Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Tư, 8/11/2017 15:50'(GMT+7)

Nhìn lại 4 năm triển khai thực hiện Ngày pháp luật trong Học viện Cảnh sát nhân dân

1. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, đây là một đạo luật quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an và nhân dân.

Theo quy định của pháp luật, Ngày Pháp luật được tổ chức vào ngày 9/11 hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân, cùng với đó là việc đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật, coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, xã hội và cá nhân.

Với ý nghĩa đó, mọi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp, pháp luật và thông qua chức trách, nhiệm vụ của mình động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xây dựng có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân đưa pháp luật vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng tới 364 ngày còn lại của năm, mỗi ngày đều là Ngày Pháp luật.

2. Học viện Cảnh sát nhân dân với vị thế là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học hàng đầu của lực lượng Công an nhân dân, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sỹ quan Cảnh sát có bản lĩnh chính trị, có trình độ toàn diện cả về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiên cứu khoa học pháp lý luôn được Học viện chú trọng và quan tâm đặc biệt.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về tổ chức triển khai Ngày Pháp luật, trong 4 năm qua, Ngày Pháp luật trong Học viện Cảnh sát nhân dân đã được các đơn vị, khoa, phòng, bộ môn, trung tâm trong Học viện tổ chức triển khai với nhiều hình thức, hoạt động đa dạng, phong phú. Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật, về Hiến pháp, pháp luật được Học viện đa dạng hóa bằng các hình thức như: tổ chức học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học viên trong toàn Học viện thông qua các buổi sinh hoạt chung; sưu tầm tài liệu pháp luật để cán bộ giảng viên tự nghiên cứu (đề cương giới thiệu Luật, văn bản pháp luật, sách, báo được tập hợp về Trung tâm Lưu trữ và Thư viện và Tủ sách pháp luật Văn phòng Học viện Cảnh sát nhân dân...); tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi thảo luận về các nội dung pháp luật; tổ chức tìm hiểu pháp luật thông qua việc nghiên cứu tài liệu tại tủ sách pháp luật; nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép việc phổ biến pháp luật với việc tổ chức họp, sinh hoạt với thời lượng và thời gian phù hợp; tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; phối hợp tổ chức các cuộc thi dạy tốt, học tốt nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực áp dụng pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật của học viên, cán bộ, chiến sĩ trong Học viện; phát hiện, xây dựng, nhân rộng mô hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong việc tìm hiểu, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Nội dung tuyên truyền, phổ biến gồm các vấn đề liên quan đến ý nghĩa của Ngày Pháp luật, những vấn đề mới trong hệ thống pháp luật, tập trung vào quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các văn bản quy phạm pháp luật dự thảo sửa đổi và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các nội dung về: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, hưởng ứng cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Công an nhân dân; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong Công an nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 1522/QĐ-BCA-V19 ngày 31/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an); các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự được Kỳ họp thứ 2 và 3 Quốc hội Khóa IV thông qua, cụ thể: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật cảnh vệ; Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trọng tâm là Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, các công ước quốc tế về quyền con người… Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, giáo viên, sinh viên, các đơn vị, khoa nghiệp vụ trong học viện đã phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân các quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm mở các phiên tòa xét xử lưu động tại Học viện nhằm tuyên truyền pháp luật đối với cán bộ, sinh viên trong nhà trường.

Quán triệt nội dung, yêu cầu và chủ đề Ngày Pháp luật của Bộ Công an, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chủ công là Văn phòng Học viện, Đội Pháp chế và Cải cách hành chính tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Pháp luật trong Học viện đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Hưởng ứng các chủ đề do Bộ Công an phát động, Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác tuyên truyền về Ngày Pháp luật tới toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên Học viện, phát động phong trào hưởng ứng Ngày Pháp luật với khẩu hiệu “Tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân”. Phong trào đã bám sát nhiệm vụ chính trị, pháp lý của đất nước và của lực lượng Công an nhân dân, trong đó trọng tâm là công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật về an ninh, trật tự; gắn các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng pháp luật, theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, các quy định về thực hiện dân chủ trong Công an nhân dân; phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được trong các năm trước để khắc phục những hạn chế, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn công tác của Học viện.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và triển khai Ngày Pháp luật nói riêng trong Học viện có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện. Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của các đơn vị trong Học viện đi vào nề nếp, thực hiện được vai trò liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác này. Trình độ nhận thức và ý thức về pháp luật, chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, sinh viên được đề cao, hạn chế tối đa vi phạm, ý thức hiểu biết pháp luật của người chiến sĩ Công an được đưa lên hàng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị quốc gia.

3. Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai Ngày Pháp luật trong Học viện vẫn còn một số hạn chế, đó là: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số đơn vị trong Học viện chưa được đồng đều, còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; sự gắn kết giữa giáo dục pháp luật với công tác kiểm tra thực tế còn nhiều hạn chế, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Học viện đa số còn nặng về lý thuyết, chưa nhiều hoạt động phổ biến gắn với thực tiễn cuộc sống. Tại một số đơn vị trong Học viện, do áp lực công tác chuyên môn nhiều, chưa chú trọng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên công tác này còn mang tính hình thức, thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, chưa phát huy hết vai trò và tiềm năng của từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đa số các cán bộ, giáo viên trong Học viện chưa được tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

4. Trong thời gian tới, với những kết quả, thành tích đã đạt được, Học viện sẽ tiếp tục phấn đấu là tấm gương sáng trong việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và để phát huy ý nghĩa thiết thực Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, tạo tiền đề cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật gắn với chương trình đào tạo của các trường Công an nhân dân nói riêng, cần tập trung làm tốt một số nội dung trọng tâm sau:
- Thứ nhất, các cơ sở giáo dục, đào trạo trong Công an nhân dân cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy đơn vị đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và cả hệ thống chính trị.
- Thứ hai, xây dựng, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác pháp chế ở đơn vị trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy đơn vị triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, làm cho họ nhận thức đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ, ý nghĩa của việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Từ đó, chú trọng đến các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để thu hút học sinh, sinh viên cùng tham gia hưởng ứng, hoạt động.
- Thứ tư, thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đồng thời có chế độ phù hợp, động viên, khen thưởng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là ở cơ sở; hằng năm, có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Thứ năm, quan tâm đầu tư kinh phí bảo đảm cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, từng bước xã hội hóa một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Thứ sáu, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an đặc biệt là các giảng viên trong nhà trường cần thường xuyên trau dồi ý thức pháp luật, tích cực học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực thực thi Hiến pháp, pháp luật, coi đó là tiêu chuẩn không thể thiếu trong đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và chất lượng giảng dạy.
- Thứ bảy, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo mọi văn bản pháp luật được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, sinh viên trong nhà trường./.

Thiếu tá, TS. Đặng Anh Tuấn
Chánh Văn phòng Học viện Cảnh sát nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất