Đại học 4.0
Thứ Sáu, 3/7/2020 16:8'(GMT+7)

Những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Cuộc CMCN 4.0 được hình thành trên nền tảng công nghệ số và sự tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Tác động của CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng đến mọi luật lệ, kinh tế, ngành công nghiệp. Xu hướng PTBV ở Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng cuộc cách mạng này. Để tận dụng được những cơ hội của cuộc cách mạng này mang lại, cần phải đánh giá những tác động, từ đó đưa ra giải pháp PTBV ở Việt Nam hiện nay.

Lịch sử đã ghi nhận 3 cuộc CMCN chính thức, làm thay đổi toàn bộ nền sản xuất và các điều kiện kinh tế- xã hội của thế giới. CMCN lần thứ nhất được đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc cách mạng thứ hai là sự xuất hiện của điện năng, lần thứ 3 là sự bùng nổ của tin học và tự động hóa. Tiếp theo là cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, bao gồm các công nghệ mới chủ yếu như Internet kết nối vạn vật (IoT), rô bốt cao cấp, công nghệ in ấn 3D, điện toán đám mây, di động không dây, trí tuệ thông minh nhân tạo, nano, khoa học về vật liệu tiên tiến, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử…

Hiện nay, CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có mục tiêu PTBV ở Việt Nam. Để chủ động đón nhận cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đến quá trình phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã và sẽ kiên trì thực hiện quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong bối cảnh quy mô của nền kinh tế và các nguồn lực còn hạn chế, Chính phủ vẫn dành ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ như là một trong ba đột phá chiến lược. Đối với nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội, Chính phủ quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp tạo việc làm, thu nhập thông qua đào tạo nghề và hỗ trợ tín dụng; chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và lao động nữ.

Bên cạnh các chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ trong nước phục vụ phát triển, Chính phủ cũng dành nguồn lực đầu tư cho các chương trình hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách tăng trưởng xanh cũng được chú trọng hơn thông qua các biện pháp siết chặt giám sát, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh theo cấp số nhân và tác động mạnh đến Việt Nam, cả thuận lợi cũng như bất lợi. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến và thực hiện được mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; ngược lại, khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng. Để hóa giải thách thức, tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam cần thực hiện một chương trình nghị sự kép: Tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây; nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến CMCN 4.0 đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có những nội dung liên quan đến cả hai nhóm này, trong đó xác định những cơ hội và thách thức liên quan đến CMCN 4.0 như một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh để điều chỉnh những thông số của các kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn, đặc biệt là chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, trước hết là internet, thông tin, truyền thông… Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành có khả năng chịu nhiều tác động) và ngân hàng về CMCN 4.0 để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Về lâu dài, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ lợi thế so sánh cấp thấp sang lợi thế so sánh cấp cao hơn và đa dạng hóa lợi thế so sánh. Muốn vậy, phải kết hợp đồng thời nhiều yếu tố, như vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên sẵn có và nguồn nhân lực phong phú, trong đó nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Với hơn 70% dân số Việt Nam sống ở các khu vực nông thôn, trong tương lai gần, các lĩnh vực này vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư phát triển ở mức chuyên sâu hơn nhằm ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành; dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng internet); phát triển thị trường vốn dài hạn và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo. Thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ, nhất là công nghệ, công nghiệp hỗ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Thực hiện cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, hướng sinh viên vào học các ngành khoa học và công nghệ; nuôi dưỡng các kỹ năng khoa học và công nghệ. Có cơ chế để khuyến khích sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo.

Bên cạnh các giải pháp KT-XH, dưới góc độ chính sách khoa học và công nghệ, để có thể nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc CMCN hiện đại phục vụ tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó sau:

Thứ nhất, xác định các hướng công nghệ, các ngành công nghệ công nghiệp mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển trong trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới (dựa trên trí tuệ ảo, kỷ nguyên số, Internet vạn vật); đổi mới việc xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển các nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành sinh học, vật lý học, kỹ thuật số.

Thứ hai, chuyển dịch trọng tâm chính sách khoa học và công nghệ, từ chỗ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - triển khai (R&D) là chủ yếu sang chú trọng đầu tư cho thương mại hóa kết quả R&D; lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; dành kinh phí thỏa đáng cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp không nên dàn trải đối với hoạt động khởi nghiệp chung để chỉ tăng số lượng các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, mà quan trọng là cần tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao.

Thứ ba, tiếp tục dành ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích chuyển dịch lao động trình độ cao từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang khu vực doanh nghiệp; tăng cường chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, bảo đảm cung cấp đầu vào về lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Thứ tư, đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao để giảm thiểu thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cần đầu tư tới ngưỡng và kiên quyết triển khai Đề án Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, trong bối cảnh chung của thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần các nỗ lực liên kết tổng thể với sự vào cuộc của tất cả các quốc gia liên quan ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Trong ứng phó với cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần khai thác triệt để kênh hợp tác và hội nhập quốc tế, thống nhất quan điểm và kế hoạch hành động chung với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong khu vực và thế giới, cùng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để PTBV, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận bình đẳng, hưởng lợi từ các thành quả của CMCN và tăng trưởng bền vững.

Nguồn Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 1/2020

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất