Giáo dục - Đào tạo
Thứ Ba, 8/5/2018 9:35'(GMT+7)

Những dấu mốc lịch sử trong 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Học viện Cảnh sát nhân dân

Học viện CSND đến nay, đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển. Nửa thế kỷ, tuy chưa thật dài so với lịch sử cách mạng của đất nước và lịch sử truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, nhưng bằng sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, ghi nhận và khẳng định những công lao to lớn của các thế hệ thầy và trò Học viện Cảnh sát nhân dân đối với sự nghiệp đào tạo của Ngành, góp phần phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội mà Đảng và Nhà nước tin cậy giao cho lực lượng Công an nhân dân. Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện CSND chúng ta có dịp để ôn lại những chặng đường đã qua, thấy được những bước phát triển và những thành quả to lớn như ngày nay, để chúng ta càng thêm tự hào, vinh dự bởi chúng ta là một viên gạch xây dựng nên thành quả to đẹp đó.

1. Thời kỳ tiền thân của Học viện Cảnh sát nhân dân

Mọi sự vận động và phát triển đều có quá trình chuẩn bị, tạo lập và khởi nguồn, để rồi được định hình với tên gọi của chính nó. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng đất nước bị chia cắt thành hai miền, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn tiếp tục nhiệm vụ dân tộc dân chủ nhân dân. Tuy chia thành hai miền, nhưng Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta vẫn xác định hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải được tiến hành đồng thời, miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho miền Nam, miền Nam là ưu tiên hàng đầu. Khi nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trở thành yêu cầu cấp thiết thì việc xây dựng lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng cũng cần được tính toán đầy đủ cho cả hai miền.

Vì lẽ đó, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/LCT ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND nhằm xây dựng lực lượng CSND chính quy. Theo đó tại Trường Công an nhân dân, lúc đó là cơ sở lớn đào tạo lực lượng Công an cho cả nước đã mở thêm Khoa Cảnh sát nhân dân (10/1962). Tại Suối Hai, Ba Vì, Sơn tây (nay là Hà Nội), Bộ cũng xây dựng một phân hiệu huấn luyện và bồi dưỡng lực lượng CSND. Thời gian này, Phân hiệu chỉ đào tạo bậc trung học, sơ học CSND gồm 12 tháng (lớp K), bồi dưỡng, bổ túc 6 tháng (lớp T) ngoài ra Phân hiệu còn mở các lớp chuyên đề Bộ giao như Bồi dưỡng cảnh sát khu vực, tham gia cùng Trường Công an Trung ương đào tạo các lớp A6, C4, T3 cho Cảnh sát Lào, Campuchia...

Cho dù chỉ với tư cách của khoa, nhưng xét từ khía cạnh lịch sử, Khoa Cảnh sát nhân dân giữ vai trò là tiền thân của Học viện CSND ngày nay. Có thể khẳng định rằng, thời kỳ tiền thân từ năm 1962 đến 1968 đã để lại trong lịch sử truyền thống Học viện CSND nhiều dấu ấn đậm nét về những ngày đầu phôi thai, sinh thành và tạo dựng. Các thế hệ đội ngũ thầy giáo, nhà quản lý, chương trình, giáo trình, tài liệu, tuy ngắn gọn, cô đọng song là nền tảng lý luận hết sức quan trọng và cơ bản, như những giá trị cốt lõi để cho sự ra đời của Trường Cảnh sát nhân dân sau này, với nội hàm đầy đủ, một sự định hình mang tính chỉnh thể, căn cốt và từ đó mà bắt đầu cho những trang sử truyền thống vẻ vang của Học viện Cảnh sát nhân dân với chiều dài 50 năm xây dựng và trưởng thành. Như vậy, từ năm 1962, cơ sở huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng ở Suối Hai, Ba Vì đã huấn luyện nhiều khóa ngắn hạn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ Cảnh sát cho cả nước. Lịch sử đã minh chứng, giai đoạn từ năm 1962 đến 1968, cho dù còn hết sức non trẻ, Khoa Cảnh sát nhân dân đã đào tạo ra hàng ngàn hạ sĩ quan Cảnh sát đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở miền Bắc và chi viện cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thân yêu.

2. Trường Cảnh sát nhân dân được thành lập ngày 15/5/1968, đào tạo hạ sĩ quan Cảnh sát bậc trung học (1968 - 1975)

Ngày 15/5/1968, Bộ Công an ra Quyết định số 514- CA/QĐ  “Tách phân hiệu Cảnh sát nhân dân ra khỏi Trường Công an Trung ương thành lập Trường Cảnh sát nhân dân, có nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ bậc trung học cho lực lượng Cảnh sát nhân dân”. Điều đó có giá trị khẳng định Phân hiệu Cảnh sát nhân dân đã đủ điều kiện để trở thành một trường độc lập. Sự ra đời của Trường Cảnh sát nhân dân là dấu mốc lịch sử đánh dấu truyền thống Học viện CSND được bắt đầu từ đây. Trường Cảnh sát nhân dân được thành lập là dấu mốc hết sức rõ ràng và quan trọng trong nhiệm vụ đào tạo lý luận nghiệp vụ Cảnh sát nhân dân cho Ngành, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Với 5 khoa, 3 phòng, 3 tổ trực thuộc, đồng chí Trung tá Lê Quân được Bộ cử giữ chức vụ Hiệu trưởng đầu tiên của Trường. Trong những bước đi ban đầu ấy, trường đã xác định rõ mục tiêu, chương trình, thời gian và các loại hình đào tạo. Ngay từ ngày ấy, chương trình đào tạo của trường đã quán triệt sâu sắc yêu cầu về giáo dục chính trị - đạo đức, nghiệp vụ, pháp luật, xây dựng người Cảnh sát nhân dân gần dân, vì nhân dân quên mình... Trong đó, hệ thống giáo trình, tài liệu được đầu tư biên soạn, trở thành tài liệu dạy và học, từng bước hợp thành khoa học nghiệp vụ Cảnh sát, như giáo trình Đặc tình; Nghiệp vụ trinh sát; Trinh sát hình sự; Chấp pháp; Nghiệp vụ chung; Nghiệp vụ cảnh sát giao thông; Kỹ thuật hình sự; Nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ; Tu dưỡng đạo đức người Công an xã hội chủ nghĩa....

Ra đời trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, qua 8 năm xây dựng, Trường Cảnh sát nhân dân đóng quân địa điểm chính tại Suối Hai- Ba vì với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, thầy và trò đã nỗ lực xây dựng nhà ở, lớp học, hội trường đáp ứng yêu cầu ăn ở, học tập sinh hoạt thời chiến tranh. Mặt khác lại phải sơ tán về nhiều địa phương như Ba Trại, Trí Phú, Phong Vân, Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). Khó khăn là vậy, nhưng trường đã đào tạo ra hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ CSND có trình độ sơ học, trung học, bổ túc sĩ quan, phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình vì dân của cán bộ, học viên nhà trường. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ cán bộ giảng viên, học viên hệ thống giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày được nâng lên và hoàn thiện, đội ngũ giảng viên được xây dựng, củng cố cả về số lượng và chất lượng; hệ thống bộ máy tổ chức của trường dần được hoàn thiện, giáo dục và quản lý giáo dục từng bước được xây dựng đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường trong mọi hoàn cảnh. Hôm nay chúng ta nhìn lại, thành quả đó chỉ có thể là lòng quyết tâm chính trị, nhiệt tình cách mạng, sự tâm huyết, yêu nghề, có cả sự hi sinh vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo của các thế hệ cán bộ nhà trường trong giai đoạn đầy khó khăn thử thách. Đội ngũ các thầy cô giáo và học viên của nhà trường trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy đã tạo dựng và củng cố vững chắc tạo tiền đề để nhà trường tiếp tục vươn lên nhận nhiệm vụ đào tạo đại học Cảnh sát nhân dân. Cho đến nay khẩu hiệu "Nhà trường thời chiến" vẫn để lại cho chúng ta thật nhiều sự khâm phục về lòng dũng cảm, tình yêu đất nước, sự chịu đựng vượt qua khó khăn, gian khổ, nguy hiểm vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo và đó là bài học trân quý cao đẹp in đậm trong lịch sử nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của Học viện Cảnh sát nhân dân.

3. Trường Sĩ quan Cảnh sát nhân dân - đào tạo sĩ quan bậc đại học (1976 - 1985)

Chiến tranh đã kết thúc, đất nước thống nhất, lịch sử dân tộc chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, theo đó cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ mới. Ngày 2/4/1976, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 1114/NV/QĐ tách Trường Cảnh sát nhân dân thành 2 trường: Trường Sĩ quan Cảnh sát và trường Hạ sỹ quan Cảnh sát. Theo đó, về chức năng, nhiệm vụ, Trường Sĩ quan Cảnh sát nhân dân là trường đại học chuyên nghiệp đào tạo Cảnh sát nhân dân của Bộ Nội vụ, có nhiệm vụ căn cứ vào đường lối, phương châm giáo dục của Đảng, mục tiêu đào tạo của Ngành, nghiên cứu tổ chức thực hiện đào tạo sĩ quan và chuyên tu sĩ quan Cảnh sát nhân dân, tổ chức việc nghiên cứu khoa học Cảnh sát nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần tích cực vào sự phát triển lý luận của Ngành... xây dựng nhà trường tiến lên chính quy, hiện đại. Năm 1975 lớp đại học Cảnh sát đầu tiên của trường được chiêu sinh. Ngày 18/6/1980, Bộ Quyết định số 14- QĐ/BNV đổi tên Trường Sĩ quan Cảnh sát thành trường Đại học Cảnh sát nhân dân và năm 1989 Bộ quyết định nhập trường Cao đẳng CSND phía Nam thành Phân hiệu trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Được giao nhiệm vụ đào tạo sỹ quan Cảnh sát nhân dân bậc đại học là bước phát triển nhảy vọt về chất trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của trường. Với tư cách một trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, hệ thống mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo được đặt trong tính hệ thống và chịu sự quy chuẩn của giáo dục đại học quốc gia đồng thời bảo đảm tính đặc thù của giáo dục đào tạo trong lực lượng vũ trang nhân dân. Học viện CSND với tên gọi Trường Sĩ quan Cảnh sát nhân dân từ đào tạo hạ sĩ quan vươn lên đào tạo sĩ quan Cảnh sát nhân dân bậc đại học trong phạm vi cả nước.

            Sự nghiệp giáo dục đào tạo của nhà trường giai đoạn này gắn với thời kỳ đất nước hòa bình, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và tái thiết sau chiến tranh, cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi mới đối với nhiệm vụ giáo dục đào tạo của Nhà trường. Vì vậy, Nhà trường đã nhanh chóng xác định đúng mục tiêu đào tạo, xác định rõ sứ mạng giáo dục đào tạo ra những sỹ quan Cảnh sát nhân dân có trình độ đại học, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, khá về khoa học kỹ thuật, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân, có đạo đức nhân cách trong sáng theo Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng. Nhà trường đã tập trung xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn giáo dục đại học Quốc gia và phù hợp với lý luận nghiệp vụ chuyên ngành Cảnh sát nhân dân ở bậc đại học. Hệ thống bộ máy, tổ chức nhà trường được phát triển mạnh mẽ với hơn 20 khoa phòng, ban; đội ngũ giảng viên về các lĩnh vực chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, văn hóa, ngoại ngữ đều có trình độ đại học và trên đại học; Công tác nghiên cứu khoa học được coi trọng, nhà trường từng bước trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học của Ngành. Hàng loạt đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở được triển khai và nghiệm thu, góp phần phát triển lý luận nghiệp vụ Cảnh sát và tổng kết, định hướng thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt chùm đề tài về sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân được Bộ đánh giá cao làm tài liệu học tập của toàn lực lượng Công an nhân dân.

Với chặng đường 10 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học, trường đã hoàn thành 52 khóa, 6 hệ học, gần 7 vạn học viên, trong đó có đào tạo đại học, chuyên tu, tại chức, bồi dưỡng lãnh đạo, chỉ huy các cấp và học viên Lào. Điều quan trọng hơn cả là trường đã dần khẳng định được vị thế là một trong những trường đại học hàng đầu của lực lượng Công an nhân dân, một trung tâm nghiên cứu khoa học của Ngành, xứng đáng là trường đại học có chất lượng trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia. Nhìn lại quá trình phát triển có thể khẳng định rằng, thành quả xây dựng và trưởng thành của nhà trường giai đoạn này đã tạo nền tảng vững chắc, mang tính hệ thống cho Học viện bước sang giai đoạn mới với nhiều chức năng, nhiệm vụ và sứ mạng giáo dục, đào tạo mới cao hơn trong giai đoạn đổi mới, hội nhập.

 4. Trường đại học Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước - đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ luật cho lực lượng Công an nhân dân (1986 - 2000)

Giai đoạn 1986 - 2000 tuy chỉ 15 năm nhưng đã đánh dấu những bước phát triển nổi bật trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của trường. Đặc trưng của giai đoạn này là sự thay đổi địa điểm đóng quân của trường. Năm 1991 theo quyết định của Bộ, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân được chuyển từ Suối Hai, Ba Vì về xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Với muôn vàn khó khăn về điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng và khả năng kinh tế của cán bộ, giảng viên, học viên. Song với quyết tâm chính trị của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường không để gián đoạn quá trình đào tạo, được sự quan tâm của Bộ, sự giúp đỡ của địa phương, sự vượt khó, vượt khổ và sự đồng lòng của cán bộ giảng viên, nhà trường đã từng bước giải quyết khó khăn về sinh hoạt, đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt 3 chương trình hành động: Tập trung đổi mới cơ cấu, mục tiêu, chương trình và phương pháp đào tạo theo yêu cầu đổi mới; Tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kiện toàn hệ thống lý luận nghiệp vụ Cảnh sát trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng đào tạo; Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và quản lý học viên. Ba chương trình hành động trên là sự quán triệt đường lối đổi mới của Đảng vào công tác dạy và học đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới. Đặc biệt trường đã hoàn thành tốt mục tiêu đào tạo sĩ quan Cảnh sát chỉ huy, sĩ quan tham mưu cán bộ chiến lược cho Ngành.

Nội dung trong tâm giai đoạn này của trường là đổi mới chương trình và  phương pháp đào tạo. Nhà trường luôn chú trọng gắn lý luận với thực tiễn với nghiên cứu khoa học. Đối với giảng viên thì sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học có sử dụng phương tiện với mục tiêu là khơi dậy sự năng động, sáng tạo, chủ động của học viên trong quá trình tiếp thu kiến thức. Hầu hết các khóa học đều có thời gian thực tập, xâm nhập thực tế. Học viện đã đưa nhiều khóa đến các tỉnh miền núi Tây Nguyên, Tây Bắc vừa thực tập vừa trực tiếp đấu tranh với các đối tượng phản động, các loại tội phạm và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở trường, nhiều phong trào thi đua học tốt, dạy tốt được phát động và được giảng viên, học viên nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết và nhân rộng khiến cho chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao. Nhiều cuộc thi học viên nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực - nhiều học viên của Học viện đạt giải cao; nhiều đề tài khoa học được giảng viên, học viên thực hiện từ cấp cơ sở, cấp Bộ đến cấp Nhà nước.

Với triết lý, muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi, ngoài việc quan tâm đào tạo còn phải biết đề cao giá trị người thầy, tự hào được làm thầy, từ đó mà mỗi người thầy luôn tự trau dồi kiến thức và vững tin vào năng lực để đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy. Để đào tạo đội ngũ giảng viên, các chuyên gia đầu đàn, nhà trường đã động viên cán bộ, giảng viên đi đào tạo nâng cao ở trong nước và nước ngoài nhằm chuẩn bị cho yêu cầu đào tạo ngày càng cao của nhà trường.

Năm 1992 Trường Đại học Cảnh sát nhân dân được Nhà nước cho phép đào tạo hệ Cao học chuyên ngành Điều tra tội phạm, tháng 4/1992 trường khai giảng khóa Cao học 1 gồm 15 đồng chí là lãnh đạo thuộc các trường, cục, vụ, Cục nghiệp vụ và Công an các địa phương. Năm 1995 nhà tường được giao đào tạo Tiến sĩ. Đây là cột mốc hết sức quan trọng trong sự phát triển, lớn mạnh của nhà trường. Kết quả đào tạo, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống các trường Công an nhân dân và toàn Ngành. Đã có hàng ngàn Thạc sĩ, hàng trăm nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp và trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, các nhà nghiên cứu, góp phần quan trọng vào việc tổng kết lý luận và thực tiễn cho Ngành và cho lực lượng Cảnh sát.

Một dấu mốc không thể không nhắc đến là, ngày 23/10/1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin cấp Giấy phép số 2341/GP cho phép xuất bản Tạp chí Trật tự, an toàn xã hội. Tháng 1/1996, Tạp chí ra mắt bạn đọc số đầu tiên với tên gọi là Tạp chí Trật tự an toàn xã hội của trường Đại học CSND. Tạp chí Trật tự an toàn xã hội thực sự là diễn đàn khoa học, thông tin lý luận và thực tiễn về đấu tranh phòng chống tội phạm, là diễn đàn quan trọng để cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường rèn luyện, nâng cao năng lực khoa học. Trong những năm tháng ấy, sự ra đời của tạp chí Trật tự an toàn xã hội là một quyết tâm khoa học, sự nỗ lực hết sức lớn lao của nhà trường.

Năm 2000 trường bắt đầu mở các lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng của lực lượng CSND (bồi dưỡng lãnh đạo theo chức danh cho lực lượng CSND), mở các lớp bồi dưỡng lãnh đạo cao cấp cho Công an Campuchia. Đã có nhiều đoàn Công an, Cảnh sát các nước đến Đại học CSND tham quan, làm việc, giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo cho lực lượng CSND trong đấu tranh chống khủng bố và phòng, chống tội phạm. Nhà trường cũng cử nhiều đoàn đi công tác, học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, nhất là từ khi nước ta gia nhập tổ chức Interpol và Aseanapol. Những kinh nghiệm đó rất có ý nghĩa phục vụ cho giảng dạy, biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo, đẩy mạnh sự hòa nhập giữa Cảnh sát Việt Nam với các nước trên thế giới.

Có thể khẳng định rằng đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng của nhà trường, đánh dấu sự phát triển không chỉ thay đổi địa điểm đóng quân từ Suối Hai về Hà Nội, mà còn là sự mở rộng, phát triển các loại hình đào tạo (Cử nhân, chuyên tu, tại chức, tại chức mở các địa phương, liên kết đào tạo nghiệp vụ Cảnh sát cho các ngành như Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ đội Biên phòng... ); bên cạnh đào tạo bậc đại học, nhà trường được giao đào tạo cao học, nghiên cứu sinh, bồi dưỡng lãnh đạo chỉ huy... Theo đó, hệ thống chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, các chuyên gia trên các lĩnh vực được hình thành. Những thành tựu đạt được trên đã tạo lập nền tảng vững chắc để lịch sử truyền thống nhà trường bước sang giai đoạn mới, cao hơn, quy mô sâu rộng hơn, tầm vóc lớn hơn với dấu mốc đặc biệt quan trọng là đổi tên trường đại học Cảnh sát nhân dân thành Học viện Cảnh sát nhân dân.

5. Học viện Cảnh sát nhân dân tiếp tục đổi mới và phát triển toàn diện (2001 - nay).

Ngày 02/10/2001 Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 969/2001QĐ/BCA (X13) chuyển trường đại học Cảnh sát nhân dân thành Học viện Cảnh sát nhân dân, theo đó phân hiệu Đại học. Trở thành Học viện, không chỉ là sự thay đổi tên gọi mà đánh dấu nấc thang phát triển cực kỳ to lớn của lịch sử nhà trường. Một mặt khẳng định những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua là hết sức cơ bản, vững chắc, có chiều sâu. Đây là niềm tự hào, một vinh dự lớn đối với nhà trường trong thời kỳ cách mạng mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trở thành Học viện, nhà trường sẽ có nhiều chức năng, nhiệm vụ mới lớn hơn, nặng nề hơn, vị thế cao hơn. Với 26 đơn vị khoa, bộ môn, phòng và các trung tâm ngày ấy và hiện nay là 46 đơn vị trong Học viện, đội ngũ giảng viên, cán bộ, công nhân viên lên tới 1500 người. Học viện có quy mô đào tạo đại học, sau đại học, cao học, NCS, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy, đào tạo giảng viên, đào tạo học viên quốc tế, đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị và trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng hàng đầu của ngành Công an. Số lượng học viên các hệ học luôn cao nhất trong các trường Công an; đội ngũ GS, PGS, TS, GVC đứng đầu trong hệ thống các trường CAND, điểm chuẩn đầu vào Học viện thường xếp ở tháp cao nhất trong các trường đại học cả nước. Trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của tập thể Đảng Ủy, Ban Giám đốc đã lãnh đạo cùng với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên kế thừa những thành quả đã đạt được tiếp tục làm rạng rỡ những trang vàng truyền thống của Học viện với 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân cùng với những phần thưởng cao quý được Nhà nước và các cấp phong tặng như Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất, 2 lần được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì; nhiều lần được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và Ngành; nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen tặng... Thành quả đó là minh chứng cho sự kế thừa và phát triển toàn diện của Học viện, là sự khẳng định niềm tin, thương hiệu, truyền thống của Học viện Cảnh sát nhân dân trong các dấu mốc lịch sử của 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, là niềm vinh dự, tự hào trong trái tim mỗi chúng ta.

6. Thay lời kết

Phát triển là kết quả của một quá trình vận động biện chứng. Bài viết với tiêu đề như đã chọn nhằm tái hiện lại mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong lịch sử truyền thống Học viện CSND nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Học viện CSND, nhìn lại những chặng đường đã qua mỗi chúng ta thật nhiều cảm xúc lắng đọng, bồi hồi biết ơn và ghi danh những thế hệ đi trước và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của lớp lớp thế hệ tiếp nối và hơn cả là niềm tự hào, niềm tin, sự ghi nhận về sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của Học viện. Mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên đã từng có những năm tháng gắn bó với Học viện CSND, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình để làm nên trang sử vẻ vang cho Nhà trường; tự hào về quá trình vượt bao khó khăn, gian khổ để vươn lên, lớn mạnh, trưởng thành vinh quang như ngày nay.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Duy Hùng

Nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất