các thủ đoạn pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử, thực phẩm trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng đã đánh giá, làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với các lực lượng khác trong và ngoài ngành Công an nhằm nâng cao hiệu quả nhận diện, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có liên quan đến các loại ma túy núp bóng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm ghi nhận sự thành công của Hội thảo khoa học
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND đánh giá cao những nội dung được thảo luận, đề xuất trong Hội thảo. Đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn quý báu để Học viện CSND tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào công tác giáo dục, đào tạo và là cơ sở để báo cáo, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền đưa ra các biện pháp phòng, chống ma túy hiệu quả hơn trong thời gian tới, đặc biệt là phòng ngừa hiệu quả phương thức, thủ đoạn pha trộn các loại ma túy vào thực phẩm, thuốc lá điện tử.
Khoa CSĐT tội phạm về ma túy