Giáo dục - Đào tạo
Thứ Sáu, 4/5/2018 16:16'(GMT+7)

Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trẻ - Yêu cầu bức thiết của Học viện Cảnh sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Đoàn cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ các Học viện, trường đại học CAND năm học 2015-2016

Đoàn cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ các Học viện, trường đại học CAND năm học 2015-2016

Lịch sử trên thế giới đều đã chứng tỏ, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại và của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, cha ông ta đã từng khẳng định “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ngày nay, Đảng ta đã khẳng định: “Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức.”; “... Xây dựng đội ngũ tri thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước... Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Trong điều kiện tình hình mới, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an ngày càng cao. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020” để trình Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 22/7/2011. Trong đó, đã xác định đến năm 2015 đầu tư xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an và đến năm 2020 trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm của quốc gia. Lộ trình này đã được cụ thể hoá trong “Chương trình phát triển giáo dục - đào tạo trong Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015” do Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt ngày 13/9/2011. Đại hội Đảng bộ Học viện CSND lần thứ 16 đã ra quyết nghị về việc phấn đấu xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm Quốc gia.

Chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, Học viện CSND đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Học viện đã đào tạo cho ngành và cho nhà nước hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an “vừa hồng, vừa chuyên” với những chủ trương, định hướng đúng đắn, cùng với những chính sách đồng bộ trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Học viện CSND đã ban hành về quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học; nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực, về phát triển giáo dục và đào tạo, về chính sách khuyến khích đầu tư... Cùng với chính sách sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học hiện có nên nguồn lực khoa học của Học viện từng bước được phát triển nhanh, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học từng bước được nâng lên. Các sáng tạo khoa học được ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội của ngành Công an... đã và đang góp phần quan trọng đối với sự phát triển nhanh toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Đặc biệt, những năm gần đây, Học viện đã tích cực đổi mới mọi mặt công tác, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chủ động đón đầu, xây dựng và phát triển nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đến nay, Học viện CSND đã trở thành một cơ sở đào tạo có vị thế quan trọng bậc nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân và của ngành Công an. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng, với trên 1.000 cán bộ, giảng viên, trong đó có 13 Giáo sư, 60 Phó Giáo sư, 200 Tiến sĩ.

Tính đến tháng 3 năm 2018, tổng số cán bộ khoa học có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và học vị từ Thạc sĩ trở lên là 567 người, chiếm 52,55% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Học viện, trong đó có 10 Nhà giáo ưu tú chiếm 0,93%; có 15 Giáo sư, chiếm 13%; có 53 Phó Giáo sư, chiếm 4,91%; có 129 Tiến sĩ, chiếm 11,96%; có 370 Thạc sĩ, chiếm 34,29%  tổng số cán bộ, chiến sĩ của Học viện. Số cán bộ khoa học có trình độ Cử nhân chỉ có 462 người, chiếm 42,82%.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện đã thường xuyên nghiên cứu đổi mới, từng bước hoàn chỉnh mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo theo hướng bám sát yêu cầu phát triển của thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CSND và nâng cao kỹ năng thực hành, trình độ nghiệp vụ cho học viên. Hệ thống ngành và chuyên ngành đào tạo ngày càng được mở rộng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và học viên phát triển mạnh, là cơ sở đào tạo có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhất của ngành Công an.

Hiện nay, Học viện đang chủ trì nghiên cứu 03 đề tài cấp nhà nước, nhiều đề tài trọng điểm cấp bộ, cấp cơ sở. Kết quả của công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết của thực tiễn công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, nhất là những vấn đề mới nảy sinh; từ đó tạo cơ sở từng bước phát triển và hoàn thiện lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung, nghiệp vụ CSND nói riêng. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của Học viện ngày càng được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt và rèn luyện của cán bộ, giảng viên và học viên. Hợp tác quốc tế của trường được mở rộng và tăng cường, góp phần thiết thực trong việc tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm tiên tiến để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng Học viện.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ để đáp ứng thực hiện chiến lược phát triển Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm chuẩn quốc gia, nhất là trong thời kỳ khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão. Đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện còn thiếu nhiều về số lượng và còn những bất cập về trình độ ngoại ngữ, tin học, tác phong làm việc, tính năng động, sáng tạo còn hạn chế, cơ cấu đào tạo, cán bộ khoa học phân bố không đều giữa các chuyên ngành đào tạo. Cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đủ mạnh và điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, môi trường làm việc tốt để phát huy hết năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học hiện có và thu hút những cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia giỏi về Học viện làm việc; cơ chế chính sách tài chính trong các hoạt động khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập; chủ trương, chính sách đào tạo đội ngũ trí thức khoa học chưa thật sự đồng bộ...

So với các tiêu chí, điều kiện của một trường đại học trọng điểm, Học viện còn có nhiều mặt phải tiếp tục phấn đấu. Một trong những nhân tố giữ vai trò quyết định của quá trình này đó là phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trẻ kế cận của Học viện CSND đủ sức đáp ứng yêu cầu mới. Hiện nay, đội ngũ cán bộ khoa học có học hàm, học vị của Học viện CSND đến độ tuổi nghỉ theo chế độ rất lớn, đã và đang tạo ra những sự hụt hẫng không nhỏ trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ khoa học trẻ của Học viện đang trong giai đoạn trau dồi, rèn luyện, do đó, chưa thực sự đủ sức để gánh vác sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong tương lai gần.

Trên thực tế, nếu không tính đến yếu tố kéo dài thời gian công tác thì từ nay đến năm 2020 sẽ có 98 cán bộ khoa học về hưu, trong đó có 33 Giáo sư, Phó Giáo sư; 15 Tiến sĩ và 50 Thạc sĩ.

Để có đội ngũ cán bộ khoa học trẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Học viện CSND thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm chuẩn quốc gia, theo chúng tôi cần tiếp tục xây dựng, bổ sung, sửa đổi những giải pháp chính sách đồng bộ đủ mạnh. Từ khâu định hướng chiến lược quy hoạch gắn liền với những chính sách hợp lý và tổ chức thực hiện về: Giáo dục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học cho Học viện, cho ngành Công an; thu hút tri thức nói chung và đội ngũ cán bộ khoa học trẻ nói riêng; trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh các nhà khoa học; hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động. Đồng thời, củng cố và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khoa học trong sự nghiệp phát triển của Học viện, của Ngành Công an và của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Học viện Cảnh sát nhân dân trong thời gian tới, chúng tôi xin mạnh dạn trao đổi và đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, cần xây dựng bổ sung hoàn thiện chiến lược khoa học và công nghệ; chiến lược về đội ngũ tri thức khoa học; chiến lược giáo dục và đào tạo của Học viện đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 trên cơ sở quan điểm của chiến lược phát triển khoa học và công nghệ; chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức quốc gia; đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo quốc gia và quy hoạch tổng thể Học viện CSND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổ chức thực hiện chiến lược, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: 1. Quy hoạch hệ thống tổ chức giáo dục và đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ đáp ứng yêu cầu dạy và học, yêu cầu hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm tới; 2. Đào tạo sử dụng đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng sử dụng và đãi ngộ nhân tài; 3. Tập trung mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của Học viện có tính chất đột phá nhằm nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và giải quyết những vấn đề trọng yếu phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước đã đề ra.

Hai là, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Học viện CSND trở thành trường trọng điểm của Ngành và của quốc gia. Đó là:

- Trên cơ sở đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của quốc gia, chiến lược giáo dục và đào tạo của Học viện, tổ chức và triển khai thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực làm việc độc lập, sáng tạo, kỹ năng thực hành. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo ở các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Xây dựng nền giáo dục mới dân chủ, có cơ cấu hợp lý; bảo đảm cho Học viện có đủ điều kiện nâng cao chất lượng. Hệ thống giáo dục được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Đổi mới cơ chế quản lý phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại nhân lực khoa học. Thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học chuyên sâu đầu ngành cho Học viện (ở trong và ngoài nước). Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: tự đào tạo, đào tạo lại, đào tạo qua công tác thực tiễn, qua công việc nghiên cứu khoa học, qua các hội thảo khoa học, các lớp thực tập sinh, bồi dưỡng ngắn hạn,... Chú trọng bồi dưỡng nhân tài, nguồn cán bộ trẻ có trình độ đại học chính quy, Thạc sĩ, Tiến sĩ cho các lĩnh vực còn thiếu và lĩnh vực trọng yếu của Học viện. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng. Thực hiện các biện pháp gắn đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ với nhu cầu của người học và nhu cầu của ngành, lĩnh vực, của Học viện còn thiếu và cần thiết.

- Tạo điều kiện để các trường của các nước phát triển đầu tư liên kết đào tạo nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với Học viện.

Ba là, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng hoạt động của đội ngũ cán bộ khoa học. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Học viện nói riêng và đội ngũ cán bộ khoa học ngành Công an nói chung; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ khoa học đặc biệt là những người có tài năng phát huy tốt nhất năng lực, trí tuệ, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển của Học viện.

Học viện CSND là một trong những trường sớm có nghị quyết của Bộ Công an về: phát triển nguồn nhân lực, về phát triển giáo dục và đào tạo, về chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài,... Trong những năm qua, những chính sách này đã và đang đi vào cuộc sống, đã đạt được những kết quả nhất định, chất lượng giáo dục, đào tạo đã được nâng lên về chất lượng, số lượng và quy mô,... Đã đang góp phần tích cực vào thực hiện chiến lược giáo dục, đào tạo của đất nước, tạo nguồn đội ngũ trí thức, đội ngũ cán bộ khoa học cho sự nghiệp phát triển của Ngành công an nói riêng và đất nước nói chung. Song để đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển Học viện CSND trở thành trường trọng điểm của Ngành, của quốc gia, cần: Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những chính sách hiện có (những nội dung phù hợp, những nội dung chưa phù hợp, những nguyên nhân khách quan và chủ quan, chưa đủ mạnh, chưa hợp lý để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, tạo nguồn đào tạo cán bộ khoa học của Học viện, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, đồng thời sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học hiện tại được đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình được tôn vinh, như: xây dựng và ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách bảo hộ quyền sở hữu, chính sách đào tạo bồi dưỡng, thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học nói riêng, đặc biệt là trí thức trẻ, trí thức giỏi trình độ cao, nhân tài,... chính sách tập hợp trí thức khoa học yêu ngành, yêu nghề tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại; chính sách trọng dụng tôn vinh trí thức khoa học có thành tích đóng góp hiệu quả thiết thực vào sự nghiệp phát triển của Học viện. Khuyến khích cán bộ khoa học thường xuyên rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chính sách định kỳ đào tạo lại, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng kịp thời thực tiễn nhiệm vụ; xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức nhiều hội thảo, nhiều diễn đàn để khuyến khích, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khoa học tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các đề án, dự án, quy hoạch, chiến lược phát triển của Học viện,...

- Tiếp tục cụ thể hóa và thể chế hóa chính sách đầu tư khuyến khích và thúc đẩy nguồn nhân lực (ưu đãi về chế độ chính sách, chế độ giảng viên, trang thiết bị giảng đường,...). Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, Bộ Công an và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm, Học viện giành kinh phí từ ngân sách và sử dụng các nguồn khác để đưa cán bộ chuyên sâu đầu ngành ở các lĩnh vực trọng yếu đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước có nền khoa học tiên tiến. Huy động các nguồn vốn để phát triển nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực khoa học,... tiếp tục dà xét hoàn thiện chính sách phù hợp về đãi ngộ, tiền lương, tiền thưởng và các loại phụ cấp và chính sách thu hút nhân tài về Học viện làm việc lâu dài.

Bốn là, đề cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học nói riêng trong sự nghiệp phát triển của Học viện.

- Tăng cường sinh hoạt chính trị tư tưởng, thường xuyên thông tin kịp thời bằng nhiều hình thức khác nhau để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ khoa học nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đặc biệt là chiến lược của Học viện. Đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khoa học trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và lối sống, lòng yêu ngành, yêu nghề. Tạo điều kiện để cán bộ khoa học tự nguyện truyền bá và áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học vào thực tiễn. Vận động, phối hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học trong Ngành Công an. Tạo môi trường lành mạnh để phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tâm huyết với ngành nghề trực tiếp chăm lo và thực hiện đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kế cận.

- Tầng lớp trí thức nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học nói riêng phải ý thức được một cách sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình trước những nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong sự nghiệp phát triển trường trọng điểm của Học viện. Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, tư duy, năng động, sáng tạo, gắn hoạt động khoa học công nghệ, với thực tiễn công tác Công an.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và lãnh đạo các đơn vị đối với đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Học CSND thành trường trọng điểm của ngành và của quốc gia, cần có sự quan tâm lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các đơn vị. Thông qua các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách phù hợp từ khâu giáo dục đào tạo, thu hút, sử dụng và tạo môi trường thuận lợi để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển Học viện CSND trong tình hình mới. Theo đó, cần xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu của các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các cấp. Đồng thời, cần làm tốt công tác chính trị - tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ trong Học viện hiểu đúng, tôn trọng, tôn vinh tri thức khoa học, coi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của Học viện CSND và truyền thống lịch sử của Ngành Công an. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ cán bộ khoa học. Tạo môi trường lành mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện. Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, các đơn vị có trách nhiệm định kỳ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đội ngũ cán bộ khoa học về những vấn đề giáo dục đào tạo quan trọng của Học viện, của ngành, đất nước. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ cán bộ khoa học phát huy năng lực, trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện, giám định các đề án, dự án về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của Học viện CSND.

Trung tá, TS Trần Việt Hà

Phó trưởng Phòng Quản lý NCKH - Học viện CSND

Đại úy, ThS Hoàng Đình Dương

Phòng Tổ chức Cán bộ - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất