Đã nhiều năm qua, Ngoại ngữ và Tin học luôn song hành với nhau trong hành trang của mỗi học viên khi ra trường. Đó là những kiến thức không thể thiếu được của mỗi học viên trong cuộc sống cũng như trong công tác sau này. Đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an nhân dân thì Ngoại ngữ, Tin học là kiến thức quan trọng để phục vụ cho công tác sau này. Sớm nhận thức được điều này, Học viện Cảnh sát nhân dân là đơn vị đầu tiên của ngành Công an xây dựng đề án, đưa ra các quy định về chuẩn ngoại ngữ và tin học và bắt đầu thực hiện đối với học viên hệ đào tạo tuyển sinh từ năm 2009 (từ khóa học D35). Trong đó, quy định đối với học viên hệ đào tạo chính quy khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn 1 trong 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung. Cụ thể, phải đạt được 400 điểm TOEIC đối với tiếng Anh, 60 điểm DEL đối với tiếng Pháp, 65 điểm TRKI đối với tiếng Nga, 65 điểm HSK đối với tiếng Trung. Đối với tin học phải đạt trình độ B về tin học văn phòng và quản trị máy tính. Mức độ yêu cầu về ngoại ngữ cũng được nâng cao dần dần: Đối với khóa D36, D37 là 450; khóa D39, D40 là 500 điểm theo chuẩn TOEIC. Ngoại ngữ và tin học cũng là hai chuẩn bắt buộc đối với học viên ở tất cả các trường đại học và cao đẳng trong toàn quốc.
Theo thời gian, các chuẩn cũ về ngoại ngữ và tin học dần dần được thay thế bởi các chuẩn mới phù hợp với tình hình thực tế. Về ngoại ngữ, đề án hướng dẫn dạy và học ngoại ngữ tăng cường dành cho học viên của Bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu học viên hệ Đại học và Cao đẳng phải đạt bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Còn đối với tin học, ngày 21/06/2016, Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ thông tin truyền thông đã ra Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT trong đó quy định về việc dừng cấp chứng chỉ tin học ứng dụng các trình độ A, B, C và thay vào đó là cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin với 2 trình độ là cơ bản và nâng cao. Trước tình hình này, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng nhanh chóng chuyển sang thực hiện các chuẩn mới phù hợp với quy định của Bộ giáo dục và đào tạo.
Năm 2017, chính là năm học bản lề trong việc thay đổi các chuẩn về ngoại ngữ và tin học ở Học viện Cảnh sát nhân dân. Trong quyết định số 2478/QĐ-T32-QLĐT ngày 18/10/2016 của Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đã quy định cụ thể như sau:
1. Đối với ngoại ngữ:
- Sinh viên các khóa tuyển sinh từ năm học 2015-2016 (từ D41 và K2 trở đi) phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
- Sinh viên các chuyên ngành Tiếng Anh Cảnh sát và Tiếng Trung Quốc Cảnh sát phải đạt chuẩn ngoại ngữ thứ hai bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
2. Đối với tin học:
- Sinh viên các khóa hệ đào tạo chính quy và dân sự (từ D41 và K2), cao học (từ cao học 25) phải đạt chuẩn Kỹ năng sử dụng CNTT nâng cao.
- Sinh viên các hệ khác phải đạt chuẩn Kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản.
- Các học viên đã học theo chuẩn cũ (trình độ B) được phép học bổ sung để được cấp chứng chỉ theo chuẩn mới.
Trong Quyết định cũng ghi rõ “Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học là đơn vị chủ trì trong việc thực hiện các chuẩn ngoại ngữ và tin học” và cũng theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo thì Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học là đơn vị được phép tổ chức giảng dạy và cấp chứng chỉ các trình độ về ngoại ngữ và tin học. Việc thay đổi các chuẩn đã đặt ra cho Học viện nói chung và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học nói riêng nhiều vấn đề cần giải quyết: Từ nội dung giảng dạy cho đến việc trang bị cơ sở vật chất, biên soạn lại các tài liệu dạy học, huấn luyện đội ngũ giảng viên… để có thể đáp ứng được yêu cầu.
Theo quy định trong Thông tư liên tịch số 17 của Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ thông tin truyền thông, trung tâm cần đạt được một số tiêu chí mới được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin. Sau đây là một số tiêu chí cơ bản:
1. Về đội ngũ giảng viên:
- Có ít nhất 10 cán bộ ra đề thi và giám khảo có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên, có kinh nghiệm trong công tác ra đề và chấm thi.
- Có đội ngũ giám thị, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị CNTT, âm thanh, hình ảnh phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.
2. Về cơ sở vật chất:
- Có phòng thi và các phòng chức năng đủ để tổ chức cả 2 phần thi trắc nghiệm và thực hành cho 20 - 30 thí sinh/đợt thi trở lên. Các máy tính có cấu hình cao được kết nối mạng LAN cùng với máy chủ và Internet. Số lượng máy tính phải đảm bảo mỗi thí sinh một máy riêng biệt và số lượng máy tính dự phòng phải đạt tối thiểu 10% trên tổng số thí sinh dự thi;
- Có máy ghi hình (camera) giám sát trực tuyến đảm bảo bao quát và ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi; lưu trữ hình ảnh thi vào cơ sở dữ liệu của trung tâm.
3. Về phần mềm thi trắc nghiệm và ngân hàng câu hỏi:
- Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng ngắt kết nối với các ứng dụng và thiết bị bên ngoài không liên quan đến nội dung thi; cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng mã dự thi cá nhân.
- Tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm, lưu trữ và thông báo kết quả trên màn hình hoặc in ra giấy ngay sau khi hết giờ làm bài thi hoặc khi thí sinh bấm nút “kết thúc”.
- Ngân hàng câu hỏi có số lượng tối thiểu 150 câu hỏi thi cho mỗi mô đun; Có đủ đại diện các nhóm kỹ năng của các mô đun quy định tại Phụ lục số 01 và 02 của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Tương tự đối với ngoại ngữ, các quy định được nêu trong Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
1. Về đội ngũ giảng viên:
- Có ít nhất 20 cán bộ chấm thi nói và viết đối với tiếng Anh, 10 cán bộ chấm thi nói và viết đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có); các cán bộ chấm thi phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
- Có ít nhất 12 cán bộ ra đề thi đối với tiếng Anh, 04 cán bộ ra đề thi đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có). Các cán bộ ra đề thi phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
- Có đội ngũ giám thị, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị CNTT, âm thanh, hình ảnh phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.
2. Về cơ sở vật chất:
- Có đủ phòng thi và các phòng chức năng để tổ chức thi cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi.
- Có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi.
- Về phần mềm thi trắc nghiệm và ngân hàng câu hỏi theo quy định.
- Xây dựng đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Sau một thời gian tích cực tiến hành các công việc cần thiết, đối chiếu với các tiêu chuẩn đã nêu trên. Hiện nay, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học của Học viện đã thực hiện được đầy đủ các yêu cầu trên của Bộ Giáo dục và đào tạo, hoàn thành đề án và đã được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học theo chuẩn mới Trung tâm vẫn cần tiếp tục tiến hành các nội dung sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo; tiếp tục bổ sung và hoàn thiện phần mềm thi trắc nghiệm và ngân hàng câu hỏi cho cả ngoại ngữ và tin học.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các tài liệu về ngoại ngữ và tin học ở các trình độ khác nhau. Tuy nhiên, để chọn được tài liệu phù hợp, đảm bảo chất lượng là vấn đề vô cùng khó khăn đối với người học. Mặt khác, Học viện Cảnh sát nhân dân là một Nhà trường đào tạo cán bộ cho lực lượng Công an nhân dân, học viên khi ra trường công tác có những đặc thù riêng về nghề nghiệp đòi hỏi nội dung giảng dạy phải đáp ứng được yêu cầu khi công tác, do đó nội dung giáo trình phải có thêm các phần đặc trưng cho phù hợp. Trong những năm qua, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học đã phối hợp với một số đơn vị và cá nhân trong và ngoài Học viện như Khoa Ngoại ngữ, Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ môn Toán - Tin học… để biên soạn được một hệ thống giáo trình cũng như tài liệu tham khảo đáp ứng được yêu cầu.
Đối với hệ thống ngân hàng câu hỏi cũng đã được chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, hàng năm vẫn cần có sự bổ sung, sửa đổi.
Hai là, đào tạo, huấn luyện đội ngũ giảng viên có đủ trình độ, đủ tiêu chí giảng dạy, ra đề thi và chấm thi theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Có thể nói, đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định tới chất lượng đào tạo, người thầy vừa phải là người hướng dẫn, vừa phải biết động viên khuyến khích truyền cảm hứng tới người học. Nhà Giáo dục William Arthur Ward, nổi tiếng với những câu danh ngôn đã có câu: “Người thầy bình thường chỉ nói, người thầy tốt biết giải thích, người thầy giỏi biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải đào tạo được một đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng sư phạm tốt và tâm huyết với nghề. Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học may mắn được đặt trong môi trường của một trường đại học lớn là Học viện Cảnh sát nhân dân nên hoàn toàn có được sự hỗ trợ của các đơn vị có chuyên môn về ngoại ngữ và tin học, đó là Khoa Ngoại ngữ, Khoa Công nghệ cao và Bộ môn Toán - Tin học. Ngoài ra, Trung tâm còn mời thêm giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy của của một số trường đại học lớn ở Hà Nội tham gia giảng dạy. Giảng viên được mời tham gia giảng dạy phải là những người có thâm niên giảng dạy từ 5 năm trở lên, có trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm cũng như đạo đức tốt.
Ba là, tiếp tục bổ sung máy tính, cải tạo các phòng học trở nên hiện đại hơn.
Theo Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDDT-BTTTT quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ thông tin truyền thông, phòng máy phải đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng. Trong năm 2017, được sự đồng ý của Ban Giám đốc Học viện, Trung tâm đã tiến hành cải tạo lại được 3 phòng máy tính với gần 200 máy tính dùng cho việc dạy học công nghệ thông tin và đủ tiêu chuẩn để tổ chức các đợt thi tin học và ngoại ngữ trên máy tính. Các phòng học đều được trang bị máy điều hòa, máy chiếu và hệ thống âm thanh; các máy tính đều có cấu hình cao, được kết nối mạng LAN và Internet cùng với máy chủ đảm bảo có thể đồng thời tổ chức thi cho hơn 100 học viên. Trên các máy tính có cài đặt đầy đủ các phần mềm cần thiết để dạy học các modul theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ thông tin truyền thông và kèm theo là các phần mềm hỗ trợ cho việc dạy học, thi cũng như bảo đảm tính an toàn cho hệ thống. Ngoài các phần mềm thi trắc nghiệm tin học và ngoại ngữ trên máy tính, Trung tâm đã cài đặt thêm các phần mềm diệt virus, phần mềm đóng băng Deep Freeze, dụng phần mềm NetSupport School… giúp giảng viên có thể theo dõi và kịp thời hướng dẫn, uốn nắn các sai sót của học viên trong quá trình thực hành.
Bốn là, xây dựng Website, thực hiện quảng bá cho các hoạt động của Trung tâm.
Việc thiết kế và xây dựng Website riêng cho Trung tâm cũng là một yêu cầu thực sự cần thiết. Đây chính là công cụ, phương tiện để giới thiệu, tuyên truyền với học viên và người học về Học viện nói chung và Trung tâm nói riêng, đồng thời cũng là phương tiện để cán bộ học viên trong học viện học tập, nghiên cứu và trao đổi các thông tin với nhau. Hiện nay, trang Website của Trung tâm đã được tích hợp vào mạng LAN của Học viện và đã phát huy được tác dụng. Hàng tuần, trên Website của Trung tâm sẽ đăng tải lịch học, kết quả thi của các lớp cũng như các thông báo khác có liên quan. Sinh viên các lớp học cũng như các người học khác có thể truy nhập để xem các thông tin hoặc tra cứu điểm thi.
Đánh giá chung:
Trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2017, việc thực hiện dạy học ngoại ngữ và tin học theo chuẩn mới về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của người học và theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo theo hướng ngày càng hoàn thiện tốt hơn.
Về tin học, các lớp đã hoàn toàn chuyển sang học và thi lấy chứng chỉ mới là các chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và nâng cao. Nội dung học được người học đánh giá là rất thiết thực, áp dụng được trong công việc; chất lượng đào tạo tốt. Thời gian đào tạo của mỗi khóa học cũng không quá dài nên người học không quá khó khăn để theo học đầy đủ.
Về ngoại ngữ, các lớp D40 là khóa học cuối cùng thực hiện theo chuẩn ngoại ngữ cũ còn các khóa học tiếp theo đã chuyển sang học và thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Chất lượng học cũng như thi ngoại ngữ ngày càng được nâng cao và đó là tín hiệu đáng mừng cho Học viện. Tuy nhiên thời gian đào tạo cho mỗi trình độ ngoại ngữ tương đối dài, đòi hỏi người học phải sắp xếp thời gian hợp lý mới có thể tham gia học được đầy đủ. Hiện nay chuẩn ngoại ngữ mới chỉ được thực hiện cho học viên hệ đào tạo và cao học. Trong những năm tới, Học viện nên xem xét để mở rộng thực hiện cho học viên các hệ khác.
Như vậy, việc thực hiện dạy học ngoại ngữ và tin học theo chuẩn mới tuy đã đạt được những kết quả tốt nhưng vẫn còn đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự quan tâm của Ban Giám đốc Học viện và các đơn vị chức năng trong Học viện cũng như tinh thần trách nhiệm của những người thầy, sự cố gắng khắc phục khó khăn của các học viên trong nhà trường để ngày ngày nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và tin học trong Học viện Cảnh sát nhân dân nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Đại tá, ThS Nguyễn Huy Quảng
Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học - Học viện CSND