Đại học 4.0
Thứ Năm, 2/1/2020 16:8'(GMT+7)

Phát triển ĐHQGHN theo mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo

Đào tạo định hướng khởi nghiệp

Xu hướng đại học 4.0, cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu, chức năng chuyển giao công nghệ được các trường đại học nghiên cứu tiên tiến phát triển mạnh mẽ. Ở đó, sở hữu trí tuệ được quản lý rất hiệu quả. Công nghệ được thương mại hóa. Văn hóa khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo được thiết lập. Về thực chất, đó là các đại học sáng nghiệp hoặc đại học định hướng đổi mới sáng tạo. Theo đó, đào tạo phải hướng đến các kỹ năng mới, ngành nghề mới, chuẩn đầu ra mới và tiếp cận mới. Đào tạo hỗ trợ phát triển tài năng cá nhân, nhưng đổi lại phải thúc đẩy được năng lực sáng nghiệp tập thể. Do đó, tinh thần sáng nghiệp của đại học 4.0 phải được thể hiện trong cơ cấu ngành nghề đào tạo; cấu trúc của từng chương trình đào tạo; từng giáo trình; từng bài giảng và phương thức tổ chức đào tạo.

Trong lịch sử phát triển, đại học thế giới luôn thích ứng với các bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và trong nhiều trường hợp đã tham gia dẫn dắt sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp. ĐHQGHN đang tích cực chuyển từ nền giáo dục định hướng tìm việc sang khởi nghiệp và sáng nghiệp. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh, “ĐHQGHN là cái nôi đào tạo nên thế hệ những người trẻ tuổi giàu khát vọng và hoài bão sáng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp và sáng tạo tri thức. ĐHQGHN chú trọng phát triển bản thân người học bằng nền giáo dục khai phóng, bằng tự do học thuật và môi trường giáo dục mang tính nhân văn và thẩm mỹ cao đẹp. Sinh viên của ĐHQGHN có bản sắc của trí tuệ, linh hoạt, phấn đấu, dấn thân, bản lĩnh và thành công”.

ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong các cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước rà soát và nghiên cứu, xây dựng bản quy hoạch các ngành nghề đào tạo và phân tầng các chương trình đào tạo. Đây là kim chỉ nam, là kế hoạch và chiến lược hết sức quan trọng định hướng cho hoạt động đào tạo của ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN trong giai đoạn mới.

Theo Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, chúng ta đã dự cảm được những thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để tìm ra được các phương thức thích ứng nhanh và hiệu quả nhất. ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của thời đại.


Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ khoa học cơ bản sang gắn với kỹ thuật, công nghệ và thực tiễn. Nhờ vậy, đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan.

“Việc phát triển các ngành mới có tính liên ngành, mũi nhọn những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mà xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 đang được ĐHQGHN chú trọng đặc biệt và có sự đột phá trong đó phải kể đến các chương trình đào tạo định hướng khởi nghiệp theo các ngành nghề, tiên phong như Kĩ thuật năng lượng, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạ tầng, Công nghệ nano, Công nghệ kỹ thuật Xây dựng - Giao thông, Công nghệ hàng không vũ trụ, Robotic, An toàn thông tin, Quản trị các tổ chức tài chính, Kinh tế biển, Biến đổi khí hậu,…”, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết.

ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ khoa học cơ bản sang gắn với kỹ thuật, công nghệ và thực tiễn. Nhờ vậy, ngành nghề đào tạo của ĐHQGHN nhanh chóng tiếp cận hội nhập với thế giới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp và doanh nghiệp, cũng như tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao.

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, ĐHQGHN đã thẩm định và ban hành nhiều chương trình đào tạo ở cả 3 bậc đào tạo (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ). Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo mới, có yếu tố quốc tế; mở các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, các chương trình phi truyền thống, đào tạo tài năng…“Ở ĐHQGHN, mô hình thí điểm các chương trình đào tạo thạc sỹ khởi nghiệp về công nghệ đang được manh nha. Đó là mô hình đào tạo kiểu 1+1, một năm đầu tiên học lý thuyết ở trường đại học và một năm tiếp theo học theo sự hướng dẫn tại một doanh nghiệp có công nghệ mà học viên muốn theo đuổi để khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp. Mô hình đào tạo này không những đáp ứng nhu cầu của người học mà còn là giải pháp đầu tư của người học để phát triển doanh nghiệp cho nên học viên có thể chi trả học phí cao, đáp ứng mục tiêu và xu thế tự chủ tài chính hiện nay của các trường đại học”, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

ĐHQGHN cũng đã tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên. Các khóa học này nhằm trang bị cho các đối tượng quan tâm đến khởi nghiệp và có mong muốn khởi nghiệp những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để phát triển các dự án dựa trên những thế mạnh của bản thân và quan sát nhu cầu thị trường. Đồng thời, giúp học viên có những chuẩn bị trước về tư duy và nguồn lực cần có để chủ động trong quá trình khởi sự kinh doanh sáng tạo. Khóa học cũng giúp học viên có những chuẩn bị trước về tư duy và nguồn lực cần có để chủ động trong quá trình khởi sự kinh doanh sáng tạo; Khóa học đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, giảng viên;...

Nghiên cứu hàn lâm định hướng đổi mới sáng tạo

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nghiên cứu cơ bản, hàn lâm phải ưu tiên định hướng đến đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm quốc gia. Theo đó, chúng ta cần tổ chức các chương trình nghiên cứu tập trung hơn nữa đối với các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0, kể cả lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm hệ thống ươm tạo định hướng chuyển giao tri thức theo mô hình “4 trong 1” từ ý tưởng đến nghiên cứu sáng tạo; phát minh, sáng chế, sở hữu trí tuệ và chuyển giao tri thức hoặc/và khởi nghiệp. Trong đó, các vườn ươm kinh doanh, các công ty spin-off, các doanh nghiệp xã hội phải được triển khai đồng bộ.

Nghiên cứu cơ bản, hàn lâm của ĐHQGHN ưu tiên định hướng đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm quốc gia. Theo đó, chúng ta cần tổ chức các chương trình nghiên cứu tập trung hơn nữa đối với các công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0, kể cả lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa. ĐHQGHN luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng các công trình khoa học được công bố hàng năm, trong đó, số lượng bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus liên tục tăng theo từng năm. Năm 2018, số lượng các bài báo thuộc danh mục ISI và/hoặc Scopus của ĐHQGHN là 603.

Cùng với các hoạt động nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, ĐHQGHN luôn đi đầu trong đổi mới hoạt động KH&CN và chuyển giao tri thức theo mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo. Số lượng các đăng ký sở hữu trí tuệ của ĐHQGHN không ngừng tăng. Từ năm 2009 đến nay các nhà khoa học ĐHQGHN đã đăng ký thành công 28 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích.

Đặc biệt, ĐHQGHN đi đầu trong thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước, phát triển bền vững các vùng, địa phương. Tiêu biểu trong số đó là Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” và Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”.

“ĐHQGHN tiếp tục đi đầu trong việc đổi mới KH&CN theo hướng khởi nghiệp và từ đó tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu thực tiễn, đồng thời gắn công tác đào tạo nhân lực và chất lượng cao. ĐHQGHN mong muốn thúc đẩy hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm trí tuệ có khả năng thương mại hóa”, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Xuất phát từ đòi hỏi đó, ĐHQGHN hợp tác chặt chẽ với Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý tài sản trí tuệ và hoạt động sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý tại ĐHQGHN. Hợp tác giữa hai bên cũng nhằm phát triển sản phẩm trí tuệ hướng tới chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên ĐHQGHN...

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Hoạt động đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp được xem là đặc trưng cốt lõi, xác định mức độ đáp ứng của mô hình đại học 4.0. Nhận diện sớm đặc trưng đó, bên cạnh thế mạnh về nghiên cứu cơ bản thể hiện qua số lượng công bố quốc tế ISI/SCOPUS, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã nâng cao một cách rõ nét năng lực sáng tạo, triển khai ứng dụng trong những năm gần đây. ĐHQGHN có nhiều đột phá lớn trong các lĩnh vực KH&CN chuyên sâu và ứng dụng, một số công nghệ đã phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, nhiều sản phẩm KH&CN được triển khai vào thực tiễn như: Xây dựng và ứng dụng thành công phần mềm đặt và điều vận xe trực tuyến EMDDI để tham gia thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải; Xây dựng Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam,  góp phần tích cực trong việc khuyến nghị các chính sách phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay…

“ĐHQGHN xác định hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện. Nhiều sản phẩm KH&CṆ của ĐHQGHN đã tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, có giá trị thực tiễn cao, vừa có đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học cơ bản của thế giới vừa được triển khai ứng dụng ở trong và ngoài nước”, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

ĐHQGHN có nhiều đột phá lớn trong các lĩnh vực KH&CN chuyên sâu và ứng dụng, một số công nghệ đã phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, được ứng dụng rộng rãi. Trong đó nhiều sản phẩm nổi bật được đối tác chuyển giao công nghệ đánh giá cao, một số sản phẩm được ứng dụng rộng rãi tại các địa phương. Chẳng hạn như trong khuôn khổ Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào 2018, ĐHQGHN đã tham gia trưng bày và trình diễn hơn 30 sản phẩm, giải pháp công nghệ. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã kí kết 06 thỏa thuận hợp tác trên tổng số 11 thỏa thuận chuyển giao công nghệ được ký kết giữa Việt Nam - các đối tác của CHDCND Lào.

Một trong những hoạt động tích cực nhằm kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đó là ĐHQGHN cũng như các đơn vị trực thuộc và thành viên đã phát triển hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động gắn với khởi nghiệp. Nhiều đơn vị trong ĐHQGHN đã xây dựng không gian kết nối ý tưởng, kích thích sáng tạo trong sinh viên. Những hoạt động này nhằm mục đích tạo môi trường cho sinh viên phát triển ý tưởng khởi nghiệp và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn kinh doanh; tạo sự kết nối giữa cộng đồng doanh nhân, các nhà đầu tư với các ý tưởng khởi nghiệp và giải pháp kinh doanh; góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai cho sinh viên.

“Các hoạt động kích thích không gian sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức trong toàn ĐHQGHN đã tạo hiệu ứng lan tỏa và là kênh hiệu quả để cung cấp cho sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ những kiến thức, kỹ năng và học hỏi kinh nghiệm của các doanh nhân khởi nghiệp thành công, đồng thời có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh”, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, các hoạt động hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho sinh viên được ĐHQGHN thực hiện hiệu quả. Cấp ĐHQGHN cũng như các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho sinh viên và phối hợp với các doanh nghiệp.

Quản trị đại học thông minh

“Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ĐHQGHN chủ động tích cực hội nhập, thích ứng nhanh bằng việc nắm bắt công nghệ và phương cách quản trị hiện đại, thông minh. Xây dựng đại học thông minh vừa là phương thức vừa là mục tiêu của đại học 4.0. Nó không chỉ hỗ trợ cho quản trị đại học và phát triển môi trường học tập, nghiên cứu thông minh mà còn là cơ sở để tổ chức đào tạo và nghiên cứu công nghệ số và khoa học dữ liệu”, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Xuất phát từ đó mà trong quản trị đại học, ĐHQGHN đang hướng tới mục tiêu phát triển tổ chức và đổi mới mô hình quản trị hệ thống phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Mô hình quản trị này phát huy thế mạnh liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực của các đơn vị trong ĐHQGHN như một thực thể thống nhất. Ở đó, mỗi đơn vị thành viên, trực thuộc vừa phát huy được thế mạnh đặc thù của mình, vừa liên kết, tận dụng được nguồn lực và lợi thế chung của ĐHQGHN. Cơ chế vận hành hệ thống sẽ tuân theo thông lệ quản trị đại học tiên tiến của thế giới với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và thống nhất. Để thực hiện mục tiêu xây dựng ĐHQGHN trở thành đại học có quyền tự chủ cao, toàn diện và thực chất theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với việc đổi mới để đảm bảo thực hiện đúng sứ mệnh, chiến lược phát triển, đồng thời phát triển nhanh chóng, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước và hội nhập trong tình hình mới, ĐHQGHN đã có những bước nghiên cứu, triển khai và đạt được một số thành quả nhất định thông qua việc xây dựng “Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức bộ môn và phát triển đội ngũ quản lý bộ môn đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế” và “Đề án mô hình quản trị và cơ chế tự chủ đại học của ĐHQGHN trong tình hình và nhiệm vụ mới”.

Được biết, bên cạnh việc triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ở ĐHQGHN đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu quản trị đại học, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đào tạo và công tác học sinh, sinh viên; cung cấp khả năng chia sẻ dữ liệu và dịch vụ công nghệ thông tin ở mọi nơi, mọi lúc. Đến năm 2018, ĐHQGHN đã triển khai nâng cấp được một phần Trung tâm dữ liệu và các phần mềm nền tảng ảo hóa và BigData, sẵn sàng cho tích hợp với dự án đại học số hóa nhằm mục đích tích hợp dữ liệu và liên thông các ứng dụng cũng như nâng cao năng lực hạ tầng công nghệ thông tin chung trong trung tâm dữ liệu, trao đổi dữ liệu nội bộ Trung tâm dữ liệu đạt 10Gbps và hướng đến nâng cấp đường mạng trục đến một số đơn vị lớn trong ĐHQGHN với tốc độ nx10Gbps.

ĐHQGHN áp dụng triệt để công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi hoạt động, xây dựng hệ thống thông tin tích hợp, cổng điện tử, hệ thống trang web song ngữ Việt - Anh theo chuẩn quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông... Cùng với đó, công nghệ thông tin được ứng dụng sâu rộng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác sinh viên. Tiêu biểu như phần mềm tuyển sinh sinh viên quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh, hoạt động của các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế của ĐHQGHN trên mạng trực tuyến; thống nhất một đầu mối quản lý, hỗ trợ sinh viên quốc tế đến học tập và trao đổi kiến thức tại ĐHQGHN. Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, ĐHQGHN chính thức ra mắt và đưa vào sử dụng App Mobile VNU.CSS tại KTX Mễ Trì và KTX Ngoại Ngữ. Phần mềm này sẽ giúp nâng cao tính tương tác giữa học sinh sinh viên với Ban Quản lý Ký túc xá và cung cấp thêm các dịch vụ, tiện ích cho học sinh, sinh viên như đăng ký loại phòng, cập nhật hồ sơ, thanh toán online… thông qua nền tảng trang Web và App Mobile.

Quốc tế hóa cao

Trước đây, mức độ quốc tế hóa của một trường đại học chỉ được đánh giá bằng hoạt động trao đổi quốc tế đối với giảng viên và sinh viên, mức độ quốc tế hóa đội ngũ cán bộ khoa học và sinh viên. Để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và toàn cầu hóa, các hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo hướng đến các sản phẩm chung, hình thành các giá trị sở hữu trí tuệ chung đang được quan tâm. Trong trường hợp này, các ý tưởng đổi mới sáng tạo nhiều khi được mang đến từ chính sách thu hút các nhà khoa học quốc tế.

“Quốc tế hóa là thành phần quan trọng trong chiến lược đổi mới sáng tạo của trường đại học, trong đó tiếp cận giảng dạy theo các chuẩn đảm bảo chất lượng quốc tế được thi hành trong thực tiễn”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Với ĐHQGHN, mức độ quốc tế hóa không chỉ được đánh giá bằng hoạt động trao đổi quốc tế đối với giảng viên và sinh viên mà còn thể hiện ở mức độ quốc tế hóa đội ngũ cán bộ khoa học và sinh viên. Để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và toàn cầu hóa, ĐHQGHN đã chú trọng thúc đẩy các hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo hướng đến các sản phẩm chung, hình thành các giá trị sở hữu trí tuệ chung đang được quan tâm.

ĐHQGHN đã thu hút nhiều nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều có trình độ và uy tín khoa học cao tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trong đó có cả một số nhà khoa học đoạt giải Nobel, nhà khoa học có danh tiếng thế giới đến làm việc tại ĐHQGHN. Đặc biệt, ĐHQGHN đã triển khai Chương trình thu hút học giả quốc tế và thí điểm mô hình đồng Giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm là người nước ngoài nhằm tăng cường mức độ quốc tế hóa cho ĐHQGHN và cho các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học thành viên, trực thuộc để dần tiệm cận các tiêu chí đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến, tăng cường vị trí xếp hạng đại học; thúc đẩy mở rộng môi trường giao tiếp học thuật quốc tế và đa dạng văn hóa; đầu tư để phát triển nhanh một số chương trình đào tạo, KH&CN đạt chuẩn quốc tế; học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của ĐHQGHN có thể tiếp cận sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đào tạo, KH&CN chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy các đơn vị từng bước phát triển đạt chuẩn mô hình đại học nghiên cứu của khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã triến khai các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học lớn, thúc đẩy và hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án quốc tế trọng điểm. ĐHQGHN luôn là một trong những đại học đứng đầu Việt Nam trong danh sách các bảng xếp hạng quốc tế; phát huy tốt vai trò tại các thể chế song phương và đa phương. ĐHQGHN là đối tác đặc biệt của các cơ quan, tổ chức quốc tế.

Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn, ĐHQGHN đang tạo dựng một môi trường học tập quốc tế. Bởi vậy, trong thời gian qua, ĐHQGHN đã thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đến dưới nhiều hình thức như đào tạo ngắn hạn, trao đổi sinh viên và đào tạo dài hạn nhận bằng của ĐHQGHN. Hiện nay, tổng số sinh viên quốc tế theo tất cả các loại hình đào tạo tại ĐHQGHN luôn đạt trên 1.000 sinh viên. Số sinh viên Việt Nam đi học tập và tham gia trao đổi ở nước ngoài cũng ngày càng tăng.

Nguồn Đại học Quốc gia Hà Nội

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất