Học viện CSND thông báo những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận trong luận án của NCS Phan Văn Bé.
Tên đề tài luận án: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chuyên ngành: Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm Mã số: 62.38.01.05
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Văn Bé Khoá: 20
Chức danh khoa học, học vị và họ tên người hướng dẫn:
HD 1: GS.TS Phạm Ngọc Hà;
HD 2: PGS.TS Nguyễn Đức Bình.
Tên cơ sở đào tạo: Học viện Cảnh sát nhân dân.
Những đóng góp mới của luận án:
- Luận án đã đưa ra, luận giải, làm sáng tỏ hệ thống lý luận cơ bản về hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Trong đó, có nhiều nội dung lý luận mới, chưa được đề cập trong các công trình khoa học đã được công bố trước đây như: Khái niệm, nội dung, hình thức, quy trình, phương pháp tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong phòng, chống tội phạm…
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực trạng hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong giai đoạn 2010 đến 2019 và hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân, luận án đã đưa ra những dự báo về tình hình tội phạm và những yếu tố mới tác động đến hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân.
- Luận án đã đề xuất 6 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cụ thể là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; Thực hiện cơ chế gắn trách nhiệm của thủ trưởng Công an các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác thanh tra, đồng thời bảo đảm vai trò độc lập của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra; Thường xuyên thực hiện công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận nghiệp vụ thanh tra; Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra; Đổi mới việc thực hiện quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra gắn với thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các đơn vị chức năng trong hoạt động thanh tra và xử lý sau thanh tra. Các giải pháp của luận án là có cơ sở khoa học, thực tiễn, có tính hệ thống và chưa được công bố trong các công trình khoa học khác.