Đại học 4.0
Thứ Năm, 28/12/2017 20:21'(GMT+7)

Những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam và những kiến nghị, đề xuất từ góc độ khoa học và công nghệ

THE OPPORTUNITIES AND CHALLENGES

OF THE FOURTH INDUSTRIAL REVOLUTION FOR VIETNAM, RECOMMENDATIONS FROM THE PERSPECTIVE OF
 SCIENCE AND TECHNOLOGY

Bộ Khoa học và Công nghệ

Ministry of Science and Techology


Tóm tắt:

 

Việt Nam đang bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa đã được xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Cuộc cách mạng sản xuất mới có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời cũng đưa đến những thách thức đối với quá trình phát triển. Chúng ta cần tận dụng những sức mạnh sẵn có và nắm lấy cơ hội để tham gia vào cuộc CMCN4, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để làm được điều này, cần hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam, đó là: (i) với các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung ứng dụng KH&CN trong sản xuất, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và cách thức kinh doanh của mình; (ii) với công tác quản lý khoa học công nghệ cần ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN đối với các doanh nghiệp Việt Nam, để khai thác được cơ hội mở ra từ cuộc CMCN4; (iii) về mặt Giáo dục và Đào tạo, cuộc cách mạng sản xuất mới sẽ đặt ra những yêu cầu mới và cao hơn đối với người lao động; yêu cầu người lao động phải có đủ kiến thức và kỹ năng để làm chủ được các công nghệ mới, làm việc trong thời cuộc mới. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra đối với người lao động, bên cạnh các chính sách về lao động, việc làm, các chính sách trong lĩnh vực giáo dục cũng cần có những điều chỉnh phù hợp.

 

Khái niệm Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN4) hay là Industry 4.0 (tiếng Đức là Industrie 4.0) lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012. Theo giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, CMCN4 là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo.CMCN4 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học,tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc tới các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Khi đó, một thế giới chạy bằng robot và máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể phát triển tới mức thay thế con người trong việc phán đoán và quản lý các hệ thống phức tạp.

 

Abstract

Vietnam is on the way to enter a new phase of development and integration. In the period of 2016-2020, industrialization towards modernization hasbeen identified as the focus of national development strategies. New production revolution can bring Vietnam many opportunities to accelerate industrialization and modernization; also lead to challenges to the development process. We need to take advantage of the available power and took the opportunity to participate in the Fourth Industrial Revolution to accelerate the process of industrialization and modernization of the country.

To fulfill these objectives, it is advised for Vietnam to have a comprehensive and consistentvision of how technology affects and reshapes the environments of economic development, society, culture and the people's lives, namely: (i) As for Vietnamese enterprises, they need to focus on science and technology applications in manufacturing, andinnovations in forms of business organization and styles of doing business; (ii) As for the management of science and technology, policies should be enacted to promote innovations and applications of science and technology in Vietnam's enterprises to take advantage of the opportunities opened up by the the Fourth Industrial Revolution; (iii) In terms of Education and Training, the revolutionary new production will pose new and higher requirements for workers; that requires employees must have adequate knowledge and skills to master new technologies. In order to meet the new requirements imposed on employees, besides the policies on labor system, employment, policies in the education sector should also make adjustments accordingly. /.

The concept of the Fourth Industrial Revolution (FIR4) or Industry 4.0 was first mentioned in the Strategic Action Plan on high-tech adopted by German government in 2012 . According to Professor Klaus Schwab, Chairman of the World Economic Forum, FIR4 is a term that encompasses a wide range of modern automation technology, data exchange and manufacturing. FIR4 is the combination of technology in the fields of physics, biology and digital technology, to create entirely new abilities and has profound impacts to the the world's political system, society, and economy. Meanwhile, a world run by robots and computers with artificial intelligence can be developed to replace the man in judgment and management of complex systems.

 

I. Đặc điểm của cuộc CMCN4

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ Nhất bắt nguồn từ động cơ hơi nước cùng với sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ XIX lan rộng từ Anh đến châu Âu và Hoa Kỳ, là cuộc CMCN sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc CMCN lần thứ Hai, từ khoảng 30 năm cuối của Thế kỷ XIX đến khi Thế Chiến I nổ ra, diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép. Cuộc CMCN này sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất đại trà. CMCN lần thứ Ba xuất hiện vào cuối thế kỷ trước với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

 

Đặc trưng thứ nhất của cuộc CMCN4, được xây dựng trên nền tảng cuộc CMCN lần thứ Ba, là sự hợp nhất các công nghệ, làm mờ đi ranh giới giữa các các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học.Cuộc CMCN4 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các nhà máy thông minh, trong đó các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với sự phát triển của Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, phục vụ con người thông qua mạng Internet dịch vụ. Công nghệ hiện tại đã cho phép hàng tỷ người kết nối mạng mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị di động, cho phép xử lý, lưu trữ, và tiếp cận tri thức không giới hạn. Những khả năng này sẽ được nhân gấp bội lên bởi những công nghệ đột phá trong các lĩnh vực khác, đặc biệt bởi năng lực tính toán và sự sẵn có khối lượng lớn dữ liệu. Trong khi đó, các công nghệ chế tạo kỹ thuật số đang từng ngày tương tác với thế giới sinh học. Với việc các công nghệ chế tạo số có thể tương tác với thế giới sinh học, các nhà thiết kế và kiến trúc sư đã kết hợp giữa thiết kế bằng máy tính, chế tạo cộng (additive manufacturing), kỹ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp cho các hệ thống tiên phong có liên quan đến sự tương tác giữa các vi sinh vật, cơ thể người, những sản phẩm con người tiêu thụ, và thậm chí cả những tòa nhà con người đang sinh sống.

 

Thứ hai, cuộc CMCN4 có thể mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Sự áp dụng thành công trong lĩnh vực khoa học robot, Internet vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D (3D printing) sẽ thúc đẩy năng suất lao động toàn cầu như những gì mà máy tính cá nhân và mạng Internet đã làm được vào cuối những năm 1990. Đối với các nhà đầu tư, cuộc CMCN4 này sẽ mở ra cơ hội cho lợi nhuận khổng lồ, tương tự những gì các cuộc CMCN trước mang lại.

 

Thứ ba, cuộc CMCN4 không chỉ đơn thuần là sự kéo dài của cuộc CMCN lần thứ Ba, mà có một sự khác biệt lớn về tốc độ phát triển, phạm vi và mức độ tác động của nó. Tốc độ của những đột phá hiện nay chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. So với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc CMCN4 này đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia cả vềbề rộng và chiều sâu trong toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Ai cũng có thể tham gia vào cuộc cách mạng này, không chỉ là tốc độ, mà còn là quy mô phát triển đáng kinh ngạc. Thử so sánh thành phố Detroit vào năm 1990 (là một trung tâm lớn của các ngành công nghiệp truyền thống) với Thung lũng Silicon vào năm 2014. Năm 1990, ba công ty lớn nhất tại Detroit có vốn cổ phần hóa thị trường là 36 tỷ đô la Mỹ, doanh thu là 250 tỷ đô la Mỹ và có 1,2 triệu nhân viên. Trong năm 2014, ba công ty lớn nhất ở Thung lũng Silicon có vốn cổ phần hóa thị trường cao hơn một cách đáng kể (1,09 nghìn tỷ USD), tạo ra doanh thu tương tự với ba công ty ở Detroit là khoảng 247 tỷ USD, nhưng với số nhân viên ít hơn khoảng 10 lần (137.000 nhân viên).

 

Thực tế là một đơn vị của cải vật chất được tạo ra ngày nay có thể sử dụng ít nhân công hơn so với 10 hay 15 năm trước đây bởi vì các doanh nghiệp dựa trên công nghệ số có chi phí biên gần bằng không. Ngoài ra, thực tế của thời đại số là nhiều doanh nghiệp mới cung cấp "các hàng hóa thông tin" với các chi phí lưu trữ, vận chuyển và nhân rộng hầu như bằng không. Một số công ty có công nghệ đột phá dường như đòi hỏi ít vốn hơn để phát triển. Ví dụ về các doanh nghiệp như Instagram hay WhatsApp không đòi hỏi nhiều vốn để khởi nghiệp đã cho thấy sự thay đổi vai trò của vốn và quy mô kinh doanh trong bối cảnh của cuộc CMCN4.

 

Thứ tư, với cuộc CMCN4,bên cạnh việc tìm ra những nguồn/dạng năng lượng mới và công nghệ sử dụng và khai thác nguồn/dạng năng lượng mới này, còn có các công nghệ nhắm tới việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có bằng các công nghệ nhúng, công nghệ phái sinh. Dựa trên nền tảng là những thành công rực rỡ trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lý, hóa học, khoa học xã hội và nhân văn, các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) như công nghệ tin học, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, y dược, nhân loại đã có nhiều phát kiến đổi mới sáng tạo và ứng dụng phục vụ hiệu quả lợi ích của con người. Bản chất của cuộc CMCN4 là khai thác tối ưu các yếu tố nguồn lực như vậy, trong một mối tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy nhau phát triển.

 

Thứ năm, cuộc CMCN4 còn dẫn tới những thay đổi trong khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất. Hiện nay, giá trị gia tăng của ngành sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào việc gia công vật liệu thành sản phẩm, đưa vào đó phần mềm hoặc hệ thống điều khiển. Tuy nhiên, trong tương lai, dựa vào thu thập nhu cầu của khách hàng qua hệ thống kết nối Internet, nhà sản xuất sẽ chỉ cập nhật phần mềm chứ không cần bán sản phẩm phần cứng khác. Thêm vào đó, không chỉ sản phẩm, mà cả thiết bị sử dụng trong sản xuất cũng chỉ cần cập nhật phần mềm để thêm tính năng mới mà không cần phải thay thế chi tiết hay bộ phận.

 

II. Các xu hướng lớn trong cuộc CMCN4

Các xu thế lớn của công nghệ trong cuộc CMCN4 có thể được chia thành ba nhóm chính: Vật lý, số hoá và sinh học. Cả ba đều liên quan chặt chẽ với nhau và với các công nghệ khác để đem lại lợi ích cho nhau dựa vào những khám phá và tiến bộ của từng nhóm.

 

2.1. Vật lý

Có bốn đại diện chính trong nhóm vật lýlà:Xe tự lái, Công nghệ in 3D, Robot cao cấp và Vật liệu mới.

 

Xe tự lái: Xe hơi tự lái đang ngày càng chiếm ưu thế bên cạnh nhiều kiểu phương tiện tự lái khác như xe tải, thiết bị bay không người lái, máy bay và tàu thủy. Cùng với quá trình phát triển của cảm biến và trí tuệ nhân tạo, khả năng của các phương tiện tự hành này cũng được cải thiện với tốc độ nhanh chóng.

 

Công nghệ in 3D:hay được gọi là chế tạo cộng, in 3D bao gồm việc tạo ra một đối tượng vật lý bằng cách in theo các lớp từ một bản vẽ hay một mô hình 3D có trước. Công nghệ này khác hoàn toàn so với chế tạo trừ, lấy đi các vật liệu thừa từ phôi ban đầu cho đến khi thu được hình dạng mong muốn.

 

Robot cao cấp: Ngày nay, các robot đang được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp chính xác cho đến chăm sóc người bệnh. Sự phát triển nhanh công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc sớm trở thành hiện thực. Hơn nữa, do tiến bộ công nghệ, robot đang trở nên thích nghi và linh hoạt hơn với thiết kế cấu trúc và chức năng được lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp.

 

Vật liệu mới:Với thuộc tính mà chỉ cách đây vài năm vẫn còn được coi là viễn tưởng, những vật liệu mới đang được đưa ra thị trường. Về tổng thể, chúng nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng. Hiện nay đã có các nhiều ứng dụng cho các vật liệu thông minh tự phục hồi hoặc tự làm sạch, các kim loại có khả năng khôi phục lại hình dạng ban đầu, gốm sứ và pha lê biến áp lực thành năng lượng và nhiều vật liệu khác nữa.

 

2.2. Số hoá

 

Trongcuộc CMCN4, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số là sự xuất hiện Internet vạn vật. Với mô tả đơn giản nhất, có thể coi Internet vạn vật là mối quan hệ giữa vạn vật (các vật thể, dịch vụ, địa điểm…) và con người thông qua các công nghệ kết nối và các nền tảng khác nhau.

 

Cảm biến và các giải pháp kết nối thế giới thực vào mạng không gian ảo đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Các cảm biến nhỏ hơn, rẻ hơn và thông minh hơn đang được lắp đặt trong nhà, quần áo, phụ kiện, các thành phố, mạng lưới giao thông và năng lượng cũng như các quy trình sản xuất. Ngày nay, có hàng tỷ thiết bị trên toàn thế giới như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính được kết nối Internet. Số lượng thiết bị được dự kiến sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới, ước tính vài tỷ đến hơn một nghìn tỷ thiết bị. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức mà chúng ta quản lý chuỗi cung ứng bằng cách cho phép chúng ta giám sát và tối ưu hóa tài sản và các hoạt động đến một mức rất chi tiết. Trong quá trình này, Internet vạn vật sẽ tác động làm biến đổi tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng đến chăm sóc sức khỏe.

 

2.3. Sinh học

 

Những đổi mới trong lĩnh vực sinh học nói chung và di truyền nói riêng thật sự đáng kinh ngạc. Trong những năm gần đây, chúng ta đã và đang thành công trong việc giảm chi phí và dễ dàng hơn trong việc giải trình bộ gen và mới đây là việc kích hoạt hay chỉnh sửa gen. Tiếp theo là sự phát triển của sinh học tổng hợp. Công nghệ này sẽ giúp chúng ta có khả năng tùy biến cơ thể bằng cách sửa lại DNA. Sự phát triển hơn nữa của sinh học tổng hợp sẽ không chỉ tác động sâu và ngay lập tức về không chỉ y học mà còn về nông nghiệp và sản xuất nhiên liệu sinh học.

 

2.4. Dự báo những sản phẩm xuất hiện vào năm 2025

 

 Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố tháng 9 năm 2015 đã xác định 21 sản phẩm công nghệ sẽ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối. Đó là những sản phẩm mà mọi người kì vọng sẽ xuất hiện trong 10 năm bắt nguồn từ những thay đổi sâu sắc của cuộc CMCN4. Các sản phẩm này được xác định thông qua một cuộc khảo sát được tiến hành bởi hội đồng nghị sự toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong đó có hơn 800 giám đốc điều hành và chuyên gia từ các lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông tham gia. Sau đây là 21 sản phẩm được sắp xếp theo số lượng ý kiến bình chọn giảm dần:

- 10% dân số mặc quần áo kết nối với Internet;

- 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo);

- 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với Internet;

- Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ;

- 10% mắt kính kết nối với Internet;

- 80% người dân hiện diện số trên Internet;

- Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D;

- Chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn;

- Chiếc điện thoại di động cấy ghép vào người đầu tiên được thương mại hóa;

- 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D;

- 90% dân số dùng điện thoại thông minh;

- 90% dân số thường xuyên truy cập Internet;

- 10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái;

- Lần đầu tiên cấy ghép gan làm bằng công nghệ in 3D;

- 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo;

- Lần đầu tiên chính phủ thu thuế qua một blockchain[1];

- Hơn 50% lượng truy cập Internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng;

- Những chuyến đi du lịch hay công tác được thực hiện qua các phương tiện chia sẻ nhiều hơn so với các phương tiện cá nhân;

- Thành phố đầu tiên với hơn 50.000 người không có đèn giao thông;

- 10% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu được lưu trữ trên blockchain;

- Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một hội đồng quản trị công ty.

 

III. Tác động của cuộc CMCN4

 

Giống như các cuộc cách mạng trước đó, cuộc CMCN4 có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Cho đến nay, những người được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng có đủ khả năng sử dụng và truy cập vào thế giới kỹ thuật số. Công nghệ đã giúp tạo các sản phẩm và dịch vụ mới có thể gia tăng hiệu quả và thỏa mãn cuộc sống cá nhân của chúng ta. Tất cả việc như gọi taxi, đặt vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim, hay chơi trò chơi hiện đều có thể được thực hiện từ xa thông qua mạng Internet.

 

Trong tương lai, sáng tạo công nghệ cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn từ phía nguồn cung, với những lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, và các chi phí thương mại sẽ giảm, tất cả những điều đó sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

3.1. Tác động đối với thị trường lao động

 

Như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc cách mạng này có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế cho người lao động trong toàn bộ nền kinh tế, sự thay thế ròng người lao động bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, quá trình con người được thay thế bằng công nghệ này cũng có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng các việc làm an toàn và thu nhập cao hơn.Vào thời điểm này, chúng ta không thể lường trước được kịch bản nào có khả năng sẽ diễn ra và lịch sử cho thấy rằng đó có thể sẽ là một sự kết hợp của cả hai kịch bản. Tuy nhiên, có thể thấy là tri thức, chứ không phải là vốn, sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai. Điều này sẽ làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao", do đó sẽ dẫn đến sự gia tăng bức xúc xã hội.

 

Ở một khía cạnh khác, dù các cuộc cách mạng công nghệ thường thổi bùng những lo ngại về thất nghiệp khi máy móc làm tất cả mọi việc, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng việc giảm tổng số việc làm là không thể. Bởi siêu tự động hóa và siêu kết nối có thể nâng cao năng suất những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu về những công việc hoàn toàn mới. Có thể hiện nay chúng ta khó hình dung công việc trong tương lai sẽ như thế nào, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng tự động hóa cực cao và khả năng siêu kết nối trong ngắn hạn chắc chắn sẽ có tác động đối với lực lượng lao động. Theo đó, một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp (chẳng hạn các công nhân trong dây chuyền lắp ráp) vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tự động hóa cơ bản trong cuộc CMCN lần thứ Ba, nay có thể bị ảnh hưởng hơn nữa. Sự ra đời của "cobots", tức robot hợp tác có khả năng di chuyển và tương tác, sẽ giúp các công việc kỹ năng thấp đạt năng suất nhảy vọt. Tuy nhiên, những người bị ảnh hưởng nặng nhất có thể là lực lượng lao động có kỹ năng trung bình do sự phát triển của siêu tự động hóa và siêu kết nối, cộng với trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đáng kể đến bản chất của các công việc tri thức.

 

Tự động hóa ban đầu sẽ ảnh hưởng đến công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng, và các ngành hỗ trợ. Quá trình robot tự động hóa, báo cáo tự động và trợ lý ảo sẽ trở nên phổ biến. Những tuyên bố trong ngành bảo hiểm có thể không cần sự can thiệp của con người, hầu hết truy vấn khách hàng được trả lời tự động... Trong tài chính, "robot tư vấn" đã có trên thị trường. Trong ngành tư pháp, máy tính có thể nhanh chóng "đọc" hàng triệu email và cắt giảm chi phí điều tra.

 

3.2. Tác động đối với kinh doanh

Cuộc CMCN4 có bốn tác động chính đối với doanh nghiệp: 1) về kỳ vọng của khách hàng, 2) về nâng cao chất lượng sản phẩm, 3) về đổi mới hợp tác và 4) về các hình thức tổ chức. Cho dù là người tiêu dùng hay doanh nghiệp, thì khách hàng đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế, tất cả đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thức phục vụ khách hàng. Hơn nữa, các sản phẩm vật chất và dịch vụ đều có thể được tăng cường với công nghệ số hoá để làm tăng giá trị của chúng. Các công nghệ mới làm cho tài sản bền và linh hoạt hơn. Trong khi đó, trong một thế giới mà khách hàng có thể trải nghiệm nhiều hơn, các dịch vụ dựa trên phân tích dữ liệu người dùng đòi hỏi phải có các hình thức hợp tác mới. Sự xuất hiện của các nền tảng toàn cầu trong một thế giới phẳng và các mô hình kinh doanh mới dẫn tới hình thức tổ chức và văn hoá phát triển của các doanh nghiệp cũng sẽ phải được xem xét lại.

 

Các công nghệ là nền tảng cho cuộc CMCN4 đang có tác động lớn đến các doanh nghiệp, trong đótốc độ của các đổi mới và các đổ vỡ kéo theo đã liên tục gây bất ngờ ngay cả đối với các doanh nghiệp có liên kết tốt nhất và có được thông tin tốt nhất.Về phía cung, trong nhiều ngành công nghiệp, đang xuất hiện các công nghệ tạo ra những phương thức hoàn toàn mới đáp ứng các nhu cầu hiện tại và phá vỡ đáng kể các chuỗi giá trị công nghiệp hiện có. Sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh sáng tạo, nhanh nhạy, với việc tiếp cận các nền tảng kỹ thuật số toàn cầu cho nghiên cứu, triển khai, tiếp thị, bán hàng và phân phối, có thể lật đổ những người đương nhiệm nhanh hơn bao giờ hết bằng cách cải thiện chất lượng, tốc độ, hay giá cả đối với giá trị cung cấp.

 

Những thay đổi lớn về phía cầu cũng đang xảy ra, như sự minh bạch ngày càng tăng, sự tham gia của người tiêu dùng, và các hình mẫu mới về hành vi của người tiêu dùng (ngày càng được xây dựng dựa trên sự truy cập vào các mạng di động và dữ liệu) buộc các công ty thích nghi với cách họ thiết kế, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ.Từ đó tạo ra sự phát triển của các nền tảng công nghệ mới, cho phép kết hợp cả cung và cầu để phá vỡ cấu trúc ngành công nghiệp hiện có, chẳng hạn như những nền tảng mà chúng ta thấy trong nền kinh tế "chia sẻ" hoặc "theo yêu cầu". Những nền tảng công nghệ mới, dễ dàng sử dụng với các điện thoại thông minh, cho phép tích hợp con người, tài sản và dữ liệu để tạo ra những cách thức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn mới. Ngoài ra, chúng giảm đi các rào cản đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tạo ra sự giàu có, làm thay đổi môi trường cá nhân và chuyên môn của người lao động. Các doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng mới này đang nhanh chóng phát triển thêm nhiều dịch vụ mới.

 

Một đặc điểm khác của CMCN4 là số vốn đầu tư ban đầu cho khởi nghiệp có thể không lớn, nhưng lợi nhuận thu về cao. Thí dụ trường hợp của WhatsApp, khởi đầu với nhóm nhỏ nhà đầu tư, vốn bỏ ra cũng nhỏ nhưng đến nay được định giá rất lớn. Tháng 2-2014, Facebook đã đồng ý chi 22 tỷ USD cho công ty có 55 nhân viên này. Trong khi đó, hãng hàng không Hoa Kỳ United Continental có giá thị trường cũng 22 tỷ USD tính đến tháng 12-2015, nhưng có tới 82.300 nhân viên. Giá trị doanh nghiệp lên đến 400 triệu USD cho mỗi nhân viên như ở WhatsApp là thí dụ về khả năng thu lời lớn từ các mô hình kinh doanh vốn thấp trong tương lai.Một thí dụ khác là Airbnb và Uber. Việc phát triển ngày một rộng của internet vạn vật cho phép các công ty này tiếp cận tốt hơn với từng đơn vị, từ đó có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả của họ trong thời gian thực. Như vậy, với CMCN4, các doanh nghiệp có thể khởi nghiệp dễ dàng hơn, vốn ít hơn trong khi mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn hơn. Tuy nhiên, siêu kết nối cũng làm tăng rủi ro an ninh mạng. Theo Symantec, năng lượng hiện nay là 1 trong 5 lĩnh vực bị tin tặc toàn cầu nhắm đến nhiều nhất. Năm 2012, Saudi Aramco phải mất cả tuần để sửa chữa hệ thông máy tính sau khi bị virus tấn công. Trong năm 2013, nhiều lưới điện của Áo và Đức bị đe dọa sau khi bị xâm nhập hệ thống mạng.

 

3.3. Tác động đối với chính phủ

 

Khi thế giới vật lý, thế giới số và thế giới sinh học đang tiếp tục xích lại gần nhau hơn thì công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, để cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điểu khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

 

Khả năng các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội có thể thích ứng sẽ quyết định sự tồn tại của họ. Nếu chứng minh được khả năng có thể bắt kịp một thế giới với những thay đổi đột phá, cải thiện cơ cấu để đạt mức minh bạch và hiệu quả để cho phép họ duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình, họ sẽ tồn tại. Ngược lại, nếu không thể cải thiện, họ sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề.

 

Điều này đặc biệt đúng trong hệ thống điều hành. Các hệ thống chính sách công và quy trình ra quyết định hiện nay được phát triển cùng với cuộc CMCN lần thứ Hai, khi các nhà hoạch định chính sách có thời gian để nghiên cứu một vấn đề cụ thể và đưa ra cách ứng phó cần thiết hoặc khuôn khổ quy định phù hợp. Toàn bộ quá trình này được vận hành trơn tru và có hệ thống, theo mô hình chặt chẽ từ cao xuống thấp.Tuy nhiên, một cách thức như vậy hiện nay không còn khả thi. Trước tốc độ thay đổi nhanh chóng và tác động sâu rộng của cuộc CMCN4, các nhà lập pháp và điều hành đang bị thử thách ở một mức độ chưa từng có tiền lệ và phần lớn trong số đó chưa cho thấy khả năng ứng phó tốt.

 

Để có thể vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công chúng nói chung lại vừa tiếp tục hỗ trợ cho sáng tạo và phát triển công nghệ, các nhà lập pháp phải không ngừng thích nghi với môi trường mới và biến đổi nhanh chóng, đồng thời phải trau dồi bản thân để thực sự hiểu rõ họ đang điều hành cái gì. Để làm được vậy, các chính phủ và cơ quan lập pháp cần có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và công dân của mình.

 

3.4. Tác động đối với người dân

 

Cuộc CMCN4 sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm mà cả ngay chính con người chúng ta. Nó sẽ làm thay đổi bản sắc của chúng ta và tất cả những vấn đề liên quan tới bản sắc đó, bao gồm: Sự riêng tư, ý thức về sự sở hữu, phương thức tiêu dùng, thời gian chúng ta dành cho công việc, giải trí và cách thức chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và củng cố các mối quan hệ. Nó đã và đang làm thay đổi sức khỏe của chúng ta, dẫn tới một cái tôi nhất định, và có thể dẫn tới sự gia tăng dân số nhanh hơn chúng ta nghĩ.

 

Một trong những thách thức mang tính cá nhân lớn nhất mà các công nghệ thông tin mang lại là sự riêng tư. Thông tin về cá nhân sẽ dễ dàng để tra cứu và tìm kiếm vì chúng ta buộc phải kết nối với các hệ thống điện tử. Tương tự, các cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo giúp định nghĩa lại con người là gì bằng cách hạ thấp những giới hạn hiện tại về tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và năng lực. Chúng buộc chúng ta phải định hình lại những ranh giới về đạo đức xã hội.

 

3.5. Tác động đối với giáo dục

 

Cuộc CMCN4 đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của người lao động. Những kỹ năng của người lao động có thể được phân thành 3 nhóm: (1) Các kỹ năng liên quan đến nhận thức; (2) Các kỹ năng về thể chất; và (3) Các kỹ năng về xã hội. Các kỹ năng liên quan đến nhận thức bao gồm: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình (self-reflection); khả năng sáng tạo tri thức, hay chiến lược học tập. Các kỹ năng về thể chất bao gồm: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số. Các kỹ năng về xã hội bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, ứng xử.

 

Trong cuộc cách mạng sản xuất mới, khi tri thức tồn tại khắp nơi, xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống và hoạt động sản xuất, việc áp dụng những kiến thức chúng ta được học trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với bản thân những kiến thức đó. Ngoài ra, khi hàng ngày hàng giờ đều có những thay đổi về mặt công nghệ, ảnh hưởng đến đời sống thì khả năng thích ứng và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo là những chìa khóa để người lao động thành công trong thời đại mới.

 

Hơn nữa, xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng yêu cầu người lao động có những kỹ năng mang tính toàn cầu hơn. Cụ thể, để cạnh tranh trong thời đại mới, người lao động cần sử dụng được nhiều hơn một ngôn ngữ, những kỹ năng xúc cảm cũng cần được phát triển để người lao động có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia với các đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới.  

 

Như vậy, cuộc CMCN4 cũng có những hàm ý nhất định đối với việc thay đổi chính sách giáo dục của chúng ta. Thứ nhất, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn đồng nghĩa với kỹ năng cao hơn. Những kỹ năng được tích lũy thông qua quá trình học tập. Mỗi cấp học khác nhau sẽ tập trung vào từng nhóm kỹ năng khác nhau. Do đó, để có thể nâng cao kỹ năng của người lao động, cách trực tiếp nhất là tăng số năm đi học của người lao động. Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu phức tạp hơn, cần một chương trình đào tạo phức tạp hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế đang là một xu thế tất yếu với tất cả các quốc gia trên thế giới. Những vấn đề kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến nhiều hơn một quốc gia và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều quốc gia để giải quyết. Để người lao động có thể thích nghi trong bối cảnh hội nhập khu vực, chương trình giảng dạy trong nhà trường cần tích hợp được các vấn đề toàn cầu để trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Thứ ba, cách nâng cao kỹ năng về công nghệ tốt nhất là thông qua việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Trong bối cảnh cuộc cách mạng sản xuất mới, sự phát triển của công nghệ là yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống và sản xuất. Người lao động làm việc trong thời đại của cuộc Cách mạng sản xuất lần thứ Tư này cần thành thạo sử dụng các công nghệ. Cách thức để nâng cao kỹ năng về công nghệ tốt nhất là thông qua việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Công nghệ sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận với các tri thức thông qua các hình thức khác nhau, giúp việc chia sẻ kiến thức giữa các giáo viên với nhau, giữa giáo viên với học viên nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ thường xuyên trong quá trình học tập cũng hình thành và bồi dưỡng những kỹ năng về công nghệ cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

 

3.6. Tác động đối với an ninh, quốc phòng

 

Cuộc CMCN4 cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, tác động tới cả bản chất và khả năng xảy ra xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của sự sáng tạo về công nghệ, ngày nay cũng không phải ngoại lệ.

 

Các cuộc xung đột hiện nay giữa các quốc gia đang ngày càng "lai tạp" về bản chất, kết hợp các kỹ năng chiến đấu truyền thống với các yếu tố có liên quan trước đó với các đối tượng phi nhà nước. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực (chẳng hạn như chiến tranh mạng) đang trở nên ngày càng mong manh.Khi quá trình này diễn ra và các công nghệ mới như vũ khí tự động và vũ khí sinh học trở nên dễ dàng sử dụng hơn, từng cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ sở hữu khả năng gây ra những tổn thương hàng loạt không thua kém các quốc gia. Nguy cơ đó sẽ dẫn tới những nỗi sợ hãi mới. Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ cũng đồng thời tạo ra tiềm năng giúp làm giảm quy mô và tác động của bạo lực bằng cách phát triển các phương thức bảo vệ mới, chẳng hạn như độ chính xác cao hơn trong ngắm bắn mục tiêu.

 

Ngoài mối quan tâm kinh tế, bức xúc xã hội là mối quan tâm lớn nhất gắn liền với cuộc CMCN4. Những người hưởng lợi lớn nhất của sự đổi mới có xu hướng là các nhà cung cấp vốn trí tuệ và vật chất - những nhà sáng tạo, các cổ đông và nhà đầu tư. Điều này giải thích chênh lệch tăng lên về sự giàu có giữa những người phụ thuộc vào vốn và với lao động. Do đó công nghệ là một trong những lý do chính giải thích tại sao thu nhập đã chững lại, hoặc thậm chí giảm, đối với phần lớn dân số ở các nước có thu nhập cao: nhu cầu lao động có tay nghề cao đã tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp đã giảm. Kết quả là một thị trường việc làm với nhu cầu cao ở hai đầu cao và thấp, nhưng trống rỗng ở khúc giữa. Điều này giúp giải thích tại sao rất nhiều người lao động đang thất vọng và sợ rằng thu nhập thực tế của họ và của con cái họ sẽ tiếp tục bị đình trệ. Nó cũng giúp giải thích tại sao tầng lớp trung lưu trên thế giới đang ngày càng phổ biến cảm giác bất mãn và bất công.

 

Bức xúc xã hội cũng có thể gia tăng bởi sự thâm nhập của các công nghệ kỹ thuật số và các động lực của việc chia sẻ thông tin tiêu biểu của truyền thông xã hội. Hơn 30 phần trăm dân số thế giới hiện nay sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để kết nối, học hỏi và chia sẻ thông tin. Trong một thế giới lý tưởng, những tương tác này sẽ cung cấp cơ hội cho sự hiểu biết và liên kết liên văn hóa. Tuy nhiên, chúng cũng có thể tạo ra và tuyên truyền những kỳ vọng không thực tế như những gì tạo nên thành công cho một cá nhân hoặc một nhóm, cũng như mở ra các cơ hội cho sự lan truyền những ý tưởng và ý thức hệ cực đoan.

 

IV. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

 

Việt Nam đang bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa đã được xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Cuộc cách mạng sản xuất mới có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời cũng đưa đến những thách thức đối với quá trình phát triển.

 

4.1. Cơ hội

 

Cuộc CMCN4 đã mở ra những cơ hội có thể tranh thủ để thúc đẩy sự phát triển của của Việt Nam. Cụ thể là:

- Cuộc CMCN4 có thể tạo ra lợi thế của những nước đi sau như Việt Nam so với các nước phát triển do không bị hạn chế bởi quy mô cồng kềnh, quán tính lớn; tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh chóng, vượt qua các quốc gia khác cho dù xuất phát sau;

- Việc ứng dụng những công nghệ mới cho phép thúc đẩy năng suất lao động và tạo khả năng nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân;

- Khả năng biến đổi các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị cho doanh nghiệp trong nước;

- Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, những phát triển về công nghệ có thể rút ngắn (cũng có thể gia tăng) khoảng cách chênh lệch về tiềm lực của các thế lực các quốc gia khác nhau.

 

4.2. Thách thức

 

Cuộc CMCN4 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, cụ thể là:

- Thách thức trong việc phải có nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của cuộc CMCN4 và khả năng tư duy, quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc;

- Để gia nhập vào xu thế CMCN4 đòi hỏi phải có sự phát triển dựa trên tích lũy nền tảng lâu dài của nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản định hướng trong lĩnh vực KH&CN đặc biệt là vật lý, sinh học, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực công nghệ mới, nghiên cứu các công nghệ mang tính đột phá;

- Nghiên cứu và phát triển trở thành chìa khóa quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội;cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và sản xuất;

- Gia tăng bức xúc xã hội do sự thâm nhập của các công nghệ kỹ thuật số và các động lực của việc chia sẻ thông tin tiêu biểu của truyền thông xã hội;

- Đặt ra những vấn đề lớn về giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, rủi ro công nghệ;

- Thêm vào đó, cuộc CMCN4 diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chắc chắn sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu hơn nữa trong phát triển so với thế giới và rơi vào thế bị động trong đối phó với những mặt trái của cuộc cách mạng này.

 

V. Đề xuất, kiến nghị

 

Việt Nam cần tận dụng những sức mạnh sẵn có và nắm lấy cơ hội để tham gia vào cuộc CMCN4, thúc đẩy quá trìnhcông nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để làm được điều này, cần hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam.

 

Để chuẩn bị cho cuộc CMCN4, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung ứng dụng KH&CN trong sản xuất, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và cách thức kinh doanh của mình. Cụ thể:

- Tích hợp công nghệ số hoá: cần thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; tích hợp với các hệ thống cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông để kinh doanh và chăm sóc khách hàng; lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu lớn dựa trên điện toán đám mây; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; phân tích hiệu quả, đánh giá và áp dụng các dữ liệu thu thập được từ máy móc và cảm biến để nhanh chóng đưa ra quyết định cải thiện an toàn, hiệu quả hoạt động, quy trình làm việc, dịch vụ và bảo trì;

- Tối ưu hóa mô hình kinh doanh: Các doanh nghiệp cần phát triển các kỹ năng mới cho từng cá nhân cũng như cho tổ chức; tham gia và sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh được tạo ra từ cuộc CMCN4, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng; xây dựng và sử dụng các quá trình hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm cả hai quá trình quản lý cung ứng vật tư và phân phối sản phẩm;

- Quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả: Cần phải có những giải pháp tốt hơn để quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số, phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới;

- Thích ứng với các mô hình thuế mới: Công nghệ in 3D trong tương lai sẽ cho phép sản xuất trên khắp các quốc gia và châu lục, làm mờ khái niệm biên giới quốc gia trong sản xuất, dẫn tới các nhu cầu về các quy định hải quan, thuế giá trị gia tăng mới.

 

Về mặt KH&CN, cần ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN đối với các doanh nghiệp Việt Nam, để khai thác được cơ hội mở ra từ cuộc CMCN4, cụ thể:

- Chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng một số công nghệ mới trong cuộc CMCN4;

- Chính sách khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc CMCN4;

- Chính sách thúc đẩy ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào giáo dục nhằm đào tạo con người có tư duy và kỹ năng phù hợp với xu thế của cuộc CMCN4;

- Chính sách nhằm góp phần khắc phục những mặt trái của cuộc CMCN4 như ô nhiễm môi trường, vấn đề thất nghiệp, gia tăng bức xúc xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống, những rủi ro gắn liền với an ninh thông tin, sự cố hạt nhân.

- Chính sáchvà chiến lược mới về phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao, cụ thể nhữnglĩnh vực chuyên sâu như vật liệu nano, năng lượng và tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo.

 

Về mặt Giáo dục và Đào tạo, cuộc cách mạng sản xuất mới sẽ đặt ra những yêu cầu mới và cao hơn đối với người lao động; yêu cầu người lao động phải có đủ kiến thức và kỹ năng để làm chủ được các công nghệ mới, làm việc trong thời cuộc mới. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra đối với người lao động, bên cạnh các chính sách về lao động, việc làm, các chính sách trong lĩnh vực giáo dục cũng cần có những điều chỉnh phù hợp./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1.                 D. Andrews and C. Criscuolo (2013), Knowledge-Based Capital, Innovation and Resource Allocation: A Going for Growth Report, OECD Economic Policy Papers, No. 4, OECD Publishing, Paris.

2.                 Larry Hatheway, "Mastering the Fourth Industrial Revolution", Project Syndicate, 21/01/2016

3.                 Adalet McGowan, M. and D. Andrews (2015), Skill mismatch and public policy in OECD countries, Paper prepared for the Working Party No. 1 of the Economic Policy Committee and the Committee on Industry, Innovation and Entrepreneurship, March, OECD

4.                 Klaus Schwab 2016: The Fourth Industrial Revolution, 2016.

5.                 Hermann, Pentek, Otto, 2015: Design Principles for Industrie 4.0 Scenarios, 2015.

6.                 http://nghiencuuquocte.org/2016/02/14/lam-chu-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/#sthash.W9AbKLCS.dpuf.

7.                 OECD (2015), The Next Production Revolution, Paper prepared for the Conference ‘Shaping the Strategy For Tomorrow's Production'.

 

[1]Blockchain, thường được mô tả như là một "đầu mối phân phối", là một giao thức an toàn trong đó một mạng các máy tính cùng nhau xác thực một giao dịch trước khi được lưu trữ và chấp thuận. Công nghệ làm cơ sở cho blockchain tạo ra sự tin tưởng bằng cách cho phép những người không biết nhau (về căn bản không thể tin tưởng) cộng tác với nhau mà không cần phải thông qua một nhà chức trách trung tâm trung lập - nghĩa là một người ủy thác hoặc đầu mối trung tâm. Về bản chất, blockchain là giao thức có khả năng chia sẻ, lập trình, mã hóa an toàn do đó trở nên đáng tin cậy bởi không có bất kì người dùng nào có thể điều khiển được và có thể được kiểm tra bởi tất cả mọi người. Cho đến nay Bitcoin vẫn là ứng dụng blockchain nổi tiếng nhất nhưng công nghệ này sẽ sớm có thêm nhiều ứng dụng khác. Nếu tại thời điểm này, blockchain được dùng để ghi lại các giao dịch tài chính được thực hiện với các tiền tệ kỹ thuật số như Bitcoin, trong tương lai công nghệ này sẽ được dùng loại giao dịch khác nhau như giấy khai sinh, giấy chứng tử, chức danh, tước vị sở hữu, giấy đăng ký kết hôn, các bằng cấp giáo dục, bồi thường bảo hiểm, thủ tục y tế và phiếu bầu cử. Một số quốc gia hoặc tổ chức đang điều tra tiềm năng của công nghệ blockchain. Ví dụ, Chính phủ Honduras sử dụng công nghệ này để xử lý quyền sử dụng đất trong khi quốc gia Isle of Man đang thử nghiệm việc sử dụng nó trong việc đăng ký công ty.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất